'Cá mập' Hồng Kông, Thái Lan đã và đang 'thò tay' vào hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam

Nhàđầutư
Những tập đoàn "cá mập" hàng đầu của Thái Lan như TCC Group, Central Group, SCG, hay Jardine Matheson - tập đoàn 200 năm tuổi có trụ sở tại Hồng Kông đã và đang "thò tay" vào nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam, điển hình như Sabeco, Vinamilk, Masan...
THU PHƯƠNG
04, Tháng 02, 2018 | 15:06

Nhàđầutư
Những tập đoàn "cá mập" hàng đầu của Thái Lan như TCC Group, Central Group, SCG, hay Jardine Matheson - tập đoàn 200 năm tuổi có trụ sở tại Hồng Kông đã và đang "thò tay" vào nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam, điển hình như Sabeco, Vinamilk, Masan...

Trong một vài năm gần đây, những thương vụ mua bán cổ phần hoặc thâu tóm của các đại gia nước ngoài trên thị trường Việt Nam với giá trị lên đến vài trăm triệu USD mỗi thương vụ không còn là hiếm. Thậm chí đã có những "deal" lên đến vài tỷ USD.

Nổi bật nhất trong số này là một số tập đoàn hàng đầu của Thái Lan như TCC Group, Central Group, SCG  và Jardine Matheson - tập đoàn 200 năm tuổi có trụ sở tại Hồng Kông. Hầu hết các doanh nghiệp Việt mà những tập đoàn này nhắm tới đều là những doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn tại Việt Nam.

Cuộc đua thâu tóm cổ phần các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam của nhà đầu tư ngoại ngày càng trở nên sôi động khi Chính phủ đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước.

Jardine Matheson - thâu tóm đa ngành

Mặc dù xuất hiện tại Việt Nam khá lâu trong nhiều lĩnh vực ngành nghề nhưng người ta chỉ thực sự biết đến Jardine Matheson - tập đoàn 200 năm tuổi có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) sau thương vụ thâu tóm 10% cổ phần của Vinamilk - công ty sữa lớn nhất Việt Nam - với giá 1,15 tỷ USD.

vinamilk 235

 

Hiện tại, thông qua công ty con, tập đoàn này còn sở hữu 25% cổ phần doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam - Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), 23% cổ phần Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE; 7% cổ phần của Ngân hàng ACB.

Công ty con của Jardine Matheson là HongKong Land là đơn vị sở hữu 2 tòa nhà văn phòng có giá cho thuê vào loại cao “cắt cổ” là 63 Lý Thái Tổ đối diện Nhà hát lớn và tòa nhà Central Building nằm ở giao cắt phố Hai Bà Trưng – Bà Triệu.

Đầu năm 2017, Siam City Cement – công ty do JC&C – sở hữu cũng đã chi hơn 580 triệu để mua lại thương hiệu xi măng Holcim Việt Nam từ Tập đoàn LafargeHolcim (Thụy Sĩ) sau đó đổi tên thương hiệu thành Insee.

Ngoài những khoản đầu tư trên, Jardine Matheson còn có nhiều khoản đầu tư khác tại Việt Nam như: trung tâm thương mại Crescent Mall (Phú Mỹ Hưng), KFC, Pizza Hut...

TCC Group: Sở hữu cổ phần 2 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Việt Nam 

Trong số các đại gia tới từ Thái Lan, người rót nhiều tiền nhất vào trường Việt Nam phải kể đến tỷ phú Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 3 Thái Lan hiện nay, với khối tài sản ròng 20 tỷ USD (theo Forbes), ông chủ tập đoàn TCC Holdings.

Thông qua TCC Holdings, tỷ phú này đang sở hữu nhiều khoản đầu tư lớn nhỏ ở Việt Nam, với giá trị hàng tỷ USD từ bán lẻ, đồ uống cho tới bất động sản.

sabeco

 

Mới đây nhất, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần bia Sài Gòn – Sabeco. Doanh nghiệp của tỷ phú người Thái này đã trở thành cổ đông chi phối hoạt động của công ty nắm 41% thị phần tiêu thụ bia Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments (2 đơn vị thuộc Tập đoàn F&N của Singapore, công ty con của TTC Holdings), người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam. F&N vẫn không ngừng đăng ký mua thêm cổ phiếu VNM để nâng sở hữu.

Vinamilk và Sabeco đang là 2 doanh nghiệp có vốn hóa xếp thứ nhất và thứ hai tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng người Thái đã nắm quyền kiểm soát Sabeco và là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk.

thai lan

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi . Ảnh: Forbes. 

Năm 2015, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) – một đơn vị của TCC Holdings, đã gây chú ý trên thị trường khi thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) sau gần 2 năm theo đuổi. Để trở thành ông chủ của hệ thống bán lẻ này ở Việt Nam, doanh nghiệp đến từ Thái Lan phải chi 655 triệu Euro.

Từ năm 2013, cũng chính BJC đã thâu tóm 64,55% cổ phần của Phú Thái Group, thông qua sở hữu 65% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Thái An Việt Nam – đơn vị nắm giữ trực tiếp hơn 99% cổ phần của Phú Thái Group. Đây cũng là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc, với hàng chục công ty thành viên.

“Chân rết” của tỷ phú người Thái đã bao trùm ra nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam. Thông qua TTC Land – thuộc sở hữu của TCC Holdings, tỷ phú Thái đang sở hữu 65% cổ phần tại Khách sạn Melia Hà Nội, một khách sạn lớn nằm tại vị trí đắc địa ở thủ đô Hà Nội. Cao ốc văn phòng Melinh Point Tower TP. HCM hiện nay cũng thuộc quyền sở hữu của người Thái, thông qua F&N với tỷ lệ sở hữu tới 75%.

Trong năm 2016, thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL) của mình, ông Charoen mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển nhà G Homes – công ty thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR), đơn vị sở hữu Dự án Thảo Điền tại TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Central Group – đầu tư cho bán lẻ

Tháng 4/2016, Central Group – thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Chirathivat, đã mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam, với giá 1,14 tỷ USD.

big_c

 

Cạnh tranh với Central Group trong thương vụ này là hàng loạt các tên tuổi bán lẻ hàng đầu khác như TCC Holding, Aeon, Lotte... và đại diện của Việt Nam Saigon Co.op, nhưng không ai có thể đưa ra mức giá như Central Group.

Trước đó, cũng chính Central Group, thông qua công ty con Power Buy, đã chi hơn 200 triệu USD mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vào năm 2015.

Tập đoàn này cùng với Nguyễn Kim cũng mua lại Zalora Việt Nam (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet).

SCG – "trùm" xây dựng của Thái Lan muốn chiếm trọn dự án lọc dầu 5 tỷ USD

Thành lập tại Thái Lan vào năm 1993, SCG là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan chuyên kinh doanh mảng xi măng và vật liệu xây dựng.

Tính đến thời điểm hiện tại, SCG có 23 công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2017, doanh thu của SCG tại Việt Nam đạt hơn 530 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Hai thương vụ mua lại đình đám nhất của SCG tại Việt Nam phải kể đến là vụ mua lại công ty gạch men Prime trị giá 240 triệu USD và mua lại công ty xi măng StarCemt từ Kusto Group trị giá 156 triệu USD.

Bên cạnh đó, SCG cũng đang sở hữu 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP) và một cơ hội lớn để kiểm soát công ty khi nhà nước chuẩn bị thoái vốn.

Ngoài ra, SCG hiện đang nắm giữ 71% cổ phần của dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn sau khi mua thêm 25% cổ phần từ phía Qatar. SCG vừa đề nghị cho phép được mua lại toàn bộ phần vốn góp (29%) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án này. Theo lãnh đạo SCG, chiến lược kinh doanh của tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục ưu tiên rót vốn đầu tư vào các dự án chế biến lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam. 

Tập đoàn Masan cũng là một trong số doanh nghiệp có sự hiện diện của người Thái trong cơ cấu sở hữu.

Năm 2016, Singha Group, tập đoàn sản xuất bia đến từ Thái, đã chi 1,1 tỷ USD để trở thành đối tác chiến lược của Masan, thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33,3% cổ phần Masan Brewery.

Cùng với quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc quốc tế hoá sở hữu tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích về vốn, trình độ quản trị do các đối tác chiến lược nước ngoài mang lại, thì nỗi lo về sự tự chủ của nền kinh tế cũng là một thực tế phải tính đến.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ