Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Doanh nghiệp chăn nuôi lợn lãi bao nhiêu, ai cũng biết!

Nhàđầutư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp lãi bao nhiêu, ai cũng biết rõ, nhưng việc thu lãi như thế có phải là điều tốt hay không? Rõ ràng là điều không tốt cho chính doanh nghiệp đó. Bởi nếu giá duy trì ở mức cao kéo dài, sẽ lại diễn ra tình trạng đổ xô vào nuôi lợn, rồi sẽ lại rớt giá.
PHƯƠNG LINH
26, Tháng 12, 2019 | 15:25

Nhàđầutư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp lãi bao nhiêu, ai cũng biết rõ, nhưng việc thu lãi như thế có phải là điều tốt hay không? Rõ ràng là điều không tốt cho chính doanh nghiệp đó. Bởi nếu giá duy trì ở mức cao kéo dài, sẽ lại diễn ra tình trạng đổ xô vào nuôi lợn, rồi sẽ lại rớt giá.

Sáng 26/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi tại Hà Nội. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kéo giảm tới mức xuống thấp nhất, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.

Nguyen- Xuan-Cuong

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những DN lớn hầu như ai cũng có "vũ khí đặc biệt riêng" và đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua chính là cơ hội để rút ra bài học xương máu.

Tính đến ngày 22/12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 23 xã, số lợn buộc phải tiêu hủy 29.627 con lợn. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11/2019 và giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, trước nguy cơ thiếu thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã chủ động phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn và thủy sản, do vậy tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726.000 tấn so với năm 2018. Trong đó, thịt bò tăng 8,6 ngàn tấn; thịt dê, cừu tăng 4,1 nghìn tấn; thịt gia cầm tăng rất mạnh, 193,6 nghìn tấn; sản lượng trứng ước đạt 13,2 tỷ quả, tăng 90 nghìn tấn; thủy sản 8,20 triệu tấn, tăng 430 nghìn tấn.

Chăn nuôi lợn năm nay gặp nhiều khó khăn, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).

Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y, tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đến nay, phải công bằng nhìn nhận sự thành công trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam là nhờ thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân, có mức tiêu thụ thịt lợn chiếm cơ cấu rất cao, tới 60-70% là thịt lợn.

Sự thành công của DN, nhất là các DN đầu tư nước ngoài trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn ở Việt Nam bên cạnh năng lực của DN, còn phải có điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận của chính sách, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi lợn hiện nay, các DN phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những DN lớn hầu như ai cũng có "vũ khí đặc biệt riêng" và đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua chính là cơ hội để rút ra bài học xương máu. 

“DN lãi bao nhiêu, ai cũng biết rõ, tuy nhiên việc thu lãi như thế có phải là điều tốt hay không? Rõ ràng là điều không tốt cho chính DN đó. Bởi nếu giá duy trì ở mức cao kéo dài, sẽ lại diễn ra tình trạng đổ xô vào nuôi lợn, rồi sẽ lại rớt giá", ông Cường nói.

Ông Cường đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các DN chăn nuôi lợn phải làm chủ cuộc chơi, đặc biệt là vai trò dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, để không chỉ thu lợi trong ngắn hạn, chụp giật, mà còn phải tạo sự ổn định thị trường 100 triệu dân, tiến tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế và trở thành cường quốc về chăn nuôi.

Theo Cục Thú y, dự báo đến hết tháng 12/2019, số lượng lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi ước giảm khoảng 74% so với tháng 11/2019, giảm 97% so với tháng 5/2019.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã hết dịch và triển khai tái đàn tốt, trong đó có các tỉnh có sản lượng lợn lớn như Hưng Yên, Hải Dương, Phó Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai… Vì vậy dự báo trong thời gian tới, tổng đàn lợn sẽ được khôi phục dần trở lại. Ngoài ra, hiện cả nước đã có 860 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và hàng chục DN chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học và chưa bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ