Ai là lãnh đạo Cục Quản lý dược để xảy ra sai phạm trong vụ VN Pharma và Helix Canada?

Nhàđầutư
Nhiều lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược liên quan đến sai phạm trong vụ án "Buôn bán thuốc ung thư giả" được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ và chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật.
THẮNG QUANG
19, Tháng 09, 2019 | 13:33

Nhàđầutư
Nhiều lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược liên quan đến sai phạm trong vụ án "Buôn bán thuốc ung thư giả" được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ và chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay đang mở rộng điều tra các hành vi sai phạm liên quan đến vụ án "Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Công ty VN Pharma ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác.

Ngày 18/9 Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada", theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cấp phép hoạt động cho "công ty ma"

Trước đó, chiều 16/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành thông báo kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

TTCP khẳng định, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành Y tế đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; cấp phép nhập khẩu thuốc; cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam... Nếu việc này không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân.

Bo-y-te

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Bộ Y tế và Cục QLD. Ảnh: Thắng Quang.

Thanh tra việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 7 loại thuốc, TTCP cho rằng sau khi nhận hồ sơ xin cấp số đăng ký 7 thuốc, Cục Quản lý Dược (QLD) thực hiện quy trình các bước tiếp nhận, xử lý, thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký và giao cho các chuyên gia thẩm định theo quy trình. Tuy nhiên, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày; biên bản thẩm định chỉ ghi tuần thẩm định, không ghi ngày thẩm định lần đầu.

Để hướng dẫn việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc, năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22 quy định việc đăng ký thuốc. Tuy nhiên, TTCP chỉ rõ, nội dung Thông tư này còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ.

"Đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, dẫn đến hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời điểm năm 2009, đồng thời lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2011-2014 cũng phải chịu trách nhiệm chính vì thiếu quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư 22 cho phù hợp", Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Khi Thông tư 22 có hiệu lực thi hành, Bộ Y tế cũng chậm sửa đổi quy chế hoạt động của Hội đồng Tư vấn và Chuyên gia thẩm định thay thế quy chế cũ, mãi đến ngày 14/11/2014, Bộ Y tế mới sửa đổi quy chế này.

TTCP cũng phát hiện, trong cấp giấy phép nhập khẩu 3 loại thuốc cho Công ty VN Pharma, Tổ Chuyên gia Thẩm định đã để thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu chậm từ 28 đến 60 ngày, vi phạm quy định trong Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế.

Đáng chú ý, tại Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010 có nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

Trong Thông tư 47, Bộ Y tế chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47 là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngày 6/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam.

Từ việc ban hành Thông tư số 47 không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam không đúng quy định, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD.

Thanh tra việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix vào năm 2014, TTCP tiếp tục phát hiện Cục QLD đã xét duyệt cấp giấy phép hoạt động chậm 53 ngày so với quy định. Các thành viên Tổ Chuyên gia cũng không ghi ngày, tháng, năm thẩm định, Trưởng Tiểu ban Theo dõi việc thực hiện quy chế và Trưởng Tiểu ban Thẩm định về tài chính không ghi ngày, tháng, năm kết luận hoặc đề nghị; tại biên bản thẩm định cũng không ghi ngày, tháng lập và lỗi chính tả ghi địa chỉ của Công ty Helix.

TTCP cũng tiếp tục chỉ ra những bất cập trong Thông tư số 47 do Bộ Y tế ban hành. Trong Thông tư có nội dung chưa đầy đủ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong nước và với cơ quan Y tế nước ngoài nơi sản xuất, xuất khẩu thuốc.

Thông tư chưa quy định nội dung hồ sơ, hình thức, biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá các cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài và việc lưu hành thuốc tại nước sở tại; chưa quy định cụ thể các trường hợp phải tiến hành kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất thuốc để Tổ Thẩm định có căn cứ đánh giá doanh nghiệp sản xuất thuốc nước ngoài trước khi trình duyệt, cấp giấy phép hoạt động.

"Đây là một trong những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả và Công ty Helix không tồn tại trên thực tế nhưng không kịp thời phát hiện dẫn đến cấp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cho công ty này. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD", kết luận thanh tra khẳng định.

TTCP cũng phát hiện, trong công tác đấu thầu mua thuốc có một số thiếu sót, vi phạm như: Việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc có thiếu sót về thủ tục hành chính, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình sử dụng thuốc; Tổ Chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu chưa làm tròn nhiệm vụ được giao trong việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định.

truong-quoc-cuong

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế (nguyên Cục trưởng Cục QLD) phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra VN Pharma. Ảnh: Thắng Quang.

Việc ký, thực hiện hợp đồng còn sơ hở, tỷ lệ thực hiện hợp đồng mua thuốc thấp do xác định nhu cầu sử dụng chưa sát, không thống kê và báo cáo được các nhà thầu vi phạm, không thanh lý hợp đồng…

Những lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược nào "dính" sai phạm?

Từ kết quả thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam...

Bộ Y tế chỉ đạo Cục QLD và Vụ Kế hoạch - Tài chính tổ chức kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.

TTCP cho biết sẽ chuyển kết luận thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận này.

Đồng thời, kết luận cũng được chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra liên quan đến việc Công ty Cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất và các loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất, xử lý theo thẩm quyền mà Cơ quan An ninh điều tra đang tiến hành.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, thời điểm để xảy ra sai phạm trên, ông Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược (từ tháng 7/2007).

Ngày 25/4/2013, ông được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược. Ngày 21/11/2016, ông Trương Quốc Cường được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trong thời kỳ ông Cường làm Cục trưởng Cục QLD có Phó cục trưởng là ông Đỗ Văn Đông và ông Nguyễn Tất Đạt (hiện nay cả 2 ông đều đang đương chức).

Liên quan đến sai phạm này, đối với việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị về bản án vụ Công ty VN Pharma của VKSND TP.HCM ngày 22/9/2017 cho rằng tại quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17/12/2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 5000 mg với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục QLD làm Chủ tịch Hội đồng.

Việc ông Đỗ Văn Đông là người đã ký văn bản cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu lô hàng làm Chủ tịch Hội đồng là chưa đảm bảo tính khách quan.

Liên quan vấn đề này, Cục QLD cũng thành lập tổ thẩm định do ông Nguyễn Tất Đạt, khi đó là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, làm Tổ trưởng gồm 3 nhóm, nhóm thẩm định tiêu chuẩn chất lượng, nhóm thẩm định dược lý và nhóm thẩm định pháp lý hồ sơ. Căn cứ kết quả thẩm định, ông Trương Quốc Cường đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc.

Để xảy ra những sai phạm trên cũng phải nói đến trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế trong thời gian từ 2009-2014 như: Ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế; bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế từ tháng 8/2011 đến nay, ông Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ