Cẩn trọng “bắt dao rơi” khi thị trường “tranh tối tranh sáng“

Sự sụt giảm mạnh trong tháng 4 của thị trường chứng khoán đã đưa nhiều cổ phiếu về mức định giá hợp lý hơn. Nhưng, sự thận trọng khi mua vào vẫn là cần thiết trong bối cảnh thị trường vẫn "tranh tối tranh sáng".
KHẮC LÂM
07, Tháng 05, 2018 | 10:08

Sự sụt giảm mạnh trong tháng 4 của thị trường chứng khoán đã đưa nhiều cổ phiếu về mức định giá hợp lý hơn. Nhưng, sự thận trọng khi mua vào vẫn là cần thiết trong bối cảnh thị trường vẫn "tranh tối tranh sáng".

bat-dao-roi_ASEL

 

Tháng 4, 73% cổ phiếu đi xuống

Sau khi bứt phá gần 20% trong quý I/2018 và vươn lên mức đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm trong phiên 9/4/2018, chỉ số VN-Index đã rơi mất gần 180 điểm, tương đương gần 14% chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (chốt phiên 4/5 ở mốc 1.026,8 điểm).

Thống kê từ 352 cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, tại thời điểm đầu tháng 5, có tới 2/3 số cổ phiếu giảm giá so với đầu tháng 4/2018. Tương ứng với đó, số mã tăng giá so với đầu năm từ tỷ lệ 42,8% vào cuối quý I đến đầu tháng 5 chỉ còn 32,5%.

Trong nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong tháng 4, có sự góp mặt của khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, bất chấp các doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù ồ ạt báo lãi tăng trưởng mạnh như Ngân hàng TMCP Vietcombank (VCB) báo lãi trước thuế quý I tăng tới 59% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 1/3 kế hoạch năm; VietinBank (CTG) báo lãi trước thuế tăng 19% và hoàn thành 28% kế hoạch năm, BIDV (BID) báo lãi tăng 9,1% so với cùng kỳ, VPBank (VPB) báo lãi tăng 36%, thậm chí HDBank (HDB) báo lãi tăng đến 169%..., thì hầu hết cổ phiếu trong nhóm vẫn giảm giá. VCB mất 15,5% giá trị vốn hóa trong tháng 4/2018, BID mất 22,4%, VPB mất 19,8%, CTG mất 16,2%, còn HDB mất 5,2%.

Với vị thế chiếm đến hơn 25% giá trị vốn hóa của sàn HOSE, sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nguyên nhân quan trọng kéo chỉ số chung sụt giảm.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, dù diễn biến giá dầu trong quý I tích cực so với dự báo ban đầu và cùng kỳ 2017 giúp Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) báo lãi sau thuế tăng hơn 20% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% kế hoạch năm, nhưng thị giá cổ phiếu tính đến phiên 3/5 đã mất 26,6% so với đầu tháng 4/2018. GAS cũng nằm trong nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường trong tháng 4.

Tình hình tại hầu hết các nhóm cổ phiếu khác cũng không tích cực hơn. Cổ phiếu MSN của “ông lớn” ngành hàng tiêu dùng CTCP Tập đoàn Masan đã giảm 18,9% trong tháng 4, dù doanh nghiệp vừa báo lãi quý I tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây, với lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ 2017. Mức giảm giá tại các “ông lớn” đầu ngành hàng tiêu dùng khác như VNM là 8,9%, SAB là 9,7% và BHN là 20,5%.

Trong Top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có hai mã VIC và EIB tăng giá trong tháng 4. Với VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup, dù hầu hết các mảng kinh doanh như chuyển nhượng bất động sản, bán lẻ, dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí, giáo dục và y tế đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng hai con số, giúp tổng doanh thu hợp nhất tăng 84,4% so với cùng kỳ năm 2017, lợi nhuận trước thuế tăng 103,7% so với cùng kỳ, giúp thị giá cổ phiếu duy trì mức tăng 4,9%. Tuy nhiên, tính riêng trong nửa cuối tháng 4/2018, thị giá VIC cũng mất 5,4%.

Margin: con dao hai lưỡi

Hiện tượng chốt lời khi cổ phiếu tăng giá được xem là hiện tượng bình thường, hình thành nên các sóng điều chỉnh khi thị trường đang tăng giá. Tuy nhiên, việc hàng loạt cổ phiếu lao dốc hàng chục phần trăm chỉ trong vòng 1 tháng và phá vỡ hàng loạt ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật, bất chấp những thông tin vĩ mô tích cực đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ và gánh chịu tổn thất nặng nề.

Bên cạnh những biến động địa chính trị như căng thẳng trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột tại Syria đang tác động đến hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc thị trường đột ngột giảm mạnh được nhiều chuyên gia phân tích đánh giá có nguyên nhân quan trọng đến từ tình trạng “căng” margin tại các công ty chứng khoán và sự “lệch pha” giữa giá trị doanh nghiệp và thị giá cổ phiếu sau giai đoạn tăng nóng.

Báo cáo tài chính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, tổng dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tại SSI đến cuối quý I/2018 lên đến 7.406 tỷ đồng, tăng 30,5% so với đầu năm. Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), mức tăng này là 9,4%. Đây cũng là tình hình chung tại nhiều công ty chứng khoán khác.

Dù dư nợ margin trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán có thị phần top đầu chỉ là lát cắt tại một thời điểm, nhưng phần nào cũng cho thấy mức độ sử dụng margin trên thị trường đã tăng mạnh từ đầu năm 2018.

Trong quý I, việc một vài công ty chứng khoán chủ động giảm margin với hàng loạt cổ phiếu do hết “room” cho vay hay ồ ạt lên kế hoạch huy động thêm vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhằm phục vụ nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư càng cho thấy dấu hiệu về tình trạng sử dụng margin cao.

Cùng với đó, bức tranh thanh khoản có sự phân hóa mạnh trong quý vừa qua. Mặc dù điểm số và thanh khoản tăng mạnh, nhưng thay vì tăng trên diện rộng, dòng tiền lại tập trung mạnh vào một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay bất động sản… Có phiên, giá trị giao dịch tại một hoặc một vài cổ phiếu nhóm này chiếm 30 - 40% giá trị giao dịch toàn thị trường khiến chỉ số, thanh khoản phản ánh câu chuyện riêng, thay vì bức tranh tổng thể.

Việc thị giá tại các nhóm cổ phiếu này tăng vọt 50 - 100% trong thời gian ngắn đã thu hút một dòng tiền lớn của các nhà đầu tư mới bị hấp dẫn suất sinh lời cao trong ngắn hạn, đầu tư theo phong trào, lướt sóng. Sự kết hợp của tâm lý đầu cơ trong ngắn hạn, giao dịch lướt sóng đi kèm sử dụng margin cao dù góp phần đẩy giá cổ phiếu và thanh khoản tăng nhanh, nhưng khi đà tăng của thị giá vượt qua những chuyển biến tích cực mà doanh nghiệp ghi nhận, áp lực chốt lời ngày càng tăng kết hợp với áp lực giải chấp margin khi thị giá sụt giảm khiến những chuỗi phiên giảm điểm trở nên khốc liệt.

Đặc biệt, với cách sử dụng margin theo sức mua mà nhiều công ty chứng khoán đang áp dụng hiện nay, khi giá tăng, sức mua tăng theo khiến nhà đầu tư dễ dàng mua thêm cổ phiếu.

Ngược lại, khi giá giảm, áp lực giải chấp cũng tăng mạnh trên cả những cổ phiếu không nằm trong danh mục ký quỹ nhưng được bán để bổ sung tiền ký quỹ cho tài khoản. Những phiên thị trường lao dốc vừa qua phần nào cho thấy điều này khi tình trạng “xả hàng” mạnh trong thời gian cuối phiên liên tục diễn ra với lệnh bán lớn, ồ ạt khiến cung - cầu cổ phiếu đột ngột chênh lệch lớn, đẩy thị giá giảm sâu.

Cẩn trọng khi "bắt dao rơi"

Trong khi tâm lý nhà đầu tư khối nội tiêu cực, việc khối ngoại - những nhà đầu tư chuyên nghiệp, được đánh giá cao về khả năng nhận diện xu hướng, liên tục bán ròng cũng tăng áp lực lên thị trường.

Trong tháng 4/2018, tuy khối ngoại mua ròng giá trị 1.700 tỷ đồng, nhưng nếu loại trừ động thái mua ròng đột biến hơn 3.390 tỷ đồng tại NVL (Novaland) qua giao dịch thỏa thuận trong phiên 20/4, khối này sẽ ở trạng thái bán ròng. Trong 2 phiên đầu tháng 5, giá trị bán ròng riêng sàn HOSE lên đến 1.178 tỷ đồng với hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán ròng như VRE, VIC, GAS, HPG…

Tuy vậy, sau chuỗi giảm mạnh phá vỡ hàng loạt điểm hỗ trợ về kỹ thuật, nhiều công ty chứng khoán đang kỳ vọng, bức tranh margin trên thị trường đã nhẹ đi đáng kể và kỳ vọng về ngưỡng 1.000 điểm có thể đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ giúp ngăn đà giảm của chỉ số.

Bản tin ngày 2/5 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, vùng hỗ trợ của VN-Index trong ngắn hạn được dự báo nằm tại vùng đáy tháng 2/2018, tương ứng quanh 1.000 điểm (994 - 1.010 điểm). Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định mức 1.000 điểm là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index và có thể xuất hiện một nhịp phục hồi đáng kể từ đây.

Lạc quan hơn, trong bản tin ngày 3/5, HSC nhận định, thị trường đã giảm rất mạnh từ đỉnh, hiện mặt bằng định giá nói chung đã trở nên hợp lý và khuyến nghị nhà đầu tư xem xét mua vào.

Sau giai đoạn tăng nóng, việc thị trường điều chỉnh được nhiều ý kiến cho là cần thiết, thậm chí là tín hiệu tích cực giúp thị trường lấy lại sự cân bằng, đưa mức định giá của VN-Index và các cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn, thu hút dòng tiền mới gia nhập thị trường, từ đó mở ra cơ hội tốt cho những nhà đầu tư duy trì được tỷ trọng tiền mặt tốt trong danh mục, hoặc sớm rút ra trước đợt sụt giảm gom vào những cổ phiếu có nền tảng tốt, giàu tiềm năng tăng trưởng.

Tuy vậy, khi mà xu hướng chưa thực sự cho thấy sự tích cực cả về điểm số và thanh khoản, tâm lý bi quan của nhà đầu tư vẫn đè nặng. Việc khối ngoại duy trì bán ròng trong khi thị trường đã bước sang tháng 5 với khoảng trống thông tin sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông thì có lẽ, sự kiên nhẫn chờ đợi thị trường, cổ phiếu tìm được vùng đáy nên là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư, nhất là với những nhà đầu tư đề cao tính an toàn, thận trọng. Việc “bắt dao rơi” với mục tiêu ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, chấp nhận sự mạo hiểm, rủi ro cao.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ