Nguyên Phó Bí thư TP.HCM bật khóc trước Quốc hội khi nói về lương và giờ làm thêm của công nhân

Nhàđầutư
Tranh luận lại quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) tăng giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ là hợp lý, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư TP.HCM nghẹn ngào rơi nước mắt trước Quốc hội.
BẢO LÂM
23, Tháng 10, 2019 | 12:06

Nhàđầutư
Tranh luận lại quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) tăng giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ là hợp lý, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư TP.HCM nghẹn ngào rơi nước mắt trước Quốc hội.

Sáng 23/10, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Xin ý kiến Quốc hội 2 phương án tăng giờ làm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành.

Theo bà, có ý kiến tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động (NLĐ) ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho NLĐ.

"Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là NLĐ sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói.

thuy-anh

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Bảo Lâm.

Cũng theo bà, kế thừa quan điểm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và NLĐ có nhu cầu.

Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 2 phương án kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1 là quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để NLĐ biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của NLĐ.

Phương án 2 là nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng.

Nhưng, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Tranh luận nảy lửa về giờ làm việc của lao động

Tại phần thảo luận, có nhiều ý kiến đưa ra về việc tăng, giảm giờ làm thêm của người lao động. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn đại biểu Thái Bình) - Chủ tịch VCCI cho rằng, cơ bản nhất trí nhiều nội dung trong dự án bộ luật, nếu dự luật được thông qua sẽ tạo nên bước đột phá trên hai hướng bao trùm hơn và hội nhập hơn. Góp ý vào những nội dung cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, đại biểu Lộc đề nghị giữ như quy định hiện hành vì phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn.

"Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, Nhà nước khuyến khích giờ làm việc ít hơn là 40-44 giờ/tuần tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch VCCI phân tích quy định này hợp lý, hợp tình bởi nhiều lí do khác nhau. Kết quả cuối cùng giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho NLĐ, mặt khác chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, khả năng cạnh tranh giảm sút, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và NLĐ sẽ mất việc làm...

Trước ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn đại biểu TP.HCM) cho rằng cần phải phải tranh luận, và làm sáng tỏ. "Tôi chưa hiểu đại biểu Vũ Tiến Lộc căn cứ vào đâu để nói quy định này, chính sách này trong Bộ luật lao động nếu Quốc hội thông qua sẽ hợp lý, sẽ nhân văn và tự nguyện", bà Tâm nói.

quyet-tam

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nghẹn ngào tranh luận tại Quốc hội.

Bà Tâm quan tâm đến hai vấn đề là nhân văn và tự nguyện. Nguyên Phó Bí thư TP.HCM nhìn nhận nhân văn và tự nguyện xét ở khía cạnh nào, nói đến tự nguyện thì nghe từ đâu, nếu nói tự nguyện nghe từ NLĐ thì đó là một điều rất lạ.

"Tôi khá bất ngờ với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc. Tôi đã nghe rất nhiều công nhân phát biểu và những người làm công tác công đoàn. Họ nói rằng không muốn làm thêm giờ. Mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ, và chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao họ làm thêm. Vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói và chia sẻ, nhìn vào thực tế, tâm thế của người công nhân thì mới thấu hiểu họ.

"Thậm chí, nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người cha, mẹ nào muốn gửi con về quê không. Hay có những công nhân phải 2 đến 3 năm mới về quê. Những người công nhân không muốn trở thành gánh nặng của xã hội, họ phải đi làm. Nếu nói tự nguyện thì cần phải tranh luận, làm rõ", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào.

Từ đó, vị đại biểu này đặt ra câu chuyện vai trò của Quốc hội là làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải trong cuộc sống, có thời gian để nâng cao tay nghề, nâng cao giải trí, chăm sóc gia đình.

"Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định. Đại biểu khi phát biểu có nghĩ đến những quy định trong Hiến pháp về quyền con người phải được bảo vệ như thế nào không?. Nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người đã được quy định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động. Sức cạnh tranh của kinh tế không phải dựa vào sức lao động của NLĐ mà dựa vào năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc. Đó là tiến bộ của xã hội, bà Tâm bày tỏ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ