[Gặp gỡ thứ Tư] Cách nào giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp?

Trao đổi với Nhadautu.vn, TS.Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia khẳng định, giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp là một chủ đề rất khó, nhưng vẫn phải nói để đi tới hành động. Ông cho rằng “qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”.
NGUYỄN THOAN
25, Tháng 01, 2023 | 07:00

Trao đổi với Nhadautu.vn, TS.Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia khẳng định, giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp là một chủ đề rất khó, nhưng vẫn phải nói để đi tới hành động. Ông cho rằng “qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai”.

Empty

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu.

Khó khăn về vốn của doanh nghiệp hiện nay ai cũng nhìn thấy khi lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, các kênh cổ phiếu, trái phiếu “kẹt cứng”, tuy nhiên, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã nâng chỉ tiêu tín dụng toàn ngành thêm 1,5-2% cho năm 2022. Ông nhận định gì về quyết định này và thực trạng thị trường vốn hiện nay?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp đang rất khó khăn, cả nhà phân phối, nhà cung cấp đều kêu không đòi được tiền, các doanh nghiệp nợ lẫn nhau, khó khăn thanh khoản trở thành vấn đề của cả nền kinh tế.

Gần đây cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã quyết định tăng cung tiền - đây là động thái rất quan trọng trongbối cảnh các ngân hàng thương mại (NHTM) và toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản. Gắn liền với tăng thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 lên 1,5-2%,tạo điều kiện cho các NHTM có thể mở rộng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vì có giai đoạn doanh nghiệp cứ trả tiền về là NHTM không cho vay nữa, có thêm room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các NHTM tiếp tục thực hiện hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp và cung cấp khoản vay mới ra nền kinh tế dịp cuối năm, trong đó có cả các khoản vay để mua nhà, hỗ trợ thị trường BĐS dần phục hồi.

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong mấy tuần gần đây cũng đã phục hồi khá tốt, một số mã lớn đã tăng khả quan, các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài dần lấy lại được lòng tin với thị trường. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp niêm yết có thể giải quyết được khó khăn về vốn thông qua hoạt động tài chính, nói cách khác dòng tiền tài chính của doanh nghiệp dần phục hồi.

Tiếp theo, cũng nhờ tăng cung tiền, tăng room tín dụng mà các khoản vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp được cải thiện trên nền tảng dòng tiền bán hàng cũng đang có dấu hiệu cải thiện. Gần đây có một số doanh nghiệp lớn đã tăng cường vay nợ nước ngoài, kể cả các khoản vay thương mại và tín dụng xanh của các quỹ đầu tư quốc tế, lãi suất đã thấp hơn trước đây. Đặc biệt có những khoản vay tính ra VND không có tài sản đảm bảo nhưng lãi suất chỉ từ 9,5-10%/năm. Đây cũng là tín hiệu tích cực, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư ngoại có lòng tin dài hạn vào thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là vốn thực hiện tăng với tốc độ nhanh.

Rõ ràng như ông nói thì tất cả diễn biến trên cho thấy thị trường đang phục hồi dần thanh khoản?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thị trường không những dang phục hồi dần thanh khoản mà tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau cũng giảm dần và tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động cuối năm. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp vẫn là vấn đề lớn, đặc biệt vốn vay trung dài hạn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn và cách giải quyết với vấn đề này chưa thật rõ ràng.

Ngoài việc doanh nghiệp tự tái cấu trúc nợ, một số doanh nghiệp đưa ra các chứng chỉ quỹ đầu tư cũng đã khắc phục được phần nào khó khăn về vốn nhưng đồng thời lại gây ra không ít lo ngại cho các nhà đầu tư khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Vì vậy, để có dòng tiền đầu tư trong ngắn hạn cũng như trung hạn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có biện pháp giải quyết hết sức tích cực cho thị trường trái phiếu và tham khảo nhiều kinh nghiệm của các nước trong giải quyết vấn đề này.

Xin ông nói rõ hơn về “giải pháp tích cực” nhìn từ kinh nghiệm các nước để tháo gỡ cho thị trường mà cơ quan quản lý cần lưu ý?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ví dụ như Trung Quốc, Chính phủ đã dùng các khoản tài trợ rất lớn từ ngân hàng để cho các công ty lớn mua lại dự án của các công ty yếu. Dù ngay cả sau khi mua lại thì tình trạng vẫn khó khăn, các NHTM lại tiếp tục bơm vốn. Trung Quốc ước tính đã bỏ 1.600 tỷ USD để làm việc này và con số sẽ tiếp tục tăng lên. Hay Hàn Quốc đã lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, trên cơ sở doanh nghiệp có tài sản bảo đảm. Hàn Quốc đã bỏ ra khoảng 35 tỷ USD để lập quỹ bảo lãnh.

Ở Việt Nam, theo tôi có thể có biện pháp hiệu quả, ít tốn kém hơn là cho phép một số ngân hàng quốc doanh đứng ra bảo lãnh trái phiếu của các doanh nghiệp với điều kiện là doanh nghiệp có tài sản bảo đảm. Hoạt động bảo lãnh sẽ áp dụng với cả trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành và trái phiếu sẽ phát hành. Như vậy thì các tập đoàn lớn có nhiều tài sản sẽ vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi nhanh.

Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp có tài sản nhưng không thể bán được thời điểm hiện tại, không có thanh khoản, các NHTM cũng không mặn mà cầm cố cho vay. Hình thức bảo lãnh quan trọng vì giúp nhà đầu tư có lòng tin để tiếp tục đầu tư. Khi các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu thì doanh nghiệp có thể đảo nợ được, tái cấu trúc lại, giá BĐS sẽ ấm dần lên, tài sản đảm bảo có rủi ro thấp. Ngoài ra, các NHTM còn được phí bảo lãnh.

Nên lựa chọn các tập đoàn lớn, nhiều tài sản để đứng ra bảo lãnh. Với khoảng 100 tập đoàn lớn mà qua hình thức bảo lãnh, chúng ta cứu được khoảng 40-50% đã giúp thị trường phục hồi rất tốt rồi. Đó có thể coi là cách sử dụng quỹ bảo lãnh của nhà nước thông qua các ngân hàng, không tốn nhiều tiền và rủi ro rất thấp.

Ngoài ra theo ông có cần phải áp dụng giải pháp quan trọng nào nữa không?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Một giải pháp nữa là dùng ngân sách. Hiện, có khoảng 900.000 tỷ đồng ngân sách đã ghi nhận trong nợ của Ngân hàng Nhà nước và đang được giữ tại các ngân hàng quốc doanh. Số tiền này vẫn không được bơm ra thị trường khi giải ngân đầu tư công chậm. Tiền trong NHNN đang rất lớn và phải có cách để đưa vào lưu thông.

Theo tính toán, hiện nay cung tiền tăng trưởng rất thấp so với GDP danh nghĩa, GDP danh nghĩa tăng tới 11%, trong khi cung tiền chỉ mới 6%. Với số lượng tiền trong lưu thông quá ít thì việc tăng room tín dụng cũng không có nhiều ý nghĩa. Những năm trước tăng trưởng GDP danh nghĩa khoảng 5%, thì tăng cung tiền là 11-12%. Nguồn tiền cơ sở không tăng, nới room tín dụng có thể càng khiến ngân hàng đua nhau tăng lãi suất để có nguồn tiền cho vay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải làm đồng thời cả 2 việc là tăng cung tiền và tăng room, tăng cung tiền đủ để không làm tăng lãi suất.

Giải pháp cuối cùng là có thể chống lạm phát chi phí đẩy qua việc giảm thuế hàng nhập khẩu. Giảm thuế vừa có tác dụng giảm giá hàng nhập khẩu, vừa làm giảm áp lực về tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước lại có cơ hội tăng cung tiền. Muốn làm được điều này cũng phải có sự phối hợp hai chính sách tài khoá và tiền tệ. Một là tăng cung tiền nhưng phải giảm thuế để giảm áp lực lạm phát, tỷ giá. Hai là cho vay tiền ở các ngân hàng quốc doanh và sẽ trả lại hoặc cho vay khi cần thiết. N

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ