Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài cuối: Phát triển phải bền vững

Nhàđầutư
Mặt trái của tăng trưởng nhanh thường gắn liền với hệ quả xấu về môi trường như rác thải, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sản xuất. Đối với khu vực ĐBSCL, ngoài những mối nguy hại trên còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn, sạt lở, sụp lún ngày càng gia tăng.
AN HÒA
20, Tháng 10, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Mặt trái của tăng trưởng nhanh thường gắn liền với hệ quả xấu về môi trường như rác thải, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sản xuất. Đối với khu vực ĐBSCL, ngoài những mối nguy hại trên còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH), xâm nhập mặn, sạt lở, sụp lún ngày càng gia tăng.

Từ kinh tế thuận thiên

Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra cảnh báo: Việc đẩy nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ĐBSCL đã gây ra những tác động xấu đối với môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, do các hoạt động sản xuất thâm canh tăng vụ trong nuôi trồng thủy sản gây ra.

a 1 B4

Nuôi tôm sinh thái là một trong những mô hình kinh tế thuận thiên. Ảnh TL

Cũng theo báo cáo của WB, hàng năm các trang trại nuôi thủy sản ở ĐBSCL đã thải ra hơn 10 tỷ m3 nước thải có hàm lượng nitơ, phốt pho không qua xử lý; tồn dư thuốc diệt ốc sên, hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật chưa qua xử lý thải ra môi trường đến hàng ngàn tấn/năm.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2017, chuyên đề Quản lý chất thải của của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hàng năm, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại một số địa phương cũng rất cao.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong những năm trở lại đây thiệt hại từ thiên tai và BĐKH ngày càng gia tăng đối với khu vực ĐBSCL. Đáng qua tâm là đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho 11/13 tỉnh, thành trong vùng.

Thời gian qua, trong một động thái quyết liệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH và Chính quyền các địa phương đều nỗ lực triển khai các giải pháp. Một số tỉnh được sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp vào các dự án trong nước, quốc tế về chống chịu thiên tai và BĐKH, tuy vậy bước đi còn khá chậm chạp. Hành động thích ứng BĐKH chưa có sự phối hợp giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là những tác động đến phát triển kinh tế mà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. 

“Về mặt nhận thức về BĐKH, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ có tư duy 'chưa đến lúc' thì các doanh nghiệp FDI lại rất quan tâm và triển khai các hoạt động quản lý rủi ro sớm và tốt hơn”, ông Lam nhận định.

GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia hàng đầu về nông nghiêp cho rằng, trong thời gian qua chúng ta đã tập trung quá nhiều cho sản xuất lúa, sản lượng dư thừa, hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn nhiều tài nguyên nước. Do vậy trong thời gian tới, chúng ta chỉ giữ lại diện tích chuyên canh lúa vừa phải ở những vùng nước ngọt quanh năm như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. 

Ở những vùng tranh chấp mặn ngọt thì có thể tranh thủ luân canh lúa, thủy sản. Ở những vùng nước mặn quanh năm thì có thể chuyên canh nuôi trồng thủy sản nước mặn.

“Cũng cần nói thêm là trong 6 quốc gia lưu vực sông Mê Kông thì chỉ duy nhất Việt Nam có vùng nước mặn, lợ ven biển, do đó chúng ta phải biết trân trọng và phát huy đúng mức lợi thế khác biệt này trong phát triển kinh tế”, GS Xuân lưu ý.

Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong thời gian qua có nhiều mô hình phát triển kinh tế chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường, đó là sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khai thác quá mức nước ngầm, cát sỏi trên sông; nhiều nơi còn phát triển trái quy luật tự nhiên như chở nước mặn về vùng nước ngọt đề nuôi thủy sản nước mặn, hay đắp đập ngăn mặn để nuôi trồng thủy sản nước ngọt… điều này gây hệ quả xấu đến môi trường.

“Hành động thích ứng, thuận thiên là xu thế tất yếu, cần phải đặt ĐBSCL trong bối cảnh tổng thể. Hành động thích  ứng cần có nguyên tắc, xem xét đầy đủ chi phí và lợi ích cả  ba mặt kinh  tế, xã hội và môi trường, ở  tại chỗ và trên toàn vùng; trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, ông Thiện đề xuất.

Đến kinh tế tuần hoàn

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, thực trạng ngành nuôi và chế biến thủy sản tại ĐBSCL hiện nay rất khó khăn khi hạn mặn, nguồn nước cạn kiệt... Vì thế, phát triển kinh tế trong điều kiện nguồn tài nguyên bị bào mòn, sự cạnh tranh quyết liệt với đối thủ ngành hàng thì việc chắt chiu, phát huy tối đa những gì đang có chính là nguồn lực để doanh nghiệp giữ được tăng trưởng bền vững, mô hình sản xuất đó được các chuyên gia kinh tế gọi là “kinh tế tuần hoàn”.

a ba 4 kinh te

Du lịch sinh thái, kết hợp với kinh tế vườn là một trong những mô hình kinh tế thích ứng BĐKH, phát triển bền vũng. Ảnh NQ

Ý thức được điều này, từ lâu Công ty Vĩnh Hoàn đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn từ ao nuôi cho đến nhà máy. Tại các ao nuôi cá, Công ty Vĩnh Hoàn luôn dành một phần diện tích cho phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời; đất nạo vét đáy ao được dùng để trồng cây ăn quả, làm phân bón hữu cơ.

Trong nhà máy, phụ phẩm đầu ra là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác, tất cả kết nối nhau thành chuỗi tuần hoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ về lý thuyết thì có thể chưa biết rỏ mô mình kinh tế tuần hoàn là như thế nào nhưng thực tế thì đã có nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo mô hình này. Như ở Bến Tre nổi bậc với 3 mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là sản xuất chế biến dừa theo chuỗi giá trị khép kín với 40 sản phẩm; mô hình chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế và lấy trùn quế nuôi thủy sản; đốt giấy thải tại nhà máy giấy để phát điện công suất đủ phục vụ cho cả cụm công nghiệp.

“Bến Tre có 4.500 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhưng vẫn có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn rất hay, nói như thế để cho thấy kinh tế tuần hoàn không phải là cái gì đó cao siêu chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể áp dụng được”, ông Sơn phân tích.

Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, mô hình kinh tế tuần hoàn được chia thành ba cấp độ, cấp độ thấp, tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái; cấp độ vừa, bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác, nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp; cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế tái sử dụng, không có chất thải đưa ra môi trường.

“Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn lại khá mới mẻ, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vì vậy, để mô hình này được triển khai sâu rộng thì vấn đề trước tiên là nhận thức đúng về bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp được xem là động lực trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kiến tạo, hỗ trợ để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia”, ông Trường đề xuất.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nếu ngành nông nghiệp chịu chuyển đổi tập trung vào nâng cao giá trị, thì mỗi năm không chỉ có thể thu về 40 tỷ USD mà có thể tăng lên hàng trăm tỷ USD nhờ tận thu được các phụ phẩm. Bởi vì ngoài chính phẩm, hàng năm còn có trên hàng chục triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp đang bị bỏ đi rất lãng phí.

“Cả thế giới đang hướng đến nền sản xuất mà toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất khép kín không có chất thải đưa ra môi trường. Toàn bộ chất thải đều được giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng, đó là kinh tế tuần hoàn. Mô hình kinh tế này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế cho ngành hàng mà còn là nhân tố quyết định cho nền kinh tế phát triển bền vững, thuận thiên như Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL”, TS. Đặng Kim Sơn nhận định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ