Hà Tĩnh - nguồn sáng niềm tin

Hà Tĩnh là một tỉnh đất không rộng, dân không đông với gần 1,5 triệu người. Nếu chỉ xét về dân số, diện tích, kinh tế, thì đây là một tỉnh nhỏ. Hà Tĩnh mới được đứng tư cách là một tỉnh riêng vào năm 1831 khi vua Minh Mạng chia đôi trấn Nghệ An, lấy sông Lam làm ranh giới.
NGUYỄN SĨ ĐẠI
13, Tháng 02, 2024 | 09:54

Hà Tĩnh là một tỉnh đất không rộng, dân không đông với gần 1,5 triệu người. Nếu chỉ xét về dân số, diện tích, kinh tế, thì đây là một tỉnh nhỏ. Hà Tĩnh mới được đứng tư cách là một tỉnh riêng vào năm 1831 khi vua Minh Mạng chia đôi trấn Nghệ An, lấy sông Lam làm ranh giới.

Untitled

 

Hà Tĩnh với bước đầu chuyển động ngoạn mục

Đó là năm tôi nhớ với rất nhiều kỷ niệm. Chính thức thì ngày 1/9/1991, các cơ quan Đảng, chính quyền Hà Tĩnh mới hoạt động độc lập, nhưng cuộc vận động để Trung ương nhất trí, Quốc hội ra nghị quyết về điều chỉnh địa giới đã diễn ra khi âm thầm, lúc sôi động, suốt mấy năm trời. Năm ấy, chia tỉnh còn có Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Cửu Long, Hậu Giang, Thuận Hải, Gia Lai Kon Tum, Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Hà Sơn Bình. Sự “hôn phối” cưỡng ép, thái độ tỉnh lớn bức tỉnh nhỏ, gây ra nhiều bất bình, đến nỗi có nơi chia tỉnh được xem là “một thắng lợi” lớn.

Nghệ Tĩnh vốn là vùng văn hóa thống nhất, có lịch sử gắn bó lâu đời nên đỡ hơn trong phân biệt đối xử. Tôi nhớ, ngày ấy chia theo tỉ lệ một/hai, từ cán bộ đến bàn ghế, tiền nong, Hà Tĩnh một, Nghệ An hai. Có nơi rất nghĩa tình, dành cho Hà Tĩnh những gì tốt nhất. Ai là người Hà Tĩnh, muốn ở Vinh, cũng được chấp nhận. Nhưng cũng có nơi, Hà Tĩnh được chia một nhưng là bàn hư, ghế xấu. Có người cực đoan, chia đôi cả câu hát, chỉ gọi là Dân ca ví dặm Nghệ An. Nhiều người ví 15 năm nhập tỉnh như 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Thị xã Hà Tĩnh nhiều năm không được đầu tư, càng ngày càng xuống cấp, nhà cây tre mái lá, không điện, không nước, hoang toàng cảnh “Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa/ Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời”.

Tôi không bao giờ quên được tình cảm, ý chí vô song của những cán bộ lớp đầu chia tỉnh như bác Thại, bác Lựu, bác Ban, bác Thể; các anh Đặng Duy Báu, Nguyễn Lương Dần, Nguyễn Văn Mạo, Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Tiến Tuẩn, Đào Tinh, Trần Thanh Bình, Trần Đình Đàn, Đinh Nho Liêm, Xuân Hoài, Nguyễn Quốc Tiến, Dương Hữu Giáo; các bạn Ngô Đức Huy, Hà Thạch, Nguyễn Thiện, Đặng Quốc Vinh… Đó là những người xây dựng nền tảng ban đầu cho một Hà Tĩnh mới trong khát vọng tự cường, những người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và giữ được sự sáng trong của người cách mạng, sự ấm áp của tình người.

Nền tảng đó được bồi đắp không ngừng, đến thế hệ trẻ lãnh đạo hôm nay, đã đưa Hà Tĩnh đến một bước phát triển đáng tự hào. Từ một tỉnh áp chót về kinh tế, Hà Tĩnh đã vươn lên tốp giữa. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2022 bình quân đầu người là 69,69 triệu đồng, xếp thứ 30 trong cả nước. Năm nay, dù dư âm của dịch bệnh, dù xung đột Nga – Ukraina, Israel – Hamas diễn ra gay gắt, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, Hà Tĩnh vẫn đạt mức tăng trưởng cao 8%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước. Có thể coi đó là một sự nỗ lực lớn trên cơ sở những quyết sách và giải pháp đúng đắn. Có thể nói là bước đầu ngoạn mục. Những tưởng “Thân em như hạc đầu đình/Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay”, nay mừng là đã tưng bừng chuyển động.

Làm thế nào cho Hà Tĩnh nổi bật lên trong thời kỳ tới?

Trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây hay cách mạng từ ngày có Đảng, Hà Tĩnh là một ngọn cờ đầu. Tinh thần, khí phách đó được thể hiện trong hai câu thơ đầy cảm khái của Đặng Dung: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma”. Tinh thần đó được thể hiện bằng Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bằng việc nhiều huyện của Hà Tĩnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước (16/8/1945); bằng quê hương của các Tổng Bí thư là Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn; bằng những địa chỉ đỏ như Ngã ba Đồng Lộc...

Danh nhân, hào kiệt người Hà Tĩnh đời nào cũng có. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông là những người tài tỏa bóng nhiều thời đại. Thời hiện đại, những Hoàng Xuân Hãn, Võ Liêm Sơn, Trần Trọng Kim, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Võ Quý,… là những con người tầm vóc quốc tế.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Cẩm Xuyên nói riêng, Hà Tĩnh nói chung, dẫn đầu cả nước về xóa mù chữ. Thư Bác Hồ ngày 15/11/1948 khen: “Thế là huyện Cẩm Xuyên đã tranh được cái vinh dự xung phong cho Hà Tĩnh và Liên khu IV trên mặt trận văn hóa bình dân”.

Ngày 15/5/1949, Bác Hồ điện gửi đồng bào Hà Tĩnh: “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong cả nước” và tặng Hà Tĩnh Huân chương Độc lập hạng Nhì, cao nhất lúc bấy giờ. Ngày 6/7/1966, tiếp đoàn cán bộ đi học làm lúa ở Thái Bình về, Bác hỏi: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên… Các đồng chí có làm được không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”. Bác căn dặn: “Dân còn nghèo, cán bộ còn khó khăn lắm nhưng đừng vì thế mà lo vun vén, mà tham ô, mà kèn cựa, mà chạy chọt”. Như vậy, mong mỏi thiết tha nhất của Bác là Hà Tĩnh phải nổi bật lên, trước hết là người cán bộ, người lãnh đạo. Không ai hơn Hà Tĩnh ở điểm này, vì con người Hà Tĩnh vốn đã có tố chất tốt. Đây là điểm mấu chốt. Làm tốt điều này thì không lo kinh tế, xã hội, văn hóa không lên. Thậm chí có những việc dân làm và làm tốt, không cần cán bộ, vì đã có truyền thống.

Bác Hồ nói điều này trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc về người Hà Tĩnh, từ tuổi ấu thơ, theo cha vào Hà Tĩnh, gặp người Hà Tĩnh ở triều đình Huế. Vì thế nên trên bước đường hoạt động, Bác Hồ đã chú trọng bồi dưỡng Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng và nhiều thanh, thiếu niên yêu nước khác. Cụ Võ Liêm Sơn, người Thiên Lộc, có bằng Cử nhân Hán học, Thành chung Tây học, từng làm Tri huyện Duy Xuyên, Giáo thụ Ninh Thuận, là thầy học đưa Võ Nguyên Giáp vào con đường cách mạng, được Bác Hồ mời làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, một con người long lanh trong thơ Bác: “Thờ dân tròn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/Cụ đến tôi mừng rỡ/Cụ đi tôi nhớ nhung”…

Tôi xin kể về hai vị cách mạng tiền bối người Hà Tĩnh khác. Đó là ông Trần Hữu Duyệt (1906-1986), người Nhượng Bạn. Năm 1927, ông là đảng viên Tân Việt tiền thân của Đảng, bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung. Ông cùng Ngô Đức Đệ (Trảo Nha), là những người sớm nhất gieo mầm cách mạng ở Tây Nguyên. Từng giữ nhiều chức vụ, như Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Tổng thư ký Mặt trận TQVN, sau trước vẫn giữ một lòng thanh sạch, lên xuống, được phân công việc gì cũng không nề hà, nêu tấm gương:

Cử nghĩa hùng tâm khinh đỉnh hoạch

Trì dân, bảo đức đối giang sơn

(Hùng tâm vì nghĩa không màng lợi

Lo dân, giữ đức, với giang sơn).

Người thứ hai là Lê Viết Lượng (1900-1985), người có câu thơ tôi chịu ảnh hưởng từ tuổi học trò: “Vì nghĩa búa liềm ra biểu tự/ Nên tình chăn gối phải hy sinh”. Lê Viết Lượng người Ích Hậu, Lộc Hà, cũng là đảng viên Tân Việt năm 1927, bị thực dân tuyên ba án chung thân. Ông được bố trí kết hôn với bà Phạm Thị Trang, con tri huyện, để dễ bề hoạt động. Lúc bị đi đày, ông viết bài thơ từ hôn tránh cho vợ khỏi liên lụy và tỏ rõ chí của mình: “Xa xôi ngàn dặm kiếp linh đinh/Xin mượn lời thơ gửi chút tình/Vì nghĩa búa liềm ra biểu tự/Nên tình chăn gối phải hy sinh/Bách niên đành chịu sai lời hứa/Tái giá xin đừng giữ chữ trinh/ân ái vẫn còn ghi chút đỉnh/Ra làm cách mạng cứu sinh linh”. Bà Trang là trang liệt nữ. Nhận thư chồng, bà họa lại nguyên vận: “Thương chàng ngàn dặm bước linh đinh/Nặng gánh bồng tang nhẹ gánh tình/Dù phải chông gai đành quyết tử/Để cho Tổ quốc được hồi sinh/Kìa chàng đã quyết lo tròn nghĩa/Đây thiếp rày xin giữ vẹn trinh/Nhi nữ phen này đà quyết chí/Thề cùng xã hội trước gươm linh”. Bà đã không tái giá, tham gia cách mạng từ đó, sau trở thành nữ tu, giữ tròn tiết nghĩa!

Năm 1946, ông Lượng làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, sau đó là Chủ tịch Liên Khu IV, Tổng Giám đốc Ngân hàng năm 1952 đến 1963. Ông có công xây dựng ngân hàng với tầm nhìn chiến lược, được tạc tượng đặt ở Học viện Ngân hàng.

Tôi lại nhớ tới ông Nguyễn Xuân Linh và ông Nguyễn Tiến Chương. Hai nhà lãnh đạo này không nhiều bằng cấp, không xuất chúng nhưng đức độ, gương mẫu, là trung tâm đoàn kết tập hợp xung quanh một đội ngũ sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn nên Hà Tĩnh đã đạt được những chiến tích thần kỳ trong kháng chiến chống Mỹ.

Làm thế nào để cho Hà Tĩnh nổi bật lên? Đó là yếu tố người đứng đầu. Trên báo Nhân Dân số 1, ngày 11/3/1951, đồng chí Trường Chinh đã viết về Bác Hồ, về vai trò cá nhân trong lịch sử như sau: “Chúng ta lập được thành tích cách mạng như ngày nay là nhờ biết bao đồng chí, biết bao chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng, biết bao đảng viên và quần chúng đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Ðảng đề ra. Song một phần quan trọng là nhờ công lao vĩ đại của Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Ðảng ta”.

Trong nước, Bình Dương, Vĩnh Phúc là những tỉnh như thế nào. Chỉ đồi núi bạc màu. Trên thế giới, Hàn Quốc là một nước như thế nào? Cũng bạc màu đồi núi. Nhưng những nơi ấy đã phát triển ra sao? Chúng ta đều biết, ở những nơi đó có những cá nhân biết làm nên lịch sử.

Nguồn sáng không chỉ ở phía chân trời. Nguồn sáng trong niềm tin khoa học và quyết tâm thực hiện lý tưởng của con người.

Tôi xin gửi tình yêu và hy vọng về quê hương Hà Tĩnh của tôi đặt vào thế hệ lãnh đạo mới biết noi theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ