Giải bài toán khan hiếm cát sông cho Đồng bằng sông Cửu Long

Nhàđầutư
Khan hiếm cát sông đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự báo nguồn cát sông tại khu vực này nếu bị tận dụng khai thác sẽ cạn kiệt trong vòng chỉ 10 năm nữa.
THIÊN KỲ
24, Tháng 11, 2023 | 14:03

Nhàđầutư
Khan hiếm cát sông đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự báo nguồn cát sông tại khu vực này nếu bị tận dụng khai thác sẽ cạn kiệt trong vòng chỉ 10 năm nữa.

z4910863686779_555f8515063dd98d569822666acb4a66

Nguồn cát sông có nguy cơ bị xóa sổ trong hơn 1 thập kỷ nữa. Ảnh: Kim Ngọc 

Dự án chậm tiến độ do thiếu cát

Phát biểu tại tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cát sông?", do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức ở TP. Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện địa phương này đang được Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc trên địa bàn là đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 thành phần 2 đi qua địa bàn TP. Cần Thơ.

Sau hơn 11 tháng khởi công, sản lượng thi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) chỉ đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng và đang chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.

Theo đó lượng cát của đường cao tốc Bắc-Nam khoảng là 6 triệu m3, còn đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng trên 5 triệu m3 cát. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh. 

"Nhu cầu san lấp cát rất lớn nhưng cụ thể là 2 đường cao tốc trên địa bàn thành phố, tiếp theo Khu công nghiệp đang giai đoạn 1 với 300 ha và giai đoạn 2 khoảng 600 ha nữa và hiện nay có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký làm ở khu công nghiệp và khoảng 1.600 ha tiếp theo. Như vậy các công trình mới khoảng 2.500 ha với lượng cát rất lớn", ông Hiển nói.

Đại diện chính quyền TP. Cần Thơ thông tin thêm, dù lượng cát TP. Cần Thơ đang cần là rất lớn, nhưng Cần Thơ với vị trí nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông nên qua nghiên cứu đánh giá, lượng cát trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu m3. Đáng nói, chất lượng cát hạt rất nhỏ và lẫn bùn nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của TP. Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.

Thực tế Cần Thơ cũng đã nhận hỗ trợ cát từ các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang. Tuy nhiên, dù là địa phương có ưu thế khi có các mỏ cát sông đảm bảo chất lượng để thi công nhưng Đồng Tháp cũng đang gặp khó vì thiếu cát bởi vừa gánh dự án trên địa bàn vừa hỗ trợ cát cho các dự án trọng điểm lân cận. 

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo, trữ lượng cát ngày càng ít trong khi cát tái tạo gần như rất ít, dẫn đến chất lượng cát không còn được như trước. Điều này cũng khiến giá thành san lấp của các dự án bị đội lên so với tính toán ban đầu. Các mỏ trước đây đào lên là cát nhưng giờ đây là bùn. Lớp mặt bùn rất dày. Nhà thầu mua được 1m3 cát phải trả tiền cho gần 2m3. Khan hiếm cát ngoài việc dẫn đến giá cát tăng còn khiến thời gian các sà lan chờ tàu để lấy cát kéo dài hơn, chi phí vận chuyển tăng lên.

Mặt khác, cát ở lòng sông Hậu là tài nguyên khoáng sản hữu hạn. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) năm 2023 đánh giá, nếu tiếp tục thực hiện khai thác với trữ lượng như hiện tại thì lượng cát ở đây chỉ còn tồn tại khoảng một thập kỷ.

Lời giải cho bài toán thiếu cát sông?

Theo PGS-TS. Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết tới nay, Bộ Xây dựng chưa đưa ra được tiêu chí mới cho vật liệu thay thế nguồn cát sông. Qua thời gian nghiên cứu, PGS-TS Lê Anh Tuấn đưa ra 5 giải pháp cho các vật liệu thay thế cát sông:

Thứ nhất, xay đá thành cát. Tuy nhiên chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ cộng trình.

Thứ 2, nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, ví dụ có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt; hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát.

Thứ 3, phát triển giao thông đường thuỷ, giảm bớt việc xây dựng đường hoặc lưu lượng sử dụng đường thì cũng là cách giảm bớt phụ thuộc cát.

Thứ 4, ở Đại học Cần Thơ đã áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy nhiên, sử dụng tro xỉ cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Thứ 5, có thể nhập cát ở nơi khác. Nhiều nước đã làm như Singgapore đã áp dụng. Phương án này có tốn kém hơn nhưng chúng ta không phải lo chi phí khác như: chi phí khắc phục môi trường, khắc phục sạt lở, công trình sạt lở…

Trước những khó khăn mà địa phương đầu tàu vùng ĐBSCL đang gặp phải, ông Dương Tấn Hiển cho biết TP. Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông. Nhưng việc này phải qua nghiên cứu sâu trong thời gian dài để làm sao sử dụng cát mà không ảnh hưởng tới môi trường.

"Giải pháp trước mắt là nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Nhưng về lâu dài, chúng tôi đưa ra giải pháp sau: TP. Cần Thơ đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết số số 45 về cơ chế chính sách đặc thù trong đó có một dự án là nạo vét luồng Định An - Cần Thơ. Theo đó, chúng tôi sẽ nạo vét sâu và sẽ có lượng cát rất lớn sử dụng cho các công trình phù hợp. Ngoài ra, trong quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 có quy hoạch các hồ điều hòa. Với diện tích các hồ lớn, chúng tôi có thể sử dụng phần đất đào lên để đắp vào các công trình có tính chất san lấp", ông Hiển nhấn mạnh.

Ngoài giải quyết nội tại TP. Cần Thơ cũng nghiên cứu sử dụng giải pháp về mặt kỹ thuật của các quốc gia tiên tiến, đơn cử là Hà Lan. Cụ thể đối với các khu công nghiệp, TP. Cần Thơ sẽ mời các nhà đầu tư tới, ứng dụng việc khép kín theo mô hình của Hà Lan.

"Trước hết, chúng tôi bao khu này lại làm đê bao kín như hiện tại thành phố đang làm chống ngập tại khu vực Ninh Kiều. Dù chưa làm xong nhưng chúng tôi đã thử nghiệm và không thấy ngập nữa. Tương tự, chúng tôi đưa giải pháp ở đây là không cần đắp đất cao mà có thể đắp độ thấp hơn và dùng giải pháp kỹ thuật bao quanh nó, giữ cho không ngập ở khu này", lãnh đạo chính quyền TP. Cần Thơ nói thêm về giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giảm bớt việc sử dụng cát sông cho các dự án tại địa phương.

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện… để tiết kiệm cát sông. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái cũng như tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường đối với các vật liệu này.

Theo báo cáo từ WWF lượng cát từ thượng nguồn sông Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền và sông Hậu ước tính từ 2 đến 4 triệu m3/năm. Lượng cát đổ ra Biển Đông là từ 0 đến 0,6 triệu m3/năm. Trong khi đó, lượng cát khai thác hàng năm ở ĐBSCL trong giai đoạn 2017-2022 là từ 35 đến 55 triệu m3.

Cũng theo báo cáo, tổng trữ lượng cát đáy sông hiện tại ở ĐBSCL là từ 367 đến 550 triệu m3. Lượng cát này được tích luỹ qua hàng trăm năm, giúp duy trì tính ổn định cho hình thái sông. Nhóm nghiên cứu dự báo, nếu khai thác hết trữ lượng cát nói trên, đáy sông sẽ sâu thêm từ 0,5 đến 1m. Hệ quả là tình trạng sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn.

Nếu tăng 5% tốc độ khai thác so với hiện tại thì nguồn cát còn lại ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong chưa đầy 10 năm tới. Nếu giảm 5% tốc độ khai thác hiện tại thì nguồn cát ở khu vực này có thể duy trì được tới năm 2040. Trong khi đó, nếu duy trì mức độ khai thác như hiện tại thì lượng cát cũng chỉ đủ để khai thác đến trước năm 2035.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ