Xử lý nợ xấu đã 'thực chất hơn' nhưng sở hữu chéo vẫn 'hết sức phức tạp'

Nhàđầutư
Đến cuối tháng 7/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 794,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 492,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 62%); nợ xấu bán cho VAMC là 281,8 nghìn tỷ đồng và nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác 19,7 nghìn tỷ đồng.
HOÀI NGÂN
22, Tháng 10, 2018 | 16:43

Nhàđầutư
Đến cuối tháng 7/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 794,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 492,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 62%); nợ xấu bán cho VAMC là 281,8 nghìn tỷ đồng và nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác 19,7 nghìn tỷ đồng.

Trong tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã trở nên "thực chất hơn" tuy nhiên tình trạng sở hữu chéo hiện vẫn đang "hết sức phức tạp". Đây là những đánh giá đáng chú ý của Chính phủ trong báo cáo mới nhất vừa được gửi tới Quốc hội.

Xử lý nợ xấu thực chất hơn

Theo Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, đối với vấn đề tái cơ cấu các TCTD, đến năm 2020, gồm 2 mục tiêu định lượng và 4 mục tiêu định tính. Tiếp đó, Nghị quyết 27 của Chính phủ đã xác định 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện các mục tiêu này. Đánh giá sơ bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có 4 nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng, 3 nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả bước đầu.

Đồng thời, khung khổ thể chế tạo cơ sở pháp lý cho quá trình cơ cấu lại các TCTD được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 có hiệu lực từ 15/01/2018), Chính phủ đã ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết 42, theo đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, triển khai với lộ trình cụ thể đảm bảo tính khả thi, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý thúc đấy quá trình cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu .

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại Quốc hội, việc xử lý nợ xấu tại các TCTD được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Lũy kế từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 794,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 492,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 62%); nợ xấu bán cho VAMC là 281,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,5%) và nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác 19,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,5%).

Chất lượng tài sản của TCTD được cải thiện, cơ cấu danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản có dịch chuyển theo hướng tích cực, an toàn hơn, dòng vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tại thời điểm tháng 6/2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 9,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 17,55%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,54%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 6,57%; tín dụng đối với lĩnh vực DNNVV tăng 4,48% so với cuối năm 2017.

Một điểm nhấn khác là tín dụng đối với hầu hết các ngành kinh tế đều tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp (chiếm tỷ trọng 21,37%, trong đó ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 16,32%), ngành xây dựng (chiếm tỷ trọng 9,80%) và ngành thương mại dịch vụ (chiếm tỷ trọng 59,09%, trong đó ngành bán buôn bán lẻ chiếm tỷ trọng 19%).

Sở hữu chéo vẫn 'hết sức phức tạp'

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các TCTD vẫn cho thấy một số hạn chế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc tái cơ cấu vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, xử lý như việc thực hiện cơ cấu lại đối với các NHTM có vốn Nhà nước gặp khó khăn về vốn, chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô hoạt động.

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, trong khi đó nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước cũng hết sức hạn chế.

Việc thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác của các ngân hàng mua lại bắt buộc chưa được thực hiện, do phát sinh vướng mắc liên quan đến quy định về việc chuyển nhượng vốn của ngân hàng thương mại mua bắt buộc phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định về yêu cầu kết quả định giá doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt, tình trạng sở hữu chéo các TCTD đã được xử lý bước đầu, nhưng còn phức tạp, với nhiều hình thức sở hữu tinh vi, khó phát hiện hơn. Tình trạng sở hữu chéo khó xử lý với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, việc này rất tinh vi nên thanh tra phải kỹ lưỡng mới phát hiện ra. Mặc dù tình trạng sở hữu chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý tích cực, tuy vậy, tình trạng sở hữu chéo tại một số TCTD còn chưa được giải quyết dứt điểm.

"Nguyên nhân chủ yếu là do việc xử lý sở hữu chéo thực chất là vấn đề xử lý và chuyển nhượng cổ phần nên TCTD cần có phương án, lộ trình triển khai từng bước (để xác định thời điểm, mức giá và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp…) nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho TCTD và cơ quan Nhà nước trong bối cảnh TCTD là công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Không chỉ vậy, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại, đặc biệt đối với các ngân hàng mua bắt buộc.

Bên cạnh đó, còn một số vướng mắc trong triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 do công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu; một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung Nghị quyết 42/2017/QH14 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ