Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: 'Nỗ lực để đáp lại sự tín nhiệm của nhân dân với việc phát triển TP. Thủ Đức'

Nhàđầutư
"Chúng tôi luôn xác định phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua. Chúng tôi sẽ nỗ lực thật nhiều để đáp lại sự tín nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, sự kỳ vọng của nhân dân TP.HCM đối với sự phát triển TP. Thủ Đức trong tương lai gần”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
LÝ TUẤN
31, Tháng 12, 2020 | 12:52

Nhàđầutư
"Chúng tôi luôn xác định phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua. Chúng tôi sẽ nỗ lực thật nhiều để đáp lại sự tín nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, sự kỳ vọng của nhân dân TP.HCM đối với sự phát triển TP. Thủ Đức trong tương lai gần”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Sáng 31/12, phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, vấn đề trước mắt hiện nay của TP.HCM, là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp khi ngày 7/2/2021 bộ máy của TP. Thủ Đức chính thức được thành lập. 

“Lâu dài là mở ra thời kỳ phát triển mới, đưa TP. Thủ Đức trở thành “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng”, ông Phong nhấn mạnh.

Sắp xếp tổ chức, bộ máy qua 3 giai đoạn

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để thực hiện được mục tiêu nói trên, Ban Chỉ đạo thành phố đã nghiên cứu xây dựng và đề ra lộ trình thực hiện nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, về sắp xếp tổ chức, bộ máy, ông Phong cho biết, sẽ tập trung triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ ngày 1/1 đến ngày 7/2/2021, hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp.

Đến ngày 7/2/2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP. Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động; đồng thời, ban hành các quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử theo đúng quy định pháp luật.

hdnd5_zing

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Giai đoạn 2, từ ngày 7/2 đến ngày 23/5/2021, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Giai đoạn 3, sau ngày 23/5/2021, các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP. Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hoạt động của chính quyền TP. Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

Về kế hoạch đầu tư, đối với phát triển hạ tầng đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, thành phố sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP. Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển theo định hướng phát huy vai trò của các cực tăng trưởng trọng yếu của TP. Thủ Đức; lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm.

Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, thiết kế công trình thân thiện môi trường, đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình, quản lý sử dụng công trình trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.

Đặc biệt, thành phố cũng sẽ tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP. Thủ Đức, nâng cao đời sống người dân, đó là: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai.

Chú trọng phát triển hạ tầng

Đối với việc phát triển hạ tầng giao thông, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành phố cần nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

“Trước mắt, TP.HCM sẽ nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) trong khu vực phía Đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành. Nâng cao tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Phát triển mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, buýt đường sông) để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn trên địa bàn TP.HCM”, ông Phong chia.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện mạnh mẽ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu TP. Thủ Đức với các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 như: Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông; cải tạo rạch Bình Thái, phường Trường Thọ; công trình chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn khu vực thượng lưu cầu Bình Lợi; xây dựng hoàn chỉnh và vận hành 3 cống ngăn triều kết hợp trạm bơm của dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị Thủ Thiêm.

Xây dựng đường và cầu Bà Cả; nâng cấp mở rộng đường và cầu Tám Táng; nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Bưng Ông Thoàn, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Duy Trinh, Quốc lộ 13 cũ; mở rộng đường Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp; nâng cấp, cải tạo đường Tô Ngọc Vân (từ vòng xoay chợ Thủ Đức đến đường Phạm Văn Đồng); nâng cấp đường Lương Định Của; xây dựng tuyến vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1.

Xây dựng trạm ép rác kín Linh Xuân; Trạm chung chuyển rác theo công nghệ mới tại phường Long Trường; công viên Trung tâm đa chức năng kết hợp với hồ điều tiết khu vực phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh; bệnh viện quy mô 1.000 giường tại phường Trường Thạnh; giải tỏa và chuyển đổi công năng sử dụng đất, kết hợp chỉnh trang đô thị tại nghĩa trang Văn Giáp và Trần Hưng Đạo.

Đối với các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao, TP.HCM sẽ nghiên cứu lập đề án phát triển theo định hướng chung về phát triển đô thị sáng tạo gắn với chương trình chuyển đổi số của TP.HCM; triển khai kế hoạch đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng xã hội tương đương hoặc chuẩn mực hơn so với các khu vực khác.

Đối với hạ tầng số và chuyển đổi số, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ tập trung quy hoạch hạ tầng viễn thông và an ninh mạng. Ban hành quy định về công nghệ thông tin cho đô thị sáng tạo như: trạm viễn thông đa nhiệm vụ, IoT, cáp quang. Thực hiện dự án xa lộ thông tin; thiết lập Cổng quốc tế để kết nối trực tiếp khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM với quốc tế.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử. Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho TP. Thủ Đức.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, thành phố sẽ nỗ lực làm cho môi trường sống của thành phố Thủ Đức tốt hơn thông qua xây dựng và triển khai một số chương trình, đề án trọng tâm, đó là: Đề án xây dựng thành phố Thủ Đức thông minh; Đề án phát triển công trình công cộng và kinh tế dịch vụ ven sông; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Chương trình Chỉnh trang đô thị; Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Chương trình cải cách hành chính và nâng cao chỉ số cải cách hành chính 2021 - 2025.

“Với vai trò và trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung triển khai kế hoạch đã đề ra đảm bảo tiến độ, thường xuyên kiểm ra, rà soát, đôn đốc việc thực hiện tại các đơn vị và địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Chúng tôi luôn xác định phía trước còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua. Chúng tôi sẽ nỗ lực thật nhiều để đáp lại sự tín nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, sự kỳ vọng của nhân dân TP.HCM đối với sự phát triển TP. Thủ Đức trong tương lai gần”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ