[Gặp gỡ thứ Tư] 'Cần giải pháp tức thời để tránh đổ vỡ thị trường trái phiếu'

Nhàđầutư
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không thể chậm trễ thêm với thị trường TPDN, Bộ Tài chính cần có một Thông tư để gỡ nút thắt cho kênh huy động vốn này, từ đó lấy lại lòng tin cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục hồi và phát triển.
N.THOAN
08, Tháng 06, 2022 | 07:49

Nhàđầutư
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không thể chậm trễ thêm với thị trường TPDN, Bộ Tài chính cần có một Thông tư để gỡ nút thắt cho kênh huy động vốn này, từ đó lấy lại lòng tin cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục hồi và phát triển.

Tại báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 31/5, tín dụng tăng trưởng 8,04% so với cuối 2021, tăng 16,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 chịu nhiều sức ép lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố, như đầu tư công giải ngân vẫn còn chậm khiến nguồn vốn phục hồi kinh tế phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng. Việc điều hành tín dụng cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng năm 2022-2023, áp lực lạm phát ngày càng tăng, tỷ lệ tín dụng trên GDP đã ở mức cao. 

Mới hết 5 tháng đầu năm mà tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,04% là mức cao so với mục tiêu đề ra cả năm là 14%. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng thương mại lớn đều cho biết đã gần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm như Vietcombank, Techcombank, TPBank... Đặc biệt trong bối cảnh thực thi gói hỗ trợ 2% theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Ngoài nguồn vốn tín dụng bắt đầu có hiện tượng "khan hiếm", doanh nghiệp đồng thời đối diện với thách thức huy động vốn khi các kênh vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hay phát hành trên thị trường chứng khoán đều "bế tắc". Trong bối cảnh dịch bệnh vừa được kiểm soát, nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh lớn nhưng các cánh cửa để doanh nghiệp xoay xở nguồn tiền dường như đều "đóng", vậy doanh nghiệp, nhà đầu tư phải trông cậy vào đâu?

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

Empty

TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm đạt 8,04% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn để huy động vốn, nhiều ngân hàng thương mại trả lời khách hàng đã cạn room tín dụng để từ chối cho vay mới. Trong bối cảnh cả 3 kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế là tín dụng, trái phiếu và chứng khoán đều đang gặp khó khăn, xin ông cho biết, giải pháp nào để doanh nghiệp có tiền phục hồi sản xuất kinh doanh?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm là 8,04% nhưng dường như cấu trúc tín dụng chủ tập trung chủ yếu cho doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp có liên quan tới du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo còn tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn hẹp nên nhu cầu vốn của loại hình doanh nghiệp chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước cho thấy rất khó khăn.

Về giải pháp, trước hết cần là phục hồi lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bằng cách lấy lại lòng tin của thị trường. Hãy để các doanh nghiệp tốt, có uy tín phát hành trái phiếu bình thường trở lại, thậm chí phát hành đảo nợ. Chúng ta không được để thị trường trái phiếu rơi vào tình trạng đổ vỡ. Sau một thời gian tâm lý thị trường, lòng tin phục hồi thì các doanh nghiệp khác cũng có thể phát hành TPDN.

Thực tế cũng chỉ nên hạn chế với một số doanh nghiệp đặc biệt phát hành trái phiếu như đã phát hành khối lượng quá lớn, vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu hoặc doanh nghiệp phát hành nóng, kỳ hạn ngắn, lãi suất cao. Còn phần lớn nên để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trở lại, kể cả đảo nợ, nếu không nguy cơ vỡ nợ là hiện hữu khi kỳ hạn đáo nợ sắp tới mà doanh nghiệp không có tiền trả nợ. Sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả thị trường bất động sản và tín dụng ngân hàng.

Vì sao cần phải mở đường để một số doanh nghiệp lớn, có uy tín phát hành trước? Vì hiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu người dân, nhà đầu tư chưa chắc đã dám mua vì vừa trải qua cú sốc khá lớn, vì vậy cần các doanh nghiệp lớn phát hành trước, rồi các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhỏ lẻ mua hoặc bản thân các NHTM mua, vừa tạo dòng vốn cho thị trường, vừa phục hồi lòng tin cho thị trường trái phiếu.

Đây là việc không thể chậm trễ, cần một Thông tư của Bộ Tài chính cho phép những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mà không vượt quá 3-4 lần vốn chủ sở hữu thì vẫn được phát hành. Như vậy sẽ gỡ được nút thắt cho thị trường vốn, để các doanh nghiệp có cơ sở phát hành trên thị trường, từ đó dần lấy lại lòng tin cho thị trường và các doanh nghiệp khác cũng sẽ phát hành được trái phiếu.

Vậy ngoài giải pháp huy động vốn qua kênh TP, doanh nghiệp còn cửa nào khác không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Còn vốn tín dụng ngân hàng, NHNN có thể nới room cho các NHTM và khuyến khích cho vay vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất "đói vốn" thuộc các lĩnh vực đã được quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/NHNN về hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách quy mô 40.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có thể thấy khan hiếm tín dụng một phần xuất phát từ nguyên nhân nợ xấu rất cao không thu hồi được. Hãy hình dung ngân hàng cho vay ra nền kinh tế 100 đồng, trong đó có tới 6-7 đồng là nợ xấu, không thể thu hồi. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế mất đi 6-7 đồng trong cơ cấu tín dụng, khi ngân hàng không thể thu hồi và cho vay mới. Điều này dẫn tới khan hiếm vốn và lãi suất tăng. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cần nguồn lực để phục hồi nhanh thì xử lý nợ xấu sớm là rất cần thiết.

Hiện nay, cả Nghị quyết 42 của Quốc hội về Thí điểm xử lý nợ xấu hay Luật các Tổ chức tín dụng đều chưa có một cơ chế tốt, phù hợp thông lệ quốc tế để xử lý nợ xấu, tạo lập thị trường mua bán nợ.

Nếu xử lý nợ xấu mà vẫn trên nguyên tắc bảo toàn vốn thì nợ xấu mãi xấu và thị trường mua bán nợ sẽ không được hình thành. Chúng ta không thể bán một chiếc xe cũ bằng giá một chiếc xe mới, cũng giống như thế, không thể bán một khoản nợ xấu với giá gốc cộng lãi. Điều đó là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính vì vướng mắc này mà hiện doanh nghiệp không dám trả nợ dù có một phần tiền, ngân hàng cũng không dám thu hồi, vì thu hồi mà không bán được do nguyên tắc bảo toàn vốn thì thà để nguyên đó, hạch toán vào lãi dự thu thì sổ sách vẫn đẹp hơn; người mua bán nợ cũng không dám tham gia vào thị trường dẫn tới không thể hình thành một thị trường mua bán nợ đầy đủ. Không có thị trường mua bán nợ dẫn tới một nguồn vốn kẹt cứng ở nợ xấu không thể chuyển thành tín dụng mới đưa vào nền kinh tế, nợ xấu càng tăng thì vốn càng khan hiếm.

Theo đó, thời gian tới cần phá bỏ nguyên tắc bán nợ xấu bảo toàn vốn, để doanh nghiệp có thể đàm phán với ngân hàng để thanh toán nợ từ đó mới đẩy được tiền vào lưu thông. Đây là biện pháp quan trọng và cần nhìn rộng ra rằng, ở các nước phát triển nợ xấu thu hồi được 30-40% là đã rất tốt rồi.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ