[CAFÉ cuối tuần] Vào chùa như ra ga!

Nhàđầutư
Ở những làng thôn cổ xưa, có đình làng và chùa làng. Tôi thường thấy người ta nói: “Ra đình, vào chùa”. Ngẫm nghĩ, thì thấy hai từ “ra” và “vào” này thật có lý.
NGUYỄN THÀNH PHONG
23, Tháng 02, 2019 | 09:01

Nhàđầutư
Ở những làng thôn cổ xưa, có đình làng và chùa làng. Tôi thường thấy người ta nói: “Ra đình, vào chùa”. Ngẫm nghĩ, thì thấy hai từ “ra” và “vào” này thật có lý.

710F0AFF-A507-42B4-8668-A3B4A2AF4DE1

Chùa Yên Tử

Đấy là nói về hai hướng đi khác hẳn nhau, đối với nhau, để đến hai cái đích khác nhau. Ra đình là để tham gia, bàn luận, biết việc làng thôn, để tham gia lễ hội, là nhập vào đám đông. Vào chùa là trở về với cái tâm của mình, để lắng nghe, để ngẫm ngợi, để tách ra và yên tĩnh.

Suy rộng ra, thì “ra đình” là nhập thế, “vào chùa” là tu thân. Hai cái đích khác nhau nhưng lại bổ sung cho nhau để làm nên một hành trình sống của mỗi con người. Sống thành công là để đạt tới, để ngộ ra những cảnh giới. Muốn đi được đến chỗ đạt tới, chỗ ngộ ra thì tâm con người ta phải luôn biết giữ cho yên tĩnh, không động loạn trước mọi biến cố, sự việc.

Có nhiều cách để giữ cho tâm yên tĩnh, không bị động loạn. Đọc sách là một cách. Như Cao Bá Quát viết, nhập thế chích thân thiên lý mã, cùng thư song nhãn vạn niên đăng, chẳng hạn… Vào chùa cũng là một cách. Vì thế, ngay cả không nói là “vào chùa”, mà “đi chùa” như đến các chùa xa, chùa to, thì vẫn gặp những yên vắng, trầm mặc, và những chuyến đi này được gọi là đi vãn cảnh chùa. Đi đấy mà thong dong, đi đấy mà ngẫm ngợi…

Tôi đã từng đến những chùa xa, chùa to, nơi ghi dấu những đại Phật tích, như ở Lâm Tỳ Ni (Nepal), nơi Đức Phật đản sinh, đến Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), nơi Đức Phật thành đạo, rồi nơi Đức Phật chuyển pháp luân, nơi Ngài nhập Niết bàn. Tôi thấy những dòng người vô tận nối nhau tìm đến những nơi ấy. Họ đi trong lặng lẽ, đi trong sự chiêm bái thật yên tĩnh, vẫn là thong dong vãn cảnh…

Giờ, đến nhiều chùa to, trong đó có những chùa mới xây hoành tráng, lộng lẫy ở ta, tịnh chẳng thấy cái không khí trầm mặc, cái phong thái thong dong của người đi vãn cảnh chùa đâu mấy nữa. Tinh chỉ thấy những nhộn nhịp, huyên náo, loa đài tăng âm rầm rĩ, tiếng đàn hát trộn lẫn tiếng kinh kệ, vang vang…

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, trong một bài viết ngắn mới đăng có nhan đề là “Chùa” đã nhận xét, gần đây, đến nhiều chùa to, thấy đấy như là những nhà - ga - chùa. Đúng thật! Đến nhiều chùa to hiện nay, ta gặp những khung cảnh huyên náo, nhộn nhịp như đến những nhà ga tàu điện lớn, ga tàu hỏa trung tâm. Và ta luôn gặp một dòng người sôi động, ồn ào, chen lấn…

“Vào chùa” đã thành như “ra ga” mất rồi. Và như thế, cái bản chất “vào chùa” là để yên tĩnh mà tu thân, đã mai một đi ghê gớm lắm!

Tác động nào đã làm biến đổi cái dòng người này? Phật giáo có được xiển dương thêm chút nào không? Phật pháp có hoằng dương, tiến tới không? Tại sao thêm nhiều chùa, thêm nhiều người đi chùa, mà cũng thêm nhiều vụ án cướp, hiếp, giết với mức độ kinh hoàng tăng lên?

Tôi, cũng như nhiều người, không phản đối việc xây những chùa to, chùa lớn. Những cụm chùa ấy, đừng quá nhiều, cũng rất cần cho những đại Phật sự, cần cho du lịch văn hóa, tâm linh. Vậy thì câu trả lời cho những câu hỏi ở trên, có khi chính là ở cách thức vận hành và giáo hóa của những người chịu trách nhiệm trụ trì các ngôi chùa, ở sự định hướng của Giáo hội Phật giáo đấy!

Mới đây, ăn Tết xong, tôi đi cùng một đoàn vào thăm một ngôi chùa lớn ở vùng Yên Tử. Khi mọi người chăm chú viết sớ cầu an, thì tôi ngồi chuyện vãn với sư thầy giúp việc cho thượng tọa trụ trì. Thấy tôi không viết sớ, sư thầy hỏi vì sao, tôi bảo: “Thực ra, Đức Phật không ban phát được cho ai sức khỏe, thành đạt, sự đủ đầy, an nhiên cả. Nhưng đến chùa là một dịp để ngẫm ngợi thêm về giáo lý nhà Phật, ngẫm sâu thêm về tứ diệu đế, khổ tập diệt đạo, ngẫm nghĩ mà hiểu sâu sắc hơn về bát chính đạo, để tu thân, để suy nghĩ và ứng xử cho đúng hơn, không chỉ đối với phật tử, mà với cả chúng dân. Vì suy nghĩ và ứng xử đúng hơn mà có thể phát huy được năng lực và sở trường, hạn chế sở đoản, vượt qua được nhiều thử thách, thế là có thể thành công hơn, sống khỏe hơn, mà an nhiên hơn. Năng tại ngã, bất năng tại ngã. Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Như thế, có đúng không thầy?”.

Sư thầy khẽ cười, nói: “Đúng là như vậy! Nhà Phật ban đầu không có chuyện viết sớ, không có chuyện dâng sao giải hạn đâu. Đấy là sau này để hòa đồng, là tam giáo đồng nguyên, mà theo thôi!”.

Tôi băn khoăn: “Thế ra là đời dẫn đạo, chứ không phải là đạo hướng đời ư?”. Sư thầy yên lặng.

                                ***

Mới đây, sau những lộn xộn chuyện dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh và nhiều ngôi chùa khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên tiếng, rồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản chấn chỉnh việc này. Đấy là một việc làm kịp thời trước mắt…

Về lâu dài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là các bậc sư sãi trụ trì các chùa chiền trong cả nước, còn cần phải bền bỉ hơn, chặt chẽ hơn trong hoạt động liên quan đến Phật sự, để làm sao mà góp tiến bộ vào cái nền tốt đẹp của xã hội đất nước, để thực sự là đạo hướng đời.

Chuyện vào chùa hiện nay lộn xộn thì đã rõ. Nhưng không chỉ chuyện vào chùa. Còn cả những thăm viếng, nhang khói, lễ lạt nơi đền lầu nghè phủ am miếu, cũng có những diễn biến đáng nghi ngại. Cả việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng đền chùa, miếu mạo và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với cái mác là đầu tư cho du lịch tín ngưỡng, tâm linh nữa.

Đây là câu chuyện chiến lược, câu chuyện dài hơi trong quản lý nhà nước trong quy hoạch, đầu tư, và không chỉ là của riêng ngành văn hóa, du lịch.

Rất cần phải tính đến ngay những vấn đề này để ngăn chặn những biến tướng và thương mại hóa, để làm cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh luôn góp phần vào việc bồi tụ văn hóa, chứ nếu không cần thận, thì những nhân tố ấy lại làm tán phát và rối loãng văn hóa của đất nước khi chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới sắp tới đây.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ