Doanh nghiệp đầu tư công nghệ 'khủng' làm kinh tế tuần hoàn

Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Nestlé Việt Nam, Vinamilk… đã có sự quan tâm đầu tư lớn vào mô hình kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn gặp nhiều trở ngại khi thực hiện.
BẢO LÂM
13, Tháng 10, 2022 | 08:29

Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Nestlé Việt Nam, Vinamilk… đã có sự quan tâm đầu tư lớn vào mô hình kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên vẫn gặp nhiều trở ngại khi thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội như: Tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm thiểu khai thác tài nguyên vốn đang cạn kiệt và không thể phục hồi; giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên thông qua vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ phát thải carbon thấp, góp phần hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; giảm rủi ro thừa sản phẩm cho doanh nghiệp trong khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào...

Cùng với đó phát huy tính năng động, sáng tạo trong đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; là cầu nối giữa khoa học và kinh tế (đưa các sáng kiến, phát minh sáng chế vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp); nâng cao tính tự lực, tự chủ của doanh nghiệp, góp phần phát triển nền kinh tế tự cường, bền vững; bắt kịp với xu thế của toàn cầu theo con đường "xanh", hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045; tăng hiệu quả và sự gắn kết giữa kinh tế - xã hội - môi trường (cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư năng lượng hóa thạch).

Chung tay xây dựng phát triển bền vững

Trao đổi với Nhadautu.vn về chiến lược triển khai kinh tế tuần hoàn (KTTH), bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết là doanh nghiệp sản xuất trong ngành giải khát có sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, Tân Hiệp Phát xác định doanh nghiệp này có trách nhiệm đưa KTTH vào một phần chiến lược của tổ chức.

Theo bà, tất cả những điều Tân Hiệp Phát làm đều xuất phát từ nguyện vọng, tầm nhìn và sứ mệnh mà tập đoàn đã nuôi dưỡng. Đây là kim chỉ nam để định hướng các hoạt động của tập đoàn. Tân Hiệp Phát đã đầu tư công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới có tính tự động cao để đáp ứng yêu cầu triển khai KTTH gồm hiệu quả về kinh tế và tuần hoàn tối đa.

tran-uyen-phuong

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: Trọng Hiếu.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Tân Hiệp Phát còn đầu tư chuỗi công nghệ từ Washing - Extruder - Injection Molding để tái chế tuần hoàn nhựa PE, PP sản xuất pallet, thùng chứa rác, đầu tư dây chuyền sản xuất Nước giải khát công nghệ vô trùng Aseptic từ hãng GEA Procomac...đồng thời triển khai hệ thống quản trị số hóa tự động từ sản xuất tới cung ứng.

Bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh, để đạt được nguyện vọng và hoàn thành sứ mệnh, văn hóa lãnh đạo cũng rất quan trọng. Tập đoàn xác định tư duy lãnh đạo hướng tới lợi ích của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội. Thêm vào đó, Tân Hiệp Phát cũng khích lệ nhân viên vượt qua bản thân và tạo nên tổ chức cùng chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đáng chú ý, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, mô hình giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (3R) đã giúp tập đoàn này cắt giảm hơn 70.000 tấn nhựa trong gần 10 năm (2013-2022), từ đó đặt mục tiêu giảm hơn 112.000 tấn nhựa vào năm 2027, tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, chung tay cùng các doanh nghiệp tái chế nhựa.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý truyền thông và đối ngoại cao cấp, Công ty Nestlé Việt Nam cho hay, công ty này đề ra kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 đến 2050 bằng cách sử dụng điện từ năng lượng tái tạo, phương tiện vận tải thân thiện môi trường.

"Trong đó, chúng tôi có năm bản lề là 2018 để thực hiện đo đếm, kiểm đếm trên toàn bộ chuỗi giá trị từ thu mua nguyên liệu đến nhà máy sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Sau đó mới đến tay người tiêu dùng, và cuối cùng là quá trình thải, bỏ sau khi sử dụng", bà Thương chia sẻ.

Theo bà Lê Thị Hoài Thương, trong quá trình như vậy, doanh nghiệp cũng đưa ra các cột mốc như đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2050. Cụ thể hơn, có 4 trọng tâm mà doanh nghiệp hướng đến là chống biến đổi khí hậu, giải pháp quản lý bao bì bền vững, mua hàng có trách nhiệm và bảo vệ nguồn nước.

Riêng đối với quản lý bao bì bền vững, lãnh đạo Nestlé Việt Nam chia sẻ rằng doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này dưới góc độ KTTH, rằng các báo bì phải hướng đến việc thiết kế để có thể tái chế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, cần đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo.

le-thi-hoai-thuong

Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý truyền thông và đối ngoại cao cấp, Công ty Nestlé Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

"Chúng tôi tập trung thiết kế bao bì để có thể tái chế, phối hợp với rất nhiều đối tác, nhà cung cấp quốc tế và trong nước để chuyển đổi từ bao bì nhiều lớp sang đơn lớp hoặc thay đổi mực in trên bao bì để hỗ trợ tối đa cho việc tái chế. Chúng tôi có một viện nghiên cứu bao bì tại Thụy Sĩ để có thể từng bước thay đổi, từ đó đặt mục tiêu giảm 30% khối lượng nhựa nguyên sinh trong bao bì", bà Lê Thị Hoài Thương chia sẻ.

Trọng tâm thứ hai mà Nestlé Việt Nam xác định là việc hợp tác với các bên để phát triển một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, sự hưởng ứng của người tiêu dùng cũng rất quan trọng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk nhận định KTTH và chuỗi giá trị của Vinamilk bắt đầu từ nguồn lực là đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng nguyên nhiên vật liệu sử dụng, gắn kết và hài hòa các lợi ích cùng các bên liên quan… đến nghiên cứu và phát triển (đánh giá vòng đời sản phẩm, đánh giá dinh dưỡng sản phẩm từ khâu nghiên cứu phát triển, tiếp cận 3R gồm: Giảm thiểu (Reduce), tái sử dụng (Reuse), tái chế (Recycle), cho đến chăn nuôi bền vững và sản xuất sạch. Các nhà máy của Vinamilk không sử dụng dầu BO, lò hơi đốt dầu FO, hạn chế chất thải, tối ưu hóa chuỗi giá trị.

Về quản lý chất thải, Vinamilk luôn tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên để giảm thiểu chất thải ra môi trường, theo đó: 100% rác thải được phân loại, thu gom và giao cho nhà thầu vận chuyển, xử lý; 100% nước thải từ hoạt động sản xuất và đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống biogas được áp dụng cho các trang trại Vinamilk, giảm thải lượng thải, khí nhà kính vào môi trường. Năng lực tái tạo từ Biogas được Vinamilk tận dụng cho hệ thống đun nước nóng, với công suất tương đương 11,6 m3 nước nóng/giờ. Dạng phân rắn sẽ được xử lý và dùng để bón ruộng…

Song song, các nguồn thải cũng được tận dụng như: Bùn thải cải tạo đất trồng cây xanh 30.096 kg/năm và tận dụng bã trà làm phân bón hữu cơ cho cây xanh 24.548 kg/năm. 7 đặc tính của chăn nuôi hữu cơ gồm: Tạo hệ sinh thái tự nhiên, phúc lợi đàn bò tốt, phân bón hữu cơ, cải thiện chất hữu cơ và đa dạng sinh học của đất, không thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đồng cỏ không biến đổi gen và đàn bò không hoóc-môn tăng trưởng.

"Nhờ vậy, Vinamilk đã đạt được nhiều kết quả như giảm 9% lượng nhựa sử dụng so với mức hiện tại; giảm được 15mm nhựa theo chiều ngang thải ra môi trường, giảm 3,26% lượng nhựa sử dụng; tái sử dụng túi giấy 4 lần; tiết kiệm 968.412 kg vật liệu nhựa…", ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết.

nguyen-quoc-khanh

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk. Ảnh: Trọng Hiếu.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách gì để phát triển KTTH?

Ngoài những thuận lợi, bà Trần Uyên Phương cho biết, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều thách thức như thói quen tiêu dùng, nhận thức về KTTH; khung pháp luật và chính sách chưa hoàn thiện; liên kết, quy hoạch chuỗi giá trị phục vụ cho ngành công nghiệp tái phù hợp với quy mô thu gom, đặc thù địa lý và điều kiện kinh tế xã hội từng khu vực để triển khai tái chế hiệu quả về kinh tế.

Từ những phân tích trên, để thực hiện tốt mô hình KTTH, lãnh đạo Tân Hiệp Phát kiến nghị cần đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức mang tầm quốc gia dành cho người dân về phân loại rác tại nguồn; mở rộng đào tạo hướng dẫn, phổ biến tới doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh về kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện luật, quy định, chính sách, hướng dẫn.

Ngoài ra cần đưa ra thước đo về thực thi KTTH, cơ sở hưởng ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng KTTH; quy hoạch khu công nghiệp dành cho chuỗi giá trị liên quan tới ngành tái chế phục vụ một khu vực địa lý nhất định.

Đại diện Nestlé Việt Nam khuyến nghị cần tăng cường hợp tác đa bên để giảm thiểu chi phí, vận hành hiệu quả mô hình KTTH. Doanh nghiệp đã có sự đầu tư thì cần cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ thống thu gom và xử lý đồng bộ. Cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, đẩy việc sử dụng nguyên liệu tái chế và hỗ trợ phát triển thị trường nguyên liệu tái chế.

Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk Nguyễn Quốc Khánh kiến nghị cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là giáo dục trẻ em để hình thành nhận thức từ sớm; Chính phủ ban hành các chính sách xanh kịp thời, các quy định cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; tạo quy định chung để các công ty phải thực hiện theo một cách công bằng, nhất quán.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ