'50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững'

Nhàđầutư
Khảo sát EESG (khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị) của VCCI cho thấy, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững còn yếu, 50% KCN cho biết, chưa nghe đến khái niệm này.
ĐÌNH VŨ
28, Tháng 03, 2024 | 15:23

Nhàđầutư
Khảo sát EESG (khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị) của VCCI cho thấy, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững còn yếu, 50% KCN cho biết, chưa nghe đến khái niệm này.

DDDN-KCN

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam. Ảnh: DDDN

Ngày 28/3, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam".

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cả nước có 418 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các KKT, 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Cùng với đó, việc phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Các mục tiêu đã khá rõ, tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, theo một khảo sát năm 2022 của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) về thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) tại 118 KCN trên cả nước cho thấy, các KCN vẫn còn khá thờ ơ với phát triển xanh, bền vững.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp, chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững (PTBV) còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

"Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.

vuong-minh-hieu

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.

Như vậy, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo,...

“Chúng ta sẽ hướng tới việc kết nối các khu công nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất công nghiệp.

Thứ nhất, yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi xanh là sự hợp tác giữa các nhân tố trong cùng một mạng lưới. Ví dụ trong khu công nghiệp thì đó là giữa các doanh nghiệp với nhau, trong quy mô thành phố là quan hệ giữa khu vực sản xuất công nghiệp với khu vực dân cư.

Thứ hai, là khả năng hợp nhất giữa các khoảng cách địa lý, với các khoảng cách gần thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, bà Hiếu cho biết.

Luật chơi mới đang đặt ra cho phát triển KCN Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, để phát triển các KCN bền vững cần có thể chế để doanh nghiệp thực hiện và vận hành, Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ ưu đãi về đất đai, thuế phí và các hình thức hỗ trợ khác.

nguyen-dinh-tho

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Xu thế chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh là bắt buộc, doanh nghiệp sẽ phải đối diện khó khăn cạnh tranh trước mắt và đối mặt 3 khủng hoảng toàn cầu là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đa dạng sinh học.

Do đó, theo ông Thọ, quy hoach KCN tuần hoàn, KCN sinh thái có nhiều vấn đề cần cân nhắc như: Liệu có đưa KCN sát lại khu dân cư hay không? Vấn đề thách thức rất lớn khi tạo ra KCN sinh thái là tạo ra bệnh viện cho công nhân, nhà ở cho công nhân tại KCN.

Cùng với đó, từ tháng 10/2023 châu Âu sẽ áp dụng biên giới carbon với nhiều sản phẩm, theo đó với KCN phải thực hiện kiểm kê, báo cáo và cấp chứng chỉ carbon với rác thải trong KCN, nhưng hiện nay rất hiếm doanh nghiệp để ý tới vấn đề này. Vậy KCN có đặt ra vấn đề này hay không? Đây là nội dung quan trọng và mới mà phải chuẩn bị từ bây giờ.

Bên cạnh đó, hàng hoá sang châu Âu không được liên quan phá rừng, từ năm 2025 phải chứng minh được sản phẩm không liên quan phá rừng.

“Như vậy, liên quan rác thải và đa dạng sinh học sẽ là những luật chơi mới mà bắt buộc doanh nghiệp chúng ta phải áp dụng. Nếu doanh nghiệp hiểu được rằng thực hiện sản xuất sạch là yêu cầu thực hiện, để tạo giá trị phải làm ngay từ đầu. Nếu chúng ta không tuân thủ cuộc chơi sẽ gạt bỏ mình ra khỏi cuộc chơi. Chúng ta có thể tuần hoàn ngay từ trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải cùng nhau cộng sinh”, ông Thọ nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24625.00 24645.00 24965.00
EUR 26253.00 26358.00 27524.00
GBP 30694.00 30879.00 31829.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26989.00 27097.00 27941.00
JPY 159.97 160.61 168.07
AUD 15907.00 15971.00 16458.00
SGD 18062.00 18135.00 18673.00
THB 665.00 668.00 696.00
CAD 18007.00 18079.00 18614.00
NZD   14619.00 15109.00
KRW   17.68 19.29
DKK   3525.00 3655.00
SEK   2280.00 2369.00
NOK   2246.00 2334.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ