Gói kích thích kinh tế vĩ mô lớn của Trung Quốc và những tác động tới Việt Nam
Với vai trò là đối tác chiến lược toàn diện và là đối tác lớn thứ hai của Trung Quốc trong khối ASEAN, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những tác động nhất định từ gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
1. Gói kích thích kinh tế vĩ mô của Trung Quốc
Năm 2023 là năm đánh dấu những bước phục hồi đầu tiên đối với nền kinh tế Trung Quốc sau 3 năm đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi này không có được sự ổn định qua từng quý. Theo đó, sau đại dịch, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nên chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc vào đầu năm 2023, nhưng ngay sau đó lại có chiều hướng đi ngang đến hết năm. Trong khi đó, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng năm 2023 đạt 47,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây.
Ngược lại với những điểm sáng về bán lẻ hay chỉ số tiêu dùng, nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 cũng cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại. Điển hình, mặc dù đã để lại đằng sau những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, nhưng đầu tư trong nước của Trung Quốc lại có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với thời kì đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đầu tư trong khối ngành bất động sản giảm 7,8% trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, sau khi đã giảm 8,4% vào năm 2022. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu, vốn được coi là nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc (Zhao, 2019), giờ lại chứng kiến sự sụt giảm trong 10 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là 5,6%, sau thời điểm có mức tăng nhẹ 11,1% vào năm 2022. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Quan trọng nhất, Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với thâm hụt tài chính - vốn cũng ngày càng gia tăng do sự lưu chuyển dòng vốn ra nước ngoài.
Do đó, mặc dù mức GDP của Trung Quốc đạt mức kỷ lục là 126.060 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2023 với mức tăng trưởng 5,2% vào quý IV/2023 so với cùng kỳ 2022, thì nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ cần phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các điểm yếu còn tồn đọng, hướng tới sự phát triển ổn định vào năm 2024. Trên thực tế, vào năm 2024, World Bank dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 4,8% so với năm 2023, trong khi con số này của Chính phủ Trung Quốc là “khoảng 5%”, thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế của năm 2023. Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF), mặc dù đã tăng mức dự báo từ 4,2% lên mức 4,6%, nhưng vẫn thấp hơn so với mức thực tế của năm 2023. Thậm chí, IMF còn cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ còn giảm sâu đến mức 3,5% vào năm 2028.
Lý giải cho sự giảm tốc độ tăng trưởng này, Phó Giám đốc điều hành của IMF, Gita Gopinath cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện với xu hướng già hóa dân số, dẫn đến giảm năng suất lao động. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn đang tiếp tục là gánh nặng cho các hộ gia đình tại quốc gia tỷ dân này. Giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong rất nhiều vòng xoáy tiêu cực, dẫn đến thị trường bất động sản suy thoái, đặc điểm nhân khẩu học bất lợi, dẫn đến niềm tin vào chính sách suy giảm, khiến cho sự tăng trưởng bị giảm tốc và giảm phát.
Đối mặt với những thách thức đó, việc triển khai các chính sách kích cầu vĩ mô là hành động vô cùng cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế. Trên thực tế, vào đầu năm 2024, Trung Quốc đã liên tục tung ra các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Ngay từ tháng 1/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại 50 điểm cơ bản, cũng như giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực đặc thù. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tính toán rằng hành động này có thể giải phóng khoảng 139 tỷ USD ra thị trường nhằm kích cầu cho nền kinh tế. Cuối tháng 9/2024, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lại tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính 0,5 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn cắt giảm mức lãi suất tham chiếu với mức lãi suất cơ bản một năm chỉ còn 3,1%/năm. Đây là lần cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản lần thứ ba trong năm 2024. Các quyết định này của Ngân hàng trung ương Trung Quốc nằm trong nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế dưới áp lực của các vòng xoáy tiêu cực. Theo đó, mục tiêu của loạt biện pháp được công bố vào ngày 24/9 này là để bơm 141,7 tỷ USD thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính với mục tiêu cứu trợ thị trường bất động sản và xa hơn là đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế 5% mà Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố.
Cụ thể hơn, chi tiết về gói kích thích này bao gồm:
- Lãi suất repo kỳ hạn bảy ngày sẽ được giảm xuống mốc 1,5% từ mốc 1,7%
- Dự trữ bắt buộc giảm 0,5 điểm phần trăm, dự tính giải phóng 141,7 tỷ USD thanh khoản
- Lãi suất cho vay trung hạn có thể giảm 0,3 điểm phần trăm trong thời gian tới
- Giảm tỷ lệ thanh toán ban đầu tối thiểu xuống còn 15% đối với người mua nhà thứ hai, từ mức 25%
- Có thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào cuối năm nay, tuy nhiên toàn bộ hoạt động cắt giảm này sẽ không được áp dụng cho ngân hàng nhỏ và ngân hàng nông thôn
- Lãi suất cho vay cơ bản và lãi suất tiền gửi sẽ được giảm từ 0,2 đến 0,25% trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024
- Ngân hàng trung ương sẽ chi trả 100% các khoản vay trong chương trình dành cho chính quyền địa phương để mua nhà chưa bán được bằng nguồn tài trợ giá rẻ. Con số này tăng 60% so với thông báo trước đó.
2. Tác động của gói kích thích tới nền kinh tế Việt Nam
Với việc chỉ mới thông báo các biện pháp kích thích kinh tế vào cuối tháng 9, nên việc ngay lập tức có ảnh hưởng sâu rộng lên thị trường quốc tế là điều rất khó có thể quan sát. Những mục tiêu ban đầu của các biện pháp này phần nào đã đạt được những tín hiệu khả quan và tích cực. Theo đó, cổ phiếu và trái phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tăng ngay sau khi có thông báo từ Ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, với dài hạn, tác động của chính sách kích thích kinh tế này vẫn còn cần phải đợi sự theo dõi từ thị trường. Bên cạnh đó, việc liên tục cung ứng thanh khoản ra thị trường có thể khiến cho Chính phủ Trung Quốc phải đối diện với áp lực về thâm hụt tài khóa và nợ công.
Đối với ảnh hưởng quốc tế, rõ ràng, với vị thế là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những hành động của Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến các đối tác thương mại và đầu tư của quốc gia này. Với vai trò là đối tác toàn diện và là đối tác lớn thứ hai của Trung Quốc trong khối ASEAN và lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thị trường thế giới, những hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam.
2.1. Tác động tích cực
Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc chủ động kích cầu bằng việc giải phóng một lượng lớn Nhân dân tệ vào thị trường có kỳ vọng sẽ gián tiếp tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi sau tác động của gói kích cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mong chờ nhận được các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành rẻ hơn so với 8 tháng đầu năm.
Theo đó, các nhóm hàng có tổng kim ngạch thương mại lớn với các Trung Quốc sẽ trực tiếp hưởng lợi từ thông báo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, bao gồm hàng thủy sản, cao su, gỗ và các sản phầm từ gỗ, xơ, sợi dệt các loại, và hàng dệt may. Bên cạnh đó, với việc tập trung hỗ trợ ngành bất động sản nên nhu cầu nhập khẩu vật liệu xây dựng của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng cao từ nay đến đầu năm 2025, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Tương tự, với các ngành sản xuất khác, khi nhu cầu nội địa tăng cao, khả năng sản xuất được phục hồi, thì ngành cao su (với sản xuất ô tô là khách hàng chủ lực), sẽ được kỳ vọng mang lại sự tăng trưởng cho tổng GDP Việt Nam vào thời điểm từ nay đến cuối năm.
Từ một góc nhìn khác, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán VP Bank lại nhận định rằng, hai nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là thép và nguyên liệu thô, trong khi nông sản sẽ được coi là ngành hàng được ảnh hưởng tích cực nhưng gián tiếp. Cụ thể, với ngành thép, việc nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là trong ngành bất động sản tăng lên sẽ khiến cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc không còn đẩy mạnh xuất khẩu tới các nước trong khu vực, từ đó doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh việc bị cạnh tranh cao dẫn tới ép giá. Ở chiều hướng ngược lại, khi nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu cho các doanh nghiệp tại quốc gia này, từ đó tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành. Lý giải tương tự cũng được các chuyên gia đưa ra với ngành nguyên liệu thô và nông, lâm, thủy hải sản.
Tóm lại, mặc dù có nhiều nhận định khác nhau, nhưng có thể thấy, việc Chính phủ Trung Quốc chủ trương kích cầu nội địa sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam giảm được cạnh tranh trong nước, ổn định giá bán, và tăng cường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mặc dù điều này đã xuất phát từ trước khi có gói kích thích kinh tế, nhưng việc gói kích thích kinh tế chính thức được công bố, cũng sẽ gián tiếp khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc dần chuyển dịch các nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Từ tháng 7/2022, một số doanh nghiệp điện tử Trung Quốc, điển hình là Etron, đã mở hàng loạt 3 nhà máy tại Hải Dương. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu đạt được 50% tổng số sản phẩm được sản xuất từ nhà máy Việt Nam. Tại Bắc Ninh, có tới 60 dự án trong tổng số 105 dự án FDI được cấp phép đến từ Trung Quốc. Việc chuyển dịch nhà máy này sẽ giúp cho người dân Việt Nam có thêm cơ hội, Việt Nam tăng nguồn thu công, và thậm chí là được nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh rất lớn lên các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, lý do cho việc chuyển dịch này không đến từ năng lực sản xuất đơn thuần, mà chủ yếu mang tính chiến lược phòng ngừa rủi ro chính trị ngày càng gia tăng và đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng phương Tây. Do đó, có thể khẳng định, việc tăng cường nhu cầu nội địa sẽ chưa khiến, hoặc không trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc phải chuyển dịch chuỗi sản xuất của mình sang Việt Nam.
2.2. Tác động tiêu cực
Song song với các tác động tích cực từ gói kích thích kinh tế, nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đề phòng trước các rủi ro tiềm ẩn.
Đầu tiên, nếu như gói kích thích đi đúng hướng, tức giải quyết được vấn đề tiêu dùng của người dân, từ đó sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi khả năng sản xuất. Điều này có thể gây ra sự cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đặc biệt là mặt hành tiêu dùng, khi mà Trung Quốc luôn là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 11,57 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng tới 34,53% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này làm dấy lên sự lo lắng về việc doanh nghiệp Việt Nam thậm chí sẽ mất vị thế cạnh tranh ngay trên sân nhà. Trên thực tế, ngay từ khi chưa có những gói kích thích kinh tế, hàng hóa tiêu dùng Việt Nam đã không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc về mặt giá thành do yếu tố quy mô sản xuất. Không những thế, với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực, không chỉ Việt Nam, mà còn tại một số thị trường như Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp khó khi cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc khi năng lực sản xuất của họ đã được hồi phục.
Như đã đề cập ở trên, mặc dù không phải là nhân tố tác động trực tiếp, nhưng việc doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt chuyển dịch nhà máy và các cơ sở khác sang Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu sang nước thứ ba sẽ khiến cho sản xuất công nghiệp ở Việt Nam bị chịu sức ép lớn. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam chủ yếu vẫn chưa thể cạnh tranh được về công nghệ sản xuất với các tập đoàn của Trung Quốc, cũng như tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu như đối thủ từ đất nước tỷ dân. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua xuất khẩu sang các thị trường phương Tây với các mặt hàng đến từ nhà máy sản xuất của Trung Quốc được đặt tại quốc gia mình. Hơn thế nữa, nếu doanh nghiệp Trung Quốc chủ động đưa sang Việt Nam các công nghệ lạc hậu, nhân công có trình độ thấp, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ vừa không nhận được sự chuyển giao công nghệ hiện đại, vừa mất đi thị trường xuất khẩu ở châu Âu với thuế suất thấp do sự hiệu lực của 16 Hiệp định thương mại tự do.
Cuối cùng, gói kích thích này cũng sẽ làm dấy lên lo ngại về áp lực lên giá vàng trong nước. Khi Trung Quốc đưa ra gói kích thích tiền tệ, nhu cầu mua vàng của người dân Trung Quốc sẽ càng tăng cao, dẫn đến gây sức ép tăng giá lên giá vàng. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo tình trạng giá vàng tại Việt Nam tăng cao. Với việc giá vàng tại Việt Nam thường có khoảng cách so với giá vàng thế giới, áp lực đối với Việt Nam trong việc bình ổn giá vàng sẽ càng lớn trong thời điểm từ nay đến hết Tết nguyên đán.
3. Đề xuất chính sách với Việt Nam
Tổng kết lại, việc đưa ra các chính sách nhằm kích cầu nên kinh tế sẽ mang đến cả tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, chính sách này sẽ mở rộng khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, giúp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu với giá thành rẻ, cũng như giảm được sự cạnh tranh ở một số ngành nghề. Tuy nhiên, tại một số ngành nghề khác, ví dụ như hàng tiêu dùng và công nghệ cao, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, cả ở thị trường quốc tế lẫn thị trường trong nước. Do đó, bài viết sẽ đề xuất một số kiến nghị cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực.
3.1. Kiến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam
Trước tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, quy trình sản xuất cần chú trọng khả năng khép kín nhằm tận dụng được công nghệ sẵn có và tránh phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất cũng cần nhanh chóng cải tiến nhằm bắt kịp các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là FDI Trung Quốc tại Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, các đối tác tại nước thứ ba cũng như với chính các bạn hàng tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào trong quá trình hoàn thiện công nghệ sản xuất. Hơn thế nữa, điều này cũng giúp cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu, từ đó có vị thế cạnh tranh hơn trên bàn đàm phán.
Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, đi tắt đón đầu nhằm bắt kịp công nghệ với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất mà còn giúp cho doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
3.2. Kiến nghị chính sách đối với cơ quan quản lý
Thứ nhất, việc doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc đặt ra thách thức cho Việt Nam cần xem xét điều chỉnh các chính sách thương mại, bao gồm các biện pháp như tăng cường hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa nội địa. Bên cạnh đó, việc xét duyệt các dự án FDI cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhằm tránh doanh nghiệp Việt Nam bị bỏ lại ngay trên sân chơi nội địa. Hơn thế nữa, Chính phủ cũng cần đưa ra các biện pháp phù hợp, ví dụ như các chương trình xúc tiến thương mại để khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế.
Thứ ba, việc duy trì môi trường kinh doanh ổn định là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Cải thiện môi trường đầu tư sẽ giúp thu hút các dòng vốn nước ngoài và giúp cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, cần nhanh chóng có những biện pháp ổn định giá vàng trong nước. Trên thực tế, với điều kiện hiện tại, việc hạ giá vàng là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách giá vàng bằng việc bán vàng và cải thiện khung pháp lý cho việc nhập khẩu vàng. Trên thực tế, cho đến nay, biện pháp bán vàng đã được chứng minh có hiệu quả vào thời điểm tháng 6/2024. Tuy nhiên, cần nhanh chóng và quyết liệt hoàn thiện khung pháp lý nhằm tránh việc giá vàng leo thang trong thời điểm từ nay đến giữa năm 2025.
Cuối cùng, mặc dù không có tác động trực tiếp đến Việt Nam, nhưng như đã phân tích ở trên, nguyên do cho việc Chính phủ Trung Quốc phải sử dụng gói kích thích kinh tế phần nhiều là do thị trường bất động sản tại quốc gia này. Giá nhà Trung Quốc, cũng giống như thị trường thứ cấp hiện nay ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đang lên quá cao. Dần dà, sẽ tồn tại sự chênh lệch giữa giá nhà và sự phát triền của nền kinh tế. Do đó, dù chưa có dấu hiệu khủng hoảng và đóng băng như thị trường bất động sản tại Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng cần đưa ra các biện pháp chủ động và phù hợp nhằm ổn định thị trường này.
- Cùng chuyên mục
Bán một phần dự án 23 Lê Duẩn, Techcombank lãi 473 tỷ đồng
BCTC quý IV/2024 của Techcombank cho thấy ngân hàng này lãi gần 473 tỷ đồng từ giao dịch bán một phần dự án số 23 Lê Duẩn (tổng diện tích sàn chuyển nhượng 5.776m2) cho The Sherpa, công ty con của Masan.
Tài chính - 25/01/2025 10:13
Doanh thu của Vingroup vượt 7,6 tỷ USD
Tính cả năm 2024, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 192.159 tỷ đồng (khoảng 7,6 tỷ USD), tăng 19% so với năm trước và cũng là mốc doanh thu cao nhất lịch sử.
Tài chính - 25/01/2025 10:10
Vì sao công ty quản lý quỹ của nhà chủ VNDirect bị phạt 260 triệu đồng?
IPAAM – công ty liên quan đến nhà chủ VNDirect, đã bị UBCKNN xử phạt 260 triệu đồng do một số sai phạm.
Tài chính - 25/01/2025 07:00
Cổ đông không đồng ý, thương vụ KIDO bán KIDO Foods sẽ ra sao?
Cổ đông Tập đoàn KIDO đã thông qua việc không đồng ý giao dịch bán hơn 24% vốn KIDO Foods, không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Celano, Merino và KIDO.
Tài chính - 24/01/2025 15:30
FPT Retail báo lãi 527 tỷ đồng, cổ phiếu liên tục phá đỉnh
FPT Retail công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 527 tỷ đồng, gần sát mức kỷ lục thiết lập 2021. Cổ phiếu FRT phá đỉnh lên vùng 200.000 đồng/cp.
Tài chính - 24/01/2025 11:41
Đạt Phương báo lãi hơn 303 tỷ đồng, tăng 7,3%
Kết thúc năm 2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 303 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tài chính - 24/01/2025 11:14
YeaH1 báo lãi đột biến quý IV
YeaH1 cán mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng trong năm 2024 nhờ các chương trình, sự kiện giải trí ăn khách. Lợi nhuận tăng cao nhờ hoạt động thoái vốn công ty con.
Tài chính - 24/01/2025 08:38
VNDirect bị xử phạt 651 triệu đồng tiền thuế
VNDirect cho biết đã nộp đủ số tiền nêu trên vào ngân sách nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ vào cùng ngày.
Tài chính - 23/01/2025 18:39
VN-Index tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết
Lực mua dâng cao trong phiên 23/1 giúp VN-Index bứt phá mạnh, kết phiên chỉ số này tăng 17,1 điểm (+1,38%), lên 1.259,63 điểm.
Tài chính - 23/01/2025 15:54
Lãnh đạo bị bắt vì đánh bạc, Phú Tài trấn an cổ đông
Phú Tài cho biết ông Đỗ Xuân Lập không tham gia điều hành doanh nghiệp nên không làm ảnh hưởng đến công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại công ty.
Tài chính - 23/01/2025 09:19
Biên lợi nhuận gộp PNJ đạt mức cao nhất trong 5 năm
Doanh thu quý IV giảm nhưng lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp PNJ quý IV đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm với 20,9%.
Tài chính - 23/01/2025 07:00
Nhìn lại 2 năm tái cấu trúc của Novaland
Sau 2 năm tái cấu trúc, người đứng đầu Novaland - ông Bùi Thành Nhơn cho biết mục tiêu quan trọng là giải quyết dứt điểm công nợ, thực hiện đầy đủ cam kết với khách hàng.
Tài chính - 22/01/2025 16:32
Dư nợ margin quý IV tăng mạnh, vì sao thanh khoản 'mất hút'?
Top 10 công ty chứng khoán đứng đầu thị phần sàn HoSE đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với dư nợ cho vay ký quỹ (margin) hầu hết đều tăng mạnh.
Tài chính - 22/01/2025 13:08
Chứng khoán lình xình kéo dài, nhà đầu tư kiên nhẫn sẽ có ‘quà’?
Chứng khoán ghi nhận phục hồi trong nửa cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12, sau đó quay lại trạng thái lình xình. Diễn biến này thử thách lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư.
Tài chính - 22/01/2025 09:09
BAOVIET Bank 2024: Tăng trưởng ổn định, đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024, ghi nhận sự phát triển ổn định và chiến lược kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.
Ngân hàng - 21/01/2025 18:01
VPBankS báo lợi nhuận quý IV cao thứ 2 lịch sử hoạt động
Lãi trước thuế VPBankS trong quý IV/2024 đạt hơn 379 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Đây là mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty.
Tài chính - 21/01/2025 16:58
- Đọc nhiều
Đáng đọc
- Đáng đọc
Phó Đức Nam - Mr.Pips, đằng sau sự hào nhoáng xa hoa tuổi 30
Pháp luật - Update 1 month ago
Doanh nhân Chu Lập Cơ - Từ đỉnh cao đến vực sâu
Pháp luật - Update 1 month ago
Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ
Thị trường - Update 2 month ago