Yeah1 lên tiếng về lùm xùm mua bán cổ phiếu

Nhàđầutư
Yeah1 khẳng định các nghiệp giao dịch cổ phiếu hay mua lại một số công ty hoàn toàn minh bạch và được ban lãnh đạo, các cổ đông lớn thống nhất, thông qua.
NGHI ĐIỀN
19, Tháng 07, 2018 | 07:35

Nhàđầutư
Yeah1 khẳng định các nghiệp giao dịch cổ phiếu hay mua lại một số công ty hoàn toàn minh bạch và được ban lãnh đạo, các cổ đông lớn thống nhất, thông qua.

37cyeah1

 Một chương trình của Yeah1

Ngày 26/6, 27,37 triệu cổ phần YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 được chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM(HOSE) và ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư với giá chào sàn ngất ngưởng: 250.000 đồng/ CP.

Mức giá vượt xa các 'ông kẹ' của thị trường chứng khoán Việt như SAB, VNM, CTD...khiến nhà đầu tư không khỏi dè dặt với cổ phiếu YEG.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng nghi ngại về một số động thái có phần lạ lùng của lãnh đạo và cổ đông Yeah1 trước và sau khi lên sàn.

Cụ thể, tính tới ngày 21/4, hai cổ đông lớn nhất của Yeah1 là Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (DFJV) nắm lần lượt 11,3 triệu và 9,8 triệu cổ phần. Nhưng tới cuối tháng 5, trước khi chào sàn một tháng thì số cổ phiếu của ông Tống giảm 3,91 triệu cổ phần, DFJV giảm 7,82 triệu cổ phần. Yeah1 xuất hiện thêm một cổ đông mới là ông Hồ Ngọc Tấn với số cổ phiếu đúng bằng 3,91 triệu cổ phần.

Trong bản cáo bạch phát hành, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cam kết sẽ mua toàn bộ 3,91 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi niêm yết với mức giá 300.000 đồng/ CP. Một phần số tiền thu về từ đợt phát hành, khoảng hơn 300 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào ba doanh nghiệp có vốn điều lệ khá nhỏ, chỉ từ 2-20 tỷ đồng, không khỏi khiến giới phân tích đặt vấn đề Yeah1 tăng vốn ảo và 'làm giá' cổ phiếu. 

Ngày 18/7, Yeah1 đã có công văn báo cáo HOSE về các vấn đề trên.

Về giao dịch cổ phiếu của các cổ đông lớn DFJV và Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Yeah1 giải thích bản chất của giao dịch này là việc tái cơ cấu cổ đông dựa trên một thoả thuận (restructure deal) giữa các cổ đông lớn và nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, DFJV sẽ bán 7,82 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi YEG lên sàn. Tuy nhiên do DFJV đang là cổ đông nội bộ nên khi niêm yết, quỹ đầu tư này không thể chuyển nhượng trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Các cổ đông sau đó thống nhất việc chuyển nhượng chia làm ba bước: DFJV bán 7,82 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, ông Tống sau đó bán lại cho 6 cá nhân khác không thuộc diện hạn chế chuyển nhượng để các cá nhân này có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo thoả thuận vào ngày thứ hai sau khi cổ phiếu YEG niêm yết.

Trong quá trình này, DFJV không bán trực tiếp cho 6 cá nhân vì căn cứ trên nguyên tắc đàm phán, tin tưởng, DFJV muốn bán cho người điều hành YEG. 

Ngoài ra, theo thoả thuận, ngay sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua 7,82 triệu CP với giá 300.000 đồng/ CP thì DFJV sẽ mua cổ phiếu mới do YEG phát hành bằng 50% số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài đã mua (3,91 triệu CP) với đúng mức giá 300.000 đồng/ CP. Tuy nhiên do tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đã xấp xỉ giới hạn 49% nên ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đứng ra mua số cổ phần này. Ngay sau khi YEG hoàn tất nâng 'room' ngoại lên 100% thì DFJV sẽ mua lại 3,91 triệu cổ phiếu này theo thoả thuận. 

Do vướng quy định hạn chế chuyển nhượng, ông Nhượng Tống tiếp tục thông qua ông Hồ Ngọc Tấn để thực hiện giao dịch trên.

Tóm tắt lại, để tránh các ràng buộc cổ phiếu sau khi niêm yết, DFJV đã thông qua Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và 6 cá nhân để chuyển nhượng 7,82 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Tống thay mặt DFJV mua 3,91 triệu cổ phần phát hành mới. Đây cũng là số cổ phần ông Tống đã chuyển nhượng cho một cá nhân trung gian là ông Hồ Ngọc Tấn. DFJV sẽ mua lại từ ông Tấn sau khi Yeah1 được nới 'room'. 

Theo Yeah1, số lượng cổ phần của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống trước và sau khi hoàn thành giao dịch là không đổi: 11,33 triệu cổ phần. Toàn bộ các giao dịch được thực hiện theo thoả thuận với nhà đầu tư nước ngoài, tránh bị hạn chế chuyển nhượng, vừa đảm bảo Yeah1 có dòng tiền mới để hoạt động và đầu tư như đã cam kết. 

Yeah1 khẳng định đây là quá trình 'restructure' cơ cấu cổ đông khá phổ biến của các công ty trước khi niêm yết nhằm đáp ứng quy định chứng khoán cũng như nhu cầu của nhà đầu tư. Nghiệp vụ này được công ty chứng khoán uy tín HSC tư vấn và phù hợp với thông lệ trên thế giới. Sau quá trình này, chỉ có DFJV hiện thực hoá một phần lợi nhuận sau 10 năm đầu tư, trong khi Yeah1 huy động được khoảng 50 triệu USD để tiếp tục phát triển. Các cổ đông khác hoàn toàn không rút vốn và cam kết đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.

Về việc chi hàng trăm tỷ đồng mua 3 công ty 'bé hạt tiêu'

YEG dự kiến chi 117,6 tỷ đồng mua cổ phần chi phối của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Quảng cáo Truyền thông BlueX (vốn điều lệ 10 tỷ đồng, mới thành lập). YEG cho hay mức giá bỏ ra dựa trên cam kết của cổ đông sáng lập BlueX, tiềm năng lợi nhuận và chiến lược kinh doanh mà YEG đã đánh giá được từ thương vụ này. Việc giải ngân cũng sẽ thực hiện theo tiến độ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh định kỳ hàng quý của BlueX được soát xét bởi công ty kiểm toán theo chỉ định của YEG. Các cổ đông của BlueX cam kết gắn bó làm việc lâu dài sau khi bán vốn, cam kết lợi nhuận tối thiểu hàng năm và không tham gia các hoạt động có tính chất cạnh tranh với BlueX.

Với CTCP Công nghệ và Truyền thông ADSBNC (thành lập năm 2014, vốn 2 tỷ đồng), YEG dự kiến chi 117 tỷ đồng đầu tư vào doanh nghiệp này. Theo giải thích của YEG, lãi sau thuế của ADSBNC năm 2017 là 10 tỷ đồng. Mức định giá tương đương PE 11x lợi nhuận sau thuế. Việc giải ngân cũng sẽ được thực hiện thận trọng như đối với BlueX. 

Về phần CTCP Truyền thông trực tuyến Netlink (thành lập 2007, vốn điều lệ 20 tỷ đồng), YEG cho hay Netlink là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á và là 1 trong 5 đơn vị trên toàn cầu nhận được giấy phép Đối tác xuất bản trên tất cả các nền tảng của Google. Giấy phép có giá trị này cho phép Netlink hợp tác với nhà phát triển web, ứng dụng và nhà phát triển trò chơi trên web để quản lý không gian quảng cáo, ứng dụng và trò chơi được xuất bản trên toàn cầu. 

Theo báo cáo tài chính được PwC kiểm toán năm 2017, Netlink lãi sau thuế 12 tỷ đồng. YEG định giá Netlink ở mức 156 tỷ đồng, tương đương PE 13 lần. Hiện YEG nắm 76% cổ phần Netlink và sẽ chi 37,5 tỷ đồng mua tiếp 23,9% để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 99%.

YEG khẳng định đã tìm hiểu kỹ thông tin, dựa trên tiềm năng tăng trưởng, sinh lợi của các công ty mục tiêu sau khi trở thành thành viên trong hệ sinh thái truyền thông đa kênh của YEG. Mức định giá P/E của các công ty mục tiêu vào khoảng 11x-13x lợi nhuận sau thuế. So với mức P/E trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực và trên thế giới là 30x, mức định giá của YEG vào ba doanh nghiệp trên là hợp lý và có lợi cho cổ đông của YEG. 

Với việc mua lại các công ty nhỏ này, Yeah1 cho biết sẽ phát triển trở thành một hệ sinh thái giúp liên kết các nguồn lực và tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần cho các start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) đơn lẻ, đơn độc trên thị trường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ