Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ nguyên nhân chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Nhàđầutư
"Số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết.
THẮNG QUANG
06, Tháng 06, 2023 | 09:49

Nhàđầutư
"Số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết.

Sáng 6/6, phát biểu khai phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình, phiên chất vấn được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ sáng hôm nay đến hết sáng ngày 8/6.

Nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Ngoài 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của Nhân dân, cử tri và của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận Tổ và Hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy hoặc khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Nhân dân và doanh nghiệp. 

"Đây là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; trong đó, các vị Bộ trưởng: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ", ông Vương Đình Huệ thông tin.

vuong-dinh-hue

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình họạt động tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần "Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm" trong hoạt động chất vấn;

Ông Vương Đình Huệ đề nghị các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Chậm, trốn đóng bảo hiểm kéo dài

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là người đầu tiên trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cho biết có 99 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH. Nhóm lĩnh vực LĐ-TB&XH cũng được ĐBQH lựa chọn chất vấn với tỷ lệ cao nhất trong số các nhóm vấn đề chất vấn.

Báo cáo một số nội dung liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy vậy, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH.

Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động. 

Lý giải nguyên nhân, ông Đào Ngọc Dung cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài. 

Để hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo BHXH Việt Nam với nguyên tắc thu BHXH đến đâu, ghi nhận đến đó và giải quyết kịp thời quyền lợi đối với 206.400 người lao động nêu trên.

Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, BHXH một lần,...) và các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. 

Về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Năm 2022 gần 1 triệu hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng cho hay trong năm 2022 số người giải quyết hưởng BHXH một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021). 

Trong giai đoạn 2016-2022, cơ quan BHXH tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng). 

tra-loi-chat-van

 

Nói về nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng Dung cho rằng đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.  

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. 

"Cùng với sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn thì cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội,… Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính  hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH", vị Bộ trưởng nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ