Doanh nghiệp địa ốc 'loay hoay' bảo vệ thương hiệu vì liên tiếp bị giả mạo

Nhàđầutư
Tập đoàn Đất Xanh vừa phát đi thông báo rằng mình bị một doanh nghiệp bất động sản ở Long An giả mạo thương hiệu để bán dự án đất nền không có thực. Trước đó, những tập đoàn địa ốc lớn như HimlamLand, HungThinh Corp, Hà Đô… cũng phải phát đi thông báo như Đất Xanh vừa làm.
CHU KÝ
06, Tháng 07, 2020 | 14:35

Nhàđầutư
Tập đoàn Đất Xanh vừa phát đi thông báo rằng mình bị một doanh nghiệp bất động sản ở Long An giả mạo thương hiệu để bán dự án đất nền không có thực. Trước đó, những tập đoàn địa ốc lớn như HimlamLand, HungThinh Corp, Hà Đô… cũng phải phát đi thông báo như Đất Xanh vừa làm.

Lấy danh để ‘dụ’ khách hàng

Vụ việc mà Tập đoàn Đất Xanh cảnh báo xuất phát từ năm 2019, khi đó thị trường xuất hiện dự án khu dân cư Đất Xanh tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất Xanh Long An (Đất Xanh Long An) làm chủ đầu tư.

Như thông tin phản ánh trước đó, từ giữa năm 2018, Đất Xanh Long An đã quảng bá rầm rộ, mở bán nền đất tại dự án nói trên. Theo đó, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng và tiến hành thanh toán tiền theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, từ thời điểm ký cho đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai để giao nền cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng.

Vì nhiều lần liên hệ với Đất Xanh Long An nhưng liên tục bị né tránh, các nạn nhân đã tự đi tìm hiểu và biết dự án mình mua chỉ là một bãi đất trống, vẫn thuộc khu vực nhà dân. Hơn nữa, người dân ở khu vực dự án cho biết, Đất Xanh Long An cũng chưa đến nói chuyện hay thương thảo mua lại đất của dân để làm dự án.

IMG_1440

Việc các doanh nghiệp BĐS sử dụng thương hiệu ‘hao hao’ với các ông lớn đã có tên tuổi trong ngành BĐS, trong thời gian qua diễn ra khá phổ biết, việc làm này đã khiến cho khách hàng nhiều lần nhầm lẫn dẫn đến bị lừa, đi cùng với đó là uy tín của các thương hiệu thật cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa.

Không những vậy, tại địa chỉ ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi thu tiền của khách hàng mua dự án Hưng Thịnh Cát Tường II, nhưng nhân viên ở đây nói rằng nơi này chỉ là thu tiền hộ. Hiện tại, trụ sở này cũng đã đóng cửa.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất xanh Long An, có địa chỉ tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, do ông Trương Quốc Thái làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh và được cấp phép hoạt động lần đầu vào ngày 18/ 4/2017. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Điều đáng nói, chưa đầy 3 tháng sau khi thành lập, toàn bộ thủ tục pháp lý về Dự án khu dân cư Đất Xanh đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt xong cho doanh nghiệp mới này! Dự án có quy mô hơn 7ha, mục tiêu đầu tư là nhà ở.

Trong quyết định chủ trương đầu tư số 2644/QĐ-UBND của tỉnh Long An ký ngày 18/7/2017, Đất Xanh Long An phải hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động tháng 12/2018. Sau đó, công ty này được Sở KH&ĐT tỉnh Long An cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án tại Quyết định số 202/QĐ-SKHĐT. Theo đó, đến tháng 12/2019, công ty phải đưa dự án đi vào hoạt động.

Mặt khác, cái tên “Đất Xanh” mà công ty này đang sử dụng cho dự án nói trên đã làm cho nhiều khách hàng nhầm lẫn là dự án của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) - một "ông lớn" đã có tên tuổi trong ngành BĐS.

Theo ông Bùi Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh, việc mạo danh thương hiệu của Đất Xanh Long An đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín Tập đoàn Đất Xanh và thương hiệu Đất Xanh. Việc sử dụng tên thương hiệu của Tập đoàn đang tạo nên sự nhầm lẫn cho khách hàng.

“Tập đoàn Đất Xanh có hơn 40 công ty thành viên nhưng không hề có sự liên quan nào đến pháp nhân Đất Xanh Long An như thông tin đang lan truyền trên báo chí và mạng xã hội. Hành vi của Đất Xanh Long An là mạo danh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tập đoàn Đất Xanh rất mong cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu rõ và xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị làm ăn, kinh doanh chân chính”, ông Bùi Ngọc Đức bày tỏ.

Đồng thời, Tập đoàn Đất Xanh cũng khẳng định Đất Xanh Long An và dự án Đất Xanh Long An không hề có sự liên quan nào đến hệ thống thương hiệu của Đất Xanh. Để bảo vệ thương hiệu “Đất Xanh” và uy tín của công ty, rước đó, vào tháng 10/2019, Tập đoàn Đất Xanh cũng đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện Đất Xanh Long An.

Tương tự, gần dự án của Trần Anh Group tại huyện Đức Hòa (Long An), từ tháng 4/2020, cũng xuất hiện một dự án mang tên “Căn hộ chung cư Xuyên Á; trên nhiều website chào bán sản phẩm này lại để logo và tên chủ đầu tư là Trần Anh Group. Trong khi đó, đại diện Trần Anh Group cho biết, không hề làm dự án này.

“Có khá nhiều khách hàng gọi về Công ty hỏi về dự án này, trong đó phản ánh rằng, nhân viên môi giới tự nhận là người của Trần Anh Group và nói dự án do công ty chúng tôi phát triển. Việc mạo danh này làm ảnh hưởng lớn tới uy tín doanh nghiệp, song hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp mình”, đại diện Trần Anh Group chia sẻ.

Ngoài ra, một số ông lớn bất động sản khác như Himlam Land, HungThinh Corp, Hà Đô, Phú Đông Group… cũng từng đưa ra cảnh báo khách hàng về câu chuyện nhái thương hiệu khi ở một số fanpage, website mượn danh của các “ông lớn” này để lừa đảo bán dự án cho khách hàng.

Đâu là giải pháp?

Nói về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường thời gian qua, thông tin với báo giới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận đinh, hiện tượng này đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế.

Theo ông Châu, các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.

“Lời khuyên cho các doanh nghiệp BĐS là đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài các cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ”, Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Về phương diện luật pháp, trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn luât sư TP.HCM) cho biết, mặc dù các quy định về việc sử dụng tên doanh nghiệp tránh gây nhầm lẫn được quy định theo luật doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên các  đối tượng với ý đồ xấu bất chấp thủ đoạn gian lận thương mại nhằm lừa dối khi người tiêu dùng không chỉ  đối với  loại hình BĐS nêu trên mà tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác đều xảy ra những tệ nạn như vậy.

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 30 Nghị định 50/2016/NĐ-CP mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “Không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trường hợp doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.” Đồng thời "…buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm”. “Thế nhưng, thực tế biện pháp xử phát hành chính nêu trên hiện nay vẫn chưa thực hiện một cách triệt để”,  Luật sư Nguyễn Tri Đức nhận định.

Trong khi đó, về góc độ quản lý nhà nước, theo Luật sư Nguyễn Tri Đức, hiện tại vẫn không tránh khỏi những lỗ hổng do các cơ quan cấp phép kinh doanh tại một số địa phương đã không thực hiện triệt để hay nói hơn là tắc trách đối với việc rà soát kiểm tra ngay từ ban đầu nhằm loại trừ việc sử dụng tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo luật định là điều cần phải triệt để chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, nói về các giải pháp giúp doanh nghiệp bị nhái thương hiệu có hướng xử lý, Luật sư Nguyễn Tri Đức chia sẻ, ngoài quy định xử phạt hành chính nêu trên, thì doanh nghiệp bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức cá nhân gây ra thiệt hại do bị mạo danh để thực hiện các hành vi gian lận khác lừa dối khác hàng quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

Tuy nhiên, điều đó xem ra hiện nay vẫn không đủ sức răn đe. Do đó, các cơ quan cấp phép kinh doanh sở tại phải nhìn nhận một phần trách nhiệm về vấn đề này.

“Nếu các cơ quan này làm tốt quy định nghiêm ngặt việc cấp phép loại trừ tên doanh nghiệp trùng nhau về thành tố: Tên và ngành nghề hoạt động kinh doanh thì sẽ không có cơ hội cho các đối tượng lợi dụng tên các doanh nghiệp “ông lớn” uy tín khác để thực hiện các thủ đoạn gian lận thương mại lừa dối khác hàng trong mọi trường hợp nêu trên”, Luật sư Nguyễn Tri Đức khẳng định

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Tri Đức cũng cho rằng, các nhà làm luật cần kiện toàn điều luật xử lý hình sư đối với mọi hành vi gian lận thương mại cụ thể: Sử dụng tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn, tạo lập sử dụng các trang thương mại điện tử, website giả mạo các doanh nghiệp khác, cùng các hành vi tự mạo nhận doanh nghiệp uy tín khác để lừa dối khách hàng là điều cấp thiết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ