Covid-19 lần 2 có thể là ‘cú đấm khiến thị trường bất động sản hoa mắt’

Giới chuyên gia cho rằng tác động của đợt dịch Covid-19 lần hai có thể sâu sắc hơn lần một, đặc biệt đối với các loại hình vốn đã gặp khó từ đợt dịch lần trước như du lịch, bán lẻ.
THỦY TIÊN
07, Tháng 08, 2020 | 17:01

Giới chuyên gia cho rằng tác động của đợt dịch Covid-19 lần hai có thể sâu sắc hơn lần một, đặc biệt đối với các loại hình vốn đã gặp khó từ đợt dịch lần trước như du lịch, bán lẻ.

6b4cao-oc-10-1553907429-4036-1596767067

Phần lớn các chuyên gia đều dự báo đợt dịch Covid-19 lần 2 sẽ làm tổn thương thị trường bất động sản sâu sắc hơn lần một. Ảnh: Thủy Tiên

Dịch Covid-19 tái bùng phát đặt ra nhiều dấu hỏi về khả năng phục hồi và hoạt động của thị trường bất động sản khi ảnh hưởng của đợt dịch lần một vẫn còn đó.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng còn quá sớm để đánh giá hết tác động của đợt bùng phát dịch lần này đối với thị trường bất động sản nhưng chuyên gia này ví von lần tái bùng phát với hình ảnh “cú đấm thứ 2”. “Dịch bùng phát trở lại có thể làm tổn thương sâu sắc đến toàn thị trường bất động sản, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn so với lần trước. Cú đấm thứ 2 thường sẽ tác động xấu hơn, gây hoa mắt hơn cú đấm thứ nhất”, ông Đính nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng tương tự lần một, đợt dịch mới sẽ khiến thị trường bất động sản khó khăn, các hoạt động mua bán bị hạn chế.

Theo GS Võ, du lịch tiếp tục bị thiệt hại và kèm theo đó các cửa hàng, khách sạn phục vụ du lịch cũng sẽ “chết” theo. Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng hoạt động xây dựng là lĩnh vực duy nhất vẫn có thể tiếp tục hoạt động, còn lại sẽ dừng hết.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản vừa “thấm đòn” đại dịch lại sắp đối mặt với nhiều thử thách khi Covid-19 quay lại. Đi vào từng phân khúc, ông Hiếu nhấn mạnh nghỉ dưỡng và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp đó, bất động sản công nghiệp, dù là phân khúc có tiềm năng rất tốt nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Có thông tin một số nhà đầu tư ngoại sẽ chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng ông Hiếu cho thực tế tất cả mới chỉ nằm ở dự báo, chưa có một lần sóng đầu tư nào ồ ạt vào. Do vậy, bất động sản công nghiệp cũng đang bị tác động.

Phân khúc bất động sản thương mại như văn phòng, mặt bằng bán lẻ, theo chuyên gia này, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn. Bởi sau đợt dịch đầu tiên khiến tình hình hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã trả lại mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê. Ngoài ra, nhiều khách thuê do ảnh hưởng của dịch đợt một đã xem xét lại các kế hoạch kinh doanh của mình và có thể trì hoãn việc thuê mới hay mở rộng diện tích văn phòng.

Với căn hộ cao cấp, ông Hiếu nhìn nhận khi nền kinh tế càng khó khăn thì sẽ càng bị ảnh hưởng.

Theo ông, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thì từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi. Ngược lại, nếu dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 8 này, bất động sản tiếp tục bị ảnh hưởng rất nặng nề và không có dấu hiệu lạc quan.

Doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục phải tính việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Huy Giang, Tổng giám đốc Công ty BV Land (thuộc Tập đoàn Bách Việt), cho rằng việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại sẽ gây ra những tác động, ảnh hưởng lớn đến bất động sản nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, dù trước đó, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi sau đợt dịch thứ nhất.

Ông Giang cũng đánh giá mỗi loại hình sẽ có những mức độ ảnh hưởng khác nhau, chẳng hạn hiện tại, bất động sản nghỉ dưỡng, kinh doanh mặt bằng cho thuê sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất. Đất nền và căn hộ chung cư có pháp lý minh bạch vẫn có thể có "sức đề kháng" cao do nhu cầu của người dân vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế, cộng thêm sức mua bị nén quá lâu bởi đợt dịch trước.

Bên cạnh đó, với tác động của dịch bệnh, các nguyên vật liệu thiếu dẫn đến các nhà máy đóng cửa nhân công thất nghiệp gia tăng, hàng hoá xuất khẩu ứ đọng và thiếu nguồn tài chính. Người dân với tâm trạng lo lắng sẽ gia tăng việc tích trữ tiền mặt và giao dịch mảng bất động sản sẽ không còn sôi nổi. Các dự án mới sẽ ít triển khai do tính thanh khoản thấp và kéo theo các sàn giao dịch bất động sản, nhân viên sales thất nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện BV Land cũng cho rằng những khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh cũng là một phép thử, phản ánh thực tế về năng lực tài chính, năng lực quản trị và sự nhanh nhạy trong việc xử lý khủng hoảng của các doanh nghiệp. 

Ông Giang dự báo để thích ứng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải rà soát toàn bộ các danh mục dự án đầu tư, điều chỉnh lại chiến lược phát triển, từ đó đưa ra quyết định dừng, giãn tiến độ, bán hay tiếp tục thực hiện dự án.

Nhìn nhận lạc quan hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, lại cho rằng việc xuất hiện hàng loạt ca bệnh mới gần đây đã gây tâm lý hoang mang trở lại với người dân tuy nhiên điều này vẫn nằm trong kịch bản rủi ro phải đối mặt khi Chính phủ chấp nhận thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các kịch bản ứng phó đã được tính toán và dự trù song mức độ nghiêm trọng thế nào phải nhìn vào thực tế. Nhưng có thể thấy, ngay sau khi có ca nhiễm trong cộng đồng thì lập tức hệ thống phòng chống dịch kích hoạt trở lại để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy. “Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thử thách nhất và đã thành công bước đầu khi đi trước một bước trong kiểm soát dịch bệnh. Do đó, đợt bùng phát trở lại lần 2 có thể thấy được niềm tin của người dân vào Chính phủ”, bà Hương nói.

Cũng theo lãnh đạo Đại Phúc Land, không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt để sống chung cùng dịch bệnh trong dài hạn.

Lấy ví dụ ngay tại Đại Phúc Land, nữ doanh nhân cho biết công ty đã thành lập một tổ ứng phó nhanh về dịch bệnh để phân tích đánh giá tình hình thực tế và đưa giải pháp xử lý ngay, nhằm đảm bảo an sinh cho cán bộ nhân viên và cư dân ở khu đô thị. Ngoài ra, công ty còn có bộ phận điều chỉnh các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình nội tại.

“Thiệt hại là không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là có thể duy trì và tồn tại qua đại dịch là việc các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua. Đặc biệt, cách nhìn nhận tích cực và lạc quan sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp chúng ta tiếp tục phá triển cho dù dịch bệnh”, CEO Đại Phúc Land cho hay.

Đối với thị trường bất động sản, bà Hương cho rằng cũng cần có cái nhìn lạc quan và nhận định thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

CEO này phân tích các doanh nghiệp đã trải qua những tháng đầu năm đầy bất an, không kịp trở tay khi dịch bệnh ập đến bất ngờ, không lường trước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đa số doanh nghiệp đã rút ra được bài học thực tiễn và đủ khả năng ứng phó cho những đợt sóng lần này.

Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng thời điểm này ngoài câu chuyện Chính phủ đang làm tốt việc chống dịch thì cũng rất cần một mặt trận nữa để tiếp sức cho nền kinh tế. Nếu Chính phủ hành động quyết liệt và có các giải phải hỗ trợ kịp thời, thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề và tâm lý nhà đầu tư sẽ quay trở lại.

(Theo Người Đồng hành)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ