Đại diện IMF: Việt Nam cần đảm bảo các nguyên tắc minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư

Nhàđầutư
Trước thềm của năm mới, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu tư những đánh giá về “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như các khuyến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.
MINH TUẤN
13, Tháng 02, 2024 | 09:45

Nhàđầutư
Trước thềm của năm mới, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu tư những đánh giá về “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như các khuyến nghị nhằm ổn định và phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam vừa công bố tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,05%, cao hơn mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng 9, ông đánh giá thế nào về kết quả này và đâu sẽ là những động lực và thách thức cho kinh tế Việt Nam trong năm tới?

Ông Jochen Schmittmann: Trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức 3,7% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động đầu tư ghi nhận một trong những kết quả kém nhất trong hơn một thập kỷ. Sự suy giảm bất ngờ và đột ngột này là hệ quả của những cú sốc cả trong và ngoài nước; đặc biệt là bất ổn trong lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu sụt giảm mạnh khi cầu trên toàn cầu suy yếu.

IMF jochen-schmittmann

Ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam. Ảnh: quochoi.vn

Nền kinh tế bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2023 và chúng tôi kỳ vọng đà này sẽ tiếp tục sang năm 2024. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng 5,8% cho năm 2024, nhờ cầu trong và ngoài nước tiếp tục phục hồi.

Tuy nhiên, có những rủi ro đối với dự báo của IMF. Ngành bất động sản vẫn còn tồn tại những điểm yếu cơ bản và một số ngân hàng có năng lực cho vay hạn chế do chất lượng tài sản suy giảm. Sự phục hồi của các ngành chế biến chế tạo phụ thuộc vào sự phục hồi bền vững của cầu bên ngoài.

Việt Nam cũng cần phải vượt qua những thách thức do phân mảnh địa kinh tế, bởi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất. Những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường quản trị là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng cao.

Việt Nam năm nay gặp nhiều sóng gió tại các thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ đã thông qua Nghị định 08/2023 vào tháng 3 nhằm chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều công ty vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư?

Ông Jochen Schmittmann: Chính phủ đã thành công trong việc kiềm chế rủi ro trong lĩnh vực bất động sản và hệ thống ngân hàng thông qua một loạt biện pháp. Mặc dù những biện pháp này xoa dịu một phần tình hình, nhưng vẫn cần có những cải cách sâu hơn để giải quyết triệt để các vấn đề và có được một thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn cũng như lĩnh vực bất động sản lành mạnh.

Nhiều nhà phát triển bất động sản vẫn gặp khó về tài chính do sử dụng đòn bẩy cao. Những quy định tại Nghị định 08/2023 như gia hạn thời gian đáo hạn của trái phiếu hay gia hạn nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ và cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu… có thể xem chỉ là giải pháp tình thế.

Việt Nam cũng cần phải vượt qua những thách thức do phân mảnh địa kinh tế, bởi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất. Những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường quản trị là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng cao.

Ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam

NHNN Việt Nam đã hành động quyết liệt trong khuôn khổ pháp lý hiện hành còn hạn chế khi đặt Ngân hàng Thương mại Sài Gòn vào diện kiểm soát đặc biệt trong tháng 10/2022, từ đó ngăn chặn rủi ro lây lan. Mặc dù những hành động này ngăn ngừa những hậu quả xấu hơn, song một số biện pháp có thể đã chuyển nhiều rủi ro hơn sang hệ thống ngân hàng và những điểm yếu trên thị trường bất động sản và trái phiếu vẫn cần được giải quyết triệt để.

Đối với các nhà phát triển bất động sản, cơ quan chức năng nên xem xét tạo môi trường để đẩy nhanh việc tái cơ cấu các doanh nghiệp có khả năng tồn tại và thanh lọc các doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục hoạt động khi gặp căng thẳng tài chính. Tăng cường hiệu quả của khuôn khổ pháp lý về cưỡng chế nợ và xử lý mất khả năng thanh toán là vấn đề then chốt.

Vụ việc trong năm 2022 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp về ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng. Chúng tôi cho rằng việc thiết lập chức năng giám sát khủng hoảng và ổn định tài chính tại NHNN với sự tham vấn của Bộ Tài chính sẽ rất quan trọng trong vấn đề này.

Chúng tôi cũng khuyến nghị cần thiết lập khuôn khổ pháp lý xử lý ngân hàng hiệu quả để đảm bảo hành động nhanh chóng, bao gồm những kế hoạch dự phòng để tăng cường tính sẵn sàng đối phó khủng hoảng và kết hợp khuôn khổ pháp lý về thanh khoản khẩn cấp để cấp thanh khoản cho các ngân hàng kém thanh khoản nhưng vẫn có khả năng thanh toán với tài sản thế chấp đầy đủ và với định giá phù hợp. Những cải cách khác nhằm tăng cường khả năng chống chịu của khu vực tài chính gồm tăng cường quản lý và giám sát ngân hàng, công bố đầy đủ các cổ đông và cho vay các bên liên quan, tăng cường giám sát thị trường chứng khoán và thực hiện thanh tra dựa trên rủi ro đối với những thành viên tham gia thị trường chứng khoán.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ tín dụng trên GDP luôn ở mức trên 120% trong những năm gần đây. Điều này gây ra rủi ro gì cho hệ thống ngân hàng? Ông có khuyến nghị gì để làm sâu thêm thị trường tài chính?

Ông Jochen Schmittmann: Hệ thống tài chính của Việt Nam lấy ngân hàng làm trung tâm, điều này phần nào giải thích cho tỷ lệ tín dụng trên GDP cao. Điều đó cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã tăng nhanh, vượt xa GDP danh nghĩa. Cùng với tỷ lệ đòn bẩy cao của người vay, điều này có thể gây rủi ro cho chất lượng tài sản, đặc biệt nếu nền kinh tế suy yếu.

Để quản lý những rủi ro này, điều cốt yếu là quản lý và giám sát ngân hàng chặt chẽ. Các chỉ tiêu tín dụng tổng thể và cụ thể cho từng ngân hàng nên được loại bỏ dần vì chúng có thể làm ảnh hưởng tới động lực khuyến khích các ngân hàng cho vay thận trọng. Thay vì thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, Chính phủ nên tận dụng không gian tài khóa để kích thích nền kinh tế nếu cần.

Để giúp thị trường vốn trong nước phát triển theo chiều sâu, cần tiếp tục cải cách thể chế để tăng cường quản trị. Những cải cách như vậy bao gồm đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư và tất cả các nhà đầu tư đều cần được đối xử bình đẳng.

Nâng cao năng lực của các cơ quan xếp hạng và đơn giản hóa quy trình niêm yết trái phiếu cũng sẽ thúc đẩy niềm tin vào thị trường trái phiếu và khiến thị trường này trở thành nguồn cấp vốn bền vững và ổn định hơn. Thị trường cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ