Eximbank 'ngổn ngang' trước ngày Đại hội

Nhàđầutư
Các Thành viên HĐQT chìm trong tranh chấp quyền lực, đồng thời xuất hiện những cổ đông mới, trong khi cổ đông Nhật Bản dường như đã hết kiên nhẫn. Đó là những gì đang diễn ra tại Eximbank, một đêm trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
NGHI ĐIỀN
25, Tháng 04, 2019 | 18:25

Nhàđầutư
Các Thành viên HĐQT chìm trong tranh chấp quyền lực, đồng thời xuất hiện những cổ đông mới, trong khi cổ đông Nhật Bản dường như đã hết kiên nhẫn. Đó là những gì đang diễn ra tại Eximbank, một đêm trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

eximbank_oktc

Sự thành công của ĐHĐCĐ thường niên Eximbank diễn ra vào ngày mai (26/4) đang là dấu hỏi lớn

Cổ đông Nhật Bản hết kiên nhẫn

Tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vừa có công văn gửi Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đề nghị bổ sung một số nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra vào sáng mai (26/4).

Công văn do Chủ tịch kiêm CEO Makoto Takashima ký nêu rõ Tập đoàn Nhật Bản muốn rút ông Yasuhiro Saitoh khỏi HĐQT Eximbank. Ông Saitoh hiện là Phó Chủ tịch HĐQT và đại diện cho SMBC.

Bên cạnh đó, SMBC cho biết Uỷ ban độc lập thuộc HĐQT Eximbank đã nhận định được một số vấn đề tồn tại và đưa ra các kiến nghị khắc phục tương ứng nhằm gia tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp.

"Các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục đó cần được thông tin đến cổ đông để các cổ đông biết và đóng góp ý kiến", công văn của SMBC nêu rõ.

Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược nắm 15% Eximbank đưa ra vấn đề "thanh lọc" HĐQT ngân hàng này ngay trong Đại hội ngày mai.

Cụ thể, SMBC băn khoăn về kết quả kinh doanh hiện nay, và đưa ra giải pháp cắt giảm số lượng thành viên HĐQT, có thể từ 10 người về còn 7 người, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.

SMBC cũng yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm với từng Thành viên HĐQT, với hai mức "Tín nhiệm" hoặc "Không tín nhiệm". Trên cơ sở đó, ĐHĐCĐ sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm các Thành viên HĐQT không đạt phiếu bầu "tín nhiệm" chiếm trên 51% số phiếu biểu quyết hợp lệ của cổ đông.

Động thái "mạnh tay" của SMBC cho thấy dường như nhà đầu tư chiến lược của Eximbank đang hết kiên nhẫn với tình trạng "đấu đá", tranh giành quyền lực trong HĐQT kéo dài suốt từ đầu nhiệm kỳ (2015) cho đến nay.

Tiếp tục họp HĐQT miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc

Ở diễn biến đồng thời, một nhóm 5 Thành viên HĐQT, trong đó có hai đại diện của SMBC ngày 23/4 đã thông báo mời họp HĐQT nhằm tiếp tục miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT để thay bằng bà Lương Thị Cẩm Tú.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 6/5 tới có thể sẽ "xuôi" về mặt pháp lý, bởi từ ngày 5/4, cũng nhóm Thành viên trên đã đề nghị Chủ tịch Lê Minh Quốc triệu tập cuộc họp HĐQT, nhưng ông Quốc đến nay không thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ. Đây là điều dễ hiểu bởi trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, chẳng ai đi triệu tập họp để miễn nhiệm chính mình cả.

Kể cả nếu cuộc họp ngày 6/5 tới đây không thành công (nhóm ông Lê Minh Quốc không tham dự), thì cuộc họp lần hai theo luật định diễn ra chậm nhất sau đó 7 ngày (chỉ cần tối thiểu 5 Thành viên HĐQT tham gia) nhiều khả năng sẽ hợp thức hoá việc đưa bà Lương Thị Cẩm Tú lên làm Chủ tịch HĐQT.

Đó là câu chuyện của nửa tháng nữa. Còn vào lúc này, khi chỉ còn chưa đến một ngày tới Đại hội cổ đông thường niên, viễn cảnh về một Đại hội bất thành không phải là không thể xảy ra. Một nguồn tin của Nhadautu.vn cho biết một thành viên trong HĐQT Eximbank cách đây gần một tuần đã đứng ra vận động các cổ đông lớn trì hoãn Đại hội từ 2-3 tháng. Trong hai năm 2015-2016, Eximbank cũng đã nhiều lần phải hoãn hay tổ chức không thành công ĐHĐCĐ thường niên.

Xuất hiện những "tay chơi" mới

Trong bối cảnh như vậy, tình hình Eximbank lại càng thêm phần phức tạp khi liên tục xuất hiện những "tay chơi" mới.

Nguồn tin của Nhadautu.vn xác nhận ngày 19/4, ông Nguyễn Anh Tuấn - người giới thiệu là đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Thành Công, là cổ đông nắm 60,54 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% vốn Eximbank đã có công văn gửi Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và Eximbank.

Theo công văn, ông Tuấn còn cho biết được uỷ quyền bởi 54,97 triệu cổ phần (4,45%) của ông Nguyễn Tiến Dũng và 44,72 triệu cổ phần (3,62%) của Hợp tác xã cổ phần Thành Công.

Nhóm nhà đầu tư mới, nắm 12,97% vốn Eximbank bày tỏ lo lắng sâu sắc đối với tình hình Eximbank hiện nay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1974, là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thành Công (vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng) - doanh nghiệp được biết đến nhiều với liên doanh sản xuất - lắp ráp xe với đối tác Huyndai của Hàn Quốc. Những năm gần đây, Thành Công Group đầu tư mạnh vào mảng bất động sản, và nay là tài chính ngân hàng, xác định rõ phương hướng phát triển dựa trên "kiềng ba chân" này.

Ngoài doanh nhân đất Bắc, một nhóm nhà đầu tư phía Nam cũng sắp sửa mua nốt 7% cổ phần Eximbank từ gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn. Trước đó, nhà Chủ tịch Nam A Bank nắm khoảng 15% vốn Eximbank, và bất cứ ai gom được số cổ phần này sẽ có "tiếng nói" rất lớn tại ngân hàng này.

Eximbank là một ngân hàng có nền tảng tốt, mạng lưới rộng khắp và nhiều khách hàng trung thành tích luỹ được từ giai đoạn phát triển "thần kỳ" ở thập kỷ trước. Tuy nhiên thời kỳ bị nhóm các ông Nguyễn Đức Kiên và Trầm Bê thâu tóm những năm 2010-2014, kế tiếp là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai nhóm cổ đông kéo dài từ năm 2015 đến nay, đã ảnh hưởng rất lớn tới Eximbank, kéo tụt nhà băng này về phía sau.

Sau đúng chu kỳ 5 năm, cơ cấu cổ đông của Eximbank lại bắt đầu được được "thay máu", với sự xuất hiện của các "tay chơi" mới. Những nhà đầu tư khác, cùng với tiềm lực tài chính mạnh hứa hẹn sẽ mang tới một "luồng gió" mới cho Eximbank. Tuy nhiên luồng gió này chỉ có thể "mát" khi các nhóm cổ đông mới và cũ tìm được điểm chung, cùng nhìn về một hướng để ổn định, đưa Ngân hàng phát triển. Bằng không, những gì đã diễn ra tại Eximbank suốt nhiệm kỳ HĐQT vừa qua không loại trừ sẽ lặp lại trong chu kỳ tới đây.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ