Chọn mô hình nào để bảo đảm thành công cho các đặc khu?

Nhàđầutư
Một mô hình chính quyền đặc khu phù hợp với Hiến pháp là cần nhưng chưa đủ. Cần xuất phát từ tính chất và vai trò đặc biệt của phát triển kinh tế tại đặc khu để lựa chọn mô hình quản lý đặc biệt cho đơn vị hành chính này.
NGUYỄN VĂN PHÚC - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XII, Khóa XIII*
17, Tháng 02, 2018 | 14:38

Nhàđầutư
Một mô hình chính quyền đặc khu phù hợp với Hiến pháp là cần nhưng chưa đủ. Cần xuất phát từ tính chất và vai trò đặc biệt của phát triển kinh tế tại đặc khu để lựa chọn mô hình quản lý đặc biệt cho đơn vị hành chính này.

Khi được QH quyết định thành lập, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành các đặc khu từ các huyện thuộc 3 tỉnh. Lúc đó, vị trí, tính chất của các đơn vị hành chính này sẽ thay đổi, trở nên “đặc biệt”, không còn là các đơn vị cấp huyện thông thường nữa. Đó sẽ là các đô thị công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp với các khu chức năng như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu dịch vụ logistic quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Mục tiêu chính của các đặc khu là phát triển kinh tế “đặc biệt” bằng cách thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư hàng đầu thế giới với công nghệ cao, ngành nghề mới, quản trị hiện đại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D)…, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

dac khu

 

Đối với nền kinh tế quốc dân, các đặc khu sẽ là động lực, là cực tăng trưởng mới có sức lan tỏa, tác động tích cực đến khu vực và cả nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, lao động có tay nghề, tăng thu ngân sách, kết nối giao thông…

Đối với thế giới, các đặc khu sẽ là hình ảnh mới và thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại quốc tế theo chuẩn mực thị trường. Các đặc khu còn có chức năng thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, thể chế hiện đại, chính sách mới vượt trội, các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới.

Với đặc điểm về vị trí, tính chất, yêu cầu, mục tiêu, chức năng như vậy, đòi hỏi phải có mô hình chính quyền phù hợp để bảo đảm thành công cho các đặc khu. Chính quyền đặc khu phải có trình độ, năng lực tương xứng, tầm quốc tế, đủ thẩm quyền quyết đáp kịp thời, tại chỗ các vấn đề của  nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các vấn đề quan trọng về xây dựng và phát triển đặc khu. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng  Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và của chính quyền cấp tỉnh cần được phân cấp, phân quyền cho chính quyền đặc khu như Dự án Luật quy định.

Do đó, một mô hình chính quyền đặc khu phù hợp với Hiến pháp là cần nhưng chưa đủ. Mô hình đó còn phải phù hợp với đặc điểm về vị trí, tính chất, yêu cầu mục tiêu phát triển, chức năng của đặc khu và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Quan điểm của người viết bài này là nên lựa chọn mô hình Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm như sự lựa chọn ưu tiên của Chính phủ và được đa số ĐBQH phát biểu ủng hộ tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIV. Tuy nhiên, cần hoàn chỉnh mô hình này để khắc phục những hạn chế như đã nêu như nguy cơ lạm quyền, ban hành quyết định sai lầm của Trưởng đặc khu. Cụ thể cần hoàn chỉnh theo hướng sau:

Thứ nhất, bổ sung cơ chế tư vấn, phản biện bắt buộc trước khi Trưởng đặc khu quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định một số vấn đề quan trọng như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và phân bổ ngân sách, dự án đầu tư công thuộc nhóm A, tổ chức cơ quan chuyên môn trực thuộc... Quyết định cuối cùng và trách nhiệm vẫn thuộc về Trưởng đặc khu. Vì Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ cho nên tổ chức tư vấn, phản biện này (có thể gọi là Hội đồng tư vấn) cũng cần do Thủ tướng Chính phủ thành lập và chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Thiết chế này không có tính chất hành chính đơn thuần. Ngoài thành viên là đại diện một số cơ quan nhà nước có liên quan, cần có các thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện của khu vực tư nhân (nhà đầu tư chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu). Đây là cơ chế kiểm soát trước, cơ chế kiểm soát kết hợp công - tư theo mô hình quản trị hiện đại. Các đặc khu ở Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng có các hội đồng tương tự.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế giám sát của HĐND tỉnh đối với Trưởng đặc khu, theo đó Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban chuyên môn của HĐND, Tổ đại biểu HĐND giám sát hoặc phân công một Ban của HĐND chuyên giám sát hoạt động của Trưởng đặc khu; đại biểu HĐND tỉnh có quyền chất vấn Trưởng đặc khu. Hàng năm, Trưởng đặc khu phải báo cáo HĐND tình hình thực hiện Luật; HĐND tỉnh có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu…

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế giám sát trực tiếp của nhân dân đặc khu đối với Trưởng đặc khu trước hết thông qua cơ chế công khai, minh bạch các văn bản, quyết định và hoạt động của Trưởng đặc khu để người dân theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hàng năm, như đã đề cập ở trên, Trưởng đặc khu phải phối hợp với UBMTTQ đặc khu tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân để trao đổi ý kiến, đối thoại và giải trình với nhân dân đặc khu về hoạt động của mình và về các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân sinh sống, làm việc tại đặc khu. Ngoài ra, cần bổ sung cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại đặc khu đối với Trưởng đặc khu.

Thứ tư, trong tương lai, sau một thời gian thử nghiệm và sau khi đặc khu đã phát triển ổn định, cần sửa Luật để áp dụng mô hình nhân dân đặc khu trực tiếp bầu Trưởng đặc khu theo giới thiệu của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng ta đã có những bài học thực tiễn xây dựng các đặc khu Hồng Gai, Vũng Tàu - Côn Đảo, các khu chế xuất, khu kinh tế. Kinh nghiệm xây dựng các đặc khu trên thế giới cũng rất phong phú và đáng nghiên cứu. Hy vọng và tin tưởng rằng tại kỳ họp tới đây, QH Khóa XIV sẽ thông qua dự án Luật, lựa chọn được mô hình chính quyền phù hợp cho các đặc khu và thông qua các Nghị quyết thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đây sẽ là quyết định có tính lịch sử, tạo ra động lực mới và bước phát triển đột phá của đất nước. Tương tự như cách đây 30 năm, trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, QH Khóa VIII lần đầu tiên thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với sự đột phá mạnh mẽ về thể chế, chính sách kinh tế của nước ta.

* Nguyên Phó Trưởng ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992; chuyên gia độc lập về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ