[Gặp gỡ thứ Tư] Shark Hưng: 'Tiền chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu khác cao hơn'

Nhàđầutư
"Tôi luôn cho rằng, tiền không phải là mục đích của cuộc sống, nó chỉ là phương tiện và công cụ để thực hiện mục tiêu khác cao hơn", Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group chia sẻ.
NGUYỄN TRANG
06, Tháng 03, 2019 | 06:37

Nhàđầutư
"Tôi luôn cho rằng, tiền không phải là mục đích của cuộc sống, nó chỉ là phương tiện và công cụ để thực hiện mục tiêu khác cao hơn", Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group chia sẻ.

53389224_262001594702206_3970809668741103616_n

Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group

Câu nói "Tiền nhiều để làm gì?" của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ly hôn đã tạo nên hot trend thời gian qua. Vậy "Tiền nhiều để làm gì?" và "Làm gì để nhiều tiền"?

PV Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) - Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group về vấn đề này và quan niệm của ông về tiền.

Ông có đăng một câu trên trang Facebook cá nhân rằng: Đừng hỏi "Tiền nhiều để làm gì" mà hãy hỏi "Làm gì để nhiều tiền?". Vậy ông có thể cho biết trả lời của câu hỏi này?

Shark Hưng: Hiện nay, các bạn trẻ đua theo trend trích dẫn câu nói “Tiền nhiều để làm gì?”, thực ra bối cảnh người nói câu đó là mang ý nghĩa phủ định với hàm ý tiền nhiều để làm gì khi mà lâm vào hoàn cảnh này. Tuy nhiên, nó cũng gợi ra cái ý rất hay, tiền nhiều để làm gì mang tính chất câu hỏi thì cũng có rất nhiều cách trả lời và còn tùy theo vị trí của người trả lời.

Bạn đã thực sự nhiều tiền chưa, nhiều tiền đến mức độ nào và thế nào là nhiều tiền?

Chẳng hạn khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói câu đó thì ông ấy đã có rất nhiều tiền khoảng vài nghìn tỷ rồi. Tất nhiên, nếu hỏi làm gì để nhiều tiền thì có rất nhiều cách làm để có tiền. Thực sự, nếu có được thu nhập tốt thì trước hết chúng ta phải làm việc chăm chỉ và cố gắng gia tăng giá trị sức lao động của mình.

Hiện nay, theo thống kê năng suất lao động của Việt Nam theo khu vực đang rất thấp, chỉ bằng 1/16 so với Singapore, 1/7 Malaysia và 1/3 Thái Lan… chứng tỏ giá trị sức lao động của chúng ta đang thấp. Sự chăm chỉ là cần thiết, nhưng phải làm sao cho năng suất lao động tăng lên, thực sự là câu hỏi lớn từ quy mô doanh nghiệp đến quy mô quốc gia.

Thứ hai, để có được nhiều tiền cần phải có cách làm khôn ngoan, phải thông minh và đi vào những ngành không bị hạn chế  bởi quy mô ngành và đặc biệt có khả năng mở rộng.

Căn cứ vào những số liệu thực tế, tôi thấy rằng những gì đi sâu vào nhu cầu cơ bản và dựa trên nền tảng công nghệ thì thường phá vỡ được rất nhiều rào cản địa lý và có thể phát triển với quy mô rất lớn. Bởi, bây giờ làm gì cũng hướng đến toàn cầu và những sản phẩm có thể dễ dàng đưa ra nước ngoài.

Thứ ba, cần phải có tư duy đột phá, tức là phải “điên” một chút. Theo thống kê, trong số những người giàu có khoảng 21-22% nhờ chăm chỉ và tiết kiệm để giàu, 27% có năng lực đặc biệt (những nghệ nhân, nghệ sĩ…) có thể giàu, cuối cùng chiếm tỷ trọng cao nhất thuộc về những người có ý tưởng táo bạo và điên rồ.

Chúng ta có thể thấy, những người giàu nhất trên thế giới thường là những người đi trước, hay nói cách khác là họ làm những điều khác biệt. Chúng ta cũng thường gọi họ là những startup, là những người có ý tưởng đột phá và kinh doanh mới lạ, làm những điều chưa ai làm và họ có khả năng thành những người dẫn đầu và giàu có.

Nếu "Tiền nhiều để làm gì?" là một câu hỏi thì câu trả lời tương đối dễ, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều tiền. Ở Việt Nam không rõ lấy chuẩn mực thế nào là nhiều tiền, chẳng hạn cứ lấy top 1000 người giàu nhất Việt Nam với tổng tài sản cá nhân khoảng trên dưới 100 tỷ đồng, ở quy mô đó họ cũng không cần suy nghĩ về những nhu cầu cho bản thân bởi họ đã quá đầy đủ. Ở vị trí đó, thường họ sẽ có xu hướng làm điều gì đó vĩ đại để thỏa mãn những mục tiêu và đam mê của bản thân và những mục tiêu đó phải có giá trị cho cộng đồng.

Tác giả câu nói đó với hàm ý rằng, khi người đó đã có rất nhiều tiền và chỉ có tham vọng đưa thương hiệu của họ đến chân trời xa và có thể đạt được đỉnh cao vinh quang tầm thế giới. Thế nhưng, khi người đó đã tích lũy được một số tiền nhất định thì những người bên cạnh lại không còn đồng hành với người đó nữa và đó là điều đáng tiếc khiến họ phải thốt ra câu nói như vậy.

Tất nhiên, trên con đường dẫn đến mục tiêu đưa thương hiệu Việt trở thành thương hiệu toàn cầu, tiền chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu cuối cùng. Rất tiếc, trên con đường đó đã xảy ra cái giá phải trả.

Qua đó, tôi cũng nhắn nhủ tới giới trẻ hãy xem đó như là một câu ca thán, cũng có thể xem nó là một câu hỏi, tự xem nếu bản thân có số tiền lớn thì sẽ làm gì?

Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ một thông điệp, trước khi bạn giàu hãy nghĩ làm gì để có được nhiều tiền? Nếu như đã có nhiều tiền thì chúng ta cần phải làm gì để không gặp phải những bất trắc trong gia đình cũng như cuộc sống và để không phải trả giá?

Ngay khi chúng ta đang có cuộc trò chuyện này, thì ở đâu đó không ít người trẻ đang tham gia những lớp đào tạo mất phí để nhanh chóng trở thành triệu phú. Vậy theo kinh nghiệm kinh doanh, ông đã thấy những trường hợp thành công nhanh như vậy không?

Shark Hưng: Tôi nghĩ rằng cái giá để thành công sẽ không rẻ như thế. Nếu chúng ta thấy rằng, tại sao những lớp học như thế tổ chức cũng khá thành công? Lý do là, nếu nghĩ học một khóa bằng cấp đàng hoàng ở các trường đại học thì chỉ mất khoảng vài triệu. Nhưng tại sao với một khóa học chỉ 1-2 ngày có thể lên đến mấy chục triệu?

Nếu cái giá để có được sự thành công và giàu có chỉ mấy chục triệu thôi thì tôi thấy rằng sẽ có rất nhiều người cũng có thể học được.

Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng như vậy. Tôi cho rằng, để thành công trong kinh doanh thì việc chúng ta có được phương hướng, ý tưởng và chiến lược chỉ chiếm một phần. Còn việc bạn biến ý tưởng thành hành động rất khó khăn và trả giá rất nhiều.

Tôi không nói những khóa học như thế là sai, nhưng thực sự tôi không tin những khóa học đó sẽ khiến bạn trở nên giàu có sau một đêm. Nó chỉ có thể bổ trợ thêm và nên xem nó là lớp học tạo động lực, cảm hứng cũng như học được một vài chiến thuật nào đó trong quá trình kinh doanh.

Tuy nhiên, đừng nên quá ảo tưởng sau một khóa học ngắn mà có thể trở nên giàu có đột ngột, cũng đừng nên trách những người mình đã bỏ tiền để họ dạy và tự hỏi tại sao mình không giàu.

Tất cả những sự thành công và giàu có đều phải trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn và tất nhiên sẽ có cái giá phải trả chứ không có ai làm giàu dễ dàng cả.

Xin hỏi đối với cá nhân anh, việc hoạt động đầu tư từ trước đến nay diễn ra có thuận lợi không, đặc biệt là đầu tư của anh vào những dự án khởi nghiệp trong chương trình Shark Tank?

Shark Hưng: Trong việc đầu tư, tôi không phải là nhà đầu tư quá lớn, tôi thường đầu tư chung và theo nhóm. Đầu tư cá nhân có cũng có một số cái và tôi thấy cũng khá ổn. Tất nhiên, trong quá khứ thì ai cũng thế, sẽ có những lúc đầu tư thất bại và phải trả giá nhất định nhưng tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn, túng quẫn. Bởi tôi thường lựa chọn những giải pháp đầu tư tương đối an toàn, đầu tư theo nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong chương trình Shark Tank, phải nói thật là tôi rất vất vả với các bạn startup, bởi khi đi vào hoạt động thực tế lại khác rất nhiều so với những gì họ nói trên chương trình.

Sau đó, hầu hết các shark chứ không riêng mình tôi đều phải nỗ lực hết sức để dự án mới có thể triển khai trôi chảy. Việc đầu tư startup chỉ mang tính vườn ươm, cũng có những rủi ro nhất định và để thành công được thì quả thực các shark phải bỏ rất nhiều nỗ lực, thậm chí đầu tư thêm tiền.

Cho dù số tiền các shark bỏ ra có là hàng trăm hàng triệu đô la chăng nữa, thì các bạn startup cũng tiêu hết nhanh nếu không có chiến lược tốt, vận hành bài bản và biết cách chi tiêu hiệu quả. Do đó, đừng mong chờ quá nhiều vào tiền của các shark, hãy nghĩ rằng sự có mặt của các shark như là một mentor (người đưa ra những định hướng, hỗ trợ) và các bạn nên tận dụng điều đó.

Tôi thấy rằng, rất nhiều bạn startup trong chương trình đưa ra giá trị doanh nghiệp rất cao để đòi được nhiều nhất có thể tiền từ các shark. Thế nhưng, khi các shark chi tiền rồi thì lại đóng cửa với các shark, không báo cáo đầy đủ, khi sờ đến thì có khi tiền đã tiêu xong và chẳng làm được việc gì.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều startup thành công, họ khá nỗ lực và chịu khó. Đồng thời, năng lực quản trị trong kinh doanh cũng là một vấn đề quan trọng. Những startup muốn đi xa, ngay từ ban đầu phải có tư duy trung thực và minh bạch, mô hình kinh doanh phải chuẩn.

Đối với những dự án tôi đã đầu tư tại Shark Tank, có rất nhiều dự án vẫn đang hoạt động và tăng trưởng tốt. Tất cả những dự án đó cũng mới đầu tư nên chưa thể nói là thành công hay chưa, bao giờ tôi phải rút được vốn ra và thu về được một khoản lợi nhuận nào đó thì mới coi là thành công.

Startup đầu tư 10 dự án thì có 1-2 dự án phải thu về được lợi nhuận gấp hàng trăm hàng nghìn lần mới có thể bù lại được những mất mát, những startup đó mới được gọi là thành công. Nếu mỗi năm chỉ tăng trưởng 20% thì không thể gọi là startup thành công được.

Sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đặt ra câu hỏi tại phiên tòa ly hôn “Tiền nhiều để làm gì?”, ít nhiều cũng đã tạo thành câu chuyện rất được quan tâm trên mạng xã hội và qua đó khiến nhiều người đưa ra quan điểm về tiền bạc. Vậy theo cá nhân,  ông có quan niệm như thế nào về tiền?

Shark Hưng: Tôi luôn cho rằng, tiền không phải là mục đích của cuộc sống, nó chỉ là phương tiện và công cụ để thực hiện mục tiêu khác cao hơn. Nếu chúng ta tách tiền ra khỏi vòng lưu chuyển thì sẽ không làm gì được với nó và khi con người đạt được một số tiền nào đó chẳng hạn như vài chục tỷ thì những nhu cầu cơ bản sẽ được đáp ứng đầy đủ. Lúc đó, người ta sẽ không coi tiền là mục tiêu mà coi nó là công cụ để giúp thỏa mãn những mục đích khác cao hơn.

Có thể thấy, rất nhiều người tỷ phú, kể cả Việt Nam hay thế giới, họ không hề có cuộc sống xa hoa lãng phí. Rất nhiều người giản dị, điển hình là ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam hiện nay, có những lúc người ta đùa rằng ông vẫn dùng dây lưng đã mấy chục năm.

Điều đó chứng minh rằng, mục tiêu lớn lao nhất của người làm doanh nhân như ông Vượng có những khát khao làm được điều gì đó cho cá nhân, dân tộc và để lại cho muôn đời sau. Hoặc như tỷ phú Facebook - Mark Zuckerberg khi có con gái, ông ấy đã làm từ thiện hết số tiền đang có, chỉ giữ lại vài triệu đô cho con cái. Thế nhưng, điều đáng tự hào của ông ấy là tạo ra được sản phẩm có đến một nửa dân số thế giới đang sử dụng.

Khi bạn thực sự mang lại một giá trị nào đó cho mọi người mà không quan tâm đến tiền, thì bạn sẽ có rất nhiều tiền. Nhưng nếu bạn chỉ quan tâm đến tiền, chẳng hạn như một số người kinh doanh bị thua lỗ, muốn bù lỗ lại phải tăng giá hoặc chặt chém khách, khi đó lại càng không có khách, đương nhiên sẽ lại không có tiền và thua lỗ.

Tức là, nếu chỉ luôn muốn thu về những đồng tiền vượt quá giá trị thực tế của sản phẩm, kể cả khi bạn đang có được lợi thế đặc biệt, tiền khi đó có thể đạt được nhất thời nhưng đó là khoản tiền không bền vững và cũng không thể giúp bạn có được rất nhiều tiền.

Tiền tất nhiên rất quý, cách tiêu tiền và sử dụng đồng tiền thông minh thể hiện khả năng kiếm tiền của bạn. Nếu bạn biết được giá trị của đồng tiền khi tiêu thì sẽ hiểu được giá trị sản phẩm của bạn khi bán ra. Khi biết được giá trị sản phẩm của mình nằm ở đâu, hiểu được tại sao người ta cần đến nó và suy nghĩ kỹ lưỡng về đồng tiên bỏ ra thì sản phẩm của bạn cũng rất kỹ càng trong việc bán ra. Còn nếu bạn chi tiền một cách dễ dàng thì sản phẩm bạn tạo ra cũng dễ dãi như vậy, chẳng hạn như việc tăng giá bừa bãi dù chất lượng sản phẩm kém.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, việc khởi nghiệp là một hành trình, và tiền cho khởi nghiệp giống như xăng cho các cuộc hành trình. Nhưng, đừng biến hành trình khởi nghiệp thành một cuộc viếng thăm các cây xăng!

Xin cảm ơn ông!

 

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ