[CAFÉ Cuối tuần] Thân phận của các ngân hàng 'bé hạt tiêu'

Nhàđầutư
Vì có nguồn lực khiêm tốn nên khiến các ngân hàng nhỏ khó có thể mở rộng quy mô hoạt động nhằm cạnh tranh với các nhà băng lớn.
XUÂN TIÊN
07, Tháng 04, 2018 | 07:20

Nhàđầutư
Vì có nguồn lực khiêm tốn nên khiến các ngân hàng nhỏ khó có thể mở rộng quy mô hoạt động nhằm cạnh tranh với các nhà băng lớn.

NCB-nhadautu.vn

 Lãi sau thuế của NCB thấp nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần năm 2017

Phân hoá 

2017 là năm rất tích cực với các ngân hàng thương mại nói chung. Kinh tế vĩ mô ổn định giúp bình ổn lãi suất, nhu cầu tín dụng tiếp tục ở mức cao giúp các nhà băng lớn đua nhau báo lãi nghìn tỷ. 

Nhóm ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ quanh quẩn mức pháp định 3.000 tỷ đồng cũng ghi nhận những diễn biến tích cực trong kết quả kinh doanh. 

Hiện có 7 ngân hàng ở nhóm này là Saigonbank (SGB), VietABank, PGBank, Kienlongbank, NCB, VietBank và NamABank.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 (của PG Bank tính tới quý III/2017), tổng lợi nhuận của 7 ngân hàng 'bé hạt tiêu' đã tăng 66% từ 580 tỷ đồng năm 2016 lên 961 tỷ đồng năm 2017. 

Tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng hoạt động khả quan trong năm vừa qua. Vấn đề chung của nhóm này là nguồn lực hạn chế khiến không thể mở rộng hoạt động, nâng cấp phần mềm nhằm cạnh tranh với các nhà băng lớn. Bên cạnh đó, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hoá kinh doanh sang các lĩnh vực dịch vụ, tài chính khác. 

NamABank là cái tên khá 'sáng sủa' trong năm 2017 với lãi sau thuế 239 tỷ đồng, tăng gấp gần 8 lần so với năm 2016 (33 tỷ đồng). Ngoài thu nhập lãi thuần tăng từ 1.149 tỷ đồng lên 1.234 tỷ đồng, hoạt động khác cũng góp phần quan trọng giúp NamABank đạt được kết quả tích cực, khi mang về cho nhà băng này 248,6 tỷ đồng trong năm vừa qua. 

Bên cạnh NamABank, một số ngân hàng khác cũng có kết quả kinh doanh vượt trội, như Vietbank lãi gấp 4 lần lên 262,4 tỷ đồng, lãi sau thuế của Kiên Long Bank tăng 75% lên mức 207,5 tỷ đồng. Có phần khiêm tốn hơn, song Việt Á Bank cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng 23%, đạt 121,6 tỷ đồng trong năm 2017. 

Screen Shot 2018-04-06 at 5.30.39 PM

 Các chỉ tiêu của PGBank tính tới cuối quý III/2017

Ở chiều hướng ngược lại, 3 ngân hàng Saigonbank, PG Bank và NCB tiếp tục trải qua năm 2017 đầy khó khăn.

Cả Saigonbank và PG Bank đều báo lãi giảm sâu trong năm 2017, với Saigonbank là giảm 61% về 54,6 tỷ đồng, trong khi PG Bank trong 9 tháng đầu năm 2017 lãi sau thuế 54,2 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ 2016 (109 tỷ đồng). 

Cái tên cuối cùng là Ngân hàng Quốc dân - NCB. Dù có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong nhóm 7 ngân hàng, tuy nhiên kết quả kinh doanh lại hoàn toàn đối nghịch. Con số lãi sau thuế 22 tỷ đồng trong năm 2017, dù tăng gấp đôi so với năm 2016, tuy nhiên vẫn là thấp nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần và rõ ràng chưa thể làm hài lòng các cổ đông.

Năm 2018 không dễ dàng 

Tỷ suất lãi sau thuế trên vốn cổ phần của cả 7 ngân hàng nêu trên chỉ là 4,4%, cách rất xa nhóm xếp trên (15% trở lên). 

Kể cả đối với các ngân hàng báo lãi tăng mạnh trong năm vừa qua như NamABank, VietBank hay KienlongBank, thì tỷ lệ này cũng chỉ từ 7-8%. 

Ngân hàng nhỏ đồng nghĩa với hệ thống điểm giao dịch, uy tín và thương hiệu cũng khiêm tốn. Đồng nghĩa với việc để huy động cùng một lượng tiền gửi, họ sẽ phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn so với ngân hàng lớn.

Ở chiều ngược lại, họ buộc phải chấp nhận các khách hàng vay tiền có mức độ rủi ro cao hơn. Điều này dẫn tới nguy cơ nợ xấu luôn hiện hữu và biên lợi nhuận đi xuống. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đến nay vẫn bị ảnh hưởng từ giai đoạn điều hành trong quá khứ, điển hình là NCB.

Nhìn chung, đây đang là thời gian khó khăn đối với các ngân hàng nhỏ. Ngoài sức ép cạnh tranh từ các nhà băng lớn, việc Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành cải cách, làm sạch triệt để hệ thống tín dụng khiến các cổ đông lớn không dễ gì thao túng, chi phối ngân hàng như giai đoạn trước đây. Giới hạn tỷ lệ sở hữu hay tăng vốn ảo qua đó cũng được kiểm soát chặt hơn.

Khi các cổ đông lớn khó lòng góp thêm vốn vì bị kiểm soát gắt gao, thì dòng vốn từ bên ngoài cũng rất dè dặt trước thực trạng không mấy sáng sủa lẫn cơ cấu sở hữu phức tạp của các ngân hàng nhỏ. 

Phần lớn trong số 7 ngân hàng nêu trên đã có kế hoạch tăng vốn từ nhiều năm nay, song đều chưa thực hiện được. Như VietABank muốn tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng, NCB tìm kiếm cổ đông ngoại để tăng vốn gấp đôi lên 6.000 tỷ đồng, Nam Á Bank tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, Saigonbank tăng lên 4.080 tỷ đồng.

Với trường hợp của PG Bank, Vietinbank vừa qua khẳng định sẽ không sáp nhập PG Bank nữa. Ở thông tin liên quan, MBBank cho biết sẽ cân nhắc M&A ngân hàng do Tập đoàn Petrolimex sở hữu 40%. Số phận không ổn định khiến cả ban lãnh đạo lẫn cổ đông PG Bank đều như 'ngồi trên lửa'. Việc tăng vốn bởi vậy cũng là điều xa vời. 

Dù sao thì tăng vốn vẫn là nhiệm vụ mang tính sống còn đối với các ngân hàng 'bé hạt tiêu'. Nguồn lực được tăng cường sẽ giúp các nhà băng này duy trì được một thị trường nhất định, và tính xa hơn là đáp ứng các quy chuẩn về Basel II. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ