[Café cuối tuần] "Không thấy mùi phân bò trong trang trại!"

Nhàđầutư
Ngồi với mấy người bạn quan tâm đến phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, tôi bảo: "Tôi vừa đi đến một trang trại nuôi bò lớn ở Hòa Bình. Lạ lắm! Nó xanh tươi, thanh bình, sạch sẽ đến không ngờ. Lạ nữa, là chẳng thấy mùi hôi thối khó chịu gì cả.
NGUYỄN THÀNH PHONG
23, Tháng 11, 2019 | 08:15

Nhàđầutư
Ngồi với mấy người bạn quan tâm đến phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, tôi bảo: "Tôi vừa đi đến một trang trại nuôi bò lớn ở Hòa Bình. Lạ lắm! Nó xanh tươi, thanh bình, sạch sẽ đến không ngờ. Lạ nữa, là chẳng thấy mùi hôi thối khó chịu gì cả.

50698572-C91C-407B-83AC-633770170DFB

Doanh nhân Hà Văn Thắng tại trang trại chăn nuôi bò của mình.

Thật đáng nêu lên đây như một mô hình phát triển nông nghiệp bền vững". Mọi người hỏi, thế là tôi kể: Đó là trang trại chăn nuôi đại gia súc của Công ty T&T 159 ở trong một thung lũng giữa rừng núi thôn Yên Mông, xã Trường Yên, thuộc thành phố Hòa Bình.

Chúng tôi phóng xe vào qua cái cổng xanh, gặp một dãy nhà cấp bốn, nhỏ nhắn, xinh xắn, nằm dưới bóng cây, trên trước cửa các phòng có biển ghi tên: "Phòng thí nghiệm vi sinh", "Phòng thú y", "Ban quản lý"… Bước xuống xe, là đã vào đại nông trại mà vẫn không biết.

Đi qua khu nhà nhỏ xinh ấy là gặp ngay khu vực chế biến thức ăn, khu vực sản xuất đệm giá thể vi sinh vật… Ở khu chế biến thức ăn cho bò, lợn, đầu vào là cỏ mới xanh tươi cùng cây ngô, rơm rạ mới thu từ đồng về, tất cả được cho vào một dây chuyền máy nhập về từ Mỹ, để xắt nhỏ, rồi chuyển qua công đoạn trộn thêm các loại ngũ cốc, vi lượng và ủ vi sinh lên men.

Một mùi thơm chua thanh dịu lan tỏa trong không gian như mùi rượu nếp, đúng hơn là mùi nước dấm bỗng mà người ta bày bàn cho khách an thêm ở các quán bún riêu ốc phố cổ Hà Nội. Ở khu sản xuất giá thể, đầu vào là những phụ phẩm bỏ đi sau khi thu gỗ làm giấy từ cây keo, cây tràm, bạch đàn, các loại phụ phẩm từ tre luồng, cũng được xay nhỏ như mùn cưa, tỏa mùi hương gỗ, tre thanh khiết, rồi được chuyển qua công đoạn pha thêm dung dịch chứa những loại vi sinh vật đã được nuôi cấy với tỉ lệ và bí quyết riêng nào đó. Lớp giá thể này khi đạt yêu cầu, sẽ được rải xuống, làm một lớp đệm êm ái ở nền các chuồng nuôi để con bò luôn sạch sẽ, thơm tho.

Ở khu tập trung chăn nuôi chính, đã được quy hoạch để thành đại nông trại đại gia súc, hiện giờ đang có hơn 5.000 con bò với đủ các loại, từ bò Úc, bò Mỹ, bò Việt và cả bò Kobe của Nhật Bản. Có bò giống, bò vỗ béo, bò thịt chuẩn bị xuất chuồng. Những con bò đều có bộ lông bóng mướt mát, mắt chúng sáng long lanh, tiếng kêu ò ẹ, hay đôi khi, rống lên đầy thích thú. Tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng vo ve của ruồi muỗi, côn trùng và cũng không có mùi gì nặng nề, khó chịu bốc lên cả.

Tôi đã từng sợ hãi khi ngửi mùi phân, nước đái lưu cữu trộn lẫn mùi mồ hôi bò ở những chuồng bò quê hay ở cả những nông trại lớn. Thật tinh mũi ra thì vẫn ngửi thấy chút mùi thoáng qua của phân bò tươi và nước đái mới xả ra. Phân và nước đái bò chỉ bốc mùi khó chịu khi lưu cữu. Còn cái mùi thoảng lên khi vừa thải ra thì khác, nó như mùi của thay đổi, mùi của chuyển động…

Hóa ra cái bí quyết hóa giải cái mùi cứt đái bò lưu cữu nằm ở lớp đệm giá thể. Đây là tấm đệm cho đàn bò sống thoáng sạch bằng cách hấp thu phân và nước đái thải ra để thành nguyên liệu cho một chu trình khác. Những vi sinh vật phù hợp sẽ chuyển hóa thứ thải bỏ này thành hữu ích khác rất có giá trị. Sau một thời gian, người ta thu lớp đệm này cho dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, cung cấp cho thị trường phân bón đang khát thiếu của nông nghiệp ta hiện nay.

E5294E99-864C-43DE-894B-763CF12DC669

 

Đây là một khác biệt lớn tạo nên chất lượng chăn nuôi bò thịt và cũng đồng thời là một bài toán kinh tế đắc địa. Mỗi ngày, nông trại  thu được hàng trăm tấn nguyên liệu giá thể vi sinh đã hấp thụ phân và nước đái bò để chuyển sang nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt, có bổ sung các khoáng chất cần thiết khác. Số phân hữu cơ ấy bán đi thu tiền về, đã là một nguồn thu đáng kể của quá trình chăn nuôi đàn bò của trang trại.

Ở ngay bên nông trại, nguòi ta đang mở một khu tiếp khách du lịch và dựng các mô hình văn hóa làng quê lúa nước để đón các đoàn học sinh đến tham quan và tổ chức các kỳ giáo dục thực nghiệm. Một khu resort cũng đang được thiết kế ngay bên cạnh. Hay thật, làm khu du lịch và xây resort ngay bên đại trang trại chăn nuôi đại gia súc vì nó thật sự trong lành và yên ả. Đây là một điều lạ lẫm, chưa từng có ở ta.

Một khác biệt rất lớn nữa. Đây là một kiểu nông trại lõi, vực nên sức sống của hàng chục ngàn hộ dân xung quanh. Họ trồng cỏ, trồng ngô cho nông trại, lúa thì nông trại sẽ gặt giúp bằng máy và thu lấy rơm. Tiện nhiều bề, rơm rạ khỏi phải đốt đi. Nhà nào có điều kiện thì nuôi bò, số lượng tùy theo khả năng, để tận dụng các nguồn thức ăn, có bổ sung thức ăn chế biến của nông trại. Khi bò đủ lớn, nông trại thu mua, đưa vào quy trình nuôi vỗ béo và để thải loại những yếu tố bất lợi bị hấp thụ do nuôi tự nhiên. Sau một thời gian, con bò được kiểm định, thịt có chất lượng thương phẩm cao, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho những hệ thống siêu thị lớn.

C8664D02-A358-4F1C-80BD-DF5A9977719D

Giống bò Mỹ tại trang trại của doanh nhân Hà Văn Thắng ở Hoà Bình

Ngoài cái nông trại ở Yên Mông ấy, còn mấy mô hình như thế đang phát triển ở Canh Nậu, Thạch Thất (Hà Nội), Long Sơn, Thái Hòa (Nghệ An), rồi các nơi, như tại xã Tân Mỹ ở Lạc Sơn, Sủ Ngòi ở Hòa Bình. Đây cũng là các công ty con thuộc Công ty cổ phần T&T 159. Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 là một người không lạ với công chúng: Doanh nhân Hà Văn Thắng.

Vốn đã được đào tạo bài bản về chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, tốt nghiệp, Hà Văn Thắng công tác tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, đã phát triển theo con đường làm quản lý, thành một cán bộ triển vọng của Tỉnh đoàn Hòa Bình. Năm 2001, Thắng được điều động sang tham gia xây dựng Xí nghiệp 26-3 của Tỉnh đoàn. Một năm sau, Xí nghiệp này cổ phần hóa, chuyển thành Công ty 26-3 Hòa Bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp máy và xây dựng.

Trẻ trung, nhiệt huyết, không theo lối cũ, Thắng đã tìm đủ mọi cách học hỏi, cả tự học và tham dự khóa đào tạo trong nước, nước ngoài. Từ đó, Thắng cùng các đồng sự đã vượt qua nhiều khó khăn từ số vốn ban đầu ít ỏi huy động được, mở rộng kinh doanh, dần dần thành công. Năm 2003, Công ty 26-3 Hòa Bình đoạt giải Sao Vàng Đất Việt, mở ra kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực… Con đường 20 năm khởi nghiệp kinh doanh của Hà Văn Thắng, từ cán bộ Đoàn trở thành CEO kinh tế, được mệnh danh là “Người truyền lửa khởi nghiệp” cho giới trẻ, nhiều năm là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hòa Bình, Phó Chủ tịch LH các Hội KHKT Hòa Bình, chắc chắn là một câu chuyện dài, đầy lý thú.

Cái mô hình đại nông trại, kể qua là thế, nhưng để hiện ra được như hiện nay, là bao nhiêu khổ công nhọc nhằn, bao nhiêu trăn trở tìm tòi của Hà Văn Thắng và đồng sự. Nhiều đoàn cán bộ các tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình đã đến thăm, đang rất muốn được triển khai ở tỉnh mình. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đến khảo sát và cho đây là một cứu cánh để đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ của nông nghiệp Việt Nam và cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo mô hình này…

Ngay trên xe đưa chúng tôi đi, Hà Văn Thắng đã phải nói chuyện điện thoại khá dài với một cán bộ ở tỉnh Tuyên Quang. Người ta muốn mời anh lên hợp tác, phổ biến, chuyển giao, để mở rộng mô hình của T&T 159 trên đất ấy…

Buổi chiều, Hà Văn Thắng dẫn chúng tôi đi thị sát thủ phủ cam ngọt Cao Phong. Từ đây, nhìn rộng ra cả vùng núi Tây Bắc, sẽ là miền quả ngọt và rau trái chất lượng cao của đất nước. Đấy chính là thị trường và cũng là vùng bao quanh êm ái rất cần cả một hệ thống nông trại lõi trong lành của T&T 159.

Đây thật sự là một mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, tiết kiệm, thuận theo vòng quay tuần hoàn của tự nhiên để mà bền vững. Tôi kể hào hứng với mọi người là với mong muốn cùng chia sẻ để có thể nghiên cứu thêm, hoàn thiện thêm nữa mô hình này, và mong nó nhanh lan tỏa ra trong nông nghiệp của đất nước ta.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ