[Gặp gỡ thứ Tư] Luật gia Việt kiều Đức ứng dụng công nghệ cao kéo dài tuổi sinh trưởng của cá hồi vân

Nhàđầutư
Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức của TS Nguyễn Trong Cử đang triển khai thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tại Lào Cai. Dự án nhập công nghệ sinh sản cá tam bội thể nhằm gia tăng tốc độ và kéo dài tuổi sinh trưởng của cá.
ANH MAI - THỦY TIÊN
29, Tháng 08, 2018 | 10:28

Nhàđầutư
Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức của TS Nguyễn Trong Cử đang triển khai thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tại Lào Cai. Dự án nhập công nghệ sinh sản cá tam bội thể nhằm gia tăng tốc độ và kéo dài tuổi sinh trưởng của cá.

Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Trọng Cử để hiểu rõ hơn về con đường mà ông đã chọn.

nguyen trong cu

TS Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức (trái).

Vốn là một luật gia có trên 30 năm học tập và sinh sống tại Đức, vì sao ông lại quyết định trở về Việt Nam, trong khi xu thế nhiều người muốn ra nước ngoài tìm cơ hội làm việc và sinh sống?

Ông Nguyễn Trọng Cử: Có hai lý do cho sự trở về của tôi. Lý do thứ nhất là gia đình. Gia đình tôi khá đặc biệt, vợ tôi người Đức, học ngành Việt Nam học. Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, mong muốn và quyết định của vợ tôi là sinh sống một thời gian ở đất nước – vốn là đối tượng học tập, nghiên cứu của mình. Vợ tôi luôn muốn cả gia đình quay lại Việt Nam, để các con cảm nhận được truyền thống văn hóa tại quốc gia của chồng mình. Năm 2000, gia đình tôi quyết định chuyển về Việt Nam sinh sống.

Thời điểm đó nếu không trở về thì sẽ không bao giờ về được và sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm như ngày hôm nay. Các con tôi khi đó còn nhỏ, việc hòa nhập sẽ dễ dàng hơn. 

Lý do thứ hai xuất phát từ bản thân tôi. Tôi ra khỏi Việt Nam từ năm 18 tuổi, đi ra từ một làng quê Nghệ Tĩnh. Bản thân cũng muốn trở về xem quê hương, đất nước phát triển ra sao.

Trở về Việt Nam, vì sao ông không tiếp tục theo đuổi nghề luật sư?

Ông Nguyễn Trọng Cử: Ở Đức tôi làm trong cơ quan công quyền. Đặc thù hành nghề luật sư tại Việt Nam không phù hợp với tôi. Làm luật sư chủ yếu làm dịch vụ, giấy tờ... không phát huy hết khả năng của mình. Tôi chỉ làm tư vấn pháp luật cho một số công ty Đức đầu tư tại Việt Nam.

Cơ duyên nào khiến ông quyết định chọn nông nghiệp để “khởi nghiệp” khi trở về quê hương, cụ thể nuôi nuôi cá tầm, cá hồi - một lĩnh vực rất mới mẻ, lại chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam?

Tôi đến với nghề nuôi cá tầm một cách tình cờ. Tôi có người bạn là TS Nguyễn Thanh Lưu – nguyên Viện trưởng Viện nuôi trồng thủy sản 1 – người đặt nền móng cho nghề nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam.

Trong một buổi bia rượu, ông Lưu có rủ tôi nuôi cá tầm, cá hồi và hoàn toàn tự phát, tôi đồng ý. Sau đó, tôi mới bắt đầu làm một cách bài bản, tận dụng các lợi thế đã có trong thời gian sống ở châu Âu.

Năm 2010, tôi cùng đại diện của Tổng cục Thủy sản sang Đức để tìm nguồn giống, chọn mô hình, chọn kỹ thuật nuôi. Sau đó, tôi làm công tác khảo nghiệm và chính thức đưa giống cá tầm về Việt Nam vào cuối năm 2010.

Sóng gió những ngày đầu khởi nghiệp là gì?

Do là người đầu tiên đưa giống cá tầm về Việt Nam, môi trường đầu tư tại Việt Nam thời điểm đó chưa thực sự thuận lợi. Tôi phải trả học phí rất nhiều để học được cách thức nuôi trồng. Thất bại cũng nhiều.

Sau nhiều lần thất bại, ông rút ra được kinh nghiệm và bí kíp nào để nuôi cá tầm thành công?

Trong điều kiện của Việt Nam, muốn có hệ thống tuần hoàn nâng và hạ nhiệt phải phụ thuộc vào nguồn điện. Nếu nguồn điện bập bõm sẽ cực kỳ rủi ro. Mất điện thì máy bơm không hoạt động được. Và nếu máy bơm không hoạt động thì không còn được lưu thông, thiếu oxy và cá sẽ chết. Cách tốt nhất là phải dựa vào dòng chảy của mình.

Về thức ăn cho cá tầm, tại Việt Nam đã có một số cơ sở đã chế biến được thức ăn cho cá. Tuy nhiên, thức ăn cho giống thì phải nhập khẩu hoàn toàn.

Hệ thống nuôi cá tầm của ông phục vụ cho khoảng bao nhiêu phần trăm nhu cầu của thị trường?

Hiện nay, tôi chủ yếu cung cấp giống cá tầm, cá hồi và thức ăn thông qua các trang trại cá tầm, cá hồi từ Thác Vàng (Sa Pa), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Bắc (Hòa Bình), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Việc cung cấp cá thịt ra thị trường chủ yếu thông qua hệ thống nhà hàng Thác Bạc của tôi tại một số tỉnh thành như Lạng Sơn, Hà Nội và một số nhà hàng khác.

Ông đã xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia nào?

Việc xuất khẩu cũng yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe. Hiện tại, công ty đã xuất khẩu giống cá sang Lào và Thái Lan. Sang Thái Lan chủ yếu là cá cảnh.

Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc có khiến trang trại của ông rơi vào tình cảnh khó khăn? Bí quyết nào để công ty trụ vững như ngày hôm nay?

Một thời gian dài, các nhà nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam “sập tiệm”. Chỉ có tôi và một số nhà nuôi khác trụ lại được.

Bí quyết của chúng tôi là hệ thống kinh doanh khép kín, cá sạch từ trại nuôi đến bàn ăn.

Việc Vận chuyển cá tầm từ Móng Cái, Lào Cai về Sài Gòn đòi hỏi chi phí rất cao. Đây cũng là thách thức cho cá tầm nhập lậu. Chúng tôi có ưu thế khi có trang trại cá tầm ở Lâm Đồng, có thể phục vụ nhu cầu cho khách hàng ở phía Nam.

Trứng cá tầm - Caviar được mệnh danh là “vàng đen trên bàn tiệc”, giá khá đắt. Ông có nghĩ đến việc nuôi cá tầm để lấy trứng để bán ra thị trường và xuất khẩu?

Tất nhiên, đó chính là định hướng của chúng tôi trong tương lai. Ở Hòa Bình, tôi đang có một đàn cá bố mẹ rất lớn, cá tầm Beluga rất giá trị - được mệnh danh là “Vua cá tầm”.

Ông có thể chia sẻ về dự án mà ông đang thực hiện?

Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất giống cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss) tại Lào Cai.

Công nghệ sản xuất giống cá hồi vân tam bội thể là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu thủy sản Phần Lan, nay là Viện nghiên cứu thiên nhiên Phần Lan.

Cá hồi vân được nhập nội vào Việt Nam hơn 15 năm thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm của hồi vân và cá tầm” với mục đích nuôi lấy thịt và trứng làm thực phẩm. Sau hơn 15 nhập nội cá hồi vân vào Việt Nam, công nghệ nuôi thương phẩm cá hồi vân đã được công bố và dần dần đi vào hoàn thiện, tuy nhiên các công nghệ này mới chỉ chủ yếu giải quyết vấn đề nuôi thương phẩm cá hồi vân trên cơ sở nguồn con giống nhập nội chưa chủ động, dẫn đến hiệu quả nuôi cá hồi vân ở Việt Nam chưa cao.

Đặc điểm của cá hồi vân là sẽ di cư ngược dòng sinh sản khi đến tuổi thành thục, chính vì vậy nếu không có biện pháp xử lý cá để kéo dài tuổi sinh trưởng cá sẽ thành thục và “chết” do không thể đẻ trứng trong điều kiện nhân tạo. Để giải quyết vấn đề này dự án sẽ nhập công nghệ sinh sản cá tam bội thể để gia tăng tốc độ sinh trưởng và kéo dài tuổi sinh trưởng, cá sẽ thành thục và đẻ muộn hơn để đảm bảo có thể nuôi cá đạt khối lượng lớn hơn.

Ba công nghệ dự án sẽ tiến hành chuyển giao vào Việt Nam (công nghệ sản xuất cá hồi vân tam bội, công nghệ nuôi thương phẩm cá hồi vân và công nghệ chế biến cá hồi vân xông khói) là các công nghệ tiên tiến và có các chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn công nghệ trong nước. Với điều kiện khí hậu, môi trường của tỉnh Lào Cai thì việc triển khai chuyển giao các công nghệ này là rất phù hợp. Đặc biệt cá hồi tam bội lớn nhanh, không sinh sản nên có thể kéo dài thời gian nuôi cá và tỷ lệ sống của cá nuôi thương phẩm cao hơn so với nuôi cá hồi lưỡng bội đang tiến hành thực hiện ở các trại cá nước lạnh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ