Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Quy định cứng về tiêu chí tái định cư không khả thi

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, với quỹ đất hiện nay, nếu quy định cứng về tiêu chí tái định cư như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì việc bồi thường, hỗ trợ khó khả thi. Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
VŨ PHẠM
04, Tháng 11, 2023 | 10:07

Nhàđầutư
Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, với quỹ đất hiện nay, nếu quy định cứng về tiêu chí tái định cư như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì việc bồi thường, hỗ trợ khó khả thi. Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Quốc hội vừa tập trung thảo luận liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội góp ý một số ý kiến liên quan tái định cư, tài sản gắn liền với đất thuê, chuyển nhượng đất trồng lúa.

Theo đó, về điều kiện khu tái định cư quy định tại khoản 2 Điều 110 phải đảm bảo các điều kiện về: Hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông đảm bảo kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt; Hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí; Phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng, miền.

Tuy nhiên đại biểu cho biết, với quỹ đất hiện nay, thực tế khó có khu tái định cư nào có thể đáp ứng được đầy đủ 3 điều kiện nêu ở trên. Nếu quy định cứng như vậy phải đủ 3 điều kiện thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là vấn đề rất khó khả thi. Đặc biệt, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

DBQH-Nguyen-Huu-Chinh

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. Ảnh: Quốc hội.

Tiếp theo, việc bố trí tái định cư kéo theo phải bố trí phong tục, tập quán cho phù hợp là rất khó khả thi. Bởi lẽ, phong tục tập quán là những nét văn hóa đặc trưng mang màu sắc riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Khi được tái định cư, có người được đền bù ngay tại địa phương nơi có đất bị thu hồi, có người phải di chuyển sang nơi khác vì quỹ đất ở đó không còn nên việc bố trí tái định cư phù hợp với điều kiện phong tục, tập quán của từng vùng miền là rất khó.

"Dự thảo chỉ nên đưa ra những tiêu chí mang tính chất nguyên tắc căn bản, có khả thi và không có quy định cứng", đại biểu nói.

Cũng liên quan đến điều kiện tái định cư, tại khoản 45 Điều 3 dự thảo quy định: "Tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp với người bị thu hồi mà phải di chuyển hoặc hỗ trợ bằng giao đất, nhà tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất mà không còn chỗ ở nào khác".

Theo đại biểu, nếu quy định như vậy thì khái niệm "không còn chỗ ở nào khác" được hiểu là chỗ tại địa phương nơi có đất bị thu hồi hay trên toàn quốc? Việc xác định một người không còn chỗ ở nào khác rất là khó, vì hiện tại trong hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia và dân cư chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời nên khó xác định chính xác. Quy định như dự thảo dẫn đến cách hiểu không còn chỗ ở nào khác là trong phạm vi toàn quốc.

Vì vậy, vị ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi hợp pháp của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước cần giới hạn phạm vi điều chỉnh của khái niệm không còn chỗ ở nào khác là chỗ ở trong một địa bàn phạm vi xã, phường nơi có đất bị thu hồi.

Tránh trường hợp thu gom đất trồng lúa để đầu cơ

Đối với quy định về tài sản gắn liền với đất thuê tại khoản 2 Điều 34. Đại biểu ủng hộ phương án: "Đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước cho thuê thu tiền hàng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp quy định tại Điều 23 điều luật có quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này".

Đại biểu phân tích, đối chiếu với quy định về quyền, về nghĩa vụ được làm, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn được chủ động, có cơ chế tận dụng quỹ đất để đang quản lý, sử dụng gia tăng nguồn thu cho đơn vị. Giảm thiểu rủi ro trong trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo theo quy định pháp luật dân sự; tài sản trên đất bị tịch thu, kê biên đương nhiên cũng bị xử lý cùng một lúc.

"Quy định này góp phần bảo toàn tài sản, không được sử dụng tài sản nhà nước để thực hiện các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự khác. Đồng thời, quy định này hạn chế việc thất thoát tài sản của nhà nước, đặc biệt trường hợp cố ý tạo lập tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước, đem thế chấp hoặc thực hiện quan hệ dân sự khác", đại biểu cho hay.

Trong khi đó, việc mở rộng đối tượng được nhận quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản 7 Điều 45, đại biểu đồng tình với phương án: "Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Trừ trường hợp tặng, cho người thuộc hàng thừa kế phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 điều này".

Đại biểu đánh giá, quy định này sẽ đảm bảo cho công tác quản lý đất trồng lúa của nhà nước nghiêm ngặt và chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất nhằm tích trữ, đầu cơ, tạo thị trường ảo ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Ngoài ra, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và lên kế hoạch sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ