'Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng quốc gia'

Nhàđầutư
Sáng 11/1/2022, Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn kết hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” tại trụ sở Bộ KH&ĐT (số 65 Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
NHÓM PHÓNG VIÊN
11, Tháng 01, 2022 | 08:00

Nhàđầutư
Sáng 11/1/2022, Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn kết hợp cùng NovaGroup tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” tại trụ sở Bộ KH&ĐT (số 65 Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).

HTso-THieu

Hội thảo diễn ra sáng 11/1/2022 tại Hà Nội. Ảnh Trọng Hiếu

Lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tin hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông); lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ KH&ĐT; TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV; TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cùng với đó là lãnh đạo NovaGroup/Nova Tech; đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp khác… tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết, chuyển đổi số đang là đòi hỏi bức bách đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, tháng 6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số trên cơ sở phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo chương trình này, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, thực tế ở nước ta những năm gần đây cho thấy, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong chuyển đổi số, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng chuyển đổi số và không ít doanh nghiệp đã đạt được những thành công đáng khích lệ.

TBTHTso-THieu

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công đã kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối, bán hàng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; tiết kiệm chi phí vận hành…qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cũng cho hay cùng với xu hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, một làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã xuất hiện và được dự báo sẽ còn dâng cao trong những năm tới.

Theo báo cáo của KPMG, tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng các thương vụ M&A đã tăng gấp đôi và tổng giá trị giao dịch của các thương vụ này đã tăng gấp 3 lần so với cả năm 2020.

Trong thời gian gần đây, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề liên quan đến chuyển đổi số đã được tổ chức ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là chùm 10 hội thảo chuyên đề về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào tháng 11 và 12 năm qua.                                                                                                                       

"Hội thảo hôm nay do Tạp chí Nhà Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức với chủ đề: "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022", tập trung đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; nhận diện các cơ hội, thách thức do chuyển đổi số mang lại, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, Hội thảo phân tích, đánh giá tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đối với doanh nghiệp; thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam; một số điển hình thành công? Những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số? Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trễ trong chuyển đổi số? Đánh giá tác động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp (giải pháp từ phía Chính phủ, doanh nghiệp…).

Hội thảo cũng thảo luận về việc vì sao bùng nổ M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2021; xu hướng M&A lĩnh vực công nghệ năm 2022; tác động tích cực và rủi ro của M&A đối với bên mua, bên bán; làm gì để vừa thúc đẩy M&A lĩnh vực công nghệ, vừa chống thâu tóm? Khuyến nghị hoàn thiện luật pháp chính sách liên quan đến M&A nói chung và M&A lĩnh vực công nghệ nói riêng và chia sẻ kinh nghiệm M&A, hậu M&A lĩnh vực công nghệ….

PHIÊN I: CHUYỂN ĐỔI SỐ - LỰA CHỌN BỨT PHÁ CỦA DOANH NGHIỆP 

Hiện tại, Việt Nam có tỷ lệ thuê bao băng rộng (cả cố định và di động tương đối tốt so với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Tỷ lệ các doanh nghiệp trực tuyến sử dụng thanh toán kỹ thuật số cũng ngang bằng với một số nước trong khu vực.Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới

ThuyHTso-THieu

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Trọng Hiếu

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Tỷ lệ giao dịch kỹ thuât số còn thấp (22%) so với 34% của Indonesia, 62% của Thái lan; Tỷ lệ thanh toán online khi mua sắm trên internet còn thấp (10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia).

Về cơ bản, quá trình chuyển đổi số (CĐS) sẽ giúp phát triển mô hình kinh doanh và sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường; CĐS giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng: các sản phẩm của Việt Nam qua nền tảng của Amazon có thể tiếp cận khách hàng ở tất cả các thị trường trên thế giới.

Ngoài ra, CĐS cũng giúp doanh nghiệp gia tăng trải nghiệm khách hàng; Cho phép thực hiện mô hình kinh doanh không tiếp xúc, tiếp tục kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định; giúp tối ưu chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận; hỗ trợ đưa ra các phân tích chính xác và kịp thời nhằm rút ngắn thời gian ra quyết định kinh doanh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp phải một số rào cản, khó khăn khi chuyển đổi số như: Chi phí đầu tư cao; Hạ tầng CNTT hiện tại kém phát triển; Giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận; Nguồn nhân lực CĐS hạn chế; Tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuân hóa; Thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số.

Thời gian qua, chuyển đổi số của các doanh nghiệp đã được đẩy mạnh nhằm nắm bắt tối đa các cơ hội trong bối cảnh mới.

Quá trình này được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của đại dịch khiến giao dịch số/online tăng mạnh, sự sẵn sàng của các nền tảng công nghệ và các nhà cung cấp trên thị trường: 64.000 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu 135 tỷ USD năm 2021, tăng trưởng 10%.

Không chỉ vậy, Chính phủ cũng đang tăng cường các giải pháp và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT.

Dù vậy, chuyển đổi số vẫn là một quá trình không hề dễ dàng với các doanh nghiệp khi gặp những thách thức như: Khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; Khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; Khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện CĐS; Môi trường kinh tế số tại Việt nam còn khiêm tốn; Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ tiêu khác (thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số) tại Việt nam còn thấp;

Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến CĐS đang được xây dựng, hình thành (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan, v.v.); Sự gia tăng các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng.

Ngày 7/1/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Chương trình có mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Trong đó, 100% doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ chương trình và nâng cao kiến thức về CĐS, 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp)…

Để làm được điều này, chương trình đã triển khai các nhóm hoạt động bao gồm: Xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS; Hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS; Xây dựng và triển khai đào tạo CĐS cho doanh nghiệp; Triển khai hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp là thành công điển hình.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, chương trình sẽ triển khai 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp CĐS.

Gói Bắt đầu CĐS - Start Digital (dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu CĐS - hỗ trợ lựa chọn các giải pháp CĐS đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện quá trình CĐS).

Gói Tăng tốc CĐS: Grow Digital (dành cho doanh nghiệp đang tăng trưởng - hỗ trợ tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp CĐS).

Gói CĐS hướng đến thị trường toàn cầu - Go Digital – Go Global (dành cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số - hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển Thương hiệu và Sản phẩm trên thị trường quốc tế).

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số

Dịch COVID-19 đã khiến các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhìn nhận lại về cách thức làm việc, đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng (họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, livestream...); là động lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. 

Quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.

LucHTso-THieu

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. Ảnh Trọng Hiếu.

Nhiều dịch vụ tài chính số mởi nổi lên như ngân hàng mở (Open banking) trên nền tảng API (application programming interface); Cho vay ngang hàng (P2P lending); Huy động vốn cộng đồng (crowd funding); Chứng khoán số (digital securities); Bảo hiểm số (InsurTech); Bất động sản số (Proptech); Tài sản/tiền mã hóa/kỹ thuật số (cryptoassets/currencies....).

Tại Việt Nam, khung pháp lý về chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh đang được hoàn thiện, gồm có: Luật Giao dịch điện tử (2005) - đang chuẩn bị sửa đổi; Các nghị định về giao dịch điện tử; nghị định 130/2018/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 52 (2013) về thương mại điện tử; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Nghị quyết 52 (2019) của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0; QĐ 645 của TTg (2020) về KH tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025; QĐ 749 (6/2020) của TTg về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030;

Ngài ra, Chính phủ, NHNN đã ban hành về quy định E-KYC (12/2020); dự thảo quy định quản lý Fintech...; Quyết định 316/QĐ-TTg (9/3/2021) phê duyệt triển khai thí điểm Mobile money; Quyết định 810 (NHNN) ngày 11/5/2021 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'; Quyết định số 942/QĐ-TTg (15/6/2021) phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án thanh toán không dùngtiền mặt 2021-2025...; Quyết định 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....

Các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); Hình thành hệ sinh thái tài chính với các NHTM/DN lớn hay Bigtech giữ vai trò điều phối; Dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm "cá thể hóa"; Các Bigtech, Fintech, DN bán lẻ trên nền tảng số... sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường: cạnh tranh hoặc hợp tác với các DN truyền thống; Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn.

Một số vấn đề đặt ra với xu hướng chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh của Việt Nam gồm: Cần tiêu chí, đo lường kinh tế số; giải bài toán về dữ liệu lớn và xuyên biên giới; giải bài toán về hạ tầng số; đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, R&D...; bài toán nguồn nhân lực; quản lý rủi ro CNTT và chuyển đổi số, an ninh mạng, dữ liệu, sở hữu trí tuệ, văn hóa số...v.v.

Có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về  tiền kỹ thuật số; Có tầm nhìn, chiến lược và thực thi trong thời gian tới.

Một số khuyến nghị để thành hình và phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh: Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử. Xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số (Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, Proptech, Insurtech, Edutech, Healthtech; tài sản số; e-KYC ...); Quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu; Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia (dữ liệu dân cư và doanh nghiệp); Quy định về dịch vụ đám mây (cloud services); dùng blockchain, AI trong cáclĩnh vực chủ chốt...; Quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số).

Cần tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số; đầu tư AI, R&D; an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số; Đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu về tiền KTS của NHTW. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tàichính số (chương trình "giáo dục tài chính quốc gia").... Doanh nghiệp cần có tầm nhìn, chiến lược và thực thi.

Sau phần trình bày của các diễn giả của phiên I, hội thảo chuyển sang phần thảo luận mở.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Sau khi nghe diễn giả trình bày 2 tham luận, tôi vẫn chưa rõ lắm về tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay.

Tham luận của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) đã nêu thực trạng và các giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy chuyển đổi số, nhưng tôi muốn nghe ý kiến các vị đại biểu đánh giá một cách ngắn gọn nhất là tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay là nhanh hay chậm, so kỳ vọng, mục tiêu và các nước trong khu vực. Nếu nhanh thì vì sao, và nếu đánh giá là chậm thì do nguyên nhân gì?

Ý kiến đầu tiên, xin mời đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông: Câu chuyện chuyển đổi số doanh nghiệp đã được nói rất nhiều.

Phát triển kinh tế số là bắt buộc phải nhắc đến CĐS.

DuongHTso-THieu

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh Trọng Hiếu

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã rất quan tâm về vấn đề này, đồng thời nỗ lực hỗ trợ quá trình CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, khoảng 98% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, và vẫn những chặng đường sắp tới còn rất dài.

Bộ TT&TT đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với mục tiêu mỗi năm tối thiểu thúc đẩy 30 nghìn doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số. Dù vậy, trong năm 2021, chỉ mới có 16 nghìn doanh nghiệp tiếp cận được, một con số quá nhỏ so với mức 800 nghìn doanh nghiệp.

Sắp tới, chúng tôi mong muốn các bộ ngành, UBND các tỉnh, cùng hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, chủ yếu tập trung vào DN vừa và nhỏ. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của họ vẫn gặp phải một số rào cản như: Thiếu thông tin; Mất nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn; Thiếu nguồn lực hỗ trợ kinh tế.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Ông Nguyễn Trọng Đường đã nói đến câu chuyện khó nhất doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải trong việc chuyển đổi số. Anh Võ Trí Thành không những đề cập số lượng chuyển đổi số ở Việt Nam mà còn đề cập đến cấp độ chuyển đổi số, theo anh tại sao Chính phủ quan tâm vậy? Thủ tướng nhấn mạnh rất nhiều lần, các chuyên gia đã có những khuyến nghị từ rất sớm, nhưng quá trình vẫn chậm?

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Cách đây 3 năm (năm 2019), Việt Nam bắt đầu sử dụng thuật ngữ chuyển đổi số, tuy nhiên dến bây giờ nhận thức có chuyển biến nhưng hành động vẫn mang tính phong trào, bước đầu chỉ có chút khởi sắc.

ThanhTHSo-THieu

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ảnh: Trọng Hiếu

Mục tiêu 30.000 DN chuyển đổi số mỗi năm so với 800.000 DN đã ít, con số đạt được là 16.000 DN lại càng hạn chế. Trong đó, 1.000 DN lớn công nghệ số còn quá xa vời, do đó Việt Nam vẫn là nước trung bình về chuyển đổi số trong khối ASEAN.

Để chuyển đổi số tốt cần mấy yếu tố, thứ nhất là tư duy nhận thức là vai trò của người đứng đầu; hai là cuộc cách mạng về thể chế; ba là nguồn nhân lực; bốn là hạ tầng; năm là tinh thần doanh nghiệp sáng tạo.

Hiện nay, chỉ 30-40% DN chuyển đổi số thành công. Do vậy, để thành công, quá trình chuyển đổi số phải gắn với chiến lược kinh doanh thực, tiếp đến là phải nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ và phải có ý nghĩa lan tỏa, kết nối đối tác với khách hàng và sản phẩm. Cuối cùng là vai trò người đứng đầu. Những DN tốt thường có những giám đốc công nghệ - CTO.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Ông Nguyễn Trọng Đường và ông Nguyễn Thanh Tuyên có thể chia sẻ thêm thông tin về dự thảo các luật này, hiện các luật đang ở mức độ nào, và dự kiến bao giờ Quốc hội có thể thông qua?

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông: Bộ TT&TT đang gửi sang Quốc hội để đưa vào xem xét tại kỳ họp tháng 10/2022. Bộ đang tích cực trong dự thảo Luật, trong đó đặt nhiều vấn đề trong Luật sửa đổi quy định về giao dịch số, dữ liệu số, giao dịch dữ liệu.

Đây là vấn đề mới, cần cập nhật nhiều vấn đề so với trước đây với giá trị pháp lý của các hợp đồng hay hợp đồng thông minh. Chúng ta nói nhiều về tài sản ảo, tiền ảo nhưng nếu không có luật quy định về những khái niệm cơ bản thì rất khó để triển khai những vấn đề trên.

Bộ TT&TT đang xây dựng Luật giao dịch điện tử nhằm đưa tất cả các giao dịch truyền thống lên điện tử. Luật công nghiệp, công nghệ số dự kiến trình Quốc hội năm 2025.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông: Về tiến độ, chúng tôi hiện đã báo cáo Chính phủ và chuyển sang trình Quốc hội kế hoạch năm 2023. Xin tóm tắt nội dung về M&A, Luật sẽ định nghĩa lại thế nào là công nghiệp công nghệ số và các hoạt động liên quan công nghệ số. Ngoài ra, Luật sẽ liên quan đến quản lý, các điều kiện thúc đẩy phát triển.

TuyenHTso-THieu

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh Trọng Hiếu

Liên quan trực tiếp đến M&A, như Luật sẽ định nghĩa tài sản số, tài sản ảo. Những giao dịch hiện giờ như tiền số có giao dịch lớn, nếu không công nhận tài sản thì không thể đánh thuế, giải quyết được. Ở các nước như Mỹ, họ đưa ra việc quản lý dưới góc độ quản lý tài sản. Dù Luật dân sự có quy định về tài sản, nhưng ở công nghệ số có khía cạnh khác.

Chúng ta có 99,2% các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn khổng lồ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chúng ta coi dữ liệu là tài nguyên, nhưng lại nằm trong tay ai? Vậy cần quy định để người Việt Nam kinh doanh và kiếm lời trên tài sản số, thay vì những tài sản này nằm trong tay các ông lớn quốc tế. Đó là một vấn đề chúng tôi đưa vào dự thảo luật.

Từ góc độ về an ninh quốc gia, chúng tôi có đưa ra các quy định dữ liệu về năng lực đất đai, bí mật kinh doanh....

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Để kết thúc phiên 1, tôi muốn nghe thêm một ý kiến từ GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, người cũng rất quan tâm đến việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.

GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE): Mục tiêu của đại hội XIII, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, năm 2022 mới có luật đầu tiên được thông qua, đến giữa 2023 mới thực hiện được. Có nghĩa là thể chế không đáp ứng được mục tiêu.

Tôi cho rằng, cách làm luật hiện nay của chúng ta luôn chậm và không đáp ứng được thời cuộc của đất nước

MaiHTso-THieu

GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Trọng Hiếu

Về khía cạnh DN, phải từ nhà nước đào tạo cho DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa (SME), không phải tiếp cận từ bản thân DN.

Hiện nay, DN SME rất muốn chuyển đổi số nhưng không thể làm được vì không có điều kiện để chuyển đổi, khác với DN lớn có điều kiện thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, 92% DN nhỏ và siêu nhỏ là câu chuyện của Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giúp đỡ họ tự chuyển đổi số, chứ không phải đưa khuyến nghị để họ tự làm được.

Hiện nay, các DN SME đang phải làm thế nào để khôi phục sản xuất, để trả lương cho công nhân. Nếu ai đó giúp họ có số vốn đầu tư thì họ có thể vừa giải quyết được khó khăn vướng mắc vừa thực hiện được chuyển đổi số. Việc hỗ trợ sẽ có rủi ro, để họ tiếp cận được vốn thậm chí 20% mất vốn, nếu chúng ta không có cách hỗ trợ như vậy thì họ không thể tham gia chuyển đổi số được.

Hơn nữa, họ không thể chọn đc mô hình thích hợp với từng loại hình DN, hiện nay có rất nhều mô hình startup (26.000 DN) nhờ mô hình này mà chuyển đổi số được. Do đó, Bộ TT&TT cần quan tâm đến các loại hình DN, tư vấn để họ chọn mô hình DN của họ.

Nguồn nhân lực cũng vậy, họ không thể đào tạo được, mà cần các Câu lạc bộ, Hiệp hội phải tham gia vào nguồn nhân lực và phải có chuyên gia thực hiện rất căn cơ. Điển hình như Samsung, tập đoàn này đã chọn ra 200 DN làm việc cho họ, mỗi DN được 3 chuyên gia Hàn Quốc đến 3 tháng đào tạo không mất phí và tất cả lãnh đạo DN đó đều nói rằng chỉ trong 3 tháng DN họ đã thay đổi hoàn toàn.

Do đó, việc bây giờ phải đào tạo DN nhờ đội ngũ chuyên gia, giúp DN thay đổi theo hướng tự vận động và làm thế nào DN chủ động trong việc tiếp cận các tập đoàn lớn. Bởi trong các hiệp hội, DN nhỏ nào cũng lép vế, Việt Nam sẽ không thành công nếu không chuyển đổi số các DN vừa và nhỏ. Các DN lớn cũng phải có trách nhiệm với các DN SME.

Tóm lại, nhà nước nên làm nhanh thể chế, đồng thời nên có cách tiếp cận để DN tự chuyển đổi số, họ cần gì thì hướng dẫn họ.

PHIÊN II: XU HƯỚNG M&A DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ NĂM 2022 

Tổng giá trị được ghi nhận ở mức 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng trưởng 17,9% so với cả năm 2020. Trong đó ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản đóng góp khoảng 60% tổng giá trị, và dự kiến sẽ là các ngành đáng chú ý trong tương lai gần.TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam: Thị trường M&A Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021.

AiHTso-THieu

TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam. Ảnh Trọng Hiếu

Trong vòng 3 năm qua, các nhà đầu tư trong nước ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy hoạt động M&A trong đó Vingroup, Masan, Hòa Phát, Vinamilk và Novaland là những nhà đầu tư trong nước hoạt đông tích cực nhất.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư: Số lượng giao dịch đã tăng gấp đôi trong khi tổng giá trị giao dịch lại tăng hơn gấp ba lần lên đến gần 1 tỷ USD. Các giao dịch đáng chú ý: Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt), Momo (vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt).

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhanh chóng, điều này sẽ định hướng Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của Đông Nam Á nhờ: Tình hình vĩ mô thuận lợi: tầng lớp trung lưu đang có thu nhập khả dụng ngày càng tăng; Hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhanh chóng, điều này sẽ định hướng Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của Đông Nam Á; Nguồn nhân lực trong nước ở khối ngành công nghệ dồi dào; Tư duy kinh doanh & khởi nghiệp không ngừng phát triển; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ Chính phủ.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Qua bài trình bày vừa rồi của diễn giả, chúng ta có thể thấy khá nhiều nhận định giống nhau. Dù COVID-19 hoành hành, nhưng thị trường M&A cả thế giới vẫn tăng trưởng, trong đó thị trường Việt Nam tuy giảm nhẹ nhưng hoạt động này ở mảng công nghệ có thể nói là bùng nổ.

Các chuyên gia cũng thống nhất thị trường còn tiềm năng và triển vọng rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế. Trước khi vào thảo luận, chúng ta sẽ nghe thêm 1 chia sẻ từ đại diện Novatech về chiến lược M&A của Novagroup.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech: Với làn sóng chuyển đổi số diễn ra trên toàn cầu, Nova Group cũng không ngoại lệ. Do đó, M&A là chiến lược quan trọng của chúng tôi trong thời gian tới.

vinh1

Ông Lê Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong các lĩnh vực chính (bất động sản, thương mại dịch vụ, nông nghiệp hàng tiêu dùng), Nova Group gần đây xây dựng Nova Tech đầu tư giải pháp công nghệ phần mềm.

Với M&A, Nova Tech tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp có tiêu chí: Đội ngũ phát triển chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, định hướng phát triển phù hợp với công ty.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng hệ sinh thái của Nova Group và tệp khách hàng của tập đoàn. Từ đó, có thể có các hoạt động trao đổi mua bán, đẩy mạnh hoạt động P2B.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Ở đây có đại diện doanh nghiệp, tôi muốn hỏi hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng như vậy là điều đáng mừng hay đáng lo, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt mới chớm nở đã bị thâu tóm?

Câu hỏi đầu tiên này xin dành cho ông Hồ Phi Ân, người sáng lập và giám đốc điều hành CTCP EI Industrial. Ông cho biết cảm nhận cá nhân ông? Thứ hai, ông có đồng ý đánh giá Bộ TTTT, các doanh nghiệp stat-up chưa kết nối được với nhau và ông nhận định start-up của Việt Nam đang nằm vị trí nào trên bản đồ start-up thế giới?

"Không sợ bị thâu tóm, quan trọng là mức giá nào?"

Ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial: Ở góc độ doanh nghiệp, thì việc M&A trong lĩnh vực công nghệ gia tăng là rất đáng mừng. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận được nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài lớn. Tuy nhiên, hành trình để được công nhận không hề dễ và rất nhiều khó khăn. Có thể nói rằng, việc M&A tăng là lo hay mừng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

ho-phi-an

Ông Hồ Phi Ân, CEO Công ty CP EI Industrial. Ảnh: Trọng Hiếu.

Các công ty công nghệ có vòng đời nhanh, và khi chúng tôi đã bước ra sân chơi thế giới thì không được phép sợ bị thâu tóm. Nếu mình không đủ giỏi và bị thâu tóm, qua đó giúp công ty phát triển hơn nữa thì là điều bình thường. Bên cạnh đó, như chúng tôi cũng định hướng rằng một ngày nào đó sẽ thoái vốn ra khỏi công ty để theo đuổi các ước mơ, dự án khác.

Về bản chất, chúng tôi không sợ bị thâu tóm, mà quan trọng là thâu tóm với mức giá nào? Với góc độ cá nhân cũng như kinh nghiệp làm việc, tôi thấy rằng các quỹ đầu tư luôn đặt Việt Nam trong tầm ngắm, trong đó nhiều quỹ chọn Việt Nam là thị trường mũi nhọn trong năm 2022, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp B2B. Theo tôi, trong 2-3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất khoảng 5 doanh nghiệp kỳ lân. Và hiện tại, năng lực công nghệ thông tin của Việt Nam đang xếp trong top 4-5 trên thế giới.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Đến dự hôm nay có ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường FiinResearch, Công ty CP FiinGroup, ông có thể đưa ra ý kiện phản biện các vấn đề đại biểu đã nêu về hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam?

Như đại diện Bộ TT&TT đã đề cập trước đó, kho dữ liệu chủ yếu thuộc về các ông lớn chứ Việt Nam không khai thác được bao nhiêu. Theo ông làm thế nào để Việt Nam có thể khai thác một cách hiệu quả nền tảng Big Data?

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là thông tin đối tác nước ngoài

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường FiinResearch, Công ty CP FiinGroup: Trong 3 năm trở lại đây, lĩnh vực công nghệ thu hút vốn đầu tư rất nhiều, trong đó các lĩnh vực công nghệ chính thu hút vốn đầu tư nhất là hàng tiêu dùng (B2B), fintech, thương mại điện tử.

Hiện nay, dữ liệu của 1,4 triệu DN tại Việt Nam tương đối nhỏ lẻ, FiinGroup sẽ xây dựng nền tảng số hóa các dữ liệu đó và tương lai tiếp tục phát triển các nền tảng công nghệ. Về mảng xử lý dữ liệu, trong các quyết định kinh doanh cần phải có dữ liệu để đầu tư một cách chính xác. FiinGroup có 4 mảng kinh doanh và đều xoay quanh công nghệ dữ liệu.

le-xuan-dong

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường FiinResearch, Công ty CP FiinGroup. Ảnh: Trọng Hiếu.

5-7 năm vừa qua FiinGroup tăng 50-100% doanh số, đặc biệt giai đoạn COVID-19 vừa qua, dựa trên thế mạnh công nghệ dữ liệu, DN chúng tôi vẫn phát triển rất tốt. Hiện nay là pháp lý về công nghệ fintech vẫn rất yếu, đặc biệt là việc thử nghiệm.

Dữ liệu là tài nguyên, tuy nhiên chưa được khai thác mà nằm rải rác, có thể nằm ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Quan trọng là khai thác, thương mại hóa và tạo ra giá trị cho DN như thế nào. Vấn đề là tính hợp pháp của các dữ liệu và thương mại hóa các dữ liệu đó. Điểm yếu của các DN Việt Nam hiện nay là thông tin đối tác nước ngoài rất mù mờ, do đó chúng tôi đang triển khai dự án các thị trường chính và thông tin đối tác từng nước để các DN SME có thông tin và đầu tư.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Tôi muốn kết nối PGS-TS Nguyễn Việt Khôi, Viện trưởng Viện Giáo dục kỹ năng và Trí tuệ sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội, tham dự trực tuyến), một trong những chuyên gia về M&A, tại hội thảo sáng nay có đặt ra vấn đề M&A trong lĩnh vực công nghệ khiến stat-up Việt Nam bị thâu tóm, ông bình luận thế nào về vấn đề này. Thứ hai, trong xu hướng M&A, doanh nghiệp nội đang trỗi dậy, nhiều "ông lớn" trong nước đã và sẵn sàng tham gia, ông cắt nghĩa thế nào về xu hướng này và xu hướng này liệu có tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

PGS-TS Nguyễn Việt Khôi: Đi cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sự chủ động gia nhập thị trường quốc tế của Việt Nam, hoạt động M&A của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng phát triển và gia tăng. Và M&A là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên sân chơi CPTPP.

Việc chống thâu tóm về mặt kỹ thuật không khó, có các giải pháp như cho cổ đông hiện hữu mua cổ phần giá rẻ hoặc cho cổ đông ngoài mua cổ phần với chiếu khấu sâu, hoặc cho cổ đông chuyển cổ phiếu sang tiền mặt. Tóm lại, vấn đề quan trọng ở đây là giá bán. Tôi nghiên cứu nhiều M&A trong các lĩnh vực khác như hàng tiêu dùng, và họ thâu tóm theo kiểu liên kết trước, liên kết sau, vậy trong ngành công nghệ các thương vụ M&A sẽ diễn ra liên kết trước hay sau như thế nào?.

dai-bieu

Các đạo biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Sáng nay có nêu COVID-19 đã như một chất xúc tác khiến quá trình chuyển đổi số diễn ra rất nhanh, đầu tư vào công nghệ như một cứu cánh cho tiến trình phát triển mới của doanh nghiệp, ý kiến này chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi ở phần tiếp theo. Giờ tôi xin mời lại một đại diện của Bộ TT&TT, sau khi nghe ý kiến các đại biểu, các ông có thể gì thêm bình luận?

Đầu tư dữ liệu hiện mở, không hạn chế

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ thông tin và Truyền thông: M&A đang là xu hướng, doanh nghiệp nào đầu tư cũng muốn bán được hàng, bán giá càng cao càng tốt. Chúng ta ươm mầm doanh nghiệp khởi nghiệp thì cũng mong bán được. Tuy nhiên, chúng ta chưa bàn tới vấn đề bán cho ai? và bán rồi có mang lại hậu quả gì không?

Đặt vấn đề như vậy để biết tầm quan trọng của dữ liệu. Dữ liệu không sẵn có, dữ liệu sinh ra từ các ứng dụng. Chủ quyền dữ liệu là vấn đề quan trọng như chủ quyền quốc gia. Vì vậy, khi bán dữ liệu cũng cần đặt vấn đề ai mua, mua để làm gì? Ai là người chỉ mua vì lợi nhuận và thúc đẩy phát triển, ai mua với ý đồ xấu? Luật Đầu tư nói về tập trung kinh tế nhưng đầu tư dữ liệu hiện mở không hạn chế, ai mua cũng được, mua gì cũng được, miễn là bán được.

nguyen-trong-duong

Ông Nguyễn Trọng Đường. Ảnh: Trọng Hiếu.

Vì vậy hiện nay có tình trạng, nhiều DN thay vì đâu tư 1 giấy phép, thì để DN Việt Nam mua giấy phép xong doanh nghiệp nước ngoài mua luôn doanh nghiệp đó, thì doanh nghiệp nước ngoài không cần qua khâu xin giấy phép. Hiện nay, dù thương mại điện tử của Việt Nam rất sôi động nhưng cơ bản hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp, người dân lên Alibaba để mua hàng TQ, nhập khẩu về Việt Nam ề ở trên mạng. Việt Nam không cạnh tranh nổi.

Rất cần lưu ý để việc nước ngoài mua bán, sáp nhập, thôn tính các lĩnh vực ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong chính sách về đầu tư rất cần lưu ý tới lĩnh vực này.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Lo lắng của ông Nguyễn Trọng Đường thì ở đây có đại diện Bộ KH&ĐT chia sẻ Data gần như chắc chắn sẽ nằm trong danh mục đầu tư có điều kiện, còn như ông Hồ Phi Ân phát biểu trước đó thì công nghệ được sử dụng nhằm phát triển ý tưởng kinh doanh. Mời TS. Võ Trí Thành cho thêm ý kiến?

Muốn M&A theo phương diện toàn cầu phải xử lý 5 vấn đề

TS Võ Trí Thành: Tùy vào mục tiêu, nếu nhìn M&A và vận động đầu tư, vậy theo nguyên tắc thị trường, M&A là tốt cho vĩ mô. Còn nhìn ở gốc độ doanh nghiệp M&A là sân chơi thì còn phụ thuộc vào định hướng, chiến lược doanh nghiệp. Điều quan trọng là chúng ta muốn gì?. Chúng ta hôm nay nói về M&A công nghệ, nhưng chỉ công nghệ số. Các Start-up ở Việt Nam có rất ít công nghệ năng lượng, sinh học....

vo-tri-thanh

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Trọng Hiếu.

Cách mạng 4.0 là tích hợp nhiều công nghệ, nhưng Việt Nam thì chỉ là công nghệ số ở các lĩnh vực truyền thông. Nói về M&A công nghệ thì phải rộng hơn. M&A công nghệ bùng nổ vì tiền rẻ nhiều, vì đó là xu hướng không cưỡng được, dẫn dắt sự phát triển tương lai. Ngoài ra, COVID-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn, nên M&A được đẩy mạnh. Một vấn đề ở Việt Nam, câu hỏi là tiền rẻ dần hết, các vụ M&A vừa rồi nhắm vào Việt Nam, nhưng chưa phải thị trường toàn cầu. Đây chính là các giới hạn của các Start-up, cũng như là M&A ở Việt Nam.

Cuối cùng, muốn M&A theo phương diện nhìn toàn cầu, phải nhìn lớn, và chúng ta phải xử lý 5 vấn đề.

Thứ nhất, Cross border data flow (dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới) và vấn đề thuế.

Thứ hai, Việt Nam chưa thích hợp mô hình kinh doanh mới, đằng sau là tỷ lệ phần trăm NĐTNN.

Thứ ba, vấn đề Financing (huy động vốn), kể cả các hình thái quỹ đầu tư có luật thì chúng ta vẫn chưa đầy đủ.

Chúng tôi đang xây dựng trung tâm tài chính. Chúng tôi mong muốn thay vì phải sang Singapore, các doanh nghiệp có thể huy động vốn ở trung tâm này ngay tại Việt Nam.

Thứ tư, đó là vấn đề dữ liệu IPR và quyền sở hữu trí tuệ với tài sản này.

Cuối cùng, đó là vấn đề công nghệ lõi và an ninh quốc gia. Tôi nghĩ, 5 vấn đề đều liên quan thể chế, không chỉ vấn đề Việt Nam, mà cả thế giới cũng đang phải đối mặt.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Tôi xin chia sẻ thêm một chút, khi xây dựng danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chắc chắn sẽ có những loại data sẽ nằm trong danh mục đầu tư có điều kiện, mà thậm chí phải được sự đồng ý của Thủ tướng, lo ngại của ông Nguyễn Trọng Đường là có cơ sở nhưng cũng không nên quá lo lắng. Tiếp theo xin mời ý kiến bà Bùi Thu Thủy, chị có muốn trao đổi lại vấn đề gì mà các đại biểu đã đặt ra?

Nỗ lực thay đổi chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT: Đúng là hiện nay quy trình làm luật của Việt Nam còn rất dài, phải mất 5-7 năm để xây dựng thể chế, khiến chính sách lúc nào cũng bị trễ so với thực tế, chưa kể là vừa ban hành đã phải sửa.

bui-thu-thuy1

Bà Bùi Thu Thủy. Ảnh: Trọng Hiếu.

Chúng tôi cũng rất nỗ lực thay đổi chính sách làm sao để thuận lợi nhất. Từ kinh nghiệm các nước, việc hỗ trợ startup phải cho không hoặc chấp nhận 20% thất bại, nhưng tài chính của Việt Nam chưa cho phép và cũng chưa có thể chế chấp nhận rủi ro. Do đó, cần phải có sự đồng hành của các bộ ngành và hiệp hội để hỗ trợ, tăng sự triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong các DN.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn phát biểu bế mạc:

Kính thưa các vị đại biểu, phiên thảo luận vừa rồi đã khép lại buổi Hội thảo sáng ngày hôm nay. Tôi xin được cảm ơn tới đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp. Chúng ta đã có những trao đổi rất sôi nổi, còn rất nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên qua thảo luận chúng ta đã gợi mở thêm được rất nhiều vấn đề để dần dần đi tới đồng thuận.

Việc gợi mở ra những câu chuyện cần làm tới đây không những góp ý cho cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp mà ngay cả khối báo chí như chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều. Đó chính là ý nghĩa cuộc hội thảo hôm nay! Một lần nữa xin cảm ơn sự tham gia của các đại biểu, từ các bài tham luận tới những phát biểu hết sức trách nhiệm, xin kính chúc các vị sức khỏe, và chúc mừng năm mới Nhâm Dần tới tất cả chúng ta.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ