Chủ đầu tư Marina Hill Nha Trang nói gì về bức tường MSE bị yêu cầu tháo dỡ?

Nhàđầutư
Bà Lê Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty Đồi Xanh Nha Trang cho biết, đối với các hộ dân đang sống sát tường chắn, công ty sẽ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép được mua đất tái định cư cho bà con một chỗ ở tốt hơn hiện nay.
ANH MAI
01, Tháng 01, 2019 | 10:46

Nhàđầutư
Bà Lê Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty Đồi Xanh Nha Trang cho biết, đối với các hộ dân đang sống sát tường chắn, công ty sẽ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép được mua đất tái định cư cho bà con một chỗ ở tốt hơn hiện nay.

Trong những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm với thông tin Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang xây bức tường chắn dự án Biệt thự đồi Marina Hill sai so với thiết kế và giấy phép xây dựng ban đầu… khiến Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa phải vào cuộc ban hành quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ.

Để rộng đường dư luận, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Lê Thị Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang xung quanh vấn đề này.

le thi tu tanh

Bà Lê Thị Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang.

Thưa bà, báo chí mấy ngày qua đưa nhiều thông tin liên quan tới vụ việc bức tường chắn dự án Marina Hill tại Nha Trang xây dựng sai so với giấy phép ban đầu, thay đổi chiều cao và ranh giới san nền, cốt nền, thay đổi kết cấu. Là người trong cuộc, bà có những chia sẻ gì về vấn đề mà báo chí nêu? Vì sao bà lại quyết định thay đổi thiết kế?

Bà Lê Thị Tú Anh: Thông tin mà nhiều tờ báo đã nêu mới chỉ phản ánh đúng một phần thực tế. Một số bài báo đã sử dụng hình ảnh minh họa cho bài viết là hình ảnh cũ, hình ảnh trước khi cơn bão số 8 xảy ra. Tức là, họ đã dùng hình ảnh bức tường trước cơn bão để nói về nó sau cơn bão.

Việc thay đổi thiết kế của bức tường chắn dự án có nhiều lý do. Theo giấy phép đầu tiên được phê duyệt vào tháng 10/2017 thì tường chắn được làm bằng kè đá hộc, cao 6m, giáp nhà dân, có đoạn giáp 0m và có đoạn giáp 6m.

Khi bắt tay vào san nền thi công, đơn vị thi công phát hiện làm bức tường kè đá không đảm bảo an toàn. Bởi vì, với đặc điểm địa hình đồi đá gốc, nếu chồng các tảng đá lên nhau, không có chân bám thì khi mạch nước ngầm trong núi chảy ra sẽ phá bung kè đá, ảnh hưởng trực tiếp tới những nhà dân giáp ranh.

Do vậy, đơn vị thi công đã yêu cầu chủ đầu tư thay đổi công nghệ và chúng tôi đã mời công ty tư vấn từ Mỹ tới dự án khảo sát thực tế và tư vấn công nghệ mới nhất. Phía đơn vị tư vấn đã giới thiệu công nghệ làm tường chắn có cốt MSE. Đây là công nghệ mới nhất theo tiêu chuẩn của Anh - Mỹ mà một số công trình lớn trên thế giới đã làm cho hiệu quả cao. Với công nghệ này, bức tường không chỉ là tường chắn thông thường mà là một bức tường thành có chân, từng lớp đất 40cm sẽ được trải một lớp lưới địa kỹ thuật HDPE.

Các viên gạch bê tông được liên kết với các lớp lưới địa kỹ thuật bằng các chốt nhựa HDPE, xếp chồng lên nhau không cần vữa, làm đẹp bức tường chắn. Bức tường MSE này có khả năng thoát nước tốt hơn các loại tường chắn thông thường do có lớp đá dăm rộng 0,5m sát các viên gạch và các khe hở giữa các viên gạch lớn. Ưu điểm đặc biệt của bức tường chắn này là triệt tiêu lực trượt của đất mà các loại tường chắn khác không giải quyết được.

doi-xanh-nha-trang-ffff-1622 (1)

Chủ đầu tư dự án Marina Hill thi công bức tường chắn theo công nghệ MSE.

Trường hợp có tác động của thiên tai, các lớp đất sẽ được giữ lại bởi các lớp lưới. Do vậy bức tường chắn MSE sẽ không bao giờ bị đổ cho dù các viên gạch trang trí bên ngoài bị rớt hết hoặc có sự sụt lún một góc hoặc đoạn tường nào. Qua thời gian bức tường MSE càng vững chắc hơn nhờ sự liên kết giữa đất và lưới ngày càng chặt hơn, không có một lực đẩy nào có thể lật đổ được bức tường này. Công nghệ tường chắn có cốt MSE có thể không cần sử dụng lớp gạch trang trí bên ngoài. Thay vào đó là các bao đất xếp chồng lên nhau, được giữ bằng các lớp lưới. Bức tường sẽ giống như một quả đồi giả nhưng chắc chắn hơn, đây là loại tường chắn phù hợp nhất đối với các sườn đồi.

Sau khi trao đổi, bàn bạc kỹ với đối tác, mặc dù làm tường chắn theo công nghệ MSE sẽ tốn chi phí gấp 10 lần so với kè đá nhưng tuổi thọ có thể đạt tối thiểu 120 năm. Vì sự bền vững của dự án cũng như an toàn cho người dân mà công ty đã chấp nhập chi hơn 20 tỷ đồng để làm bức tường chắn dài 160m theo công nghệ mới này. So với việc làm tường kè đá chỉ tốn khoảng 2 tỷ đồng đã nói lên thiện chí của công ty khi đặt chân tới đây làm dự án Marina Hill.

Còn về chiều cao tường chắn, cốt nền và ranh giới san nền phải thay đổi để phù hợp với công nghệ làm tường chắn MSE và bảo đảm độ dốc của đường số 1 gần tường chắn. Nếu không nâng cốt nền thì độ dốc đường quá cao gây nguy hiểm cho người lưu thông nội bộ sau này. Vị trí tường chắn MSE không khác mấy so với kè đá cấp phép ban đầu. Tường chắn MSE vẫn nằm trong ranh giới dự án, cách khu dân cư 1m.

Khi chủ đầu tư thi công bức tường chắn theo công nghệ mới MSE, có sự chứng kiến của Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng như người dân giáp dự án này không, thưa bà?

Bà Lê Thị Tú Anh: Những ngày triển khai làm tường, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa có cử cán bộ xuống giám sát một vài lần và không có ý kiến gì. Còn người dân thì vẫn thường xuyên lui tới xem chúng tôi thi công và họ cũng không có ý kiến. Chỉ tới đầu tháng 11 này khi xảy ra cơn bão số 8 với một số nơi khác bị sạt lở đất, cuốn trôi nhà cửa… Lo sợ dự án sau này sẽ gây ra những ảnh hưởng tới nhà cửa của họ nên 16 hộ dân mới có đơn từ khiếu kiện gửi đi các nơi và Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới vào cuộc.

Thật sự, thì ngoài mục đích khiếu nại bức tường ảnh hưởng tới cuộc sống, một số người muốn ép chủ đầu tư mua phần đất của họ với giá cao. Cụ thể là đất của các hộ dân chỉ có giá từ 5 - 9 triệu đồng/m2 nhưng họ yêu cầu doanh nghiệp mua với giá 25 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp đã phải tốn thêm mấy chục tỷ đồng để làm tường chắn theo công nghệ mới đảm bảo an toàn cho dự án và người dân mà giờ lại phải mua đất với giá cao gấp mấy lần thì quá vô lý, nên chúng tôi không thể đáp ứng.

Được biết, việc xây dựng bức tường chắn MSE là sai so với giấy phép được cấp phép ban đầu, tại sao công ty không xin điều chỉnh trước khi thi công?

Bà Lê Thị Tú Anh: Đúng là chúng tôi có cái sai khi chưa xin điều chỉnh giấy phép mà đã thay đổi công nghệ. Điều đó cũng có nguyên nhân khách quan.

Một là, thời điểm mời đơn vị thiết kế chốt lại công nghệ thi công vào tháng 2/2018. Nếu nộp đơn xin điều chỉnh thì mất 6 -8 tháng, nghĩa là, phải tới tháng 10/2018 mới xong duyệt điều chỉnh. Trong khi đó, khoảng thời gian này đang vào mùa mưa, lại phải chờ duyệt thì không kịp tiến độ dự án.

Đồng thời, lúc đó chúng tôi đã san ủi cao độ, nếu không có tường chắn, đất đá từ trên đồi sẽ rơi xuống nhà dân, ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng của họ. Do vậy, ban giám đốc công ty đã quyết định cho thi công trước. Sau đó coi cao độ, mực nước, mạch nước ngầm ra sao thì sẽ xin điều chỉnh tổng thể 1 lần.

Việc thay đổi thiết kế sang tường chắn MSE có mức chi phí rất đắt, điều này chứng minh chúng tôi không vì lợi nhuận mà vì sự an toàn. Thực tế là, nhờ bức tường chắn này mà trải qua cơn bão số 8, số 9 toàn bộ 16 hộ dân giáp ranh dự án không bị ảnh hưởng gì.

Sở Xây dựng Khánh Hòa cho rằng, bức tường chắn MSE tại dự án có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của dân. Bức tường chắn MSE của dự án liệu có đủ đảm bảo an toàn?

Bà Lê Thị Tú Anh: Nếu bức tường chắn này đúng như tất cả những nhận định của Sở thì lẽ ra nó đã không còn tồn tại sau đợt mưa lịch sử của bão số 8. Và giờ này chúng ta không còn ngồi bàn chuyện tháo dỡ hay không tháo dỡ mà phải là những câu chuyện buồn thê lương. Tiếp theo là tìm người chịu trách nhiệm.

Xung quanh bức tường chắn MSE của chúng tôi có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Những người từng biết đến về công nghệ MSE thì rất rất tâm đắc. Còn những luồng ý kiến cho rằng tường chắn có nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm lại đều không đưa ra được một kết quả thẩm định hay cơ sở khoa học nào cả về phát biểu của họ. Tất cả đều là những nhận định chủ quan và cảm tính.

Với những vị trí gạch ngoài tường chắn đã bị nứt, vỡ tại công trình thì sao, thưa bà?

Bà Lê Thị Tú Anh: Tôi mong rằng, khi một người dân hay ai đó phát biểu về tường chắn thì nên công tâm và thành thật với những lời nói của mình bằng những hình ảnh minh chứng đúng. Một vài hình ảnh về những vị trí có gạch bị nứt đó là một sự cố hư hỏng nhẹ trong giai đoạn tường chắn đang thi công trước thời điểm mưa bão. Hư hỏng này không liên quan đến chất lượng công trình mà gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên chúng tôi đã khắc phục nhanh chóng đa số, một số đoạn chưa làm xong do Sở Xây dựng yêu cầu ngừng thi công. Tuyệt nhiên không có bất kỳ nứt, vỡ nào xảy ra trong và sau mưa bão.

Chủ đầu tư có biện pháp gì đề chống sạt lở không?

Bà Lê Thị Tú Anh: Tường chắn MSE với cốt là lưới địa kỹ thuật là công nghệ tiên tiến và tối ưu nhất để phòng chống sạt lở đất. Đây là lý do Nhật Bản và Mỹ ứng dụng công trình này rất nhiều để phòng chống những hiểm họa thiên tai. Bức tường MSE này hoàn toàn vững chãi và an toàn nên chúng tôi không cần phải có thêm biện pháp chống sạt lở nào cả. Công trường luôn có bộ phận túc trực trong đợt mưa bão để cập nhập mọi tình hình. Và hiện nay, chúng tôi đang thẩm định tường chắn để công bố cho các cơ quan và người dân được rõ.

Tuy nhiên, nếu khu dân cư được tái định cư nơi khác thì chúng tôi sẽ có phương án làm thêm các taluy giựt cấp để tăng cảm quan và tính thẩm mỹ cho công trình.

Phản ứng của doanh nghiệp thế nào trước việc Sở Xây dựng ban hành quyết định buộc phải tháo dỡ bức tường trong vòng 15 ngày?

Bà Lê Thị Tú Anh: Chúng tôi đã nhận được quyết định buộc tháo dỡ bức tường chắn của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, việc tháo dỡ bức tường trong thời gian này là điều không thể.

Thứ nhất, vì đang trong mùa mưa bão. Nếu tháo dỡ tường chắn, đất đá, nước ngầm sẽ đổ vào nhà dân, gây ra thiệt hại về người và tài sản thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Thứ hai, đường lên đồi rất dốc và trơn, xe cơ giới không thể lên được thì tháo dỡ bằng cách nào? Hơn nưa, lưới địa HDPE rất dai, xe cuốc không móc được, máy cắt cũng không thể cắt thì doanh nghiệp phải tháo gỡ bằng cách nào?

Thứ ba, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 20 tỷ đồng để làm tường theo công nghệ hiện đại nhất, giờ Sở Xây dựng buộc doanh nghiệp tháo dỡ thì chi phí tháo dỡ rất lớn và sẽ làm lại bức tường bằng công nghệ nào để đảm bảo sự an toàn,… Vì nhiều lý do như vậy nên chúng tôi chưa tháo dỡ bức tường, chứ không phải là doanh nghiệp cố tình chây ì, chống đối lại chính quyền.

Vậy, trước mắt, công ty có giải pháp nào để giải quyết vụ việc nói trên?

Bà Lê Thị Tú Anh: Trước mắt, chúng tôi đã gửi đơn cầu cứu đến Thanh Tra Chính Phủ và các ban ngành của tỉnh Khánh Hòa với mong muốn chính quyền sớm dừng lại quyết định tháo dỡ mà Sở Xây dựng đã ban hành.

Song song với đó, chúng tôi đã mời đơn vị thẩm định độc lập là Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI SOUTH) thẩm định công trình. Trong thời gian 10 ngày nữa sẽ có kết quả. Nếu kết quả thẩm định bức tường chắn tốt, đảm bảo thì yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép tồn tại. Ngược lại, bức tường không đảm bảo thì Công ty Đồi Xanh sẽ tự tháo dỡ theo yêu cầu của Sở Xây dựng.

Về lâu dài, doanh nghiệp rất mong chính quyền tỉnh Khánh Hòa nói chung và TP Nha Trang nói riêng tạo điều mọi điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án. Riêng đối với các hộ dân đang sống sát tường chắn chúng tôi sẽ đề nghị UBND Tỉnh cho phép chúng tôi được mua đất tái định cư cho bà con một chỗ ở tốt hơn hiện nay.

Việc giao dịch, mua bán dự án có bị ảnh hưởng bởi quyết định ngừng giao dịch thương mại của Sở Xây dựng không, thưa bà?

Bà Lê Thị Tú Anh: Ngày 20/11/2018 Chánh Thanh Tra ban hành quyết định 449/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính đối với công ty với mức xử phạt 40 triệu đồng do xây dựng sai giấy phép xây dựng số 140 cấp ngày 10/10/2017. Đồng thời tạm dừng thi công để xem xét, chứ không phải rút giấy phép xây dựng. Nên Sở Xây dựng không thể căn cứ vào văn bản này yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động giao dịch, mua bán và huy động vốn. Do văn bản của Sở Xây Dựng bị sai luật nên các hoạt động giao dịch của dự án sẽ không bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi công văn này cho Sở Xây Dựng.

Xin cảm ơn bà!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ