[Gặp gỡ thứ Tư] Việt Nam trước cơ hội 'chuyển mình' trong kỷ nguyên số

Nhàđầutư
"Chính phủ cần có những dự án đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin/viễn thông, thanh toán điện tử và ngân hàng điện tử nếu muốn hiện thực hoá mục tiêu số hoá toàn diện nền kinh tế", PGS. TS Tô Trung Thành nhận định.
HOÀNG VĂN
27, Tháng 01, 2021 | 06:30

Nhàđầutư
"Chính phủ cần có những dự án đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin/viễn thông, thanh toán điện tử và ngân hàng điện tử nếu muốn hiện thực hoá mục tiêu số hoá toàn diện nền kinh tế", PGS. TS Tô Trung Thành nhận định.

Kinh tế số được nhắc tới như một hướng đi tất yếu của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Vậy, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức gì khi phát triển loại hình kinh tế? Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tô Trung Thành (Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Đại học Kinh tế Quốc dân) xung quanh vấn đề này.

Rủi ro vĩ vô nhìn từ thị trường tài sản và khu vực công

Nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới thì dư địa chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Tô Trung Thành: Kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức mới nếu xuất hiện làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới, bởi sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Về tài khoá, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 - bằng 98% dự toán, theo Bộ Tài chính. Đây là điểm tích cực trong bối cảnh đại dịch khi hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người dân suy giảm mạnh. Còn chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2020 tương đương khoảng 4% GDP ước thực hiện, cao hơn mức dự toán là 3,44% GDP.

Đáng chú ý, Việt Nam luôn có tỷ lệ thâm hụt ngân sách Nhà nước cao hơn trung bình các nước trong khu vực và các nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới trong 5 năm gần đây.

to-thanh-trung

PGS.TS Tô Trung Thành (Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, mức nợ chính phủ của Việt Nam hiện cũng đang cao hơn quy mô trung bình của nhóm các nước này. Nhưng điểm tích cực là tỷ lệ nợ công/GDP đang có xu hướng giảm. Theo đó, tỷ lệ này dự báo chỉ bằng 50% GDP vào năm 2021.

Các chỉ số về nợ công của Việt Nam hiện vẫn ở trong ngưỡng được coi là an toàn và chỉ số nợ công của Việt Nam được xếp loại ở mức trung bình so với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm.

Tuy nhiên, nợ công của Việt Nam vẫn có một số vấn đề lưu ý. Thứ nhất, các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy nền kinh tế có thể gặp bất ổn khi tổng số nợ quá cao, dù nợ công không rơi xuống ngưỡng nguy hiểm.

Thứ hai, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã chạm mức trần là 25% tính trên tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020. Tỷ lệ này dự kiến sẽ ở mức cao hơn trong thời gian tới.

Thứ ba, nghĩa vụ nợ dự phòng và có lẽ quan trọng hơn là nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn - nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay, ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được quản lý cẩn trọng.

Như vậy, quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền rơi vào kinh tế vòng xoáy suy giảm - khiến tình trạng mất cân bằng ngân sách sẽ kéo dài và duy trì ở mức cao. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn khiến dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ba lần tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2020 khiến lãi suất huy động và cho vay giảm xuống khá sâu, thanh khoản hệ thống ngân hàng gia tăng.

Cơ quan này cũng áp dụng một số chính sách gồm Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 08/2020/TT-NHNN theo hướng nới lỏng một số quy định về an toàn hệ thống. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% tính đến 21/12/2020, trong khi cùng giai đoạn của năm 2019 chỉ tăng 12,1%. Nhưng tín dụng của toàn hệ thống chỉ tăng trưởng 10,14%, trong khi cùng giai đoạn của năm 2019 tăng tới 12,14%. Còn tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức, 2,91%, trong khi năm 2019 là 7,02%.

Những con số trên cho thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ còn hạn chế, chưa thực sự đưa được nhiều tín dụng vào nền kinh tế cho quá trình sản xuất - kinh doanh do khả năng hấp thụ vốn vay của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy một phần dòng vốn có thể đã chuyển sang trú ẩn ở khu vực công - thị trường trái phiếu Chính phủ và hướng đến thị trường tài sản - thị trường chứng khoán, bất động sản.

Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 260.116 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng 17,8% so với cả năm 2019, và hoàn thành 100% kế hoạch năm. Còn thị trường chứng khoán và bất động sản đều chứng kiến mức giá tăng cao bất thường trong năm 2020, dù nền kinh tế thực đang rất khó khăn.

Những chỉ dấu này phản ánh những rủi ro có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ, có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nới lỏng chính sách hỗ trợ để "giảm đau" cho nền kinh tế

Vậy chính sách tiền tệ và tài khóa nên được định hướng như thế nào?

PGS.TS Tô Trung Thành: Việt Nam vẫn cần thực thi các chính sách nới lỏng hỗ trợ để gia tăng khả năng chống chịu với đại dịch có thể kéo dài, nhưng cũng phải rất thận trọng do các dư địa không nhiều. Theo đó, nguyên tắc cần được giữ vững khi đưa ra các chính sách là phải ổn định kinh tế vĩ mô.

Với chính sách tiền tệ, lãi suất hiện đã ở mức thấp nhưng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch thì lãi suất lại không hẳn là yếu tố quyết định đầu tư và sản xuất - kinh doanh do nhu cầu thị trường suy giảm hoặc không còn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Cần hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.

Không nên phát hành trái phiếu Chính phủ quá nhiều để khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ an toàn thì nền kinh tế mới có thể hồi phục nhanh chóng sau đại dịch.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách tài khóa theo hướng bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng phải được coi là quan điểm chủ đạo.

Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển - chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Việc quản lý nợ công cũng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kỷ luật, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Ngoài ra, cần lưu ý một số rủi ro sau. Thứ nhất, rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư. Thứ hai, rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích. Thứ ba, rủi ro chệch mục tiêu, không hướng vào đúng và trúng đối tượng.

Bên cạnh đó, những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương trước những biến cố, vậy giải pháp của bảo vệ họ là gì?

PGS.TS Tô Trung Thành: Những giải pháp cho nhóm yếu thế này cần phải được ưu tiên hàng đầu về nguồn lực và thực hiện nhanh chóng, đặc biệt là nếu bệnh dịch tái bùng phát trong nước.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19 đến ngành, nghề cụ thể và có các điều kiện, tiêu chí.

Về điều kiện/tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ; Chính phủ có thể căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu gồm: tính lan tỏa - tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; lao động - tạo nhiều công ăn việc làm; có khả năng phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt cần tránh hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ và rủi ro đạo đức.

Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các thủ tục đối với các doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điển hình là yêu cầu phải chứng minh tài chính chi tiết, chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động nặng nề bởi COVID-19 nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động giảm mạnh nên không thể tiếp cận được gói hỗ trợ.

Với chính sách thuế, tác động của các gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất hiện nay còn  nhỏ. Vì vậy nên kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng được gia hạn ít nhất là đến giữa năm 2021.

Chính phủ cũng nên cân nhắc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng do đây là loại thuế mà diện điều tiết rộng, không cần có lợi nhuận mới phải nộp như thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy độ bao phủ với các đối tương bị ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 sẽ rộng hơn.

Trước đó, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được thực thi nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này vì phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất và thua lỗ.

Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ về chi phí cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt là những giải pháp như vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; giảm tiền thuê đất; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; hỗ trợ chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Đối với các giải pháp này, cần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ xin hỗ trợ, rút ngắn thời gian hỗ trợ, và tăng cường tính minh bạch.

Kinh tế số được nhắc tới như một hướng đi tất yếu của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Vậy Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức gì khi phát triển loại hình kinh tế này?

PGS.TS Tô Trung Thành: Thứ nhất, Việt Nam có một nguồn dân số trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, trong đó có kiến thức và kỹ năng số. Tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động tương đối cao. Nguồn nhân lực trẻ và giáo dục được coi là những tài sản giá trị trong quá trình chuyển đổi kinh tế và số hóa.

Ngoài ra, còn có sự gia tăng rất lớn của tầng lớp trung lưu, theo đó, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến nền kinh tế số cũng được mở rộng. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu kém, hạn chế cả về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, khả năng làm việc độc lập, nhóm.

Thứ hai, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hình thành cổng thông tin điện tử quốc gia, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam đã thực sự coi công nghệ số, kinh tế số là một cơ hội lớn để có thể tiến nhanh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nhưng xuất phát điểm cho phát triển kinh tế số của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, nhận thức, kiến thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số chưa thống nhất, chậm chạp, và không đồng đều. Đặc biệt, hành lang pháp lý và môi trường thể chế chính sách còn nhiều bất cập và là rào cản lớn cho phát triển kinh tế số.

Vì vậy, sự sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng thứ 70/141 quốc gia, dưới nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, theo xếp hạng năm 2019 của Cisco.

Thứ ba, Việt Nam đang tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của mình. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 xếp Việt Nam ở vị trí 42, dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều này có thể là lợi thế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ mới nổi trong khu vực trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo.

Với vị trí gần với trung tâm địa kinh tế toàn cầu và trung tâm công nghệ của thế giới, Việt Nam có nhiều lợi thế để vượt qua giai đoạn “bắt kịp công nghệ” tiến tới “phát triển công nghệ”. Tuy nhiên, năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn với khu vực về đổi mới, sáng tạo.

Thứ tư, tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng nhanh phát triển nhanh chóng công nghệ truyền thông di động, với mạng 4G hiện phủ sóng hơn 95% các hộ gia đình, và đang xây dựng mạng 5G. Phạm vi phủ sóng không dây rộng rãi cùng với số lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động cao, có thể giúp ngăn chặn việc phân chia số và đảm bảo mọi người đều có thể khai thác được từ kinh tế số.

Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp công nghệ thông tin mũi nhọn như thương mại điện tử, Fintech, kinh tế chia sẻ… Ngoài ra, nước ta hiện là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và là môi trường với nhiều điều kiện ưu đãi để khởi nghiệp công nghệ.

Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ nhanh đã dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã sẵn sàng và doanh nghiệp chưa sẵn sàng ngày càng gia tăng. Tương tự, sự phát triển của thương mại điện tử tác động tiêu cực đến hệ thống bán lẻ. T

hêm vào đó, khung pháp lý với nhiều lĩnh vực số chưa hoàn thiện đã dẫn tới những kẽ hở và sai phạm, gây mất lòng tin đối với những ứng dụng công nghệ, kể cả chính thương mại điện tử. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thường khó bắt kịp với tốc độ đổi mới này và phải cần rất nhiều vốn để có thể kịp thời thích ứng bối cảnh mới.

Chính phủ cần làm gì để kinh tế số thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế?

PGS.TS Tô Trung Thành: Chính phủ cần có một bản chiến lược khung làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là kịch bản chuyển đổi - đồng bộ số hóa ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc này phải bắt đầu từ hoạt động quản trị Nhà nước.

Ngoài ra, cần sở hữu một hạ tầng và dịch vụ số rộng khắp với khả năng bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, nếu muốn có một nền kinh tế chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện. Để làm được điều đó, chúng ta cần có một nguồn lực cực lớn với điểm tựa chính là nguồn vốn xã hội đến từ khu vực tư nhân và khu vực FDI chứ không thể chỉ đến từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Điều kiện căn bản để thu hút nguồn vốn đầu tư này là môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng và minh bạch.

Về dài hạn, chuyển đổi số phải xuất phát từ sự đổi mới của hệ thống giáo dục - đào tạo thông qua thay đổi từ cách thức quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn chặt với số hóa. Cụ thể, kỹ năng số sẽ được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi và cấp độ học cao hơn.

Cùng với đó, cần thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi về thuế, về tín dụng với các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Lý do là trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn khá lạc hậu, số lượng các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế, tỷ lệ các doanh nghiệp chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển rất thấp.

Cuối cùng, Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số. Đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin/viễn thông, thanh toán điện tử và ngân hàng điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số.

Ông có thể đề xuất những giải pháp dài hạn nhằm dịch chuyển mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững hơn?

PGS.TS Tô Trung Thành: Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, Chính phủ cũng cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch. 

kinh-te-so

Việt Nam trước cơ hội "chuyển mình" trong kỷ nguyên số. Ảnh: Internet.

Thứ nhất, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh những động lực cho tăng trưởng trước đây đang dần cạn kiệt. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp căn bản trong giai đoạn phát triển sắp tới của nền kinh tế.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng: xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thực hiện phân cấp quản lý với phân cấp ngân sách; tinh giảm và kiện toàn bộ máy.

Thứ ba, phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo. Đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn. Cần có chiến lược nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước để họ đủ năng lực học hỏi công nghệ mới hoặc đủ năng lực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp FDI.

Chiến lược này cần gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển khoa học và công nghệ, chính sách giáo dục và đào tạo, chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nuôi dưỡng DNTN trong nước để các DN lớn dần và sớm đạt quy mô phù hợp.

Thứ tư, cần cụ thể hóa những chính sách thu hút đầu tư FDI "chất lượng", hạn chế các dòng vốn đầu tư FDI công nghệ thấp vào Việt Nam chỉ để tận dụng nhân công rẻ hay "rửa xuất xứ" để gia công. Cần phải giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan và "xé rào" ở các địa phương;

Cũng như rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI "kém chất lượng". Đồng thời chỉ tiếp nhận và tạo ưu đãi đôt phá đối với các dòng vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, kết nối với các DN trong nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành; phát triển năng lực theo hướng đa kỹ năng; tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào giáo dục thông quan hệ đối tác công tư.

Thứ sáu, phát triển bền vững về môi trường qua các giải pháp gồm: phát triển công nghệ xanh, năng lượng sạch; phục hồi, duy trì và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ