[CAFÉ Cuối tuần] Doanh nghiệp làm gì khi lãnh đạo bị bắt?

Nhàđầutư
Theo chuyên gia truyền thông, mấu chốt là doanh nghiệp phải có thông điệp rõ ràng, minh bạch với công chúng, hoặc với nhà đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp ổn định, bộ máy kiểm soát vận hành tốt. Ngoài ra, có thể chứng minh được bằng việc chuyển giao lãnh đạo.
HỒ MAI
23, Tháng 12, 2017 | 09:09

Nhàđầutư
Theo chuyên gia truyền thông, mấu chốt là doanh nghiệp phải có thông điệp rõ ràng, minh bạch với công chúng, hoặc với nhà đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp ổn định, bộ máy kiểm soát vận hành tốt. Ngoài ra, có thể chứng minh được bằng việc chuyển giao lãnh đạo.

Sếp lớn doanh nghiệp vướng vòng lao lý

Năm 2017 được xem là năm đầy ám ảnh của lãnh đạo các tập đoàn nhà nước. Hàng loạt vụ án chấn động xảy ra kéo hàng loạt cựu lãnh đạo "quả đấm thép" dầu khí, cao su... vào vòng lao lý.

Chỉ trước ngày sinh nhật tuổi 42 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (ngày 3/9/2017) vài ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 5 cựu lãnh đạo PVN trong đó có ông Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) trong giai đoạn trước đây. 

lanh dao PVN

PVN có tới 3 vị chủ tịch liên tiếp bị bắt đều dính líu tới các đại án kinh tế (từ trái qua phải: ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh).

Trong suốt 2 năm qua, đã có hàng chục cán bộ cấp cao của ngành dầu khí, gồm có cán bộ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như lãnh đạo các công ty con, lần lượt vướng vòng lao lý.

Đỉnh điểm của cuộc "khủng hoảng" diễn ra trong những tháng cuối năm 2017, liên tiếp các thông tin lãnh đạo PVN bị bắt giữ, khởi tố được đưa ra. Lần lượt 3 nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN các thời kỳ là ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Quốc Khánh  và ông Phùng Đình Thực bị khởi tố.

Đứng đầu danh sách những tập đoàn có nhiều lãnh đạo mất chức nhất, PVN có tới 4 vị chủ tịch liên tiếp bị bắt đều dính líu tới các đại án kinh tế. "Ghế nóng" Chủ tịch PVN vẫn để trống nhiều tháng nay.

Ngoài ra, những cái tên "đình đám" như Ninh Văn Quỳnh, Đinh La Thăng (PVN), Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (PVC), Vũ Đình Duy (PVTex)... trong suốt 2 năm qua luôn là chủ đề nóng trên các mặt báo. 

Hình ảnh PVN - một "đế chế" dầu khí hùng mạnh trong nền kinh tế nước nhà, đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ, đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia, đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Cách đây vài năm, một cuộc khủng hoảng cũng xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Vinashin từng là một trong 17 tổng công ty lớn nhất Việt Nam. 

Vụ án kinh tế Tập đoàn Vinashin là vụ kinh tế lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, với thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Vẫn chưa thể thống kê đủ và hết những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội do những con tàu Vinashin để lại. Chính phủ đã phải tiến hành tái cơ cấu tập đoàn này. Một số công ty thành viên bị cho phá sản, giải thể.

Năm 2010, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành bắt giam ông Phạm Thanh Bình - khi đó là Chủ tịch HĐQT Vinashin - về hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ông Bình bị xử án 20 năm tù. Một số lãnh đạo khác của tập đoàn cũng bị bắt giữ.

Năm 2013, Vinashin "thay tên đổi họ" thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (viết tắt là SBIC). Dù đã thay tên nhưng dường như Vinashin vẫn chưa thể "đổi vận". 

Mặc dù khi tái cơ cấu Vinashin đã có ý kiến cho rằng sau 3 năm Vinashin sẽ hết lỗ, sau 5 năm sẽ cơ bản hồi phục nhưng theo báo cáo của SBIC (tên gọi mới sau khi tái cơ cấu Vinashin), năm 2016 doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 5.400 tỷ đồng.

Đã gần 7 năm trôi qua, song nhắc đến cái tên Vinashin nhiều người vẫn còn không tránh được cảm giác đau lòng. Từ một tập đoàn có cơ sở trải rộng khắp đất nước với hàng chục nghìn lao động, Vinashin phải cắt giảm hàng chục nghìn lao động, nhiều nhà máy, khu cảng biển bị đóng cửa, bỏ hoang hoặc phải cho phá sản. 

Dù thay tên đổi họ, công chúng có lẽ vẫn chỉ nhớ tới "con tàu mắc cạn" Vinashin, SBIC mới chưa để lại nhiều ấn tượng khi vẫn còn đang loay hoay trong nợ nần, chưa có bước đột phá để trở lại thời huy hoàng xưa.

Doanh nghiệp làm gì để thoát khủng hoảng?

Chia sẻ với Nhadautu.vn, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn truyền thông Le Media - cho rằng rủi ro của doanh nghiệp khi lãnh đạo có vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của công ty. Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp cần phải có động thái truyền thông để chứng minh hoạt động của doanh nghiệp ổn định, không có xáo trộn lớn.

Cách xử lý cũng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không tác động trực tiếp đến người tiêu dùng thì mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn như các doanh nghiệp có giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng.

Theo ông Vinh, mấu chốt là doanh nghiệp phải có thông điệp rõ ràng với công chúng, hoặc với nhà đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp ổn định, bộ máy kiểm soát vận hành tốt. Ngoài ra, có thể chứng minh được bằng việc chuyển giao.

"Nhiều doanh nghiệp, trước khi lãnh đọa bị bắt, thường có giai đoạn từ chức và chuyển giao vị trí lãnh đạo cho người khác. Đó cũng là động thái để chứng minh hoạt động của doanh nghiệp vẫn được tiếp tục, vận hành êm thấm, tránh khủng hoảng do tâm lý bất ổn của người tiêu dùng, khách hàng", ông Vinh chia sẻ và nhấn mạnh việc đưa ra thông tin minh bạch về hoạt động của công ty, tác động nếu có của người lãnh đạo trước đến hoạt động của công ty để chứng minh hoạt động ổn định là mục tiêu lớn nhất của xử lý khủng hoảng truyền thông doanh nghiệp khi lãnh đạo có vấn đề.

Trong trường hợp việc bắt giữ lãnh đạo thực sự ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, lúc đó cần có những động thái phức tạp hơn.

Chủ tịch Le Media cho biết, trước đây, các công ty bảo hiểm lớn có sự đổ vỡ hàng loạt ở Mỹ, nhiều lãnh đạo công ty ở Việt Nam dù không bị sa thải, không bị bắt nhưng các lãnh đạo đó cũng bị thay đổi, vì doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản nên phải thay đổi bộ máy lãnh đạo. Doanh nghiệp cũng phải xử lý các hợp đồng đang thực hiện dang dở, hoặc đang được triển khai, phải có phương án để không làm các mối quan hệ đó bị đổ vỡ hay bị hủy bỏ, vì có thể tạo hiệu ứng domino ảnh hưởng đến các hợp đồng, đối tác khác.

Vị chuyên gia truyền thông cho rằng, các doanh nghiệp khi có tầng lớp lãnh đạo có vấn đề, không chỉ bị bắt, ngay cả bị ốm bị bệnh, bị tai nạn,.. thì nguyên tắc cơ bản nhất là doanh nghiệp phải chứng minh được tính ổn định, sự ra đi của người lãnh đọa không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải chứng minh được bộ máy sau khi tiếp nhận hoạt động một cách suôn sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải mổ xẻ được sai lầm của lãnh đạo có ảnh hưởng đến tương lai triển vọng của công ty hay không và tìm cách trình bày với công chúng một cách minh bạch mức độ ảnh hưởng, cùng các biện pháp khắc phục.

"Tất nhiên thông tin phải xác thực, có thật chứ không thể nói lấy được. Vì nếu như sau này không chứng minh được, thì sự trấn an trở nên không có thật, càng gây bất ổn lớn hơn".

Với trường hợp của PVN, Chủ tịch Le Media cho rằng, đối với công chúng, mối quan tâm hàng đầu là doanh nghiệp này sẽ tiếp tục vận hành như thế nào, ai lãnh đạo, ai sẽ chèo lái con thuyền PVN trong khủng hoảng. PVN không có đối tượng khách hàng công chúng, khách hàng trực tiếp - người tiêu dùng, mà đối tượng khách hàng của PVN là các tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, theo chuyên gia truyền thông, PVN phải giải quyết mối quan hệ với các tổ chức, công ty đang hợp tác, liên doanh, phải trấn an được các mối quan hệ này.

Có thể nhìn thấy rõ trường hợp khủng hoảng của Samsung Electronics (Hàn Quốc). Năm nay, Samsung liên tiếp phải hứng chịu các thông tin bất lợi, khi ngay sau sự cố nổ pin Galaxy Note 7 xảy ra thì Phó chủ tịch, người thừa kế của Lee Jae-yong đã phải nhận mức án 5 năm tù về tội hối lộ, tham ô và khai man, dấy lên mối lo ngại về những gián đoạn kéo dài trong quá trình đưa ra các quyết định chiến lược.

Dù vậy, với sự cố Galaxy Note 7, Samsung được đánh giá là áp dụng hiệu quả chiến lược "Thú tội trước bình minh". Cho dù là bất cứ ai, nếu người nào chủ động, người đó sẽ kể câu chuyện theo cách mình muốn. Trường hợp của Samsung cũng vậy, cách họ công bố thông tin sẽ hướng câu chuyện theo cách họ đã chuẩn bị sẵn. Sự thật, lỗi có phải do pin hay do một bộ phận nào khác của máy vẫn còn là một câu hỏi.

Hơn nữa, việc thiếu vắng các lãnh đạo chủ chốt dường như không khiến Samsung Electronics "nao núng".  2017 đáng lẽ không phải năm của Samsung Electronics nhưng người tiêu dùng có vẻ đã "tha thứ" cho Samsung Electronics. Cho tới khi có phán quyết từ tòa án cấp cao đối lãnh đạo tập đoàn vào đầu năm sau, Samsung dường như vẫn hoạt động bình thường, và may mắn thay, việc kinh doanh diễn ra khá tốt đẹp.

Cách Samsung vượt khủng hoảng khi liên tiếp xảy ra sự cố, lãnh đạo tập đoàn bị bắt giữ cũng có thể xem là bài học cho doanh nghiệp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ