‘Bức tranh’ giao thông đồng bằng sông Cửu Long sẽ như thế nào trong 5 năm tới??

Nhàđầutư
Phát triển hạ tầng giao thông chính là điều kiện tiên quyết để vực dậy tiềm năng kinh tế cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại hội nghị triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
AN HÒA
25, Tháng 04, 2022 | 07:13

Nhàđầutư
Phát triển hạ tầng giao thông chính là điều kiện tiên quyết để vực dậy tiềm năng kinh tế cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại hội nghị triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

cao toc

Dự kiến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng vào dịp lễ 30/4 tới. Ảnh An Hòa

"Bức tranh" giao thông của vùng đến năm 2030

Theo ông Thể, mặc dù trong thời gian qua Chính phủ đã có sự tập trung nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL nhưng do đặc thù của vùng là đất yếu, nhiều kênh rạch nên cho đến nay mạng lưới giao thông ĐBSCL vẫn còn nhiều đoạn đường hẹp, cầu yếu, có rất nhiều quốc lộ nhưng chỉ có Quốc lộ 1 là có nhiều đoạn được 4 làn xe, còn lại chỉ có 2 làn xe, như vậy thì vùng này không thể phát triển được.

“Hiện Bộ GTVT đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành và được Thủ tướng phê duyệt 4 còn 1 đang chờ thông qua. Theo đó, quy hoạch xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP.HCM thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thuỷ làm sao cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng”, người đứng đầu ngành GTVT cho biết.

Bộ trưởng Thể cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai tuyến cao tốc lớn là Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh từ đó hoàn chỉnh kết nối trục dọc – ngang với mục tiêu 5 năm tới, ĐBSCL sẽ có đến 448km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

“Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, hạ tầng giao thông được xem là điều kiện, động lực phát triển cho vùng ĐBSCL. Đường rộng, vận chuyển hàng hoá lưu thông thuận lợi thì vùng này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Giao thông phát triển sẽ góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế của vùng, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, để người dân "ly nông nhưng bất ly hương", góp phần giảm áp lực di dân về TP.HCM và các tỉnh miền Đông”, Bộ trưởng Thể kỳ vọng.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, ĐBSCL sẽ hoàn thành các dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Sóc Trăng - Hậu Giang; xây dựng tuyến tránh Cà Mau, tuyến tránh Long Xuyên; nâng cấp Quốc lộ 30 Cao Lãnh Hồng Ngự, đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2; đầu tư 3 dự án giao thông trong chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL gồm nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62A qua tỉnh Long An;  Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si và nâng cấp; mở rộng đoạn Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu.

Định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, hoàn thành khoảng 650km đường bộ cao tốc; cải tạo, nâng cấp một số quốc lộ trọng yêu, kết nối, hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông nông thôn.

Về đường thủy, Bộ GTVT  cũng đã lên kế hoạch nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến giao thông thủy nội địa; phát triển hành lang đường thủy nội địa và logicstic khu vực phía Nam và nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; Mương Khai - Đốc Phủ Hiền: kêu gọi đầu tư các cảng và tuyến vận tải đường thủy nội địa. Triển khai dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; từng bước phát triển bến cảng đầu mối tại khu vực Trần Đề. Khai thác có hiệu quả cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch, huy động vốn đầu tư nâng cấp cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau.

Về phát triển đường sắt, hiện Bộ GTVT đang làm việc đơn vị tư vấn lập dự án tiền khả thi, khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao kết Cần Thơ – TPHCM để trình Quốc Hội phê duyệt.

cang tran de

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch là cảng biển đặc biệt cấp vùng. Ảnh TL

Vùng ĐBSCL sẽ có cảng biển nước sâu

Theo Bộ trưởng Thể, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp đóng góp 90% lượng gạo, 70% thủy sản, trái cây xuất khẩu cho cả nước nhưng hiện tại hàng hóa xuất nhập khẩu ở vùng này phải trung chuyển lên cụm cảng TP. HCM, miền Đông để xuất khẩu với chi phí tăng cao.

Việc tập trung xây dựng một cảng quốc tế đủ tầm cỡ cho khu vực đề đón tàu lớn, xuất, nhập khẩu trực tiếp là yêu cầu đặt ra hiện nay.

Nghị quyết Nghị quyết 13-NQ/TW cũng đã xác định nhiệm vụ xây dựng cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thành bến cảng đặc biệt có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 100.000 tấn; xây dựng cảng Hòn Khoai (Cà Mau) thành bến cảng biển tổng hợp có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn; xây dựng cụm cảng Cái Cui (TP. Cần Thơ), cảng Hậu Giang thành trung tâm logistics của vùng.

Hiện Bộ đang nghiên cứu dự án đầu tư cảng nước sâu Trần Đề, địa phương cũng đang kêu gọi đầu tư dự án này. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang nghiện cứu xây dựng cảng Hòn Khoai (Cà Mau) thành điểm trung chuyển lớn với Vịnh Thái Lan, khi có được 2 cảng biển quy mô lớn này thì hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực sẽ tập trung hết vào đây. Hạ tầng logistics hoàn chỉnh sẽ là điều kiện để vùng ĐBSCL thu hút mạnh dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư vào địa phương. Để chuẩn bị cho công tác xúc tiến mời gọi đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng cũng vừa công bố Danh mục 35 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có dự án cảng biển nước sâu Trần Đề.

Địa điểm dự án cảng Trần Đề nằm trên địa bàn huyện Trần Đề và thị xã. Vĩnh Châu, với diện tích khu đất là 4.550ha; mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển, với tổng diện tích 4.550 ha.

Cơ sở pháp lý để tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề) theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1831/QĐ-TTg, ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về ban hành danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: huyện Trần Đề đã cập nhật dự án vào dự thảo kế hoạch sử dụng đất 2022, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030.

Sau khi Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, cảng quốc tế Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết, với tính chất là dự án đặc biệt quy mô cấp vùng nên Dự án cảng biển Trần Đề được đề xuất mức ưu đãi cao nhất.

Theo đó, nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ được hưởng chính sách thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Miễn thuế trong thời hạn 5 năm (kể từ khi bắt đầu sản xuất) đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ