Bộ luật Lao động (sửa đổi): Đề xuất 2 phương án tăng giờ làm thêm

Nhàđầutư
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất 2 phương án về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
THẮNG QUANG
20, Tháng 09, 2019 | 08:43

Nhàđầutư
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất 2 phương án về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Sáng 20/9, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội, xem xét, cho ý kiến.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tại các địa phương, tham vấn chuyên gia, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý một bước dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn của dự án Bộ luật tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8/2019).

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiếp tục tham vấn các chuyên gia trong nước, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tích cực phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức hữu quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

thuy-anh

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Bảo Lâm.

Ngày 18/9, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trực tiếp chỉ đạo, làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì thẩm tra, Trưởng ban soạn thảo để nghe báo cáo về quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, về cơ bản, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý hầu hết các nội dung lớn, cơ bản của dự thảo Bộ luật. Đồng thời, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chính lý dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Chủ nhiệm Thúy Anh cho hay về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107) tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng thêm khung thời gian làm thêm giờ vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực: Da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống.

Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động, tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.

Loại ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Dù vậy, theo phản ánh của cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định.

Do đó, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề xuất hai phương án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Phương án 1 là giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2 là quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm.

Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

"Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Cũng theo bà, quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ