ExxonMobil, BP muốn làm dự án thu giữ carbon ở Đông Nam Á

Nhàđầutư
ExxonMobil dự kiến xây một mạng lưới cơ sở thu giữ, lưu trữ carbon trải khắp Đông Nam Á, trong khi BP vừa ký với Indonesia biên bản ghi nhớ phát triển một dự án lớn loại này.
KIM NGÂN
05, Tháng 12, 2021 | 12:08

Nhàđầutư
ExxonMobil dự kiến xây một mạng lưới cơ sở thu giữ, lưu trữ carbon trải khắp Đông Nam Á, trong khi BP vừa ký với Indonesia biên bản ghi nhớ phát triển một dự án lớn loại này.

Exon

Một cơ sở thu giữ carbon ở Canada. Ảnh: Reuters

Ông Joe Blommaert, chủ tịch phụ trách các giải pháp carbon thấp của ExxonMobil, cho biết: "Trong mạng lưới này, Singapore sẽ là trung tâm thu gom carbon. Singapore sẽ thu thập và vận chuyển khí có nguy cơ làm trái đất ấm lên tới các cơ sở lưu trữ quanh khu vực thông qua đường ống và tàu”.

Mật độ các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy hóa chất và nhà máy bán dẫn của Singapore ở mức cao. Nhưng đất nước nhỏ bé, đông dân này không có địa điểm khả thi để lưu trữ carbon dioxide.

Indonesia, Malaysia và các quốc gia láng giềng khác có các vị trí tốt để phát triển các cơ sở lưu trữ carbon, chẳng hạn như tại các mỏ dầu gần như cạn kiệt, theo Nikkei Asia. Một nghiên cứu của Trung tâm Năng lượng Singapore cho thấy Đông Nam Á có khả năng chứa 300 tỷ tấn carbon dioxide.

ExxonMobil cho biết họ có thể sử dụng dung lượng lưu trữ của Đông Nam Á để xúc tiến quá trình khử carbon trong khu vực.

Đầu tháng 11, ExxonMobil ký một biên bản ghi nhớ với Pertamina, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Indonesia, để tìm kiếm địa điểm xây các cơ sở lưu trữ ngầm ngoài khơi bờ biển Indonesia cùng với cơ sở hạ tầng giao thông. Cuối tháng 11, ExxonMobil và công ty dầu khí quốc doanh Malaysia Petronas đồng ý nghiên cứu khả thi các dự án thu giữ, lưu trữ carbon ngoài khơi bán đảo Mã Lai.

ExxonMobil đang giới thiệu các dự án thu giữ carbon ở Mỹ và các nơi khác, tìm kiếm đối tác. Doanh nghiệp mong muốn hợp tác với nhiều chính phủ và tập đoàn ở Đông Nam Á.

Cũng cuối tháng 11, tập đoàn dầu khí BP công bố kế hoạch làm một dự án thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon ở Indonesia, với chi phí ước tính từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD. Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này ở Indonesia. Dự án là một phần trong kế hoạch phát triển đối với lô khí Tangguh ở miền đông Indonesia, do BP (Anh) và các đối tác Mitsubishi, Inpex (Nhật Bản) và CNOOC (Trung Quốc) điều hành.

Nader Zaki, Chủ tịch BP Indonesia và Dwi Soetjipto, Chủ tịch SKK Migas - cơ quan quản lý hoạt động dầu khí thượng nguồn của Indonesia - ký biên bản ghi nhớ về dự án này. Dự kiến dự án đi vào hoạt động năm 2026 hoặc 2027, với 4 triệu tấn carbon dioxide sẽ được bơm vào hồ chứa hàng năm. Con số sẽ là 25 triệu tấn vào năm 2035 và 33 triệu tấn vào 2045, Nikkei Asia đưa tin.

Tutuka Ariadji, Tổng cục trưởng Cục dầu khí tại Bộ năng lượng Indonesia, cho biết một số dự án thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon tiềm năng khác đang được nghiên cứu ở Indonesia. Trong số các đơn vị liên quan đến những dự án này có công ty dầu khí nhà nước Pertamina và Viện Công nghệ Bandung (Indonesia); Inpex, Japan Petroleum Exploration và công ty điện lực Nhật Bản J-Power (Nhật Bản); và công ty xăng dầu Tây Ban Nha Repsol.

Các công nghệ thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực để đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng không, vì chúng cho phép thu giữ carbon dioxide từ các cơ sở năng lượng, từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hoặc sản xuất công nghiệp, sau đó được sử dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị hoặc được lưu trữ vĩnh viễn sâu dưới lòng đất, ở các hệ tầng địa chất.

Samantha McCulloch, người đứng đầu mảng thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết 2021 đã chứng kiến “những tiến bộ chưa từng có” của các công nghệ trong lĩnh vực này. 

IEA cho biết từ đầu năm đến nay, hơn 100 cơ sở thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon mới được công bố và năng lực thu giữ CO2 từ các dự án toàn cầu đang trong quá trình tăng lên gấp bốn lần”. Tính trung bình, gần 3 triệu tấn carbon dioxide công suất thu giữ được bổ sung trên thế giới mỗi năm kể từ 2010. Công suất thu giữ hàng năm hiện đạt hơn 40 triệu tấn. Con số cần được nâng lên 1,6 tỷ tấn vào năm 2030 để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050, theo tổ chức này.

Tuy nhiên, còn nhiều rào cản đối với việc thu hút các dự án thu giữ, lưu trữ carbon ở Đông Nam Á. Đường ống, bến cảng và các cơ sở hạ tầng khác cần đầu tư tư nhân và đầu tư công. Một cơ chế định giá carbon cũng cần thiết để các nước chấp nhận lưu trữ carbon dioxide của quốc gia khác.

Nhiều khu vực châu Á thiếu các cơ chế định giá carbon hoàn thiện, chẳng hạn như thuế carbon hoặc thị trường mua bán tín dụng phát thải. Blommaert cho biết, cơ chế định giá dựa trên nguyên tắc thị trường và minh bạch rất cần thiết để kinh doanh thành công.

Ở Châu Á Thái Bình Dương, “giá trị của carbon tương đối thấp, do đó nó không thu hút được đầu tư của nhà nước và tư nhân. Đó là một phần của các chính sách cần được thực hiện”, ông nói thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ