Bamboo Airlines: 'Gan cóc tía' của 'cơ trưởng' Trịnh Văn Quyết

Nhàđầutư
Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đặt tham vọng lớn mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế cho đến năm 2023 trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa đang cạnh tranh khốc liệt, nhiều hãng bay tư nhân đã bị khai tử, phá sản.
HỒ MAI
07, Tháng 04, 2018 | 09:11

Nhàđầutư
Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đặt tham vọng lớn mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế cho đến năm 2023 trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa đang cạnh tranh khốc liệt, nhiều hãng bay tư nhân đã bị khai tử, phá sản.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT, mới đây đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc mua 24 máy bay A321NEO từ tập đoàn Airbus.

Thỏa thuận này là một bước đi quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho sự ra mắt của Bamboo Airways. Hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ thông qua.

trinh van quyet

 Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz (phải) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc mua 24 máy bay A321NEO cho Bamboo Airways.

Dám làm dám chịu

Ngay sau khi FLC công bố tham vọng gia nhập thị trường kinh doanh vận tải hàng không, đã có không ít những nghi ngại đặt ra về tính khả thi của kế hoạch này. Bởi lẽ, kinh doanh vận tải hàng không đòi hỏi nhiều điều kiện đặc thù trong khi trên thị trường có rất ít bài học thành công nhưng lại có nhiều bài học thất bại.

Trong số 5 hãng hàng không được cấp phép từ năm 2007, hiện chỉ còn Vietjet Air trụ lại, Indochina Airlines phá sản, Trãi Thiên khai tử, Blue Sky không còn được nhắc tới. Air Mekong thì sau thời gian nợ nần triền miên, chịu “đòn” không thấu nên cũng phải chia tay bầu trời.

Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cất cánh tại Việt Nam với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc (AirSpeedUp), vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Tháng 10/2008, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) và chọn ngày cất cánh trùng với ngày sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng - ông chủ công ty - ngày 25/11/2008. Chỉ một năm sau, hãng hàng không này ngừng bay vì thua lỗ và sau đó phá sản, bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không. 

air mekong 12

Air Mekong "gẫy cánh" để lại nhiều nuối tiếc về một hãng hàng không truyền thống, hoạt động khá bài bản. 

Tháng 1/2015, hãng hàng không Air Mekong (còn gọi là Sếu đầu đỏ) chính thức bị khai tử khỏi thị trường hàng không Việt Nam sau gần 2 năm xin tạm ngừng khai thác để tái cơ cấu đội tàu bay. Thời điểm Air Mekong ngừng bay, ông Đoàn Quốc Việt - Chủ tịch BIM Group cho biết, dù đạt doanh thu khá cao (trung bình khoảng 80 đến hơn 100 tỷ đồng mỗi tháng), nhưng chi phí đội lên quá lớn.

Các chủ nợ của Air Mekong và Indochina Airlines không còn cách nào để thu hồi công nợ, buộc phải đưa 2 hãng hàng không này vào danh sách khách hàng có nợ xấu.

Kinh doanh hàng không được ví như cỗ máy đốt tiền vì trăm đầu vào, nhưng gần như chỉ có một đầu ra là tiền bán vé.

Indochina Airlines và Air Mekong đều có điểm chung là thuê, mua dịch vụ, phụ thuộc bên ngoài quá nhiều, trong đó có cả việc thuê hệ thống khai thác bảo đảm kỹ thuật, bảo dưỡng bảo đảm kỹ thuật với chi phí rất đắt.

Air Mekong thuê bốn chiếc máy bay Bombardier CRJ 900 từ hãng hàng không SkyWest Airlines, mỗi chiếc được trang bị 90 chỗ ngồi bao gồm cả hạng thương gia và tiết kiệm nhưng hãng phải chi không dưới 4 tỷ đồng/ngày để nuôi toàn bộ hoạt động của hãng.

Theo một số nguồn tin, chỉ trong trong 2 năm hoạt động, Air Mekong đã ngốn khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng, vượt quá sức chịu đựng của BIM, dù công ty mẹ đã lên kế hoạch lỗ trong vòng 3 năm đầu hoạt động.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Nghị định 92 năm 2016, doanh nghiệp chỉ được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi đáp ứng đủ điều kiện, đặc biệt là điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ.

Điều kiện cụ thể về vốn yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng về khoản tiền mà tổ chức tín dụng phong tỏa của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Khoản tiền này chỉ được giải phóng khi tổ chức, cá nhân được cấp phép hoặc có văn bản thông báo việc bị từ chối cấp phép.

Hay nói cách khác là doanh nghiệp phải nộp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng tại thời điểm lập hồ sơ xin cấp phép.

Đã có ý kiến cho rằng việc hãng hàng không Bamboo Airlines của ông Trịnh Văn Quyết đến nay vẫn chưa được cấp phép do Bamboo Airlines chưa trình được văn bản xác nhận số vốn hay nói cách khác là chưa chứng minh được có đủ năng lực tài chính.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã xác nhận số dư tiền gửi của Bamboo Airways tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Thanh Xuân thời điểm ngày 21/8/2017 là 700,3 tỷ đồng và đã góp đủ vốn điều lệ theo hồ sơ ban đầu.

Việc chấp nhận bị phong toả số tiền không nhỏ này đã phần nào xua đi những ngờ vực rằng kế hoạch cất cánh lên bầu trời chỉ là "đòn gió" của vị tỷ phú sinh năm 1975. Ông Quyết là tỷ phú tự thân trẻ nhất Việt Nam. Giàu có thứ hai sàn chứng khoán, cơ nghiệp khổng lồ này do một tay ông gây dựng qua mỗi ngày. Ông chịu trách nhiệm về sản nghiệp và uy tín của mình hơn ai hết. Thách thức đầu tư như vậy, liệu có phải một người đã có trong tay khối tài sản trị giá gần 45 nghìn tỷ đồng như ông Quyết không lẽ không nhìn thấy? Nhìn thấy nhưng ông vẫn dám làm và dám chịu.

FLC

 Khách hàng bay trực thăng FLC đi nhận nhà

Phép thử cho niềm tin của các nhà đầu tư

Theo Luật Hàng không, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, Bamboo Airlines vừa đủ để khai thác 10 tàu bay vận chuyển hàng không quốc tế, hoặc khai thác 30 tàu bay nếu chỉ vận chuyển hàng không nội địa.

Đáng lưu ý, con số 700 tỷ đồng (tương đương 31 triệu USD) vốn điều lệ của Bamboo Airlines không hề kém cạnh các đối thủ khác trên thị trường Việt Nam ở thời điểm ban đầu.

Thành lập năm 2007, với các cổ đông lớn Sovico Holdings và HD Bank, ban đầu hãng hàng không Vietjet Air có vốn điều lệ 600 tỷ đồng (tương đương 37,5 triệu USD tại thời điểm góp vốn). Trong khi đó, hãng hàng không SkyViet - hãng hàng không chưa kịp cất cánh đã phải giải thể - cũng chỉ có vốn điều lệ 300 tỷ đồng (tương đương khoảng 13,5 triệu USD) và phục vụ những đường bay trong nước.

Việc FLC lấn sân vào lĩnh vực hàng không diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không Việt mới chỉ có 4 cái tên gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air. 

Thời điểm cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) ước tính Vietnam Airlines nắm 43% thị phần nội địa và 28% thị phần quốc tế trong khi đó Vietjet Air nắm 42% thị phần nội địa và 11% thị phần quốc tế.

Trong năm 2017, có 94 triệu lượt khách qua các sân bay của Việt Nam, tăng 16%. Giai đoạn 2010-2017, lượng hành khách chuyên chở qua các sân bay của Việt Nam gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 17%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau đó là Myanmar tăng 16% và Indonesia tăng 12,5%. Cục Hàng không Việt Nam dự báo lượng hành khách hàng không ở Việt Nam sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 14% trong giai đoạn 2017-2020.

Do hoạt động đồng thời ở cả thị trường trong nước và quốc tế, Bamboo Airways sẽ cạnh tranh trực tiếp với cả Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar.

“Theo nội dung MoU và quy mô vốn điều lệ của Bamboo Airways, chúng tôi cho rằng quy mô đội bay của hãng hàng không mới này sẽ tăng từ 4 lên 24 tàu bay trong giai đoạn 2019-2025. Như vậy, Bamboo Airways kỳ vọng sẽ tăng lượng hành khách chuyên chở từ 1 triệu lượt khách trong năm 2019 lên 6 triệu lượt khách trong năm 2025”, HSC ước tính.

Dựa trên giả định Bamboo Airways có 70% là hành khách nội địa và 30% là hành khách quốc tế, HSC ước tính Bamboo Airways giành được 0,9%-4,2% thị phần trong nước và 0,7-1,6% thị phần quốc tế trong giai đoạn 2019 – 2025.

Dẫu sao thì tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đã "cưỡi lên lưng máy bay", không chỉ đưa tiền bạc mà đưa cả uy tín của mình gắn liền với dự án hàng không Tre Việt này. 

FLC từ lâu vẫn được nhắc đến như một ví dụ thành công về việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Hàng vạn lượt nhà đầu tư đã bỏ vốn vào các mã chứng khoán trong hệ sinh thái công ty của ông Quyết. Vị tỷ phú trẻ dám làm - dám chịu quyết định "lấn sân" sang hàng không, và như vậy, hẳn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng cần sẵn sàng một tinh thần như vậy nếu muốn đồng hành cùng vị tỷ phú trẻ. "Có chí làm quan, có gan làm giàu". Bamboo Airlines có thể coi là phép thử lớn đối với niềm tin của các nhà đầu tư vào FLC và "cơ trưởng" Trịnh Văn Quyết. 

Lãnh đạo Bamboo Airlines còn tiết lộ hãng có kế hoạch mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế cho đến năm 2023. Với kế hoạch này thì số lượng 24 máy bay nhận từ Airbus trong giai đoạn 2022-2025 thậm chí còn không đủ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ