Giải bài toán nghịch lý 'thừa tiền thiếu vốn'

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, 3 yếu tố nền tảng cần được chú trọng trong năm 2024 là Luật Đất đai, thị trường tài chính và đầu tư công. Đả thông được các “tử huyệt” này, lập tức hệ “kinh mạch” sẽ thông, mạch máu của nền kinh tế chảy, cơ thể phục hồi.
N.THOAN
11, Tháng 02, 2024 | 07:00

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, 3 yếu tố nền tảng cần được chú trọng trong năm 2024 là Luật Đất đai, thị trường tài chính và đầu tư công. Đả thông được các “tử huyệt” này, lập tức hệ “kinh mạch” sẽ thông, mạch máu của nền kinh tế chảy, cơ thể phục hồi.

Năm 2024, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thế giới thậm chí còn đối mặt với nhiều bất định hơn cả năm 2022-2023. Để đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra, bài toán lớn cần được tìm ra lời giải là nghịch lý “thừa tiền thiếu vốn” trong nền kinh tế. Để có một góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí Nhà đầu tư đã có phần trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

tran-dinh-thien-2023

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2023 đã có khoảng 1,5 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng, lãi suất cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Điều này cho thấy diễn biến tích cực của thị trường tiền tệ, theo ông thời điểm hiện tại có còn tồn tại nghịch lý “thừa tiền thiếu vốn”?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tăng trưởng tín dụng (13,7%) gần đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm, lãi suất cho vay giảm là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, về thực chất, cơ bản mới là lãi suất cho vay mới được giảm; các khoản vay cũ vẫn chịu lãi suất cao. Các món vay này khối lượng lớn lắm, chưa biết bao giờ doanh nghiệp mới trả hết được.

Đồng thời, phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài, ngang với đa số các nền kinh tế khác, đủ để người dân, doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong suốt quá trình phát triển, chứ không phải choc ho năm 2024. Doanh nghiệp Việt Nam chịu lãi suất quá cao so với các doanh nghiệp – đối thủ cạnh tranh trên thế giới và trong khu vực, kéo dài trong suốt nhiều năm trời. Giờ là lúc chúng ta phải nỗ lực đặt họ trong thế cạnh tranh công bằng, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục khó lớn, không lớn và thất bại trong cạnh tranh. Có thể nói, năm 2023, chúng ta đã đạt tới điểm "cùng tắc biến, biến tắc thông" để giải quyết vấn đề lãi suất.

Tuy nhiên, nói về nghịch lý "thừa tiền, thiếu vốn", không đơn giản chỉ để cập đến tăng trưởng tín dụng, hay số lượng tiền bơm ra nền kinh tế. Chúng ta đã nỗ lực bơm lượng lớn tiền ra nền kinh tế, trong đó, có một kênh rất mạnh là "đầu tư công". Nhưng "tiền" không phải, chưa phải là "vốn" đúng nghĩa. Lượng tiền mới chỉ thể hiện "năng lực chuyển hóa thành vốn" hay "là vốn tiềm năng". Để thực sự biến tiền thành "vốn" lại là một câu chuyện khác. Ông K. Mác gọi đó là quá trình chuyển hóa "nhộng" thành "bướm", lột xác khó khăn và đầy rủi ro.

Chính phủ có đầy tiền được gọi là "vốn đầu tư công" nhưng nằm trong kho bạc, không giải ngân được, tức là không thể đẩy ra nền kinh tế cho chúng thành "vốn", đành "gửi" trong ngân hàng. Doanh nghiệp được "giải ngân" nhưng chưa dùng được, đành gửi "vốn – tiền" vào ngân hàng, kiếm tý "lãi", đỡ lãng phí. “Nhộng” vẫn không thể hóa thành "bướm", cực kỳ rủi ro.

Đến lượt vốn trong ngân hàng cũng tắc nghẽn, buộc phải giải tỏa nhờ chiêu thức hạ lãi suất xuống thật thấp. Nhưng quá nhiều doanh nghiệp "kiệt sức", không đủ năng lực hấp thụ vốn, hoặc không đủ tiêu chuẩn "an toàn" để có thể được ngân hàng cho vay. Vốn đọng lại trong ngân hàng trong khi lượng tiền chảy vào ngân hàng vẫn đạt kỷ lục.

Đó là nghịch lý "thừa tiền, thiếu vốn", thiếu đến mức "đói vốn, khát vốn", thậm chí "khô máu". Đó là nghịch lý thừa năng lực vốn nhưng vẫn thiếu vốn vận hành, dẫn tới doanh nghiệp kiệt sức. Doanh nghiệp đói vốn, nền kinh tế "tắc mạch", ngân hàng sợ rủi ro không dám cho vay, làm vòng xoáy "thừa tiền thiếu vốn" càng thêm trầm trọng.

Vậy theo ông, làm sao để có thể giải được bài toán thừa tiền thiếu vốn trong năm 2024?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Để thay đổi tình trạng này, không đơn thuần chỉ lo "bơm" tiền ra nền kinh tế theo cách lâu nay vẫn làm. Có mấy điểm mấu chốt phải xử lý.

Thứ nhất là Luật Đất đai phải thay đổi nhanh, theo hướng thừa nhận và tôn trọng quyền tài sản thực chất – tức là đúng nghĩa thị trường - đối với đất giá đất; giá đất phải vận hành và hoạt động theo nguyên tắc "giá thị trường", không thể theo cách "giá đầu cơ" như hiện nay.

Chỉ khi coi giá đất là giá vốn thì thị trường nguồn lực quan trọng bậc nhất này mới vận hành bình thường được, giảm rủi ro và tăng động lực cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, nỗ lực tái cơ cấu, phát triển hệ thống thị trường tài chính, thị trường vốn cân đối, lành mạnh, bảo đảm sự thông suốt. Hiện nay, chúng ta dựa quá nhiều vào hoạt động cho vay ngắn hạn, dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng, các thị trường vốn khó phát triển. Rủi ro cao dẫn tới lãi suất cao. Như vậy, cần phải ưu tiên tái cấu trúc thị trường vốn, đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu vận hành tốt.

Một bên sửa Luật Đất đai đúng hướng thị trường, một bên phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu "hài hòa" với thị trường tín dụng, nền kinh tế sẽ có nền tảng tăng trưởng bền vững.

Thứ ba là đầu tư công. Đây là nguồn vốn rất lớn, giải quyết những vấn đề cơ bản của quá trình tăng trưởng, có thể tạo những công trình có giá trị "xoay chuyển tình thế". Nhìn vào thực trạng phát triển của Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam (Đông Nam bộ) thời gian qua, có thể thấy đầu tư công đóng vai trò sống còn thế nào. Đầu tư tư tốt nhưng đầu tư công không được chú trọng dẫn tới tốc độ tăng trưởng và vị thế của cả Vùng Trọng điểm giảm liên tục.

Nói khái quát, nếu lượng lớn tiền vẫn trong kho bạc, nếu không có hướng đi đột phá, tinh thần kiến tạo, khó có thể tạo cơ hội hỗ trợ tăng trưởng.

Trên đây là 3 yếu tố nền tảng. Đả thông được các "tử huyệt" trên, lập tức "hệ kinh mạch" thông, mạch máu của nền kinh tế chảy, cơ thể phục hồi. Khi khu vực nội địa trỗi dậy được sẽ phối hợp tốt hơn với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cả 2 khu vực cùng đi lên, giúp cho nền kinh tế vững như kiềng 3 chân.

Năm 2023, dù các yếu tố cân đối vĩ mô được đảm bảo, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, tình hình của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thể hiện qua con số 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Ông đánh giá thế nào về tình hình doanh nghiệp hiện nay?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Một yếu tố mấu chốt của phát triển là doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn yếu. Có thể nói đây là tình trạng nguy hiểm, vì sức khỏe doanh nghiệp là vấn đề sống còn của một quốc gia, của nền kinh tế thị trường. Phải đặc biệt coi trọng sức khỏe của lực lượng doanh nghiệp, nhất là lúc nó đang suy yếu thế này. Cần tập trung ưu tiên thể chế, chính sách để vực doanh nghiệp Việt dậy, tạo điều kiện và cơ hội để chúng lớn lên.

Hiện nay, số doanh nghiệp lớn của Việt Nam và có thể vươn ra thế giới là rất ít. Chúng ta vẫn bị hút nguồn lực vào đầu cơ, buộc doanh nghiệp có vốn cũng phải đi đầu cơ. Theo đó, cần phải thay đổi cấu trúc phân bổ nguồn lực. Hệ thống khuyến khích phải thay đổi theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, giảm bớt phần đầu cơ. Cần hướng tới hỗ trợ bứt phá, cùng với đất nước tham gia cuộc đua tranh với thế giới như: Vinfast, FPT, Viettel... đang làm. Đó là ý thức về trách nhiệm với đất nước, hướng tới sự lớn mạnh quốc gia, dân tộc. Doanh nghiệp nào hướng tới mục tiêu lớn đó cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thay vì nghi hoặc, phê phán.

Về cơ bản cấu trúc thị trường tài chính vẫn là nút thắt chính, cùng với đó là các vấn đề về giải ngân đầu tư công, cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Kỳ vọng rằng, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế năm 2024 sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Chính phủ đã nhấn mạnh chế độ trách nhiệm cá nhân, nguyên tắc tự chịu trách nhiệm - mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người. Điều này là cần thiết, để cá nhân chủ động nhiều hơn thì mới thúc đẩy tinh thần phải làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có thể thấy chúng ta đã có những bước tiến nhưng thay đổi là vô cùng khó khăn. Quyết tâm đổi mới thực sự phải từ trên xuống dưới, không thể để tình trạng đi xin đổi mới nhưng chính sách chưa kịp đổi mới, bức bách phải làm nhưng sau này lại bị xử lý, quy trách nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ