[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Võ Trí Thành: Thoái vốn Sabeco cái được đã thấy rõ, cái mất là khó đong đếm

Nhàđầutư
Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2017 được hâm nóng bởi việc thoái vốn thành công của hai ông lớn là Vinamilk và Sabeco. Tuy nhiên, còn khá nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện được - mất của thương vụ thoái vốn Sabeco. Vậy Việt Nam được gì và mất gì hậu thoái vốn Sabeco?
NGUYỄN THOAN
27, Tháng 12, 2017 | 06:00

Nhàđầutư
Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước năm 2017 được hâm nóng bởi việc thoái vốn thành công của hai ông lớn là Vinamilk và Sabeco. Tuy nhiên, còn khá nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện được - mất của thương vụ thoái vốn Sabeco. Vậy Việt Nam được gì và mất gì hậu thoái vốn Sabeco?

TS-vo-tri-thanh

 TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Để trả lời câu hỏi trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Năm 2017 đánh dấu những thương vụ thoái vốn tại các "ông lớn" nhà nước. Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về kết quả tiến trình thoái vốn nhà nước trong thời gian qua?

TS. Võ Trí Thành: Thoái vốn, đi đôi với cải cách doanh nghiệp nhà nước, là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam.

Có ba lý do chính để nói nó quan trọng. Trước tiên là hiệu quả sử dụng tài sản, nguồn lực đã có; hiệu quả phân bổ nguồn lực. Tiếp theo là với nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, việc thoái vốn còn đặc biệt quan trọng bởi đây là vấn đề của quá trình cải cách sang kinh tế thị trường, phản ánh quyết tâm, ý chí của Chính phủ trong quá trình chuyển đổi, là biểu tượng của sự quyết tâm. Cuối cùng, đằng sau biểu tượng ấy là lòng tin của thị trường, của nhà đầu tư vào tiến trình cải cách, mở của hội nhập của Việt Nam.

Tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải tổ, tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra đồng thời với cải tổ nền kinh tế Việt Nam từ những năm 80. Cho đến nay, tiến trình này vẫn bị đánh giá là chậm. Dường như trong quá trình ấy có cái gì đó chần chừ, chưa thật. Tuy nhiên, việc thoái vốn này (Sabeco/PV) đã giải tỏa được hai vấn đề: hứa hẹn sắp tới việc thoái vốn sẽ quyết tâm hơn và công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước. sẽ thật hơn. Bằng chứng là chúng ta đã đi vào cổ phần hóa, thoái vốn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước; lộ trình cũng minh bạch, rõ ràng hơn nhiều.

Với trường hợp thoái vốn gần đây khỏi Sabeco thì sao, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Trường hợp cụ thể của Sabeco thể hiện rõ việc chúng ta đang làm thật, bởi Sabeco là một doanh nghiệp Việt làm ăn có lãi, tên tuổi lớn, thương hiệu lớn. Trong quá trình cổ phần hóa chúng ta đã đúc rút được kinh nghiệm, vì thế cách làm cũng đã minh bạch hơn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Rõ ràng Việt Nam đã chơi thật hơn, minh bạch hơn và tạo niềm tin cho thị trường.

Còn về vấn đề hậu thoái vốn, tiền thoái vốn được dùng để làm gì? Điều này còn phải chờ thời gian. Tôi hy vọng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, việc chi tiêu đồng tiền này sẽ hiệu quả, tiền sẽ được đầu tư vào những dự án có tính lan tỏa cao cho nền kinh tế.

Bản thân với Sabeco là vấn đề đối tác chiến lược, giữ vai trò chi phối. Họ sẽ tiếp tục đưa Sabeco tiến lên như thế nào? Cùng với đó là câu chuyện kinh doanh, thương hiệu, chiến lược phát triển dài hạn của Sabeco.

Một trong những vấn đề mà nhiều người đặt câu hỏi, đó là tại sao không thấy "bóng dáng" nhà đầu tư lớn trong nước tham gia các thương vụ thoái vốn lớn như thế này?

TS. Võ Trí Thành: Lý do được đề cập tới nhiều nhất có lẽ vẫn là câu chuyện nguồn lực. Để có nguồn lực đủ lớn tham gia chi phối hoặc chi phối trong quá trình quản trị những tập đoàn lớn như Sabeco đòi hỏi phải có một nguồn vốn rất lớn. Và số doanh nghiệp Việt Nam có đủ thực lực thì chắc là rất ít.

Tiếp theo đó là vấn đề cạnh tranh và đấu giá. Với những người có tiềm lực, họ sẵn sàng tham gia với giá cao. Tiếp đó có thể là vấn đề truyền thông, minh bạch và thời gian (đánh giá doanh nghiệp/PV), liệu họ có đủ thời gian để tham gia?

Một trong những nguyên nhân tiềm tàng nữa có thể là: trong bối cảnh cải cách chính trị, kinh tế hiện nay cộng với việc còn tồn một vài cái nhìn định kiến thì nhà đầu tư lớn hoặc đặc biệt lớn trong nước sẽ chùn bước, chưa dám xuất đầu lộ diện. 

Vậy theo ông, với thương vụ thoái vốn Sabeco suôn sẻ vừa qua, Việt Nam được gì và mất gì?

TS. Võ Trí Thành: Cái được có thể thấy khá rõ. Thứ nhất là xây dựng được hình ảnh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư, xây dựng được lòng tin với nhà đầu tư.

Cái được thứ hai là giá bán cổ phần Sabeco cũng là "được giá". Cùng với đó là triển vọng phát triển dài hạn của Sabeco trong thời gian tới. Cổ đông mới của Sabeco là nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, có chiến lược bài bản trong mở rộng không gian kinh doanh gắn với thế mạnh sẵn có. Hy vọng sắp tới họ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của mình gắn với thương hiệu đang làm ăn tốt của Sabeco.

Cái được cuối cùng, cũng là quan trọng hơn cả là tính lan tỏa, là công ăn việc làm cho người Việt.

Còn cái mất của Việt Nam ở thời điểm này là vô hình và khó đong đếm. Đó là những suy đoán về việc trong tương lai liệu có giữ được thương hiệu hay không? Là vấn đề chia sẻ lợi nhuận, vì họ có thể mang về nước hoặc tái đầu tư.

Về dài hạn, trong tương lai xa chúng ta có thể mua lại Sabeco nếu đủ tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, bán hay không từ giờ sẽ là quyền của chủ mới. Cái quan trọng là phải biết đối tác thực sự của chúng ta trong thương vụ này là ai?

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ