Bồi, khoai deo và… Fast food

Anh bạn là đồng nghiệp gõ đầu trẻ với tôi từ hơn 40 năm trước, hiện đang nghỉ ở quê, nhắn tin ra: “Này, sắp tới đây, xã Tân Hóa và huyện Minh Hóa sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Làng Du lịch tốt nhất” do “Tổ chức Du lịch thế giới” bầu chọn năm 2023.
NHÀ THƠ MAI NAM THẮNG
15, Tháng 02, 2024 | 07:35

Anh bạn là đồng nghiệp gõ đầu trẻ với tôi từ hơn 40 năm trước, hiện đang nghỉ ở quê, nhắn tin ra: “Này, sắp tới đây, xã Tân Hóa và huyện Minh Hóa sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Làng Du lịch tốt nhất” do “Tổ chức Du lịch thế giới” bầu chọn năm 2023.

Untitled

 

Nhiều khách Trung ương và cả khách nước ngoài cũng về đây dịp này. Ông phải cố gắng mà về dự nhé!”. Thế là ngồi thừ ra, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về…

Chúng tôi tốt nghiệp Sư phạm, được phân về quê dạy học ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Hồi đó, Tuyên Hóa bao gồm cả huyện Minh Hóa vừa sáp nhập vào. Tôi dạy học ở xã Thuận Hóa, thuộc Tuyên Hóa cũ, nhưng thỉnh thoảng lại dắt xe đạp vượt dốc Lớ vô Tân Hóa, khi đi họp hành, tập huấn, khi vô thăm bạn bè đang “cắm bản” nơi khỉ ho cò gáy. Tân Hóa là xã miền núi thuộc huyện Minh Hóa trước đây, nằm ở phía Tây Nam thị trấn Qui Đạt, lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, thường bị úng ngập mỗi khi mưa to. Nhiều lần vô thăm bạn, gặp trời mưa, đường ngập không ra Đồng Lê được, tôi phải ở lại trường. Đêm nằm trong ngôi nhà dành cho mấy giáo viên độc thân, văng vẳng tiếng ru hời từ trong xóm vọng ra: “Trời mưa dác chẳn queng hồi/Eng khôông lế cấy, ai tâm pồi cho eng ăn”...

Đấy là câu hát theo điệu “hò thuốc cá” của bà con người Nguồn ở Minh Hóa. “Nguồn” là danh từ chỉ một cộng đồng các dân tộc chiếm đa số ở Tân Hóa, Minh Hóa, như Mày, Khùa, Rục, A rem, Mã Liềng… Tiếng Nguồn có nhiều từ giống tiếng Kinh, dễ hiểu và dễ học. Năm 1981, thầy giáo Trần Trí Dõi vào điền dã để nghiên cứu tiếng Nguồn làm luận án Tiến sĩ ngôn ngữ học, khẳng định đấy là tiếng Việt - Mường cổ có ít nhiều biến thể. Theo đó, câu ca trên đây được “dịch” là: “Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ, ai giã bồi cho anh ăn”...

“Bồi” được chế biến từ bột ngô trộn bột sắn rồi đồ lên. Ngô thường tươi, vừa gỡ ở bắp ra hoặc ngô khô thì phải ngâm nước ấm qua đêm cho trương lên rồi cho vào cối giã. Sắn tươi bóc vỏ ngâm cho rã độc, mài nhỏ, vắt lấy bã trộn bột ngô, rắc thêm muối, cho vào cối giã thêm nữa. Chõ đồ bồi là chõ gỗ, cho bột vào phải lèn chặt để khi đồ xong, đổ ra chắc nịch, dùng dao cắt thành từng khoanh vàng ươm, rất ngon mắt. Bữa cơm bồi có bát canh lá khoai lang nấu với ốc vặn suối, là... thịnh soạn. Minh Hóa, Tuyên Hóa là đất nghèo thâm niên. Từng có câu chuyện tiếu lâm rằng, gà “quê choa” vãi thóc cho ăn thì bỏ đi vì chưa thấy thóc bao giờ.

Cùng với bồi, món khoai deo cũng là “đặc sản” cứu đói của quê tôi. Khoai deo làm từ khoai lang luộc, thái lát, phơi khô. Lát khoai khô dần, bé dần và nhăn nheo, nên gọi là khoai “deo”. Cái thứ quà quê mùa xấu xí như vậy, nhưng đã cứu đói biết bao thế hệ dân quê. Nhiều nhà quanh năm bữa nào cũng nồi khoai deo cõng lưa thưa vài hạt cơm. Khoai deo cứ để vậy ăn cũng được. Quà cáp cho nhau cũng khoai deo. Nhiều sinh viên Hà Nội những năm 60 - 70 thế kỷ trước từng được thưởng thức khoai deo của đám bạn Quảng Bình mang ra, nhiều người còn nhắc: “Cho phong trần, được phong trần/Cho khoai deo mới được phần khoai deo”…

Năm 1980 tôi đi bộ đội tổng động viên, tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc, rồi gắn bó với binh nghiệp đến ngày nghỉ hưu, định cư Hà Nội. Mấy chục năm xa Tân Hóa, Qui Đạt, Dốc Lớ gắn bó thời làm anh giáo “cắm bản”. Năm 1989, huyện Minh Hóa được tái lập, Tân Hóa với tôi thành ra là xã của “huyện khác” nên xa xôi cách trở lại càng thêm. Năm ngoái, tôi tham gia tour du lịch “Khám phá hang động Tú Làn”, mới trở lại Tân Hóa, ngỡ ngàng trước vùng “rốn lũ” năm xưa, nay thành địa chỉ du lịch nổi tiếng Tây Bắc tỉnh Quảng Bình.

Chuyện là, cách nay hơn chục năm, một vài gia đình trong xã có sáng kiến làm nhà trên “bè phao”, kết nối các thùng phi rỗng với nhau. Bình thường thì cả nhà, cả bè nằm vững chãi trên mặt đất. Khi ngập lũ thì nhà nổi trên bè, được cố định bằng cọc sắt hoặc bê tông định vị bốn góc nhà. Mô hình “nhà thích ứng” phát triển thành “làng thích ứng”. Năm 2014, Quảng Bình chủ trương huy động các tổ chức và doanh nghiệp hỗ trợ người dân xây dựng “nhà thích ứng” khung bằng thép, tường và mái bằng tôn kẽm. Đến nay toàn xã đã có 620 ngôi nhà như thế. Diện tích mỗi “nhà thích ứng” đủ cho gia đình sáu người sinh sống bình thường cũng như khi ngập lụt…

Thế rồi du khách trong Nam ngoài Bắc đi qua Quảng Bình trên đường Hồ Chí Minh, đến đoạn giữa hai trọng điểm nổi tiếng thời đánh Mỹ là đèo Đá Đẽo và Khe Ve thì ghé vào xem “làng thích ứng”. Nhiều người thích được trải nghiệm qua đêm, thích được ăn cơm bồi với canh cá khe và ốc suối, thích được người dân địa phương dẫn đi xem rừng lim cổ thụ nguyên sinh và khám phá hệ thống hang động Tú Làn, nghe nói thông sang tận Phong Nha, Kẻ Bàng, Thiên Đường, Sơn Đoòng…

Có cầu thì có cung, dịch vụ du lịch hình thành, nhiều ngôi “nhà thích ứng” được đầu tư thành homestay, bài trí rất… Tân Hóa mà cũng rất hiện đại với các tiện nghi làm hài lòng du khách. Đặc biệt, từ khi Tân Hóa trở thành phim trường cho một số bộ phim “bom tấn”, như: “Kong - Skull Island”; “Người bất tử”; “Truyền thuyết về Quán Tiên”... thì cái vùng “rốn lũ” này trở nên nổi tiếng. Tất nhiên, cùng với đó là sự nỗ lực của lãnh đạo, các ngành chức năng và bà con nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường, trật tự và an toàn xã hội. Đó là những tiêu chuẩn khắt khe mà Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) quan tâm xem xét khi trao Bằng chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất” (Best Tourism Village) năm 2023 cho Tân Hóa.

Vậy là từ một ngôi làng thấp trũng giữa núi non điệp trùng “khỉ ho cò gáy”, Tân Hóa đã từng bước hội nhập với thế giới toàn cầu, trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Điệu “hò thuốc cá” của các chị, các bà người Nguồn nơi đây đã được công nhân là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, khiến du khách muôn phương về Nguồn dự lễ hội Chợ Rằm tháng Ba rất thích thú. Những món ăn cơ cực nuôi sống bao đời dân quê, giờ đã trở thành đặc sản ẩm thực làm khoái khẩu những du khách nước ngoài. Khúc cơm bồi được đóng gói đẹp mắt từ những cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Lát khoai deo sản xuất theo qui trình khép kín hiện đại, có bao bì công nghiệp, nhãn mác hẳn hoi. Khoai deo Quảng Bình và cơm bồi Minh Hóa hiện rất ăn khách tại các siêu thị, cửa hàng ở Đồng Hới, Ba Đồn và các tiệm fast food ở động Phong Nha, động Thiên Đường, biển Nhật Lệ…

Chao ơi, thật thú vị khi nghe nói trong ba lô của các đoàn du khách ngoại quốc thám hiểm hang Sơn Đoòng nức tiếng toàn cầu, có cả những gói khoai deo và khúc cơm bồi thảo thơm dân giã…

Và trong giây phút thăng hoa cảm xúc, tôi nghĩ đến những hộp thực phẩm chức năng uy tín từ nguyên liệu ngô khoai Tuyên Hóa, Minh Hóa cùng các sản phẩm mang thương hiệu Fast food Quangbinh sẽ tràn ngập các cửa hàng ăn nhanh khắp năm châu bốn biển. Khả thi lắm chứ! Tại sao không?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ