Bộ trưởng Tài chính: Gần 43.000 tỷ nợ thuế không có khả năng thu hồi

Nhàđầutư
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài Chính cho biết tính đến 31/8, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.
THẮNG QUANG
22, Tháng 10, 2019 | 12:11

Nhàđầutư
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài Chính cho biết tính đến 31/8, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Sáng 22/10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo về xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế với chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng.

Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến cuối tháng 8 năm 2019 giảm xuống ở mức 6,9%.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

dinh-tinh-dung

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước...

"Chính phủ thấy rằng việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2020 mà không còn khả năng thu nộp ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết một trong những nguyên tắc là việc xử lý nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.

Về thẩm quyền, dự thảo Nghị quyết giao Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ.

Đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng.

Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

Thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban - Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho hay nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc xử lý số nợ thuế trên theo trình tự tại một kỳ họp như tờ trình của Chính phủ.

nguyen-duc-hai

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Tuy vậy, cơ quan này cũng đề nghị không xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thẩm tra ghi nhận Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm.

Ông Hải nói: "Việc này tạo sức ép về nhiệm vụ xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế, mặc dù ngân sách Nhà nước không còn khả năng thu từ các đối tượng này.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm.

Đồng thời, báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo nghị quyết này và có đánh giá tác động cụ thể.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng thông tin có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại.

Do vậy, việc khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phải được xử lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ