[CAFÉ cuối tuần] Hiểu rõ về chiến tranh, để nâng niu hòa bình

Nhàđầutư
​Sau Tết, tháng Hai này, là đã tròn 40 năm nổ ra Cuộc chiến tranh biên giới (1979 - 1989) ở phía Bắc nước ta. Thời gian đã trôi qua rất nhanh, để bây giờ ta có thể nói được nhiều hơn về những ngày tháng không thể nào quên ấy.
NGUYỄN THÀNH PHONG
16, Tháng 02, 2019 | 08:44

Nhàđầutư
​Sau Tết, tháng Hai này, là đã tròn 40 năm nổ ra Cuộc chiến tranh biên giới (1979 - 1989) ở phía Bắc nước ta. Thời gian đã trôi qua rất nhanh, để bây giờ ta có thể nói được nhiều hơn về những ngày tháng không thể nào quên ấy.

Đó là những trang ký ức lẫm liệt và đau thương, là những cơ hội lớn lao của phát triển đất nước đã bị bỏ lỡ…

D1265657-0FCE-42A7-9893-1F0931707140

 

​Lớp chúng tôi, những sinh viên ngày ấy, đã sống những tháng năm dài gian khổ trong chiến tranh chống Mỹ, vừa háo hức với hòa bình lập lại chưa hết mạch cảm xúc, thì lại phải đối diện ngay với chiến tranh ở trước mặt. Những sinh viên lại phải lên đường tòng quân, những người chưa tòng quân thì lũ lượt kéo lên các núi đồi phía Bắc, với xà beng, cuốc xẻng, bấm bụng đói meo để đào “chiến hào đây, chiến hào đấy, giăng giăng…”. Rồi có cả hầm ngầm xây bê tông ở ngay Hà Nội, ở Bờ Hồ, để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Những năm đói vàng mắt. Hạt gạo không chỉ là chia đôi, chia ba nữa, mà là phải chia bốn, chia năm, để đèo thêm bo bo, sắn lát, bột mỳ, cho bữa ăn thời trai trẻ… Tiếp đó là hơn mười năm căng thẳng ở cả hai đầu đất nước. Màu áo lính ngập tràn. Những thông tin chiến sự nóng bỏng…

Có khi, trong một đêm thôi (12/7/1984), có tới 600 bộ đội ta hy sinh, 1.200 người bị thương, chỉ tại một điểm núi tranh chấp có bình độ 400 nơi Vị Xuyên. Tổng cộng lại, chắc bây giờ vẫn chưa công bố được chính xác, bao nhiêu thanh niên đẹp đẽ, tài giỏi của chúng ta đã hy sinh trong cuộc chiến tranh trớ trêu này. Bên ta đã thế, thì bên đối phương cũng chẳng thể ít hơn, vì với chiến thuật áp đảo “biển người”, họ không tiếc gì những cái chết.

Rồi bao nhiêu ngàn dân thường chết chóc, ly tán, nhà cửa ruộng vườn, hạ tầng trường học, bệnh viện, cầu đường ở các địa phương vùng biên giới bị gài mìn giật đổ, bị đốt và phá nát. Các máy móc, thiết bị, dây chuyền trong các nhà máy, xí nghiệp bị tháo dỡ mang đi trong một cơn cuồng nộ vô lý nhất của lịch sử…

Năm nay, đọc trên các báo chí chúng ta những bài viết về cuộc chiến tranh này, tôi không thấy thái độ chất thêm thù hận, mà là những phân tích, tìm cách hóa giải những trớ trêu, những nghịch lý, thậm chí những “tăm tối” của lịch sử… Đấy là thái độ của những người tôn trọng sự thật, biết trân quý và nâng niu hòa bình, mong muốn chia xẻ, hợp tác và phát triển đất nước.

Người Việt là một dân tộc không biết cúi đầu trước cường bạo, sẵn sàng hy sinh đến cùng trước cường bạo, nhưng hết sức khiêm nhường, biết nâng niu văn hóa, trọng thị và chân thành trước tình cảm hữu nghị và hợp tác.

Lịch sử đã cho rất nhiều minh chứng. Đuổi giặc giã xong rồi, là cấp thêm lương thảo, tàu thuyền, để tàn quân giặc “quy cố hương”, hàng năm lại sang triều cống. Triều đại nhà Trần rực rỡ hào khí Đông A, hai lần đánh tan quân Nguyên Mông hùng mạnh.

Vị vua đầu triều Trần Thái Tông (Trần Cảnh), 33 năm làm vua, đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ nhất, dựng triều đại Nguyên Phong (Bạc đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong) xong rồi, là nhường ngôi cho con, tìm về vùng rừng núi Vi Lâm (Hoa Lư) lập am Thái Vi, “lui về chốn rừng núi, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sinh tử”.

Vị vua thứ ba, Trần Nhân Tông chỉ huy quân dân đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ hai, rồi cũng nhường ngôi, làm thái thượng hoàng, tìm về Hoa Lư rồi lên Yên Tử, lúc cần thì về triều, hỗ trợ triều đình lãnh đạo quân dân đánh tan giặc Ai Lao xâm chiếm, rồi lại tiếp tục đường tu, tìm trong văn sách để phát triển thành đạo lành Trúc Lâm, làm kế “sâu rễ bền gốc” cho dân chúng phụng đức mà làm ăn, dựng xây nên cường thịnh…

Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc nước ta kéo dài 10 năm (2/1979 đến 9/1989). Kể cả giai đoạn ban đầu, từ sau năm 1975 và hậu họa sau đó, cho đến năm 1995, khi chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, gia nhập ASEAN, thiệt lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Hoa Kỳ, lúc ấy thì những cơ hội xây dựng và phát triển đất nước mới thực sự đến với chúng ta. Như thế là đã mất 20 năm, một thời gian quý báu để đủ cho một quốc gia vươn lên từ kém phát triển đến trở thành Rồng, thành Hổ.

Không có một quốc gia nào có thể dùng chiến tranh để dạy các bài học cho một quốc gia khác. Nhưng các quốc gia cùng bị đẩy vào một cuộc chiến tranh thì có thể tự chiêm nghiệm để rút ra cho mình những bài học. Cũng không thể có sự hợp tác, hữu nghị nào trọn vẹn, nếu chỉ đơn thuần là khép lại quá khứ, mà không có những minh định thấu đáo để cùng khép lại.

Thời gian đã đủ để cho cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa minh định lại những vấn đề cốt tử từ cuộc chiến tranh biên giới này, để biết rõ chiến tranh mà cùng nâng niu hòa bình và ổn định.

Hòa bình và ổn định trên cơ sở tôn trọng đối tác, tôn trọng sự thật lịch sử, sẽ mở ra những hợp tác và đầu tư bền vững, đóng góp thực sự cho hữu nghị và phát triển đất nước của cả hai dân tộc!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ