Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hiệu quả đầu tư càng ngày càng tốt lên

Trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư (ICOR) của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp phản ánh nước ta cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP và giai đoạn vừa qua đã làm khá tốt.
MY ANH
06, Tháng 11, 2020 | 17:44

Trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư (ICOR) của đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp phản ánh nước ta cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP và giai đoạn vừa qua đã làm khá tốt.

"Giai đoạn 2011 - 2015, ICOR của Việt Nam là 6,3; giai đoạn 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên, năm 2020 thì tăng lên do tình hình ảnh hưởng của COVID-19 và bão lũ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, cần có thời gian dài thì mới đánh giá được hiệu quả của các công trình đầu tư, có độ trễ. ICOR hàng năm chỉ làm để tham khảo trong điều hành, còn phải sau 5 năm mới đánh giá toàn diện được hiệu quả của việc đầu tư đó.

Trả lời về vấn đề hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người tại Quyết định 2085, Quyết định 2086, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là hai chương trình đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Tuy nhiên, 2 quyết định này ban hành vào năm 2016, tức là sau khi Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không kịp đưa vào trong kế hoạch này.

Đến năm 2019 Chính phủ mới báo cáo Quốc hội và đã đưa vào bố trí nguồn lực thực hiện chính sách của hai Quyết định này trong năm 2020. Do vậy nguồn vốn đã chậm hơn so với tất cả các chương trình khác.

Đặc điểm của hai chương trình này rất đặc thù: một là quy mô nhỏ, hai là nằm ở các vùng sâu, vùng xa và rất khó tiếp cận. Và cũng tiếp cận theo hai cách, phương thức công trình và phi công trình. Với công trình thì thực hiện theo Luật Đầu tư công, theo các thủ tục.

nguyen-chi-dung

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn chiều 6/11. Ảnh: Quochoi.vn

Quyết định 2086 là đối với đồng bào dân tộc rất ít người, chủ yếu thực hiện theo công trình thì giải quyết rất tốt. Hiện nay đã trên 60%, riêng Quyết định 2085 là đối với đồng bào ít người thì thực hiện hỗn hợp cả công trình và phi công trình. Mà như vậy thì phải có hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; vừa rồi Ủy ban Dân tộc đã ra hướng và đang triển khai nên Quyết định này triển khai bị  chậm hơn so với Quyết định 2086.

Về giải pháp ngắn hạn, ông Dũng cho biết sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép kéo dài chương trình đến hết năm 2021; còn về lâu dài thì đã thống nhất giữa Hội đồng Dân tộc và Chính phủ là sẽ gộp chung hai Quyết định này vào chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc ở miền núi trong giai đoạn tới. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề sinh kế và đất sản xuất.

Trước đó, vào chiều qua (5/11), là vị Bộ trưởng cuối cùng phát biểu sau 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH&ĐTđã dành nhiều thời gian để làm rõ về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và mục tiêu năm 2021.

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù đối mặt với các thách thức do COVID-19, bão lụt, nhưng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát thì được kiểm soát, các cân đối lớn thì được đảm bảo. Việt Nam là một trong số rất ít các nền kinh tế trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Các kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và càng ngày càng khẳng định nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt đã củng cố được niềm tin và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân cả nước.

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rút ra 4 “bài học kinh nghiệm quý giá”. Thứ nhất là, niềm tin và sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của người dân là hết sức quan trọng.

Thứ hai, tinh thần đoàn kết dân tộc, nhân ái của con người Việt Nam đã trở thành động lực chủ yếu, lan tỏa những hành động tốt đẹp, nhân văn trong xã hội.

Thứ ba, sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị trong hành động cũng là những bài học của chúng ta.

Thứ tư, tính tự chủ của nền kinh tế, khả năng chống chịu cũng như thích nghi của nền kinh tế là yếu tố nền tảng để chúng ta có thể đứng vững và vượt qua được những giai đoạn khó khăn.

Nhắc lại ý kiến một số đại biểu, Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang còn một số những tồn tại, hạn chế cần tập trung để xử lý trong trước mắt và lâu dài, đó là nền kinh tế đã có sự phục hồi nhưng không đồng đều, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cổ phần hóa và thoái vốn chưa đạt được kế hoạch, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng đang còn tiềm ẩn…

Trước đó, các ý kiến thảo luận tại hội trường cũng bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6% là tương đối cao và khó có khả năng thực hiện.

Đi sâu vào vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 dự báo nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ môi trường quốc tế, còn nhiều rủi ro và bất định, cạnh tranh giữa các quốc gia lớn, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài của dịch COVID-19, tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy có không ít những cơ hội và tiềm năng mà nước ta có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ như tác động tích cực từ các Hiệp định FTA, trong đó có EVFTA với EU, cơ hội thu hút FDI từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử, sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới sáng tạo, từ nguồn nhân lực dồi dào, năng động của chúng ta.

“Nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế thì khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ