Thiếu cát trầm trọng, nhiều dự án tại Tiền Giang, Đồng Tháp chậm tiến độ

Nhàđầutư
Ngoài các dự án cao tốc trọng điểm như Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu... được Chính phủ ưu tiên nguồn cát xây dựng thì nhiều dự án khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chậm tiến độ do nguồn cung cát bị thiếu trầm trọng.
THIÊN KỲ
18, Tháng 09, 2023 | 15:50

Nhàđầutư
Ngoài các dự án cao tốc trọng điểm như Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu... được Chính phủ ưu tiên nguồn cát xây dựng thì nhiều dự án khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chậm tiến độ do nguồn cung cát bị thiếu trầm trọng.

377486993_676958817700541_1901689897473728102_n

Đồng Tháp, Tiền Giang đang thiếu nguồn cát phục vụ cho xây dựng. Ảnh: Thiên Kỳ

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh (kể cả phục vụ cho công trình sử dụng vốn đầu tư công) khoảng 19,9 triệu m3. Ngoài ra, Đồng Tháp còn phải cung ứng khối lượng lớn cát cho nhiều công trình xây dựng đường cao tốc trọng điểm.

Hiện nay, trong bối cảnh cát đang khan hiếm, cầu vượt cung nên việc cung ứng cát cho những công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.

Theo ông Lương Hồng Căn, Chỉ huy trưởng Công trình xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền đang triển khai thực hiện với chiều dài 2.200m, tổng mức đầu tư hơn 399 tỷ đồng (đoạn thuộc xã Tân Mỹ), nguồn cung cấp vật tư, chủ yếu là cát gặp khó khăn nên công trình bị chậm tiến độ so với kế hoạch công ty đề ra.

"Công trình đã đạt hơn 80% giá trị sản lượng, khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng gặp khó khăn vì nước lũ sắp về, gây ảnh hưởng quá trình thi công phần dưới nước; nguồn vật liệu cát cung ứng chậm. Trước tình hình này, để đảm bảo tiến độ thi công, ngoài nguồn cát được chủ đầu tư cung cấp, đơn vị thi công còn phải mua thêm nguồn cát bên ngoài", ông Căn cho biết.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Ngọt cho biết, năm 2023, tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp cho công trình đầu tư công theo đề nghị của địa phương và của chủ đầu tư là khoảng 7,676 triệu m3. Nhu cầu của các công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận ưu tiên cung ứng cát khoảng 4,183 triệu m3, nhu cầu của các công trình không nằm trong nhóm ưu tiên khoảng 3,493 triệu m3.

"Số cát này cung ứng cho công trình đầu tư công xây dựng trên địa bàn tỉnh được khoảng 635.843 m3, đạt khoảng 37,5% khối lượng được phân bổ và đạt khoảng 8,28% so với tổng nhu cầu của năm 2023 (khoảng 7,676 triệu m3); khối lượng cát còn lại được cung ứng cho công trình xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", vị này thông tin thêm.

Chia sẻ với phóng viên Nhadautu.vn, ông Võ Vĩ Khang, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Đồng Tháp cho biết, hiện nay tỉnh Tiền Giang không cho khai thác cát và cát tỉnh lân cận vẫn cho khai thác nhưng chỉ bán cho công trình nhà nước.

"Cát tại Tiền Giang không còn được khai thác, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp thiếu cát nên không bán ra. Chúng tôi đành mua cát từ Campuchia về để phục vụ quá trình kinh doanh. Trung bình cát nhập từ nước này về bán ra với giá 400.000 đồng/m3", ông Khang nói.

Theo đại diện một nhà thầu thi công gói thầu cầu Chợ Gạo (thuộc Dự án Đường tỉnh 864) tỉnh Tiền Giang cho biết nguồn cát đang là câu chuyện chung của các công trình xây dựng. Ước tính công trình cần khoảng vài chục ngàn m3 cát để thực hiện. Thời gian qua, do nguồn cát khan hiếm, nên hầu hết cát mà đơn vị sử dụng đều nhập khẩu từ Campuchia.

Một doanh nghiệp khác đang thi công hạng mục xây dựng tuyến đê Tây Nguyễn Tấn Thành thuộc Dự án Hạ tầng phát triển và bảo vệ vùng cây ăn trái Thuộc Nhiêu - Mỹ Long cho biết hạng mục này còn vướng mặt bằng từ năm 2019 đến nay.

Trước đây doanh nghiệp này trúng thầu chỉ với giá 80.000 đồng/m3 cát, nhưng hiện giá cát đã lên trên 200 ngàn đồng/m3. Doanh nghiệp này còn khoảng 300 m tuyến đê cần thi công với khoảng 5.000 m3 cát. 

"Trong khoảng 2,8 km của tuyến đê này, đến nay, DN đã làm được khoảng hơn 2,5 km, còn vướng mặt bằng hơn 200 m. Đến nay, địa phương đã giải phóng mặt bằng được thêm hơn 100 m, nhưng cả tháng nay không có cát để bơm", doanh nghiệp chia sẻ vướng mắc.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thiếu cát là tình hình chung hiện nay. Các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư sử dụng cát không nhiều so với các công trình giao thông hoặc những dự án có nhu cầu cát cao.

Việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá cát đội lên cao là hệ quả tất yếu. Hiện, theo báo cáo từ các địa phương, giá cát mua xuất hóa đơn tại mỏ chỉ khoảng 120.000 đồng/m³, nhưng hiện đem được về đến chân công trình tại Cần Thơ là 320.000 đồng/m3, tăng 60.000 đồng/m3 so với chỉ vài ngày trước đó. Nhưng kể cả khi chấp nhận mức giá tăng chóng mặt như trên thì nguồn cung cũng rất hạn chế.

Lời giải cho bài toán cát xây dựng

Để đảm bảo nhu cầu xây dựng, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định 1757 ngày 7/8/2023 về việc phê duyệt Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025”.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 62/2013 ngày 12/12/2013, trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,30 triệu m3, lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3. Qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng, tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh còn lại tại 35 khu vực mỏ khoảng 40,70 triệu m3.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ được khoanh định là khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm: Thân cát VII, chiều dài 10.000 m, rộng 302 m, từ xã Xuân Đông đến hết xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo; thân cát VIII, sông Cửa Tiểu, chiều dài 35,6 km, rộng 150 m từ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông và các khu vực mỏ còn lại trên địa bàn tỉnh chưa cấp phép khai thác.

Về phía Đồng Tháp, ông Lê Văn Ngọt, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp nhận định, trước tình hình cầu vượt cung về cát, Sở Xây dựng đề xuất và UBND tỉnh đã chấp thuận dành khoảng 70% khối lượng khai thác cát của 13 Giấy phép để cung ứng cho những công trình sử dụng vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh chấp thuận và 30% còn lại sẽ ưu tiên cho các công trình đầu tư công do địa phương quản lý nhằm giải quyết những khó khăn của địa phương, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Thời gian tới, tỉnh tiến hành nạo vét 4 cồn nổi là cồn Đông Giang, cồn Linh, cồn Long Tả, Long Khánh với tổng khối lượng sản phẩm nạo vét (cát lẫn bùn) dự kiến hơn 5,2 triệu m3.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho gia hạn thời gian thực hiện dự án nạo vét khu vực neo đậu tàu thuyền Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) với công suất nạo vét trong 12 tháng khoảng 379.200 m3.

"Đề xuất UBND tỉnh giao các địa phương tổ chức rà soát, cho chủ trương lập các dự án nạo vét luồng, lạch, bãi bồi… để bổ sung nguồn cát cung cấp cho công trình. Cùng với đó là giao ngành chức năng khẩn trương đánh giá lại toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu theo số liệu khảo sát. UBND tỉnh nâng công suất mỏ hay cấp phép mỏ mới hoặc các khu vực cần nạo vét, chỉnh trị dòng chảy nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cát san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh", ông Ngọt đề xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ