Chuyện lạ ở TP. Thủ Đức: Người dân muốn qua sông vẫn phải lụy đò

NGUYÊN VŨ
10:22 04/01/2021

TP.HCM vừa công bố thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM và kỳ vọng đây sẽ là sức bật cho kinh tế thành phố phát triển những năm tới. Ấy vậy mà, câu chuyện người dân cũng như các tỉnh lân cận muốn từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố bao đời nay vẫn phải nhờ vào một con đò ngang.

Muốn qua sông phải gọi đò

Trong khi các địa phương đang dần xóa bỏ bến đò ngang, bến phà, thì tại TP.HCM vẫn còn tình trạng sử dụng phà cũ để tiếp tục đưa hành khách qua sông. Hiện nay, các bến phà có sự dư thừa về số lượng bởi người sử dụng ngày một ít hơn, có nguy cơ gây cản trở, mất an toàn giao thông đường thủy.

Có một thực tế hết sức phi lý ở TP.HCM là hiện nay người dân từ Thủ Đức (khu Đông) hoặc ở các tỉnh vùng ven muốn đi vào trung tâm thành phố theo cách nhanh nhất thì họ chọn qua chuyến đò Linh Đông - Bình Quới.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, bến đò Linh Đông - Bình Quới nối giữa quận Bình Thạnh và Thủ Đức được hình thành từ thời xưa. Người dân kể lại, trước đây là một người phụ nữ tên Sáu chuyên lái đò chở người qua sông, dần dần phát triển thành bến đò. Cho đến nay là 3 thế hệ người trong nhà bà Sáu kinh doanh dịch vụ này.

Mỗi ngày có mấy chục chuyến đò, với mỗi lượt khoảng 20 xe. Nhiều người từ Thủ Đức hoặc ở Bình Quới vẫn thường xuyên sử dụng đò qua sông do tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, thay vì phải đi lòng vòng.

chuyen-do-binhquoi-linhdong-1

Người dân từ Thủ Đức xếp hàng chờ sang sông tại bến đò Linh Đông - Bình Quới

Chia sẻ với chúng tôi, người phụ nữ đang bán vé tại bến đò Bình Quới cho biết: “Bến đò này từ thời bà của tôi và vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Hàng ngày có khoảng mấy chục chuyến phà, mỗi lượt gần 20 xe, một xe có giá 4.000 đồng. Về thông tin có cây cầu bắc ngang qua đây thì tôi không biết. Nếu mà có thì chắc có từ lâu rồi, vì khu này đang vướng vào quy hoạch mấy chục năm trời đã xong đâu. Nên chắc họ không làm nữa”.

Trước đây, cũng đã có quy hoạch 3 cây cầu nối giữa quận Thủ Đức sang Bình Quới, quận Bình Thạnh. Thế nhưng, do vướng vào quy hoạch treo tại khu bán đảo Thanh Đa - Bình Quới hàng chục năm nên chủ trương này đã không thành hiện thực. Với những cây cầu, hệ thống giao thông trong khu vực cũng được phát triển thành nhiều đường bàn cờ, đường Bình Quới hiện nay sẽ thành đường vành đai cho cả khu vực.

Thế nhưng cho đến nay, chỉ mới có cây cầu Kinh Thanh Đa là cầu nối cho người dân bán đảo Thanh Đa với khu vực bên ngoài. Và còn một chuyến đò từ bến Bình Quới sang Linh Đông (quận Thủ Đức).

Nói đến quy hoạch treo tại khu vực này, ai cũng biết đó là dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Dự án có tổng diện tích rộng hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), với dân số khoảng 45.000 người.

Kể từ khi được phê duyệt đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Đến cuối năm 2004, công ty đã trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.

Dù vậy, đến tháng 6/2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc mới có báo cáo UBND TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu đề cập đến việc quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trở thành là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

Đến đầu năm 2006, TP.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Theo đó, người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9.

Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã không thể triển khai được dự án. Đến năm 2010, đơn vị này đã bị chính quyền TP.HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì quá hạn mà không triển khai.

Sau đó, năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Nhưng đến giữa năm 2017, do vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã xin rút lui khỏi dự án vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi bàn giao mặt bằng sạch, khiến dự án lại tiếp tục bị kéo dài.

Cuối năm 2018, ông Võ Văn Hoan lúc đó là Chánh văn phòng UBND TP.HCM từng xác nhận đã có 4 nhà đầu tư nước ngoài xin ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, về vấn đề này thành phố sẽ cho mở thầu công khai để chọn chủ đầu tư và khởi động lại quy hoạch dự án này.

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2019, ông Võ Văn Hoan cho biết, dự án Bình Quới - Thanh Đa đến nay đã có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD.

Đi cùng với đó là việc các nhà đầu tư đưa ra những yêu cầu đối với thành phố, nếu như họ trúng thầu thì thành phố phải bảo đảm thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng, đơn giá sử dụng đất… Cũng thời điểm này, có thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Keppel Land cũng mong muốn hợp tác để cùng đấu thầu, tham gia vào dự án đầu tư hạ tầng đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Đến tháng 7/2020, xác nhận với Nhadautu.vn ông Võ Văn Hoan lúc này là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện nay dự án Bình Quới - Thanh Đa chỉ mới thông qua điều chỉnh quy hoạch, tới đây phía UBND TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến dân. Lần điều chỉnh này về cơ bản sẽ phù hợp hơn so với quy hoạch trước đó, hạn chế giải tỏa dân cư và sử dụng đất công nhiều hơn.

Thế nhưng thực tế, sang năm 2021 vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy dự án này có thực hiện được hay không. Trong khi đó, người dân tại đây đã quá ngán ngẩm với những lần dự định của thành phố. Họ sống trên mảnh đất của mình nhưng lại không thể làm gì với nó, đi không được mà ở cũng không xong.

“Việc có cây cầu nối Thanh Đa - Thủ Đức sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, điều này cũng giúp phát triển kinh tế. Nhưng, tôi cũng lo vì khi đó, không biết có còn người đi qua bến đò của mình nữa không. Hiện giờ, tôi không quan tâm người ta xây bao nhiêu cây cầu, tôi chỉ biết việc kinh doanh bến đò giúp gia đình có thêm thu nhập. Khi nào người ta xây dựng cầu rồi tính tiếp”, người phụ nữ bán vé tại bến đò Bình Quới chia sẻ.

received_775307586722572

Hàng ngày có khoảng mấy chục chuyến phà, mỗi lượt gần 20 xe, một xe có giá 4.000 đồng qua lại bến phà Linh Đông - Bình Quới.

Có thể thấy, việc treo dự án quá lâu về lâu dài sẽ đẩy lùi kinh tế ở khu vực này cũng như các quận vùng ven, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố - nơi được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ. Không có doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào muốn đổ tiền vào khu vực treo hay hạ tầng giao thông chậm phát triển.

Hạ tầng giao thông đã quá tải

Mới đây, TP.HCM đã công bố thành lập TP. Thủ Đức hay còn gọi là thành phố phía Đông, gồm quận 2, 9 và quận Thủ Đức. Việc thành lập TP.Thủ Đức đã được chính quyền TP.HCM chuẩn bị từ nhiều năm trước, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của Trung ương. Qua đó nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho TP.HCM trong 5 - 10 năm và cả vùng Đông Nam bộ.

Khu Đông có quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số thành phố), diện tích 21.000ha (chiếm 10% diện tích thành phố). Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, việc hình thành thành phố phía Đông đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM. Điều này đồng nghĩa với việc đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.

Tốc độ đô thị hóa tại khu Đông thời gian qua là một tín hiệu tích cực, sự phát triển là xu hướng tất yếu của các nhà đầu tư muốn đón đầu tiện ích. Đặc biệt với sự xuất hiện của hệ thống giao thông trọng điểm của thành phố như: Tuyến metro, đường vành đai 2, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, vòng xoay Mỹ Thủy… chính là thỏi nam châm hút nhà đầu tư đến khu Đông TP.HCM.

Thế nhưng, hiện nay việc kết nối giao thông từ Thủ Đức, quận 2, quận 9 sang trung tâm thành phố chưa thực sự thuận tiện. Ngoài tuyến đường đường Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, QL13, Xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ đang trong tình trạng quá tải và khá xa xôi. Cùng với đó là dân số tăng quá nhanh khiến cho hạ tầng giao thông khu Đông đang bị tê liệt.

Người dân ở quận 9 cho biết, tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông xuất hiện chỉ trong mấy năm gần đây, nhưng ngày một nguy hiểm, nhất là trong giờ cao điểm. Vào giờ cao điểm, các nút giao như Đỗ Xuân Hợp – Tây Hòa, Đỗ Xuân Hợp – Dương Đình Hội, Đình Phong Phú – Lê Văn Việt… kẹt cứng, va quẹt xảy ra thường xuyên.

Trước đây hướng xa lộ Hà Nội đi qua cầu Sài Gòn rất chậm do ùn tắc ở đoạn Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) và Tôn Đức Thắng (quận 1). Người dân chuyển qua đi đường Mai Chí Thọ dẫn vào đường hầm vượt sông Sài Gòn để vào trung tâm quận 1, nhưng tình trạng kẹt cứng, ùn tắc vào mỗi giờ cao điểm vẫn diễn ra hàng ngày. Đây là tuyến đường kết nối thuận lợi với khu dân cư mới hình thành ở quận 2, 9, Thủ Đức, nên người dân lựa chọn di chuyển khá đông. Hay như đi từ Thủ Đức qua trung tâm thành phố, hàng ngày người dân vẫn phải đi qua chuyến đò Linh Đông – Bình Quới. Mặc dù quãng đường rất ngắn nhưng do chưa có hệ thống cầu vượt, cũng như vướng quy hoạch treo nên người dân đi lại rất khó khăn.

Cũng trên xa lộ Hà Nội, tại nút giao ngã 4 Thủ Đức, Bình Thái, cầu vượt An Phú cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là tuyến đường tập trung các loại xe đầu kéo container, xe tải hạng nặng chở hàng hóa, nên mật độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông. Mặc dù đã có cầu vượt thép ở ngã 4 Thủ Đức, mở rộng xa lộ Hà Nội, nhưng cũng không đáp ứng kịp sự phát triển về số lượng phương tiện của người dân trong thời gian qua.

Tuyến đường Mai Chí Thọ - nơi tiếp giáp với đầu đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ hướng miền Tây đi các tỉnh Đông Nam bộ và ngược lại, chịu áp lực giao thông rất lớn, khi mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt xe cộ lớn nhỏ qua lại. Người dân hy vọng các cây cầu nối Thủ Thiêm – Thủ Đức, Thủ Đức – Bình Quới sớm được triển khai, hoàn thành để giảm áp lực giao thông cho khu vực phía Đông.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong quy hoạch về giao thông vận tải của thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007, điều chỉnh bổ sung vào năm 2013, thành phố cần xây dựng 21 cầu và hầm vượt sông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn, để đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông.

Đến nay, đã có 14 cầu và hầm được xây dựng và đưa vào sử dụng. TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng mới 7 cây cầu, trong đó riêng cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có 3 cây cầu là Thủ Thiêm 2 (nối từ quận 1), Thủ Thiêm 3 (nối từ quận 4) và Thủ Thiêm 4 (nối từ quận 7). Ngoài ra, sẽ xây thêm các cầu Phú Thuận (đường vành đai 4), cầu Bình Gửi (đường vành đai 3), cầu Bình Quới (quận Thủ Đức), cầu Rạch Các 3 cho tuyến đường sắt đôi ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Những năm qua, khu Đông TP.HCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010 - 2020, TP.HCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm của TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa thành phố và các tỉnh Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thực tế lại chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển.

Để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông kết nối với khu vực này, tháng 11/2020, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Theo tính toán của đơn vị này, để phát triển hạ tầng giao thông khu Đông theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới dự kiến cần 300.000 tỷ đồng.

Theo đó, có 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần được tập trung triển khai để phát triển đồng bộ hạ tầng ở khu Đông thành phố từ nay đến năm 2030 gồm: Chương trình đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường vận tải hành khách công cộng và nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn, kết nối các mạng lưới sông lớn.

Cụ thể, khu TP. Thủ Đức sẽ hướng tới hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại, thông qua việc đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông thông minh; đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông; đầu tư hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu Đông, trên cơ sở đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, Sở GTVT sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đầu tư khép kín đường vành đai 2, vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực gồm Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng… Đồng thời cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc như nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...

Việc Sở Giao thông Vận tải đề xuất tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng cho giao thông ở khu vực phía Đông đến năm 2040 là con số rất lớn, đi cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng để thúc đẩy kinh tế khu Đông, mở ra các cơ hội để thu hút đầu tư.

Để phát triển kinh tế khu Đông TP.HCM cần phải có sự đồng bộ của hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy cùng sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền thành phố liên quan đến việc quy hoạch. Có thể thấy, hiện nay tại 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, giao thông kết nối với cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường bộ tại TP. Thủ Đức đang đối diện với nhiều thách thức khi mà nhiều tuyến đường ra vào các cảng sông ngày càng ùn tắc nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc vướng quy hoạch hàng chục năm tại bán đảo Thanh Đa cũng khiến cho con đường kết nối từ TP. Thủ Đức vào trung tâm thành phố bị hạn chế.

  • Cùng chuyên mục
Eximbank và Viettel ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 – 2028

Eximbank và Viettel ký thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 – 2028

Mới đây, Eximbank cùng Viettel tổ chức "Lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện". Đây là sự hợp tác tốt đẹp trước đây giữa hai bên, đồng thời khẳng định sự quyết liệt triển khai chuyển đổi số của Eximbank nhằm đưa ngân hàng trở lại vị thế vốn có – một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.

Doanh nghiệp - 13/05/2024 08:33

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị cải cách tiền lương

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị cải cách tiền lương

Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách tiền lương trong tháng 5/2024 để làm cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai chế độ tiền lương mới.

Sự kiện - 13/05/2024 08:26

Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị người dân thận trọng khi giao dịch vàng để tránh rủi ro

Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị người dân thận trọng khi giao dịch vàng để tránh rủi ro

Trong buổi làm việc với chính quyền TP.HCM về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến nghị người dân thận trọng khi giao dịch vàng để giảm rủi ro. Đồng thời, cơ quan chức năng phối hợp để quản lý, điều hành hiệu quả thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, thao túng, đẩy giá…

Pháp luật - 13/05/2024 08:00

Khương Nguyễn 'đơn thương độc mã' tại dự án gần 1.000 tỷ đồng ở Quảng Bình

Khương Nguyễn 'đơn thương độc mã' tại dự án gần 1.000 tỷ đồng ở Quảng Bình

CTCP Khương Nguyễn là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị gần 1.000 tỷ đồng ở Quảng Bình.

Bất động sản - 13/05/2024 06:30

Khi tàu hỏa tiến vào thị trường du lịch

Khi tàu hỏa tiến vào thị trường du lịch

Thời buổi giá vé máy bay nội địa tăng cao, phương tiện tự lái thiếu an toàn, nhiều người đã lựa chọn tàu hỏa để "xê dịch" như một trải nghiệm mới mẻ hay một cách "sống chậm" đầy thú vị, bất ngờ.

Thị trường - 13/05/2024 06:30

'Vênh' quy hoạch khiến chủ dự án Aqua City gặp khó

'Vênh' quy hoạch khiến chủ dự án Aqua City gặp khó

Khu đô thị Aqua City của Novaland nằm trong phân khu C4, diện tích 1.500 ha thuộc xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Do có sự khác biệt giữa các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu khiến dự án của Novaland gặp vướng mắc trong thời gian qua.

Đầu tư - 13/05/2024 06:30

Dự án khu du lịch biển 110 triệu USD ở Đà Nẵng nằm 'bất động'

Dự án khu du lịch biển 110 triệu USD ở Đà Nẵng nằm 'bất động'

Khu du lịch biển The Song có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, được chủ đầu tư xây dựng hàng loạt biệt thự nhưng dở dang rồi bỏ hoang nhiều năm nay.

Đầu tư - 13/05/2024 06:30

Thanh tra Bộ Công an thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Thanh tra Bộ Công an thanh tra Ngân hàng Nhà nước

Các nội dung thanh tra gồm công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và an ninh mạng; việc tổ chức các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước... với phạm vi từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm thanh tra.

Tài chính - 12/05/2024 12:44

Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp không giới hạn trong thế hệ trẻ, gen Z

Thủ tướng: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp không giới hạn trong thế hệ trẻ, gen Z

Chia sẻ tại "Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia" của học sinh sinh viên ở TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn tinh thần khởi nghiệp không giới hạn, không có điểm dừng trong thế hệ trẻ. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm chấp nhận rủi ro, có sự đầu tư nhưng không cầu toàn, nóng vội.

Sự kiện - 12/05/2024 12:39

Thịt heo tăng nóng: Bầu Đức tiếc vì tăng đàn trễ, Dabaco và BAF dự thắng lớn

Thịt heo tăng nóng: Bầu Đức tiếc vì tăng đàn trễ, Dabaco và BAF dự thắng lớn

Giá thịt heo phục hồi mạnh từ đầu năm do nguồn cung sụt giảm nhanh hơn nhu cầu. Năm 2023 ngành chăn nuôi gần như không có lãi khiến nhiều hộ chăn nuôi giảm đàn hoặc treo chuồng, nguồn cung giảm.

Tài chính - 12/05/2024 09:09

Hải Phòng có dự án nhựa PBAT gần 2.400 tỷ đồng

Hải Phòng có dự án nhựa PBAT gần 2.400 tỷ đồng

Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao có vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng được xây dựng tại Khu công nghiệp Đình Vũ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP.Hải Phòng.

Sự kiện - 12/05/2024 09:04

Freelancer chia sẻ áp lực khi đối diện deadline mỗi ngày

Freelancer chia sẻ áp lực khi đối diện deadline mỗi ngày

Nghề Freelancer tự do đồng nghĩa với việc tự lo. Khác với những công việc cố định thông thường được bàn giao deadline mỗi ngày, người làm Freelancer phải luôn đầy đủ năng lượng và sự tập trung để có thể chủ động kiểm soát số lượng và chất lượng công việc của mình.

Doanh nghiệp - 12/05/2024 09:03

Kế hoạch chưa từng có của một trường bán công ở Mỹ: Cung cấp 10.000 USD/học sinh khi ra trường để 'làm giàu'

Kế hoạch chưa từng có của một trường bán công ở Mỹ: Cung cấp 10.000 USD/học sinh khi ra trường để 'làm giàu'

Khu Trẻ em Harlem (The Harlem Children’s Zone), một ngôi trường bán công, đồng thời là một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ đang tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói giữa các thế hệ, bằng cách gửi cho các học sinh trung học số tiền tiết kiệm hàng nghìn USD để họ 'đầu tư làm giàu' sau khi tốt nghiệp, theo Fortune.

Phong cách - 12/05/2024 07:58

Cơ hội mới cho các nhà đầu tư ở thị trường bán lẻ Việt Nam

Cơ hội mới cho các nhà đầu tư ở thị trường bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang mở ra một loạt cơ hội mới cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, nhất là các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các thương hiệu thời trang, từ phân khúc giá rẻ tới xa xỉ - vốn còn hiện diện rất ít so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thị trường - 12/05/2024 07:12

Doanh nghiệp thép có nhiều động lực

Doanh nghiệp thép có nhiều động lực

Việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2023 và ngay từ đầu năm 2024 sẽ là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Tài chính - 12/05/2024 07:00

Khối ngoại bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng

Khối ngoại bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng

Trong tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với giá trị 3.139,47 tỷ đồng trên HOSE và tập trung đột biến tại VHM.

Tài chính - 12/05/2024 07:00