Đằng sau kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn của Gelex

Nhàđầutư
Gelex đang chọn con đường "mòn" nhanh nhất để trở thành một tập đoàn đa ngành quy mô hàng đầu Việt Nam. Có đi đến được đích hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng chèo lái của Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các cộng sự.
XUÂN TIÊN
08, Tháng 06, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Gelex đang chọn con đường "mòn" nhanh nhất để trở thành một tập đoàn đa ngành quy mô hàng đầu Việt Nam. Có đi đến được đích hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng chèo lái của Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các cộng sự.

gelex_stnd

 

Một Gelex "holdings" phiên bản 2.0

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa công bố, Tổng công ty CP Thiết bị điện (Gelex) tiếp tục định hướng trở thành một tập đoàn holdings, theo mô hình công ty mẹ, thông qua các công ty subholdings để quản lý hàng chục đơn vị thành viên, với hai cột trụ chính là sản xuất công nghiệp và hạ tầng.

Trong đó, sản xuất công nghiệp gồm thiết bị điện và vật liệu xây dựng; hạ tầng gồm nước, bất động sản, năng lượng và khu công nghiệp.

Dù vẫn còn phụ thuộc lớn vào thương vụ M&A Tổng công ty Viglacera, song có thể thấy chiến lược phát triển của Gelex là khá rõ ràng. Nhìn lại chặng đường hơn 4 năm sau khi Nhà nước thoái vốn, đây có thể xem như một Gelex "holdings" phiên bản 2.0.

Trước đó, trong giai đoạn 2016-2018, Gelex lần lượt thành lập 4 subholdings là Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex (tháng 8/2016), Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (12/2016), Công ty TNHH MTV Gelex Land (7/2017) và Công ty TNHH MTV Gelex Logistics (9/2018), với mục tiêu hoạt động theo mô hình công ty mẹ quản lý các thành viên trong tập đoàn thông qua 4 pháp nhân trên, lần lượt phụ trách các mảng thiết bị điện, năng lượng, bất động sản và logistics.

Tuy nhiên, thương vụ M&A Viglacera dường như ảnh hưởng lớn tới mô hình này. Bằng chứng là để có thêm nguồn vốn, Gelex cách đây ít lâu đã thông qua kế hoạch thoái hết vốn khỏi mảng logistics, trong đó có hai khoản đầu tư lớn vào Sotrans và Cảng Đồng Nai; bên cạnh đó, chuyển đổi Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex thành công ty cổ phần để chuẩn bị tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, Gelex cũng sẽ chuyển phần vốn tại Gelex Land về Năng lượng Gelex - pháp nhân chịu trách nhiệm đầu mối quản lý trong mảng hạ tầng.

Screen Shot 2020-06-07 at 9.25.21 PM

Doanh thu liên tục đi lên, song lợi nhuận của Gelex giảm đi thấy rõ trong các năm 2017-2019. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Gelex

Năm 2020, cùng với mục tiêu Viglacera, Gelex còn có kế hoạch mua và sở hữu chi phối cổ phần Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) và mua 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT.

Trải qua hai mô hình holdings, song chiến lược của Gelex là thống nhất, đó là mua dòng tiền chứ không mua tài sản. Cụ thể, qua M&A các doanh nghiệp đầu ngành như Thibidi, Cadivi và nay là Viglacera hay EEMC, Gelex sẽ hợp nhất được dòng tiền dồi dào và ổn định của các doanh nghiệp này.

Với chiến lược xuyên suốt và dõi theo những bước đi của Gelex, sẽ không bất ngờ nếu liên tục M&A là con đường "mòn" được Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các cộng sự lựa chọn để biến Gelex, trong thời gian ngắn nhất, trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Biết rằng chỉ trong 4 năm dưới "triều đại" của doanh nhân sinh năm 1984, tổng tài sản của Gelex đã tăng 4,5 lần lên 22.506 tỷ đồng cuối quý I/2020, xấp xỉ 1 tỷ USD, vốn cổ phần tăng hơn 3 lần lên 4.882 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 15.315 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016.

Tuy vậy, tham vọng lớn của Gelex phải đối mặt với thách thức không nhỏ: tiền đâu?

Screen Shot 2020-06-07 at 9.25.35 PM

Gelex tăng trưởng "thần tốc" xét theo quy mô tài sản, nguồn vốn sau khi Bộ Công thương thoái vốn cuối năm 2015. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Gelex

Giải bài toán nguồn vốn

Không có chiến lược kinh doanh nào là hoàn hảo. Với Gelex, tham vọng mở rộng, M&A liên tục khiến nguồn nội lực (vốn cổ phần) dù tăng mạnh song vẫn không đủ đáp ứng. Gelex tất yếu phải dựa vào đòn bẩy tài chính, gồm vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, thư tín dụng (LC) và cả...vay cán bộ công nhân viên.

Tới cuối quý I/2020, tổng vay nợ tài chính và phải trả LC ngân hàng là gần 11.200 tỷ đồng, bằng một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp tới 21,5 lần so với cuối năm 2015. Hệ quả là chi phí lãi vay tăng mạnh. Nếu năm 2015 chỉ phải trả 55 tỷ đồng lãi vay, thì cả năm 2019 là 765 tỷ đồng lãi vay và phí LC, con số này trong quý I/2020 là 199 tỷ đồng.

Vay nợ lớn khiến tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu của Gelex dù vẫn khả quan (năm 2019 là 17,9%), song lãi trước thuế trên doanh thu liên tục giảm từ mức đỉnh 13,7% năm 2017 về còn 7,2% năm 2019 và từ 4,2%-5% theo kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Gelex.

Tham vọng tăng trưởng "thần tốc" của Gelex có thể thấy qua biến số tỷ lệ hoàn thành kế hoạch kinh doanh, đặc biệt trong 2 năm 2017-2018. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu thực hiện trên kế hoạch trong giai đoạn này là khoảng 91%, còn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ là lần lượt 84% và 80%.

Screen Shot 2020-06-07 at 9.43.56 PM

Nợ vay lớn khiến tỷ lệ lãi trước thuế trên doanh thu giảm khá mạnh từ năm 2017, dù tỷ lệ lãi gộp trên doanh thu vẫn duy trì khả quan. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Gelex

Năm 2020, Gelex đặt ra hai phương án kinh doanh: Nếu hợp nhất được Viglacera từ đầu quý IV/2020, doanh thu toàn tập đoàn là 19.600 tỷ đồng, lãi trước thuế 975 tỷ đồng; trong trường hợp không hợp nhất Viglacera, doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lãi trước thuế 735 tỷ đồng.

Trong cả hai trường hợp, thì đây đều là mục tiêu lợi nhuận thấp nhất kể từ khi Bộ Công thương thoái vốn khỏi Gelex cuối năm 2015. Cùng với tờ trình không chia cổ tức, nhiều cổ đông chắc hẳn không tránh khỏi hụt hẫng khi tham dự ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 18/6 tới đây.

Tuy nhiên, xét cho cùng, việc vạch ra một mục tiêu hợp lý sẽ giúp Gelex đi theo đúng chiến lược đã đặt ra. Và nữa, cổ đông Gelex cũng không cần quá lo lắng, bởi các kế hoạch kinh doanh của tập đoàn này đã và đang nhận được sự tin tưởng rất lớn từ các...chủ nợ.

Tới cuối năm 2019, Gelex có ít nhất 10 ngân hàng trong và ngoài nước cho vay gần 4.600 tỷ đồng, và 18 trái chủ mua hơn 3.600 tỷ đồng trái phiếu. Lãi suất đi vay của Gelex là khá rẻ, từ 4,5%-7,9%/năm đối với vay ngắn hạn, phần nhiều trong đó là tín chấp; 6,9%-11%/năm đối với vay dài hạn, hay đáng chú ý là khoản vay 55 tỷ đồng theo dạng OCR và ADF của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chỉ có lãi suất 1-1,5%/năm, năm đáo hạn 2041.

Gần đây nhất, Gelex ngày 29/5 đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định chỉ 6,5%/năm, bên thu xếp là Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam. Cuối năm 2019, Gelex cũng đã phát hành thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,95%, được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF - một quỹ đầu tư tín thác uy tín thuộc ADB.

Cơ cấu chủ nợ đa dạng và chi phí đi vay khá rẻ là những bảo chứng cho chất lượng dòng tiền của Gelex. Tuy nhiên đối với không ít cổ đông, một câu hỏi lớn dành cho Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các cộng sự trong Đại hội sắp tới, là liệu cuộc chơi M&A sẽ kéo dài tới bao giờ, hay có một thời điểm mà Gelex đạt đủ quy mô và tập trung sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận lớn và đích thực cho các cổ đông?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ