Hàng loạt các gói giải pháp được tung ra để giải cứu doanh nghiệp

Nhàđầutư
“Con sóng dữ” COVID-19 đang càn quét khắp các lĩnh vực của nền kinh tế và khiến doanh nghiệp điêu đứng. Giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức cần thiết, tuy nhiên “đúng và trúng” vẫn phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
ANH TRUNG
06, Tháng 03, 2020 | 12:15

Nhàđầutư
“Con sóng dữ” COVID-19 đang càn quét khắp các lĩnh vực của nền kinh tế và khiến doanh nghiệp điêu đứng. Giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức cần thiết, tuy nhiên “đúng và trúng” vẫn phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

doanh-nghiep-nho-va-vua

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là đối tượng chịu tác động lớn của dịch COVID-19

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại đăng ký nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nguồn vốn để tài trợ cho gói tín dụng ưu đãi sẽ được các ngân hàng thương mại tự cân đối và không sử dụng vốn ngân sách.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ dùng biện pháp giảm bớt chi phí của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất từ 0,5-1%. Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn Ngân sách, hiện nay các ngân hàng đều đăng ký tham gia tùy theo quy mô của mình.

Chung tay với các ngân hàng trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế cũng ngay lập tức có động thái. Mới đây, tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của nhóm ngân hàng thế giới đã tăng hạn mức tài trợ thương mại trị giá 300 triệu USD cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam. Đây được xem là một phản ứng nhanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trao đổi về động thái này, ông Kyle Lelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của IFC cho biết, cần phải có kịch bản tài chính rủi ro để có phương án dự phòng phù hợp. Chẳng hạn như 4 ngân hàng đối tác mà IFC vừa quyết định nâng hạn mức tài trợ, có thể họ chưa cần ngay đến gói tài trợ này nhưng đây có thể coi là nguồn vốn dự phòng.

Theo các tổ chức tài chính quốc tế, khó khăn cơ bản hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam và hộ kinh doanh là dòng tiền, khả năng thanh khoản và vốn lưu động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu tác động lớn, khó ứng phó kịp thời trước các rủi ro như dịch bệnh hiện nay. Trong khi đây lại là khối doanh nghiệp chiếm trên 98% ở Việt Nam, do vậy hỗ trợ và khôi phục sớm khu vực kinh tế này cần được ưu tiên.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam cho rằng, “cuộc khủng hoảng” lần này không bắt đầu từ sự mất cân đối của nền kinh tế, nên các giải pháp không cần quá cồng kềnh, mà phải bắt đầu từ việc giữ lòng tin, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, vì đây chính là cái nôi để duy trì động lực của nền kinh tế.

"Từ một ‘cuộc khủng hoảng’ nhỏ, chúng ta có cơ hội để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, đặc biệt là các thủ tục về hải quan, thuế", ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị.

“Có thể áp dụng các biện pháp tiền tệ như giảm lãi suất, nhưng cần chia ra nhiều giai đoạn và thực hiện ngay, chứ không phải đợi khủng hoảng qua rồi mới hỗ trợ. Cùng với đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việt Nam còn gần 20 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân, nếu thúc đẩy được, thì sẽ có thêm nguồn lực để ứng phó với khủng hoảng”, vị chuyên gia nói.

Bên cạnh các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, sự khó khăn của doanh nghiệp cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020, “thấu hiểu” là cụm từ đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dùng khi nói về khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh.

“Sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2020.

Cũng tại phiên họp, một dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình Chính phủ, với 9 nhóm giải pháp quan trọng.

Trong đó, giải pháp hàng đầu là cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19.

Việc xem xét, gia hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, một số khoản phí, lệ phí, thậm chí là không phạt chậm nộp thuế đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã được tính đến. Chuyện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp cho các đối tượng bị ảnh hưởng, rồi cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng đầu vào sản xuất do Nhà nước quản lý… cũng đã được đề xuất.

Các gói giải pháp đang dần được triển khai và đi vào cuộc sống. Trong đó, đẩy mạnh tín dụng trước bối cảnh khó khăn hiện nay cũng là giải pháp kích cầu kinh tế được nhiều quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, với Việt Nam, nên duy trì ở mức vừa phải do mức tăng trưởng tín dụng 13-14%/năm của Việt Nam đang là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Do vậy, việc giảm lãi suất cho vay cần có quy trình chặt chẽ để dòng tiền đi đúng vào khu vực sản xuất – kinh doanh, tránh bơm tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Mặt khác, hiện giá vàng đã tăng, nếu một lượng tiền lớn được bơm ra thị trường rất có thể sẽ khiến niềm tin của người dân vào tiền đồng bị lung lay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ