Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: GDP giảm 0,5% nếu giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần

Nhàđầutư
"Nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ, tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%", Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình về đề xuất giảm giờ làm việc.
THẮNG QUANG
23, Tháng 10, 2019 | 19:12

Nhàđầutư
"Nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ, tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%", Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình về đề xuất giảm giờ làm việc.

Chiều 23/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các đại biểu chủ yếu thảo luận và tranh luận và tranh luận về việc tăng giờ làm thêm.

Giảm giờ làm việc xuống 44 giờ, giảm GDP 0,5%

Thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết đã có 170 ý kiến thảo luận tại tổ và 79 ý kiến phát biểu tranh luận tại hội trường, qua kỳ họp thứ bảy. Tại phiên họp hôm nay, có 53 ý kiến phát biểu, tranh luận, đề cập sâu vào 22 nhóm nội dung khác nhau.

Theo ông, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Về mở rộng khung thời gian làm thêm, ông Đào Ngọc Dung khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo ý kiến của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến xin trình Quốc hội xem xét, quyết định các phương án. 

dao-ngoc-dung1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Bảo Lâm.

Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này. Theo đó, việc giảm giờ làm việc bình thường, đây là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan, như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đối với Nhà nước và có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, nên cần phải được nghiên cứu, đánh giá và lượng hoá cụ thể.

Theo luật hiện hành, thời gian làm việc bình thường hiện nay là 48 giờ/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Qua báo cáo đánh giá của ban soạn thảo, hiện nay có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ, 3,6% thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ.

Vị Bộ trưởng cũng cho hay trong báo cáo cũng nêu rõ, hiện nay, 10 nước Asean có 8 nước bố trí 48 giờ như Việt Nam. Có 2 quốc gia bố trí thấp hơn là Singapore và Indonesia. Thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 USD/người/năm, gấp 12 lần Việt Nam.

Ông Đào Ngọc Dung dẫn chứng người ta tính toán nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thời gian lao động càng tăng lên. Indonesia hiện nay với dân số 270 triệu dân, tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia là 6%.

Khi ban soạn thảo sang nghiên cứu ở Indonesia họ nói là tại sao chúng tôi phải giảm giờ, họ đặt ra vấn đề giảm giờ, thời gian làm việc để chia sẻ công việc làm cho mọi người, họ nói câu đó, họ phải chấp nhận như vậy để chia sẻ việc cho nhiều người, tránh tình trạng thất nghiệp cao lên.

"Đứng về góc độ kinh tế, nếu như hiện nay giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ, Chính phủ chưa trình vấn đề này, nhưng sau khi đại biểu có ý kiến chúng tôi đánh giá sơ bộ cho thấy, nếu như giảm 48 giờ xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm là 208 giờ", ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Trong khi đó, Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội cho tăng giờ. Tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm. Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.

Ông phân tích điều này cho thấy chúng ta là một quốc gia đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Tính bình quân các chuyên gia dự báo nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam hiện nay phải phấn đấu làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%.

"Chính vì vậy, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu để đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ giảm giờ làm việc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

'Làm 9-10 giờ một ngày thì gia đình sẽ khó hạnh phúc'

Trước đó, vào đầu giờ chiều, góp ý về dự luật này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) cho rằng ở nước ta, từ năm 1999 chuyển sang làm việc 5 ngày/tuần, chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ.

Hiện nay, nước ta có hai nhóm người: Làm cho nhà nước lao động 5 ngày/tuần; làm cho doanh nghiệp 6 ngày/tuần, với 48 giờ/tuần. "Như vậy là không bình đẳng, trong khi các nước không tách riêng công chức và công nhân như ở nước ta", Bí thư TP.HCM dẫn chứng.

Theo đại biểu TP.HCM, từ sau năm 2000, các nước trên thế giới đã giảm dần giờ làm trong tuần, như: Ở Hàn Quốc làm 40 giờ; Đức còn hơn 26 giờ, trong khi nền kinh tế của quốc gia này đứng thứ 4 thế giới, đứng đầu châu Âu.

nguyen-thien-nhan

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM).

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nước ta nên có lộ trình chuyển từ 48 giờ làm xuống 40 giờ làm trong 10 năm, trước mắt có thể xuống 44 giờ, đến 2030 giảm xuống 40 giờ và so với thế giới nếu làm được như vậy cũng đã chậm 80 năm.

Vị đại biểu khẳng định làm thêm giờ, trong ngắn hạn, người sử dụng lao động có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập. Tuy nhiên, sức khỏe người lao động sẽ giảm sút, năng suất lao động không tăng.

"Người Việt Nam muốn gì? Ngoài mong muốn có thêm thu nhập việc làm, có nhà, thì có đến hơn 95% ý kiến mong muốn gia đình hoà thuận, con cháu ngoan, tiến bộ. Cứ làm một ngày 9-10 tiếng quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu", Bí thư TP.HCM nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng nói người lao động tự nguyện làm thêm thì chỉ đúng một phần. Bởi nếu, một dây sản xuất mà có tới một nửa nghỉ làm thì sẽ không hoàn thành sản phẩm. Do đó, muốn tăng năng suất lao động, chúng ta phải sử dụng công nghệ mới, giảm giờ làm.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung còn ý kiên khác nhau của dự thảo Bộ luật như về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương, đồng thời thẳng thắn góp ý về kĩ thuật xây dựng văn bản.

Tại phiên họp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật.

Bà Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ