Đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 2: Đánh thức tiềm năng vùng đất 'chín rồng'

Được hình thành từ phù sa bồi đắp của hai con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trù phú về nông nghiệp bậc nhất. ĐBSCL còn tiếp giáp biển trên 700km, nhiều tiềm năng trong giao thương quốc tế, phát triển năng lượng tái tạo.
PHÚ KHỞI
01, Tháng 07, 2022 | 07:22

Được hình thành từ phù sa bồi đắp của hai con sông lớn là Sông Tiền và Sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trù phú về nông nghiệp bậc nhất. ĐBSCL còn tiếp giáp biển trên 700km, nhiều tiềm năng trong giao thương quốc tế, phát triển năng lượng tái tạo.

Untitled

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Ảnh: Phú Khởi

Vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất

ĐBSCL là vùng châu thổ phì nhiêu rộng lớn, nhiều nước ngọt, là nơi sinh sống của 18 triệu người dân với ba lợi thế cơ bản. Đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; nguồn lao động trẻ dồi dào và vị trí nằm cạnh khu vực động lực tăng trưởng chính của quốc gia là vùng TP.HCM và Miền Đông Nam bộ.

Với những lợi thế đó, từ nhiều năm nay, ĐBSCL đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và rau quả hàng đầu của cả nước. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 1/3 trong cơ cấu kinh tế của vùng.

Với vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế GMS, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế.

Với đường bờ biển dài trên 700km, bức xạ nhiệt cao, ĐBSCL còn có lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ sóng biển và thủy triều. Nguồn năng lượng tái tạo được xem là động lực mới, triển vọng thu hút nguồn vốn đầu tư cao nhất so với các lĩnh vực khác trong thập niên tới.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, mặc dù ĐBSCL còn hạn chế về cơ sở hạ tầng nhưng bù lại vùng này có môi trường kinh doanh khá thuận lợi và được cải thiện liên tục, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao thể hiện qua điểm số PCI trung bình của vùng liên tiếp đứng đầu cả nước.

Nhìn tổng thể, giai đoạn 2009-2019, môi trường kinh doanh của ĐBSCL có rất nhiều điểm được cải thiện như thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian; chi phí không chính thức…, đây là điểm cộng trong thu hút đầu tư vào vùng này.

Chấp cánh cho đất “chín rồng”

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên như nền đất yếu, ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu nên mặc dầu thời gian qua, ngân sách Trung ương đã có sự quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ.

Giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ĐBSCL chiếm 18% tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của cả nước. Tuy nhiên, nguồn vốn nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng. Bằng chứng ĐBSCL vẫn chưa có cảng nước sâu, chưa có đường sắt trong khi đường thủy phát triển còn manh mún nên hàng hóa chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ với chi phí rất cao.

Từ thực tế đó, Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ động, tích cực huy động các nguồn lực tăng thêm khoản đầu tư 2 tỷ USD để đầu tư cho các dự án thích ứng biến đổi khi hậu cho vùng này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Hội đồng quản lý vùng ĐBSCL sẽ xác định thứ tự ưu tiên của các dự án. Việc đầu tư chắc chắn là không thể dàn trải. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cân nhắc đề xuất những công trình ưu tiên làm trước như giao thông, thủy lợi có tính chất liên vùng, có tính chất lan tỏa nhằm giải quyết những vấn đề căn cơ nhất của vùng dựa trên những định hướng của quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phướng hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắng nhìn nhận, mặc dù trong thời gian qua Chính phủ đã có sự tập trung nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL nhưng do đặc thù của vùng là đất yếu, nhiều kênh rạch nên cho đến nay mạng lưới giao thông ĐBSCL vẫn còn nhiều đoạn đường hẹp, cầu yếu, có rất nhiều Quốc lộ nhưng chỉ có Quốc lộ 1 là có một số đoạn được 4 làn xe, còn lại chỉ có 2 làn xe, như vậy thì vùng này không thể phát triển được.

Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đang hoàn thiện 5 quy hoạch chuyên ngành phát triển giao thông vùng. Đồng thời Bộ GTVT cũng đang phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai tuyến cao tốc lớn là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh, Cần Thơ - Cà Mau, từ đó hoàn chỉnh kết nối trục dọc - ngang với mục tiêu 5 năm tới, ĐBSCL sẽ có đến 448km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, ĐBSCL sẽ hoàn thành các dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Sóc Trăng - Hậu Giang; xây dựng tuyến tránh Cà Mau, tuyến tránh Long Xuyên; nâng cấp Quốc lộ 30 Cao Lãnh Hồng Ngự, đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2; đầu tư 3 dự án giao thông trong chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL gồm nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62A qua tỉnh Long An; Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si và nâng cấp; mở rộng đoạn Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu.

Về đường thủy, Bộ GTVT cũng đã lên kế hoạch nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến giao thông thủy nội địa; phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics khu vực phía Nam và nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; kêu gọi đầu tư các cảng và tuyến vận tải đường thủy nội địa. Triển khai giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; từng bước phát triển bến cảng đầu mối tại khu vực Trần Đề.

Về phát triển đường sắt, hiện Bộ GTVT đang làm việc đơn vị tư vấn lập dự án tiền khả thi, khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao kết nôi Cần Thơ - TP.HCM để trình Quốc hội phê chuẩn. Về đường hàng không, khai thác có hiệu quả cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch, huy động vốn đầu tư nâng cấp cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau.

Mới đây vào ngày 29/5, tại Hội nghị đối thoại với nông dân, trả lời câu hỏi của nông dân Lý Văn Bon (Cần Thơ) về biện pháp hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân vùng ĐBSCL trước những tác động của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương của Đảng đã rất rõ, vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 120/ NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; mới đây vùng này cũng đã công bố quy hoạch vùng đầu tiên theo Luật Quy hoạch. Chính phủ cũng đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển bền vững tại vùng đất này. Trong đó, sẽ dành ưu tiên cao nhất trong phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL trong nhiệm kỳ này”, Thủ tướng nói.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ