Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thu bảo hiểm xã hội bắt buộc chủ hộ kinh doanh sai đối tượng nhưng đúng đạo lý

Nhàđầutư
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý việc thu sai BHXH bắt buộc với hơn 4 nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng Tài chính cho biết, về bản chất và đạo lý thì việc thu BHXH những đối tượng này là không có gì sai nhưng vướng các quy định pháp luật.
ĐÌNH VŨ
06, Tháng 06, 2023 | 13:10

Nhàđầutư
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý việc thu sai BHXH bắt buộc với hơn 4 nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể, Bộ trưởng Tài chính cho biết, về bản chất và đạo lý thì việc thu BHXH những đối tượng này là không có gì sai nhưng vướng các quy định pháp luật.

ho-duc-phoc-6.6

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. 

Một trong những vấn đề đáng chú ý được đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn là việc giải quyết vấn đề chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc, nhưng không đúng đối tượng theo quy định của Luật BHXH.

Cụ thể, từ năm 2003 tới năm 2016, BHXH các đại phương đã thu sai BHXH bắt buộc với hơn 4 nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể, trong đó đã giải quyết chế độ cho một số người, hiện còn lại hơn 2,7 nghìn người chưa được giải quyết chế độ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, về vấn đề thu sai đối tượng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị định 01 năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội.

Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn với khoảng 1.332 cá nhân.

Bộ trưởng cho rằng, về bản chất và đạo lý thì việc thu BHXH những đối tượng này là không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Vì quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên, những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm.

"Về bản chất, những đối tượng này vừa là chủ hộ vừa là người lao động, có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm bắt buộc có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì đối tượng này vừa là chủ nhưng cũng vừa là người lao động.

Trả lời chất vấn đại biểu về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Vấn đề này Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh. 

Bộ trưởng cho biết thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Về việc có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chưa phát hiện được tiêu cực.

Về giải pháp căn cơ, trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép tại nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ