Công dân được quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp dân

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định như trên, sau khi chính ông vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, trong đó quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
VŨ HÂN - LÊ QUÂN
09, Tháng 01, 2019 | 13:15

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định như trên, sau khi chính ông vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, trong đó quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

anhgianghuy1_kkiz

Người dân đợi tại phòng chờ của trụ sở tiếp dân TP.Hà Nội

Cụ thể, trao đổi với báo chí sáng 8.1 về việc “cấm” công dân ghi âm, ghi hình đang gây tranh cãi, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng quy định nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân, nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”. Theo ông Chung, “tất cả nội dung ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch, sau đó lập biên bản để hai bên thống nhất với nhau về nội dung” và “việc sử dụng sau đó cũng phải được thực hiện một cách công khai minh bạch”.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP cũng cho biết: Tất cả các phòng tiếp công dân của TP.Hà Nội cũng như của T.Ư trên địa bàn TP đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, “người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ, bàn giao và có biên bản cẩn thận”, ông Chung nói. Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân, sau đó “hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”.

TP sẽ phải đầu tư máy móc, kho lưu trữ...

Ý kiến của ông Chung đặt ra vấn đề phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật (chất lượng của camera ghi hình và ghi âm ở trụ sở tiếp dân, việc bảo quản băng ghi âm, ghi hình để cung cấp trong trường hợp người dân yêu cầu trích xuất) và quy trình để thực hiện yêu cầu này.

Chiều 8.1, PV Thanh Niên trao đổi với ông Lê Đình Cung, Phó trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP, về khả năng thực hiện các yêu cầu trên. Theo ông Cung, nếu người dân có yêu cầu thì Ban Tiếp dân TP “sẽ phải đáp ứng” và “có thể làm được”. “Trường hợp cụ thể, ví dụ người dân trình bày với cán bộ tiếp dân rằng tôi muốn ghi âm, ghi hình để thông tin lại với gia đình tôi về việc tôi đã gửi đơn, đã trình bày với các anh như thế này, tôi nghĩ rằng cán bộ tiếp dân sẽ đồng ý. Vì có phải chúng tôi chưa bao giờ bị ghi âm, ghi hình đâu. Tôi còn bị livestream cơ mà. Có trao đổi với nhau trước thì nó hài hòa”, ông Cung nói.

Riêng về các yêu cầu kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu trên thì ông Cung cho rằng TP sẽ phải có giải pháp đầu tư máy móc, kho lưu trữ...

“Rất ít công dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình” (?)

Trao đổi thêm về quy định “cấm” ghi âm, ghi hình, ông Cung cho rằng nội quy này “mang tính chất nội bộ trong trụ sở, cụ thể ở đây là phòng tiếp, được ban hành đúng thẩm quyền theo điều 12 luật Tiếp công dân; không ảnh hưởng đến 6 quyền của công dân theo điều 7 luật Tiếp công dân và phù hợp với khoản 2, điều 7 về nghĩa vụ của công dân, trong đó có việc chịu sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và chấp hành nội quy của cơ quan”.

Theo ông Cung, thực chất rất ít công dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình; mà chỉ là số ít người có nhu cầu “với mục đích khác”. “Nội quy này nhằm tạo ra một môi trường làm việc chặt chẽ, đúng mực cho cả công dân và cả người tiếp công dân, để cùng nhau hoàn thành buổi tiếp: công dân được nói hết yêu cầu của mình, được tư vấn để thực hiện đúng luật khiếu nại, tố cáo. Cán bộ thì ghi nhận hết ý kiến công dân và có phương án xử lý sau buổi tiếp và thời gian tiếp ngắn nhất để còn tiếp người khác”, ông Cung nói.

Bày tỏ quan điểm trước một số ý kiến cho rằng việc không cho ghi âm, ghi hình là cản trở người dân thu thập chứng cứ nếu họ phải khởi kiện hành vi thực thi công vụ của cán bộ tiếp dân, ông Cung nhận định đối tượng để người dân khởi kiện thường không phải thái độ của người tiếp dân. Theo ông, người dân muốn biết lời nói của mình cán bộ tiếp dân có ghi đầy đủ không; có báo cáo với cấp trên để xử lý không, còn khi khởi kiện sẽ là khởi kiện quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền. “Liên quan đến thái độ ứng xử thì cũng có chuyện người dân không hài lòng. Đó là việc cán bộ cấp trên phải chấn chỉnh, uốn nắn, và do đó mới cần hộp thư, camera... để giám sát”, ông Cung nói.

“Không thể có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”

Theo ông Lê Đình Cung, các phòng tiếp dân đều bố trí camera ghi hình, với nhiều mục đích: đảm bảo an ninh, trật tự và cũng để giám sát vấn đề thực thi công vụ của cán bộ. Bên cạnh đó, trụ sở tiếp dân còn bố trí hộp thư tiếp công dân để tiếp nhận phản ánh. Sau buổi tiếp, công dân được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp và công dân. Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận các văn bản đi kèm. Trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ tiếp dân sẽ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký. Công dân có hài lòng với buổi tiếp thì mới ký vào biên bản, sau đó biên bản sẽ được đóng dấu.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp công dân sẽ báo cáo cấp trên để xử lý, chuyển đơn thư của công dân đến những nơi có thẩm quyền giải quyết. Cấp có thẩm quyền sẽ ban hành văn bản gửi cho công dân để thông báo đã xử lý như thế nào. “Đây là một quy trình kín kẽ. Vì thế không thể có chuyện không ghi âm, ghi hình là ảnh hưởng đến quyền công dân”, ông Cung nói.

(Theo Thanh niên)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ